Trang nhà > Nghệ thuật > Âm nhạc > “TÌNH CA NHẠC TRẺ” - NHẠC PHÁP CỦA CHÚNG TÔI (2)
“TÌNH CA NHẠC TRẺ” - NHẠC PHÁP CỦA CHÚNG TÔI (2)
Thứ Hai 18, Tháng Bảy 2016, bởi
Ngoài sách ra, bố tôi chỉ có niềm vui và tài sản là âm nhạc. Trước 1975 ông đã có mấy chục đĩa nhạc nước ngoài rồi. Sau khi thống nhất ông sưu tầm khá nhiều băng cối, băng cassette, đĩa nhạc miền Nam, máy quay đĩa, quay băng, cassette một cửa băng, hai cửa băng, kể cả kiểu “hòn gạch”, loa thùng, amplier...
Nhưng như thế chưa đủ, ông say sưa ghi nhạc, sang băng, chọn từ nhiều băng nhạc ra thành một băng nhạc tổng hợp với những bài ưa thích, ghi lại nhạc của bạn bè, sang từ băng to ra băng nhỏ để đi công tác nghe... Ông nghe tất cả các loại nhạc (có lẽ tôi cũng được thừa hưởng một chút, cái gì cũng nghe miễn là hay). Ông sắp xếp băng đĩa theo kiểu của mình, sao cho muốn tìm bài nào do ai chơi, ai hát thì tra cứu rồi rút ra nghe được ngay trong vòng hai phút. Vừa còn bé vừa lười nên tôi nghe kiểu “thụ động”, tức là bố tôi nghe gì tôi nghe theo chứ không mấy khi động vào đống máy móc của ông, thi thoảng mới đưa ra “yêu cầu của thính giả”. Đỉnh điểm của đam mê có lẽ là những lúc ông tháo tung máy móc ra sửa chữa, và thậm chí tự cải tiến cho máy quay băng cối có chế độ autoreverse (sau này hình như đến năm 1980 tôi mới thấy ông mua được cái “đầu” có tính năng như thế). Ông thỉnh thoảng giễu anh em tôi là “Không biết tiếng Pháp nghe những bài hát Pháp phí đi”. Chả biết tôi có bỏ phí quá nhiều trong cuộc đời này không...
Xa nhà, những năm 80-90 thì các dòng nhạc khác dần dần làm chúng tôi lãng quên đi những bài “nhạc trẻ” gốc Pháp năm nào. Cô đào Pháp đình đám bấy giờ đã là Sophia Marceau chứ ít ai nhớ đến "BB". Tuy nhiên thi thoảng tôi vẫn được nghe, vẫn nhớ lại những bài nhạc Pháp hay nhất năm xưa, “người lớn” hơn một chút, học sinh ít hát đến dù bằng lời Việt, nhưng giai điệu thì đã in sâu vào tâm trí chúng tôi:
Serenade (Chiều Tà hoặc Dạ Khúc) nhạc Shubert, có lời tiếng Đức, Ý, Anh... nhưng lời hay nhất là bằng tiếng Pháp! Cái này phải bạn nào giỏi tiếng Pháp mới có thể phân tích được, bản thân lời Pháp của nó đã như một bài thơ hay nhất! Phạm Duy đã phổ lời Việt và người biểu diễn hay nhất chính là Thái Thanh, rồi Lệ Thu hát cũng rất tuyệt vời. Nhưng tiếng Pháp hát hay nhất là Thanh Lan, tuy vậy tôi không tìm được trên mạng lời hát của chị. Chúng ta nghe Ngọc Lan hát bài này cũng rất đẳng cấp.
Vài lời về nữ ca sĩ Ngọc Lan mà tôi cũng rất mến mộ: chị đến Mỹ năm 1980 và nhanh chóng nổi tiếng với các ca khúc tiếng Việt, Pháp, Anh cũng như các tiết mục song ca cùng Kiều Nga, Duy Quang, Trung Hành, Tuấn Ngọc, Đức Huy... Người ta yêu chị vì khuôn mặt khả ái cũng như giọng hát trong trẻo rất ấn tượng. Thực ra chị cũng tên là Thanh Lan nhưng vì để tránh nhầm lẫn với ca sỹ đàn chị Thanh Lan nên đã lấy nghệ danh Ngọc Lan. Bệnh tình đã cướp chị đi năm 2001 khi còn khá trẻ, nhưng chị kịp để lại gia tài ca nhạc khá đồ sộ, và cho đến nay vẫn còn rất nhiều người hâm mộ giọng hát Ngọc Lan!
