“TÌNH CA NHẠC TRẺ” - NHẠC PHÁP CỦA CHÚNG TÔI (1)

Nam Nguyen

(Khi tôi vừa post lại bài Đừng nghe chàng hát thì nghe tin dữ về vụ khủng bố cực kỳ thảm khốc ở Nice, đúng ngày quốc khánh Pháp! Thật khủng khiếp, nhưng cũng đừng trách người Pháp “chủ quan” — họ đang xem pháo hoa, một thứ văn hóa cũng do họ dạy cho chúng ta (mà học chưa thấu, còn muốn xem pháo hoa chống đói?!). Nước Pháp sau đau thương này sẽ lại đứng lên, có lẽ bằng chính vũ khí mạnh nhất xưa nay của mình —văn hóa! Chia xẻ thương đau với nước Pháp, tôi ngồi xuống và ghi lại cảm nhận của chính mình về một phần văn hóa Pháp— “nhạc trẻ Pháp” mà tôi xin gọi đó là “của chúng tôi”!)

Sau 30/4/1975 văn hóa miền Nam ào ạt tràn ra bắc, phải nói người được hưởng lợi nhất chính là lũ học sinh cấp 2, cấp 3 chúng tôi. Thật là lạ lẫm khi tiếp xúc với các bạn đồng niên, và họ học 12 lớp, có những khái niệm trong học toán mà chúng tôi là dân chuyên còn chưa được học (như tổ hợp, ánh xạ...) và ngạc nhiên nhất là học sinh ra trường phải thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp! Sách báo thì quá phong phú, nhạc nghe đủ các thể loại (trong khi đó bà con của tôi trong Nam phải rất e dè, hầu như chả dám giữ lại văn hóa phẩm gì trong nhà vì sợ phiền phức!). Và gần như ngay lập tức tuổi “teen” miền Bắc đến với một dòng nhạc mà chúng tôi yêu thích nhất-nhạc trẻ!

Dòng nhạc trẻ tồn tại ở miền Nam từ đầu những năm 60 thế kỷ trước, công đầu phải kể đến nhạc sỹ Phạm Duy đã quyết định phổ cập nhạc quốc tế bằng cách phổ lời Việt và tổ chức trình diễn chúng, điều mà giới trẻ đón nhận rất nồng nhiệt. Các ca sỹ thời đó hát lại những bài do các ca sỹ nổi tiếng thập niên đó như Christophe, Dalida, Nana Mouskouri, Mireille Mathieu... trình diễn, thường bằng cả lời Pháp-Việt và Anh-Việt, và phải công nhận rằng lúc đó nhạc Pháp lời Việt nhiều và hay hơn nhiều so với những bài tiếng Anh! Ở miền Bắc chúng tôi không được học cả tiếng Anh lẫn Pháp, thì việc nghe thưởng thức thì không sao, nhưng hát lại thì chỉ có phần lời Việt thôi, tuy vậy thế cũng là quá hay rồi! “Người lớn” cũng nghe, nhưng học trò chúng tôi ngoài nghe ra còn hát, hát thường với cây đàn guitar, trong mọi dịp có thể như tụ tập, sinh nhật, đi chơi xa... Nghe (và ghi băng) thời đó phổ biến nhất là máy cassete “cục gạch”, rồi các loại máy nghe băng cối, mỗi lần muốn ghi băng thường phải bê nguyên một máy từ nhà người này đến nhà người khác! Trước 1975 thần tượng của giới trẻ miền Nam là Brigitte Bardot và không nghi ngờ gì nữa, thời sau đó chúng tôi thích nhất được mặc quần loe, áo đuôi tôm, đi xì-bô, tóc dài và thần tượng của tất cả giới trẻ miền Bắc lúc đó là Thanh Lan —ca sỹ xinh đẹp với nốt ruồi duyên (mà chúng tôi chỉ được nhìn qua ảnh) và hát hay cả tiếng Pháp và tiếng Anh! Tất nhiên ngoài chị còn có rất nhiều ca sỹ khác hát nhạc trẻ Pháp hay, mà nổi bật nhất là Ngọc Lan những năm 80...

Phải nói là lứa chúng tôi lớn lên cùng với nhạc trẻ, mà nếu “nhạc vàng” có đỉnh cao là “Sơn Ca 7” thì “nhạc trẻ” có sản phẩm xuất sắc nhất là Tình ca nhạc trẻ 2. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ giai điệu và lời của đa số các bài trong đó do Vũ Xuân Hùng và Nguyên Duy Niên thực hiện rất hay: “Tình mình như giá diêm”, “Nói sao cho em hiểu”, “Nước mắt cho mây”, “Một thời để chết”, “Xin tự hiểu mình”, “Trai độc thân”, “Đỉnh tuyết”.

