Trang nhà > Nghệ thuật > Âm nhạc > GIỌNG CA VÀNG CỦA THẾ KỶ XX
GIỌNG CA VÀNG CỦA THẾ KỶ XX
Nam Nguyen
Thứ Ba 9, Tháng Tám 2016, bởi
(viết tặng kinh đô ánh sáng Paris và người con nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Pháp của những kẻ di cư)
Cậu bé Chahnour Aznavourian tuy sinh ra năm 1924 giữa thủ đô Paris nhưng mang tên họ đặc Armenia, bởi vì bố mẹ cậu đều là dân nhập cư gốc Armenia và mới tới Paris trước khi sinh cậu 2 năm. Đến khi đi học cậu được gán cho cái tên dễ hòa nhập hơn: Charles Aznavour, nhưng với cái mũi gồ đặc trưng thì cậu không thể che dấu được nguồn gốc Cápcadơ của mình.
Cha mẹ cậu đều có máu nghệ sỹ trong người, nên dù ở Paris có hàng chục ngàn người Armenia và đa số đều buôn bán khá thành công, thì công việc làm ăn của đôi vợ chồng lãng tử này lại không được như ý. Gia đình nhỏ vay mượn mở hẳn một chuỗi 5 nhà hàng có tên đầy chất Nga “La Caucasus” (Cápcadơ), nhưng ông bà chủ dễ dãi với đồng hương quá, ai cũng thương và cho ăn chịu, nên chỉ mấy năm là sập tiệm hoàn toàn. Khách hàng duy nhất vẫn đến nhất quyết đòi thanh toán nợ nần cũ lại là hai chú sinh viên Ethiopia, thế nên người cha Misha Aznavourian từ đấy trở đi chỉ mơ ước có một ngày đến được Ađis-Abêba, xứ sở Phi châu của những người trung thực...
Lớn lên trong gia cảnh khó khăn như thế nhưng Charles ngoài việc phải lao động giúp cha mẹ ra, thì vẫn mơ mộng lắm, kiên quyết không chịu theo nghề buôn bán của các đồng hương. Anh chàng lùn và nhỏ thó này 5 tuổi đã chơi violin, lớn lên chịu khó học diễn xuất, 12 tuổi đã đóng phim, sau này lại cùng ông bạn nghệ sỹ piano Roshe cao ngỏng lập ra nhóm nhạc, vừa sáng tác vừa biểu diễn ở khắp nơi, và phải nói là lúc đầu khá nhiều khi bị la ó, huýt sáo đuổi xuống vì khán giả còn chưa biết họ là ai. Sau này Charles chuyên viết lời, còn Roshe sáng tác nhạc. Máu làm ăn chỉ “phát” được khi Đức chiếm Paris, và khi hai nghệ sỹ đi biểu diễn ở nông thôn mang trộm lương thực về thủ đô bán, khi đó Charles lại kiếm khá và giúp đỡ được cho bố mẹ, rồi sau chiến tranh anh lấy vợ sớm...
Chú em là Do Thái à?
Không ạ, em là dân Armenia.
Thế là loại dân gì?
Giải thích dài dòng lắm ạ...
Thôi khỏi, thế ai chết mà mặc áo đen ngòm thế này?
Dạ em mặc màu tối cho người ta đỡ nhìn ra áo sạch hay bẩn...
Thế nó bẩn thật à?
Có lẽ thế ạ...
Đây là lời làm quen của “bà chị” Édith Piaf (1915-1963) - nữ hoàng nhạc nhẹ của Pháp những năm 40-50 với chàng trai vô danh Aznavour –cuộc gặp gỡ định mệnh ở một quán bar nơi đôi bạn Charles và Roshe đang diễn, sẽ làm thay đổi cả cuộc đời cậu ca sĩ mới vào nghề vào năm 1946, khi cậu vừa lấy vợ. (Édith Piaf -ca sĩ hát bài hát bất hủ “Ne me quitte pas” mà người Việt biết nhiều hơn với tên gọi “If You Go Away”):
https://www.youtube.com/watch?v=K6ZPYGxMNy0
Piaf nổi tiếng tính tình quái đản, quanh năm suốt tháng nhậu nhẹt bí tỷ và đi đâu cũng lôi cả một bầy đàn “đệ tử” theo sau. Khi Édith đang say ngất ngưởng đứng dậy đòi Charles nhảy cùng, thì cậu chàng bắt “nàng” ngồi xuống, để cậu chàng còi dí dị này cho mấy ngón tay vào mồm huýt một tiếng sáo vang, rồi sau đó mới chìa tay ra mời “nàng” -đúng theo phong tục của thanh niên đường phố- làm “nàng” rất lạ và thích thú. Thế là Édith bắt Aznavour nhảy cho hết cả buổi tối, rồi mặc kệ cậu xin về với vợ mới cưới, “nàng” không cho mà bắt cậu đi chơi thâu đêm...
