Inrasara

Tản mạn về văn học Đông Nam Á

Bóng đá Đông Nam Á bị xem là vùng trũng của thế giới. Đó là chuyện không bàn cãi. Dẫu kinh tế hay thu nhập đầu người của vài nước châu Phi hay Nam Mỹ có thể nghèo, thấp hơn rất nhiều so với một số nước Đông Nam Á, nhưng nền bóng đá họ so với ta: vượt trội. Điều này có thể đổ lỗi cho nhỏ, yếu của thể tạng dân tộc Đông Nam Á. Nhưng tại sao văn học, chẳng dính dáng gì đến cơ bắp hay chiều cao?

Câu chuyện lịch sử các quốc gia nhược tiểu chịu sự "đô hộ" của nền văn minh lớn đã thuộc về quá vãng. Ngàn năm lệ thuộc, chúng ta quen sống/suy nghĩ theo kiểu có sẵn, nên mặc cảm nhược tiểu cứ như là thuộc tính cố hữu của chúng ta. Rồi khi thực dân phương Tây mở rộng thuộc địa, xua quân sang các nước châu Á, châu Phi xâm chiếm và cướp bóc. Họ cướp đất đai, tài nguyên và khốn thay, mưu toan cướp luôn cả tâm hồn các dân tộc của đất nước họ chiếm đóng. Châu Á, châu Phi vừa chịu quy phục sức mạnh quân sự phương Tây đồng thời không ít nước quy phục sức mạnh văn hóa của kẻ văn minh đi "khai hóa" mình. Suốt cả thế kỷ. Rất nặng nề. Cho đến khi chế độ thực dân suy sụp khắp thế giới, tâm lý hậu thuộc địa vẫn còn ám ảnh tâm hồn các dân tộc bị đô hộ. Trong đó Đông Nam Á chịu hậu quả nghiêm trọng và dai dẳng hơn cả, có lẽ vậy.

Như thể là một định mệnh. Vừa thoát khỏi nền văn học song ngữ đầy mặc cảm được vài trăm năm, văn học tiếng bản địa Đông Nam Á đã bị đánh tiếp đòn phủ đầu. Như thể đứa trẻ chưa đầy ba thế kỷ rời khỏi cái bóng rậm rạp to tướng là văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, chưa luyện tập cho mình bước đi vững chãi dưới nắng mặt trời, lại bị phủ rợp trong bạt ngàn cái ô lấp lánh của văn minh Âu Mỹ. Mặc dù với tinh thần dân tộc quật cường trả giá bằng bao nhiêu xương máu, ta đã tống khứ thực dân châu Âu về nước; và dù ta cũng đã có được tinh thần tự do, dân chủ, nhưng cái ô dù kia vẫn ở lại. Không phải trên mảnh đất quê hương ta, mà ngay trong tâm hồn ta. Ta lại tiếp tục chương trình say mê họ hoặc xa lánh hay chống báng họ của ta nữa. Vọng ngoại và bài ngoại mãi song hành tồn tại trong tâm thức dân tộc Đông Nam Á.

Nếu ngàn năm trước, ông bà ta thuộc lòng Upanisads, Mahabharata, Long Thọ, thuộc cả hành vi, thái độ của Khỉ vương Rama rồi thì, nghiền nát như cháo Khổng Lão Trang, Hồng Lâu mộng, Đông Chu liệt quốc, cùng là cơ man mưu trí nhặm lẹ của cuộc so tài Tào Tháo-Khổng Minh,… nhớ đến từng chi tiết tưởng không cần thiết phải nhớ; thì trăm năm nay, ông cha hay con cháu ta cũng có thể đọc vanh vách tên các ông Goethe, Nietszche, Victor Hugo, Lamartine, Dostoievski, Henri Miller, những Tấn trò đời hay Giã từ vũ khí hoặc Sông Đông êm đềm… với cơ man ism mà không ngại… sai chính tả!

Được thôi! Học tập, thâu thái cái hay điều quý của người không có gì xấu hổ hay mặc cảm cả. Phiền là: ở chiều hướng ngược lại, có ông Tây bà Tàu nào bỏ công học tập, nghiên cứu Truyện Kiều của Việt Nam hay Phra Ăngphraymani của Xủn Thon Phu của Thái Lan? Còn hôm nay, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Thu Hương… được dịch ra tiếng Anh, Pháp bởi mục đích văn chương thì ít, mà bởi chuyện ngoài lề nào khác thì nhiều hơn.