Sau đây xin ghi lại theo trí nhớ Danh sách những bài hát lời Việt nhạc Pháp (tiêu chí hay và dễ hát cho học sinh thời chúng tôi):
1) Main Dans La Main (Cho quên thú đau thương —Nam Lộc) do Thanh Lan & Elvis Phương hát mà lời Việt xưa kia chúng tôi vẫn nghêu ngao: “Cho quên hết đớn đau... cho quên hết nhớ nhung...” —có thể là một buổi sinh nhật với kẹo lạc và toàn mấy đứa chỉ biết về yêu qua truyện Quỳnh Dao! Các bạn có thể so với bản cover sau này của Bằng Kiều & Trần Thu Hà (tôi vẫn thấy bản những năm 70 hay hơn nhiều!).

2) Bang-Bang (Khi xưa ta bé) hát bởi Thanh Lan. Ngày nay ta có thể nghe Bảo Yến hát. Sau này tôi mới biết đây là tác phẩm “My Baby Shot Me Down” của bộ đôi Sony & Cher, nhưng chúng tôi hồi đó chỉ biết đến ấn phẩm tiếng Pháp này...
3) Khi ta hai mươi do Ngọc Lan. Bài khá dễ hát cho lứa chúng tôi, vui vẻ trẻ trung, toàn những đứa mới 14, 15 mà hát “khi ta 20” như thật... Sau này Phương Vy cover rất modern và vẫn đầy cảm xúc:

4) Búp bê không tình yêu do Thanh Mai & Thanh Lan. Bài hay, nhưng chỉ có các bạn gái hát được... Ngày nay Đồng Lan hay hát. Mỹ Tâm, Thanh Thảo hát cũng hay nhưng tiếc rằng chỉ hát bằng tiếng Việt...

5) Après Toi (Vắng bóng người yêu) do Thanh Lan, Ngọc Lan] hát. Giai điệu hay, lời dịch cũng tuyệt vời! “Cuộc tình tan, cuộc tình vắng bóng anh...”

6) L’Amour C’est Pour Rien (Tình cho không biếu không) do Thanh Lan, Elvis Phương. Lớp trẻ có lẽ không biết câu cửa miệng “tình cho không, biếu không” xuất phát từ sau 1975 chính nhờ bởi bài hát này...

7) L’aventure (Lãng du) do Thanh Lan hát tuyệt vời! Đặc biệt phù hợp với những chuyến đi chơi xa... Ngày nay có thể nghe các bạn trẻ Vũ Hà Anh & Đồng Lan

8) (Aline (Gọi tên người yêu) do Elvis Phương.(Bằng Kiều hát bài này tuyệt hay, nhưng không có phần tiếng Pháp). Một trong những bài hay được hát nhất ở các karaoke...

9) Viens m’embrasser (Lại gần hôn em) do Ngọc Lan hát hay nhất vì khó có ai hát buồn hơn được thế! Don Hồ hát cũng rất tình cảm.

10) Tombe La Neige (Tuyết rơi) do Duy Quang & Billy Shane, Elvis Phương, Ngọc Lan. Xin nghe ca sỹ hiếm hoi ngày nay còn hát tiếng Pháp tại Việt Nam là Đồng Lan. Tác giả Salvatore Adamo lại là một người Ý, và anh sáng tác bài hát bất hủ này lúc 18 tuổi! Xin đến với bản thu hiếm hoi và giọng ca tuyệt vời của cố ca sỹ Lê Dung. “Từng bông tuyết đang rơi...” —chúng tôi đã hát bài hát buồn này từ khi chưa được biết cái lạnh của mùa đông tuyết phủ...

11) Một thời để chết (Le temps de mourrir) bới Ngọc Lan hoặc Thanh Lan

Bài hát Pháp này theo tôi là hay nhất, đặc trưng nhất, và ngẫu nhiên thay, nó cũng hát về một thời tươi đẹp đã qua rồi. Chỉ những lúc thật cần hồi tưởng tuổi trẻ tôi mới nghe lại nhạc trẻ, như nhớ lại những rung động đầu đời của thời học sinh. Nhạc trẻ với những bài hát trên đã cùng chúng tôi bước qua ngưỡng cửa trường học để vào đời...

Nam Nguyen