Sáng hôm sau Édith đề nghị 2 chàng thanh niên đi hát mở màn cho mình, quá vinh dự và quả là họ có được hát một buổi như vậy, sau đó nàng có việc bay gấp sang Mỹ. Khi Aznavour ngượng ngùng hỏi về hợp đồng có hiệu lực với chuyến đi này của diva không, Édith chỉ ngắn gọn: “Tất nhiên, mai tôi chờ các anh ở bên đó!”. Gãi đầu gãi tai bảo không có tiền, Charles chỉ được nghe một câu: “ Các anh đàn ông mà không làm đủ để kiếm đôi vé à? Tùy, cứ sang được đấy thì sẽ có hợp tác tiếp... ”.
Vay mượn cấp tốc để sang được Mỹ, trớ trêu thay 2 chàng trai chỉ thấy Édith có tình yêu mới, nên bỏ luôn cả tua diễn mà đi du lịch. Loay hoay tìm việc làm để sống qua ngày, qua tháng sau điện thoại hỏi lại Édith thì chỉ thấy nàng bảo cứ việc tự lo, mà sang Canada có khi dễ kiếm sống hơn đấy... Thế rồi hai chàng cũng nghe theo, mà cuối cùng lại gặp may, bên đó đúng là dễ nhận show hơn thật, kiếm được, Roshe còn kiếm được cả tình yêu mới, ở lại đó luôn, còn Charles phải quay về Pháp, vì còn có vợ con, mà nhất là còn có Piaf...
“Chú em làm ở rạp xiếc bên Canada hay sao, mà ăn mặc lòe loẹt thế?” -là câu Piaf chào đón Aznavour trên đất Pháp. Không gì có thể xúc phạm người Armenia hơn là chê họ mặc xấu -mà đây là mốt nhất thời đó ở bờ kia Đại Tây Dương rồi, Aznavour giận Piaf kinh khủng! Thế mà chỉ giận được mấy ngày, người đàn bà nhỏ bé, hơn chàng quá nhiều tuổi và khá xấu xí ấy là“điều thần kỳ”- mà đã thần kỳ thì làm sao chàng chống cự được. Hơn nữa ngoài Édith ra thì Charles chả còn ai bên cạnh, người vợ cũng chán quá mà đâm đơn ly dị rồi. Thế là bắt đầu một giai đoạn kỳ lạ nhất trong cuộc đời Aznavour: anh vừa là nhà soạn lời, vừa hát lót, vừa làm lái xe, vệ sỹ, giúp việc, bạn rượu, sống luôn cùng với Piaf, và chỉ có anh là người duy nhất biết rằng giữa họ không có tình yêu chăn gối, như cả nước Pháp vẫn đồn đại! Anh cùng với đoàn tùy tùng của diva phải chịu đựng những tính cách quái gở đến cùng cực của nàng: nàng nếu thích thì có thể cả tháng chỉ ăn một món ăn đặc sản, ngày nào cũng xem đi xem lại một bộ phim, ba giờ sáng cũng có lúc phải tìm bằng được một món bánh ngọt ưa thích ở đầu kia thành phố... và nàng đã làm gì, thích gì rồi thì tất cả phải làm theo y hệt! Và đáng sợ nhất là tật nghiện rượu của Piaf đã thành huyền thoại... Đã một lần Piaf ngẫu hứng quyết định phải nhờ bác sỹ can thiệp vào cái mũi dài của Charles, chàng không dám chống cự, cả đoàn ăn nhậu để chuẩn bị đón mừng mũi mới một ngày đêm, thì Piaf nhìn lại rồi bảo “Hay là thôi nhỉ, trông cũng vẫn được”. Sau vụ ấy Charles quá “điên tiết”, chàng mò lại sang Canada với ông bạn cũ Roshe. Vừa ký được xong hợp đồng diễn, thì Piaf đánh điện: “Quay về ngay! Chị không thể lấy chồng mà thiếu em!”. Và như bị thôi miên, Charles lại bỏ tất cả để quay về... để thấy Édith lại đã có tình yêu mới, còn vợ hai của Charles lại không chịu được mà chia tay!
