Trang nhà > Bạn đọc > Nhà báo > "Khó nhất là trọng dụng được người tài"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
"Khó nhất là trọng dụng được người tài"
Thứ Bảy 14, Tháng Tư 2007
Sáng 13/4, Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc làm việc với Bộ Khoa học - Công nghệ và các bộ, ngành liên quan về nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ năm 2007 và kế hoạch đến năm 2010.
Thủ tướng nhấn mạnh: Bộ KHCN phải tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn nữa và có chính sách khuyến khích tối đa các nhà khoa học, DN tham gia hoạt động KHCN nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Thiếu "thủ lĩnh" về KHCN
Ông Hoàng Văn Phong - Bộ trưởng Bộ KHCN - trong báo cáo tại hội nghị đã chỉ ra: Trong gần 4 kế hoạch 5 năm của thời kỳ đổi mới, hoạt động KHCN vẫn tồn tại những yếu kém:
Đó là trình độ nghiên cứu trong các cơ quan khoa học và trình độ công nghệ trong các DN đều thấp; vai trò và tác động của KHCN đến sản xuất kinh doanh còn thấp, dẫn đến hiệu quả hoạt động KHCN chưa cao.
Trong đó phải kể đến cơ chế, chính sách đối với KHCN và quản lý hoạt động KHCN chậm được đổi mới và chưa hoàn thiện. Thiếu vai trò của thủ lĩnh trong hoạt động KHCN có tầm cả ở trong và ngoài nước khiến nhiều đề án KHCN khó tìm được các đối tác có uy tín để hợp tác sản xuất, hoặc không liên kết được các Cty trong nước để tạo ra sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường nước ngoài.
Đội ngũ làm công tác nghiên cứu - phát triển KHCN chưa được sử dụng hợp lý, nhiều trường hợp "chảy máu chất xám" vì người tài chưa được trọng dụng và không có điều kiện phát huy năng lực, sở trường, không có động lực làm việc.
Bước đầu đổi mới phương thức hoạt động KHCN, theo Bộ KHCN hiện nay các cơ quan nghiên cứu (kể cả các trường đại học) đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong đó một bộ phận chuyển sang cơ chế DN hoặc trở thành DN KHCN.
Năm 2006, cùng với thực hiện phương thức đấu thầu giao nhiệm vụ KHCN cho các tổ chức, cá nhân, trao quyền lớn hơn cho ban chủ nhiệm chương trình, hội đồng tư vấn khoa học, xác định rõ trách nhiệm khi hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ.
Thực chất của sự đổi mới này là trao trách nhiệm và quyền hạn tới mức cao nhất cho cộng đồng các nhà khoa học trong việc tự chịu trách nhiệm về kết quả mà dự án đem lại. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay là trọng dụng được người tài do thiếu kinh phí đào tạo, trang thiết bị làm việc và cơ chế tuyển dụng...
Cần có chính sách "đặt hàng khoa học"
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phải coi KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực của sự phát triển và hội nhập. Bởi vậy, cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực này cần đặc biệt thông thoáng.
"Phải làm sao để các nhà khoa học thuộc mọi thành phần kinh tế, các DN KHCN, DN sản xuất kinh doanh đưa được càng nhiều KHCN vào sản xuất, mang lại những ứng dụng có tính thiết thực" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu Bộ KHCN cần đề ra những chính sách khuyến khích hơn nữa để phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ KHCN. Thủ tướng cho rằng các nhà khoa học trong nước hoàn toàn có khả năng chiếm lĩnh những đỉnh cao KHCN, vấn đề chỉ là cơ chế, chính sách có bước đột phá.
Giải pháp tạo đột phá được Thủ tướng chỉ ra là gắn KHCN với thị trường, DN KHCN chính là chủ thể tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển từ hình thức cấp phát kinh phí sang tự chủ về tài chính, về nguồn nhân lực.
Nhà nước sẽ chỉ đặt hàng một phần việc bằng kinh phí ngân sách, phần còn lại các viện, trường phải "bám" cuộc sống, thị trường cần gì, phải tiếp cận và đặt vấn đề nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Có như vậy, bản thân nhà KH mới sống được bằng sản phẩm, các đề tài nghiên cứu là những ứng dụng thiết thực vào thực tiễn và có tính khả thi cao.
Để hình thành được các DN như vậy, Nhà nước sẽ hỗ trợ ban đầu bằng cơ chế như lập Quỹ hỗ trợ KHCN để cho DN vay vốn, hỗ trợ về thuế, đất đai, mặt bằng sản xuất để DN hoạt động.
Trần Anh (theo Lao động)