Học từ thất bại

Hệ thống giáo dục Á châu có rất nhiều kì thi để chọn một số học sinh xuất chúng. Khi học sinh thất bại, họ bị loại ra, do đó mục đích của phần lớn học sinh là qua được kì thi. Một người tốt nghiệp đại học phải trải qua rất nhiều kì thi, từ tiểu học đến trung học, từ trung học đến đại học mà không trượt vì họ không được thất bại. Có khả năng qua được các kì thi KHÔNG dạy cho họ cách “Học từ thất bại”. Vì chưa bao giờ thất bại, nhiều người không biết phải làm gì khi họ thất bại trong đời sống.

Học sinh Á châu đã học từ tuổi còn trẻ để né tránh thất bại nhưng cuộc sống KHÔNG đơn giản thế. Vì họ chưa biết học từ thất bại, họ không phát triển lòng dũng cảm để bù đắp cho thiếu sót của họ. Nhiều học sinh Á châu tự tử sau khi trượt kì thi, con số này đã đạt tới vài nghìn ở Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc vì những học sinh này coi bản thân họ là vô dụng, không đáng sống và là mối nhục cho gia đình.

Ở các nước phương tây, điều này không hề xảy ra vì học sinh phải học từ thất bại khi còn rất trẻ. Ba mươi năm trước khi con trai tôi mới 8 tuổi, nó muốn gia nhập đội bóng đá ở trường tiểu học. Nó chơi không giỏi và không được chọn vào đội bóng. Nó khóc và là người cha, tôi an ủi nó nhưng huấn luyện viên bảo tôi: “Sao anh lại làm thế? Nó phải học từ thất bại và vượt qua chứ.” Ông ấy nói với con tôi: “Em không được chọn vào đội bóng này vì em không giỏi, nhưng sẽ có đội khác, em phải tập luyện để chuẩn bị cho đội bóng đá sau.” Lần thứ hai, nó cũng không được chọn, nhưng lần này, đứa bé tám tuổi không khóc, vì nó biết sẽ có đội khác nữa. Nó về nhà và tập luyện đá bóng cho tới khi được chọn. Nó đã học cách cải tiến kĩ năng của nó từ những thất bại trước.

Bằng việc chấp nhận thất bại, bạn hiểu ưu điểm và nhược điểm của mình rồi từ đó bạn hiểu chính mình nhiều hơn. Bằng việc coi thất bại như một bài học, bạn có thể làm thất bại thành kinh nghiệm học hỏi tích cực để cải tiến kĩ năng của mình, để phát triển lòng dũng cảm, để đào tạo nên cá tính độc lập, và không sờn lòng trước các chướng ngại. Tất nhiên, không ai muốn thất bại, nhưng bằng việc biến thất bại thành cơ hội học tập, bạn có thể giảm bớt các mặc cảm tự ti hay đau khổ và học cách vượt qua nó.

Sợ thất bại là lí do nhiều người không cố gắng tiến lên trong nghề nghiệp của họ. Họ không muốn học cái gì mới, không có mục đích nghề nghiệp, không muốn nhận rủi ro, và không muốn thay đổi. Bằng việc nhận rằng thất bại là một phần quan trọng của việc học, bạn phát triển thái độ tích cực với thất bại, sẵn lòng thay đổi; sẵn lòng nhận rủi ro; sẵn lòng học gì mới; sẵn lòng thăng tiến nghề nghiệp; sẵn lòng đặt mục đích cho cuộc đời và điều đó sẽ đóng góp cho thành công của bạn.

Là học sinh, bạn đang học và bài học quý giá nhất mà bạn phải học là chấp nhận sự thất bại để rút kinh nghiệm để cải tiến bản thân mình. Bạn cần có hành động để cải tiến tri thức và kĩ năng của bạn. Phát triển thói quen bằng việc để ra vài phút mỗi ngày trước khi ngủ để suy nghĩ về điều gì không đúng rồi tìm cách tự sửa đổi chúng. Không ai hoàn toàn, nhưng biết mình, biết sửa đổi mình là thái độ của sự trưởng thành. Bằng việc có thói quen tìm lỗi nơi chính mình bạn sẽ trở nên một người tốt hơn, có khả năng học hỏi nhiều hơn và có trách nhiệm với chính bạn nhiều hơn. Bằng việc cải tiến thái độ, bạn có thể biến thất bại hôm nay thành thành công trong ngày mai.

Trong đời người, thất bại là việc thường tình nhưng bạn có chọn lựa. Bạn có thể để nó phá huỷ bạn hay bạn dùng nó như cơ hội học tập để làm bản thân bạn cương quyết hơn, dũng mãnh hơn, can đảm hơn trước.

GS John Vu