Cũng bởi dính vào Piaf mà ca sỹ Aznavour không “khá lên được”. Chuyện Piaf say xỉn vào lúc cần biểu diễn trở nên quá thường xuyên, chàng hát mở màn cho Piaf nên thường xuyên bị khán giả la ó, đòi nhanh chóng được nghe Piaf. Nàng say nên thường xuyên đến muộn, hát lung tung, lẫn lộn hết cả lời, thế mà dân vẫn cứ hào hứng vỗ tay rầm rầm, thậm chí có hôm đang hát nàng còn say ngã lăn quay trên sân khấu, Aznavour phải khiêng nàng vào cánh gà, rồi ra tuyên bố chấm dứt buổi diễn, lại chịu thêm một trận gạch đá, mắng chửi nữa... Giọt nước tràn ly, Aznavour dọn đồ đạc ít ỏi của mình ra khỏi nhà Édith, mặc kệ cho cả Paris nói là chàng bị “ra rìa”. Lại chỉ có hai bàn tay trắng, thậm chí còn khó khăn hơn lúc đầu vì bạn bè tự nhiên sau một đêm biến sạch, còn mọi cánh cửa của Paris đột nhiên đóng cả lại đối với Charles...
Sau đó là những năm tháng tự thân vận động với nỗ lực phi thường, ở Bắc Phi, rồi trở về Paris với “Cối xay đỏ”, phòng hòa nhạc “Olympia”... danh tiếng và mọi cái rồi cũng đã đến với chàng, lại có đội tùy tùng riêng, xuất hiện sao mà lắm bạn bè thế, còn họ hàng thì lại quấn quít với Aznavour- nhưng tất cả cái đó đối với chàng bây giờ chỉ là niềm an ủi nhỏ nhoi. Chàng không quên được Édith, sau này có Lisa Minelli đến với chàng, nhưng cuối cùng họ chỉ làm bạn, vì Charles đã quá sợ lại gặp phải một “diva- bà chằng” thứ hai. Édith đã quá ốm yếu, cái chết của bà đã được dự đoán trước từ lâu, nhưng Aznavour vẫn hết mực khóc thương bà- và cũng là khóc thương cho một quãng đời đầy truân chuyên của mình đã qua...
Sau này còn rất nhiều lần Aznavour sẽ hát với thần tượng Édith Piaf của mình- công nghệ cho ông cơ hội đó! “Plus bleu que tes yeux”:
https://www.youtube.com/watch?v=rqsBrF4eD6c
Charles Aznavour vượt qua cái bóng của ông hoàng nhạc Pháp lúc đó là Yves Montand, khán giả hay gọi ông là “Frank Sinatra của Pháp”, nhưng ông chỉ cười và nói là: “Ca sĩ yêu mến nhất của tôi- đó là Charles Aznavour”. Ông không có lợi thế ngoại hình, giọng hát tenor mỏng lúc nào cũng như sắp vượt quá cao độ giới hạn, thế nhưng quả là nghe ông hát dù bằng bất cứ thứ tiếng nào cũng đều rất cuốn hút, ngay từ những âm tiết đầu tiên. Và ông trở thành ca sỹ ngôi sao quốc tế khi trình bày sang tác đỉnh nhất của mình vào năm 1964: Hier Encore (“Mới hôm qua”, mà chúng ta chắc là quen hơn với tên gọi “Yesterday When I Was Young”):
https://www.youtube.com/watch?v=HyRF1CjOPQ8
Bản tiếng Tây Ban Nha cũng cực hay: “Ayer Aún”
https://www.youtube.com/watch?v=a-b19pdVRek
Ông có tới 1300 bài hát của mình, “bao gờ lời thơ cũng xuất hiện trước, rồi mới đến giai điệu của chúng”- trong đó có những bài rất hay như:
Bài tiếng Pháp “La Boheme”: https://www.youtube.com/watch?v=xzdxyhng1RU
Bài tiếng Pháp "La Mama": https://www.youtube.com/watch?v=ls8Cn5abrX0
Bài hát tiếng Tây Ban Nha cực kỳ cảm động MORIR DE AMOR (1971)- “Thà chết vì yêu”: https://www.youtube.com/watch?v=YIgeL6CKL0o
(đây là câu chuyện có thật về tình yêu ngang trái của cậu học trò 16 tuổi và cô giáo nhiều tuổi gấp đôi, cô giáo đã bị đuổi việc rồi cùng quẫn mà tự vẫn... )
“Lời ca nào cũng có giai điệu riêng của nó, chỉ cần phải nghe cho ra được”- đấy là bí quyết sáng tác của ông. Những bài hát của ông thường nói về thời trẻ, những năm tháng tươi đẹp đã qua, tuổi hai mươi... Nếu nhiều người lưỡng lự khi công nhận ông là giọng ca nam hay nhất, thì chắc nghe xong những bài sau sẽ rất ít ai nghi ngờ, rằng Aznavour chắc chắn là “người hát song ca hay nhất”!?