DANS LE SOLEIL ET DANS LE VENT (Trong Nắng Trong Gió) Thanh Lan, hoặc, Ngọc Lan. Bài hát nổi tiếng qua trình diễn bằng 4 thứ tiếng châu Âu của Nana Mouskouri được những ca sỹ Việt hát lại bằng tiếng Pháp và tiếng Việt hay không hề kém cạnh! Thật hiếm có bài hát nhẹ nhàng mà ý nghĩa sâu lắng như bài hát này, còn điệp khúc thì đẹp tuyệt vời!
Oui Devant Dieu (Ngày Tân Hôn) Thanh Lan, Elvis Phương. Một bài hát tuyệt vời dành cho ngày cưới!
Oh! Mon Amour (Ôi tình yêu của tôi): Thanh Lan, Elvis Phương. Thật kỳ lạ rằng tài năng của Christophe đã làm mưa làm gió khắp năm châu mà bây giờ chẳng mấy ai nhớ đến chàng (tuy vậy năm 2013 chàng đã đến biểu diễn từ thiện tại TP HCM)...
Phải nói rằng âm nhạc Pháp đã ảnh hưởng đến sáng tác của rất nhiều nhạc sỹ Việt Nam, từ Văn Cao, Phạm Duy cho đến thế hệ sau ở miền Nam. Tôi tự chọn ra vài ca khúc theo tôi là hay và có âm hưởng phong thái Pháp nhất từ các bài hát Việt:
C’est Toi (Cho em quên tuổi ngọc). Bạch Yến là ca sỹ hát nhạc ngoại số một miền Nam khi xưa, nhưng bà hát tiếng Anh nhiều và hay hơn tiếng Pháp. Tuy vậy bà hát tiếng Pháp vẫn vô cùng “xuya”: Ne Me Quitte Pas
Tác giả Lam Phương viết tặng Bạch Yến bài hát “C’est Toi” này bằng tiếng Pháp (!). Bản tình ca tuyệt vời này cho thấy nhạc Pháp, văn hóa Pháp đã hòa quyện vào đời sống âm nhạc miền Nam đến mức nào! Và cho đến ngày nay thỉnh thoảng ca sỹ Bạch Yến dù tuổi đã cao vẫn trình diễn bài hát này... Tất nhiên ngoài Bạch Yến ra thì còn rất nhiều ca sỹ cũng hát nó, bằng tiếng Pháp và Việt: Ngọc Lan, Thanh Lan, Ý Lan cũng hát ít nhiều tiếng Pháp.
Tình ca hồng (Nguyễn Trung Cang): Thanh Lan. Phiên bản karaoke này có lẽ rất quen thuộc với chúng ta, Kiều Nga
Vết hằn thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy & Ngọc Chánh). Khởi điểm là tay trống trong ban nhạc, Nguyễn Hưng hát bài này khá hay, nhưng Elvis Phương trước 1975 vẫn là vô đối.
Tuổi thơ chúng tôi không thể nào thiếu được truyện chưởng Kim Dung, truyện tình Quỳnh Dao, truyện trinh thám Z28 và chuyện “du đãng” bụi đời trẻ con của Duyên Anh... Và đây cũng là tên một cuốn truyện nổi tiếng nhất của Duyên Anh đã được làm thành phim cùng tên!
Ở hải ngoại nhạc Pháp lời Việt (và Pháp) vẫn được trình diễn tuy đã ít đi rất nhiều so với trước 75, và thường thì chúng ta thấy nó trong các liên khúc là mốt thời thượng cuối thế kỷ 20:
Khánh Hà hát tiếng Pháp cũng hay và chuẩn cùng Elvis Phương
Song ca nữ tiếng Pháp hay nhất vẫn là Kiều Nga—Ngọc Lan
Một số liên khúc nhạc Pháp Việt hay: Elvis Phuong—Thanh Lan, Thanh Lan, Julie & Jo Marcel, Tuyển tập những bài nhạc Pháp hiện đại
Cách đây 3 năm tôi có sắp xếp thứ tự lại những bài viết của bố tôi để chuẩn bị in cho ông cuốn “Hồi ký” (lúc đó tôi có đăng khá nhiều chương trên FB), trong có một đoạn như sau:
“Năm 1977, tôi đi dự một cuộc họp về nông nghiệp của một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sau cuộc họp, tôi vô tình xuống nhà bếp của hội nghị sau khi ăn tiệc thì gặp ở đấy một cô rửa bát khá xinh đẹp. Tôi hỏi anh bạn chủ tịch hội nghị: Cô đó là ai? Ông ta nói, đấy là Thanh Lan, ca sĩ nổi tiếng của Miền Nam mà anh không biết à? Tôi giật mình vì lúc đó tôi cũng bắt đầu tìm hiểu nền ca nhạc của Miền Nam trong mấy chục năm qua và tôi có tất cả các băng hát của Thanh Lan bằng tiếng Pháp, tôi cũng khá ngưỡng mộ cô ta vì phát âm tiếng Pháp rất chuẩn và giọng ca thì nhẹ nhàng, thanh thoát. Bây giờ gặp Thanh Lan trong cảnh ngộ này tôi chắc là có vấn đề gì đó không hay đã xảy ra với cô sau ngày thống nhất, nên tôi xin bắt chuyện với cô sau khi rửa bát xong. Cô ta lúc đầu tỏ ra sợ sệt khi biết tôi là đại diện của miền Bắc, nhưng sau khi tôi nói rằng tôi là một “fan” của cô ta và có được các băng của cô ta sau ngày giải phóng, thì cô mới vững dạ mà bộc lộ rằng “em đi rửa bát lần này là lần thứ hai vì lần trước chỉ bị rửa bát sáu tháng còn lần này thì không biết kéo dài bao lâu”. Tôi hỏi: Vì tội tình gì? Cô ta bảo vì sau giải phóng nhiều người cho rằng em đã hát cho địch nghe vì em hát tiếng Pháp là chính chứ ít hát tiếng Việt – mà em cũng ít hát tiếng Anh cho Mỹ nghe nữa nên em thấy không thể sống ở Sài Gòn, em đã vượt biên nhưng không thành công, bị bắt đi rửa bát cho một số cơ quan ở Sài Gòn 6 tháng. Sau đó, em thấy cũng khó tiếp tục làm ca sĩ nên lại muốn vượt biên lần nữa, lại cũng bị bắt lần nữa. Lần này thì không được rửa bát ở Sài Gòn nữa mà lại phải đi rửa bát ở các tỉnh quanh Sài Gòn thôi, nên em mới ở hội nghị miền Đông là như vậy. Giọng và vẻ mặt Thanh Lan không có gì buồn mà có lẽ chịu phục tùng số mệnh. Tôi trả lời, tôi sẽ cố gắng nói cấp trên cho cô rửa bát ở Sài Gòn để được gần nhà và nhanh chóng được phục hồi sứ mệnh ca sĩ của cô. Cô ta có vẻ không tin lắm vào những lời của tôi nhưng cũng tỏ ra thân thiện với tôi hơn trước…
Vài hôm sau, tôi điện thoại cho cô Quế vợ anh Cao Đăng Chiếm, một người bạn của tôi trong kháng chiến ở Đồng Tháp Mười về chuyện này, nhờ chị ta nói với chồng nhẹ án cho Thanh Lan nếu được.
Vài tháng sau vào Sài Gòn công tác tôi đã biết Thanh Lan không còn rửa bát nữa và được ca hát ở nhiều cơ quan ngay trong Sài Gòn như trước kia. Hát cả tiếng Pháp. Về sau Thanh Lan qua Mỹ, gặp một số chuyện bất trắc, nhưng đấy là một chuyện khác...”
Hôm nay khi viết những dòng này tôi mở “nhạc trẻ” để cùng nghe rồi hỏi bố tôi mấy câu hỏi, đại loại là Bạch Yến với Thanh Lan ai hát tiếng Pháp hay hơn, hay vì sao nhạc Pháp lại “lép vế” đi như thế so với nhạc tiếng Anh, mà mới có chưa đầy nửa thế kỷ trôi qua? Thì ông lấy ví dụ chính bài Dạ Khúc (Serenade) và nhận xét về nó trên kia là tôi chép lại lời của ông đấy. Ông bảo vài chục năm trong lịch sử loài người chỉ như một chớp mắt thôi, và cũng hoàn toàn có thể xảy ra là vài chục năm nữa nhạc Pháp lại lên ngôi, nhất là sau Brexit chẳng có gì nói trước được đâu, mà tiếng Pháp là ngôn ngữ của hát ca...
Quả thật dòng nhạc Pháp không “chết”, ngay ở Hà Nội này cũng còn nhiều người chỉ thích nghe những bài hát cũ trong đó có “nhạc trẻ” nhưng phải bằng chính máy móc băng đĩa y như thời những năm 70 cơ. Tôi có người bạn họa sỹ nhưng đã mấy chục năm nay làm nghề tay trái, kiên trì buôn bán tại Hà Nội, mà chỉ băng và máy cassette đúng kiểu cũ, với dòng nhạc những năm 70. Có khi phải nhờ ông bạn Tu Cong Dinh này kiếm cho cái cassette “cục gạch” với mấy băng Thanh Lan, để hoài cổ ... Khi ta hai mươi!
Nam Nguyen