Akayet Pram Dit Pram Lak của Cham-pa hay Riêm Kê Cam-pu-chia, Seri Rama In-đô-nê-xi-a oách thế, cũng chỉ là phái sinh của Ramayana Ấn Độ. Lớn như Nguyễn Du cũng đành chấp nhận "tiếp thu và sáng tạo" từ Thanh Tâm tài nhân!

Xưa đã thế, nay cũng không hơn gì. Hoa tâm (Trung Quốc là trung tâm, ngày trước), Âu tâm (phương Tây, sau đó) rồi Mỹ tâm (Hoa Kỳ, hiện nay) cứ thay nhau làm mưa làm gió khắp mặt báo, trang văn trong cuộc chơi chữ nghĩa của Đông Nam Á. Ngoài kia, Houellebecq vừa ra mắt tiểu thuyết mới hay Henri Miller có bồ nhí liền được báo chí ta biến ngay thành sự kiện. Còn ta, Văn Cao hay Bùi Giáng lớn là thế, mất, có mấy tờ báo Âu Mỹ đưa tin? Báo chí Bru-nây hay Cam-pu-chia chẳng thiết nữa là! Ngó qua lĩnh vực bóng đá: mớ dây chằng cái đầu gối của Ronaldo hay kiểu tóc sớm nắng chiều mưa của Beckham được cập nhật đều đặn trên trang nhất các tờ báo thể thao "uy tín", nóng hôi hổi. Còn SEA Games mình? Có chăng khi Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á cần đến FIFA ghé qua xem xét vụ bán độ (Ma-lay-xi-a 6 năm trước hay Việt Nam 2005)!

Đó là thực tế! Đau, nhưng chịu.

Không ít lần chúng ta đã quyết chí vượt thoát khỏi sự che rợp của mấy cái bóng kia: Champa, Chân Lạp từng biết chọn Núi Thiêng (Meru), quanh đó họ xây dựng đền tháp, quyết tuyên xưng cái nôi trung tâm vũ trụ của mình. Thánh địa Mỹ Sơn hay Ăngko Vát là chứng tích cho vụ trỗi dậy phạm húy đó. Hay cả việc Quang Trung dũng mãnh thử nghiệm đưa chữ Nôm vào việc triều chính nữa!

Nhưng rồi, đâu lại vào đấy!

Đông Nam Á vẫn cứ là vùng trũng của văn học thế giới. Không phải ngoại vi, mà là vùng trũng, đúng theo nghĩa đen của nó. Hai thập niên đầy sôi động, chỉ tính Giải Nobel văn chương thôi, trong lúc những dòng văn học [lâu nay bị cho là] ngoại vi (the peripheral literature) khắp nơi đang nỗ lực giành và giành được bao thành tích chói lọi: từ Guatemala [1], Ô-xtrây-li-a [2], Cô-lum-bi-a [3], Chi-le [4], Ba Lan [5] hay Ai Cập [6], Ni-giê-ri-a [7], Nam Phi [8] cho đến Ấn Độ [9], Trung Quốc [10],… như thể một cuộc vây ráp tấn công vào vài nền văn học từng ngạo mạn vỗ ngực xưng ta là trung tâm; thì Đông Nam Á cứ như đứng nhìn. Không so đọ đâu xa, ngay cạnh ta thôi: Nhật Bản với những tên tuổi Kawabata [11] và Kenzaburo Oe [12], ta cứ là kẻ ngoài cuộc!

Người thiên hạ coi ta là vùng ngoại vi, thây kệ họ. Chính ta tự coi mình và coi nhau như thế. Mới lạ!

Inrasara Phú Trạm, QĐND (chú thích của Đông Tỉnh)

[1Miguel Angel Asturias (1899-1974) đoạt giải Nobel năm 1967

[2Patrick White đoạt giải Nobel năm 1973

[3Gabriel García Márquez đoạt giải Nobel năm 1982

[4Pablo Neruda (1904-1973) đoạt giải Nobel năm 1971

[5Czeslaw Milosz (1911-2004) đoạt giải Nobel năm 1980 và Wislawa Szymborska đoạt giải năm 1996

[6Naguib Mahfuz đoạt giải Nobel năm 1988

[7Wole Soyinka đoạt giải Nobel năm 1986

[8Nadine Gordimer đoạt giải Nobel năm 1991

[9Rabindranath Tagore (1861-1941) đoạt giải Nobel năm 1913

[10Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel năm 2000

[11Yasunari Kawabata (1899-1972) đoạt giải Nobel năm 1968

[12Kenzaburo Oe đoạt giải Nobel năm 1994