https://www.youtube.com/watch?v=bw0-CTA0RLg (với Iglesias “Que C’est Triste Venise”) hoặc
https://www.youtube.com/watch?v=PTRY_huRBa4 (với Demis Roussos)- “Que C’est Triste Venise”
https://www.youtube.com/watch?v=kz_2EonNxpQ (với Shirley Bassey- “Yesterday When I Was Young”)- đỉnh cao!
https://www.youtube.com/watch?v=7HqwPsEhClU (“Hier Encore”, với Elton John)
https://www.youtube.com/watch?v=KZIzXXpre8g (với Celine Dion “Toi et Moi”)
https://www.youtube.com/watch?v=ErHV8bbjEy0 (với Nana M “Plaisir D’Amour”)
https://www.youtube.com/watch?v=Q98te2hdZfc (với Nana M “Mourir d’Aimer”)
https://www.youtube.com/watch?v=pFSyn1K1TaA (với Nana M “Popurri”)- liên khúc tuyệt vời nhất!
https://www.youtube.com/watch?v=lusjLRrgZB8 (với Liza Minelli, “Le Temps”)
“Sống theo tình yêu”- đó là bài hát chủ đạo của bộ phim Nga-Pháp nổi tiếng “Teheran 1943” (“Tình yêu vĩnh cửu”- “Вечная любовь» hát cùng với Mirelle Mathieu). Trong phim chỉ mình Charles hát, nhưng theo tôi bản song ca này thật tuyệt vời!
https://www.youtube.com/watch?v=bKAdlyDcas4
Còn đây là lời Nga, do Aznavour hát: https://www.youtube.com/watch?v=UIXGkw4n74w&feature=youtu.be
Dành cho những người đã xem bộ phim này:
https://www.youtube.com/watch?v=5zTcKKYwtq4&feature=youtu.be
Ông lưu diễn vòng quanh thế giới, hát cho các nguyên thủ quốc gia, các Đức Hồng y và thanh thiếu niên... và hát ủng hộ cho các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng ở xứ sở quê hương Erevan của ông:
https://www.youtube.com/watch?v=5sOb1lRnMRA (“She”)
https://www.youtube.com/watch?v=ZYDVUUAGffs (Ave Maria- hát cho nạn nhân ở Armeni)
Aznavour có 1300 bài hát, hát chúng với 8 thứ tiếng, bán được 180 triệu đĩa, tham gia 60 phim. 83 tuổi ông còn xuất bản sách. Ngày 03/10/2014 ông có một buổi diễn kỷ niệm 90 tuổi dài 2 giờ đồng hồ- không ai hát ở đỉnh cao nhiều hơn ông! Ông từ lâu đã trở thành đại sứ của Armenia tại UNESCO, và tuy sống ở Thụy Sỹ nhưng 2008 ông vẫn xin nhận lại quốc tịch Armenia. Lần cuối ông hát trên sân khấu là ở Paris, 9/2015, và sang năm sẽ còn hát ở Mỹ và Rumani...
Năm 1998 trước thềm thiên niên kỷ mới khán giả CNN và độc giả Time Online đã bầu chọn giọng ca xuất sắc nhất thế kỷ 20, và đó là Charles Aznavour!
Vậy ai là người mà Aznavour dành cho những lời thiết tha trong “Hier Encore”, Édith Piaf hay người tình đã chia tay nào thời trẻ? Nhiều người tò mò như vậy, còn ông chỉ nói tránh đi: “Tôi không dành tặng những bài hát của mình cho bất cứ ai- chúng có cuộc sống riêng của chúng... ”
Xin nghe lại lần cuối: “Mới hôm qua” của giọng ca vàng của thế kỷ XX:
https://www.youtube.com/watch?v=MzC-79DZ0sk
Ghi chú: dân Pháp gọi đó ko phải là “âm nhạc”, “ca sỹ” mà là “chansonnier”- người hát những bài có giai điệu, có tính thời sự... với phong cách khoáng đạt, như ở trong các quán rượu... Các đại diện nổi bật nhất thì như Maurice Auguste Chevalier, Édith Piaf và Aznavour, Jacques Brel...
Thế còn ca sỹ (“chanteur”) thì hát “âm nhạc”- những bài hát đã nổi tiếng rồi, có tính chất sân khấu nhạc nhẹ hơn, như Dalida, Patrisia Kass, Yves Montand, Jo Dassen, Lara Fabian... Ranh giới giữa hai trường phái tất nhiên là khá mong manh và mang tính chất ước lệ.
Bất cứ bài hát nào của Aznavour trên Youtube đều có một lượng "dislike" khá lớn- đó là dân gốc Azerbaijan không thể chịu được sự bất công, rằng họ không có được một giọng ca vàng như vậy...
(Sưu tầm, 4/12/2015)