Trang nhà > Lịch sử > Hiện đại > FPT buổi đầu (kỳ 3)
FPT buổi đầu (kỳ 3)
Thứ Tư 14, Tháng Chín 2016, bởi
(Tối qua dự sinh nhật một bạn cùng hội, vui quá uống mấy chai rồi dạo chơi tới khuya. Sáng nay đi gặp lương y, được thầy hứa sẽ cho thuốc tăng huyết áp, chống ngủ gật v.v. Sau đó lên phố cổ chém gió đến chiều mới về nhà. Như thường lệ, tôi đăng ảnh lên FB để khỏi quên rồi mở các thư và còm thì nhận được khá nhiều yêu cầu "tua nhanh" mấy kỷ niệm của mình. Xem thống kê trong trang ĐÔNG TÁC GIAO LƯU, ngạc nhiên thấy 2 kỳ hồi ức về FPT buổi đầu đã có mấy nghìn lượt đọc. Muốn viết tiếp, một ý nghĩ thoáng qua đầu: chắc hầu hết số độc giả này còn khá trẻ hoặc quá già, vậy cần kể cho có ngọn ngành đôi chút...)
Cách đây hơn 40 năm, Hà Nội thời bao cấp thiếu thốn lắm thứ. Cơ quan thuộc diện ưu tiên nhưng mỗi lần bị cắt điện thì dân máy tính phải chờ không biết bao nhiêu tiếng, tôi buộc nghĩ ra cách vào thư viện ngồi tập dịch sách và nhờ cô thủ thư người đẹp chữ cũng đẹp chép lại bản thảo trên những tờ giấy vừa xám vừa dày do sản xuất thủ công. "Hồi ký của Kim Philby" là một trong những tác phẩm tiếng Anh được tôi lựa chọn, đoạn mở đầu trong đó cho thấy cách bắt liên lạc của MI6 hóa ra không ly kỳ như chàng điệp viên Kim tưởng tượng.
Cuối thập niên 1980 đời tôi có thêm mấy đoạn rẽ nhánh trước khi chính thức rời khỏi Viện Tin học thuộc Viện Khoa học Việt nam, nơi chủ yếu ngự trị giới lý thuyết hàn lâm theo mô hình Liên Xô cũ. Duyên do dẫn đến những đoạn đường đó thì khác nhau nhưng đều khá bất ngờ, nhánh rẽ vào FPT là lạ nhất.
Hè 1988, một hôm có người tìm đến tận nhà riêng hỏi thăm tôi, nhân thể biểu diễn chương trình vẽ các bông hoa, viết bằng Turbo Pascal. Đó là TS Bùi Quang Ngọc, giảng viên ĐH Bách khoa HN mà tôi mới biết sơ sơ năm 1986 nhân dịp ghé qua ĐH Grenoble, nơi anh làm nghiên cứu sinh tin học. Những tưởng anh chỉ qua lại hỏi han thông thường về sức khỏe, gia đình và công việc, ít lâu sau Ngọc còn giới thiệu tôi với bạn cũ từ hồi học phổ thông là TS cơ học Trương Gia Bình và ý định thành lập một công ty với dự kiến kinh doanh về công nghệ thông tin.
Tình cờ Bình chính là chồng của TS vật lý học Võ Hạnh Phúc, một người tốt bụng, cởi mở và là con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hồi nhỏ, tôi từng được gặp Đại tướng và sau này khi Cụ làm Phó thủ tướng phụ trách KHKT lại ưu ái giới thiệu tôi sang thăm Mỹ (nhưng cả 2 lần đều bị Vụ Hợp tác quốc tế thay bằng người khác). Thành ra khi Bình mời tôi tham gia lập công ty thì tôi nhận lời. Chẳng biết còn có tơ duyên nào khác hay chăng? Mãi gần đây nhờ Internet tôi mới biết rằng từ trước 1945 vị giáo sư sử học kiệt xuất VNG và chú ruột tôi là cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha đã từng kề vai sát cánh cùng mấy người quen của cha tôi trong Hội Truyền bá Quốc ngữ là Nguyễn Hữu Đang và Hội trưởng Nguyễn Văn Tố, một học giả rất đáng kính.
Như đã nói, Bùi Quang Ngọc là người đầu tiên móc nối Trương Gia Bình với tôi. Anh quen tôi năm 1986, khi tôi có dịp đi vòng quanh nước Pháp cùng TS Vũ Duy Mẫn để thăm các cơ sở giáo dục đang có đào tạo nghiên cứu sinh nước ta. Lúc chúng tôi đến Đại học Nancy thì gặp anh Nguyễn Quý Sơn, sau này năm 1989 trở thành Tổng thư ký đầu tiên của Hội Tin học Việt Nam. Nhân bữa cơm thân mật chúng tôi được nghe từ anh Sơn một lời giới thiệu mà khó ai có thể gây ấn tượng hấp dẫn hơn: Ở Grenoble có hai nghiên cứu sinh cùng tên Ngọc lại cùng từ ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng một người nổi tiếng hay nói "láo" và một người nổi tiếng hay văng tục là Quách Tuấn Ngọc và Bùi Quang Ngọc...
Nhờ Ngọc và vợ chồng Bình, tôi mới quen tiếp một số bạn bè và đàn em thân thiết của họ đã kể tên từ đầu và tôi sẽ mô tả kỹ hơn chút ít nếu có dịp gặp lại độc giả ở những kỳ sau.
Lúc bấy giờ kinh tế nước ta đang mấp mé chạm ngưỡng khủng hoảng, công nghệ thông tin còn là thứ xa xỉ, lại hiếm ai có nhu cầu. Những ứng dụng thành công trước đó của tôi đều do cơ quan nhà nước tự tìm đến đặt hàng, chứ riêng tôi chưa từng đi tiếp thị lần nào. Mà có đi chắc thất bại vì tôi không biết ai ngoài giới khoa học và nghệ thuật. Bình có vẻ hiểu tính cách "nhà nho" của tôi nên cũng không bao giờ thảo luận sâu về tiền bạc.
Bản thân Bình cho đến lúc đó cũng chưa có kinh nghiệm thương trường gì lớn ngoài mấy thứ hàng Liên Xô như lò xo, bàn là, tủ lạnh, nồi áp suất, phích inox, v.v.. Hình như chỉ sau khi vô phân viện Cơ học tại TP HCM, được nghe thêm các mánh mung công nghệ như chế biến sữa và làm than dừa ở đàn anh Hoàng Quang Vinh (Vinh “đen”, tiền bối của Techcombank) thì Bình mới nảy ý tưởng thành lập công ty Công nghệ Thực phẩm (FPT lúc đó là viết tắt từ Food Processing Technology). Khởi đầu với công nghệ sấy thuốc lá ở nhà máy Lotaba (Thanh Hóa), nhóm của Bình cũng suýt vỡ hợp đồng nếu không có cựu chiến binh kiêm kỹ sư tài ba Trần Đức Nhuận (giám đốc bộ phận Cơ-Điện-Lạnh) ra tay cứu giúp.
(có việc nhà, mai biên tiếp)
NCCông (FB: Cong Chi Nguyen)
Xem online : Xem tiếp kỳ sau