Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Con người > Sinh thái > Cây cau

Trầu têm cánh phượng

Cây cau

Thứ Sáu 9, Tháng Mười Hai 2016, bởi Cong_Chi_Nguyen

Đi dọc con đường dài tít tắp nối Đài Bắc với mấy thành phố lớn ở miền Trung và miền Nam đảo Đài Loan, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những cây cau dáng thon thả với những tàu lá cong duyên dáng và chùm quả sai mẩy, rất gợi nhớ hình ảnh làng quê Việt Nam. Điều thú vị là ở vùng gần hồ Nhật Nguyệt, cau được trồng dày đặc như những cánh rừng xinh xắn. Và anh lái xe còn rất trẻ của chúng tôi gần như cứ nắm lấy vô-lăng là bắt đầu nhai trầu không nghỉ...

Mô tả

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, cây cau có mặt tại Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và nhiều nước khác từ rất lâu rồi. Đảo Penang ở vùng biển phía tây bán đảo Mã Lai vốn đã được đặt tên theo từ “pinang” là tiếng địa phương chỉ cây cau.

Ngoài cái tên khoa học Areca catechu, ở nước ta cau còn được gọi là tân lang hay binh lang. Đó là một loài cây trong họ Cau (Arecaceae), được trồng nhiều tại khu vực nhiệt đới châu Á và Thái Bình Dương cũng như ở phía đông châu Phi. Hiện nay, họ Cau gồm khoảng 200 chi với gần 2.600 loài, phần lớn sinh sống ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới.

Công dụng

Cau ta có thân gỗ thẳng, cao tới 20 m nhưng đường kính không quá 20–30 cm, xưa kia thường được nạo làm máng dẫn nước. Lá cau thường dài tới 1,5–2m, nếu phơi khô có thể bện thành chổi quét sân. Mo cau thì thường được dùng làm quạt hoặc gói đồ. Hoa cau có mùi thơm ngọt rất dễ chịu, nghe nói dân cư đảo Borneo còn coi nó như một loại bùa thiêng để chữa bệnh. Tại Ấn Độ, hạt cau được sử dụng để tẩy giun v.v..

Cây cau được trồng chủ yếu để lấy quả. Quả cau vốn chứa một lượng lớn chất tannin (dùng cho công nghiệp nhuộm), axít galic, tinh dầu, các alcaloid như Arecolin, Arecain, Guraxin và chất gây nghiện. Arecain là chất hoạt hóa chính trong quả cau, khi sử dụng bên trong cơ thể sẽ gây ra hiện tượng co đồng tử.

Trầu cau

Người nhai cau lần đầu hay khi đói đều có thể bị say. Loại quả này khi còn non có màu xanh ánh vàng, to xấp xỉ quả trứng gà. Hạt nó có màu nâu hồng, khi già lốm đốm nâu thẫm, thường được phơi khô để ăn lúc trái mùa. Quả cau có vị thơm nồng cùng vị trầu rất nóng và hăng, phải có vôi làm dịu bớt và tạo màu. Người ta bổ cau tươi thành múi, mỗi múi lại cuộn bằng một mẩu lá trầu và têm với vôi tôi ngấu. Khi nhai thứ đó thì đôi môi trở nên đỏ thẫm.

Thi sĩ Hồ Xuân Hương đã từng sáng tác một bài tứ tuyệt vừa tinh tế vừa tinh nghịch để mời trầu:
Quả cau nho nhỏ, miếng trầu ôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

Thành ngữ “Miếng trầu là đầu câu chuyện” cho thấy người Việt có tục ăn trầu cau từ đời xưa. Đặc biệt buồng cau là một trong các thứ sính lễ không thể thiếu khi cầu hôn. Ngoài sự tích trầu cau mà trẻ đi học đều biết, dân gian lại có một bài ca dao về tình vợ chồng, hình như còn ngụ ý rằng quả cau liên quan đến ...sự mắn đẻ:
Quả cau nho nhỏ,
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần,
Mai anh học xa
Lấy anh từ thuở mười ba
Đến năm mười tám em đà năm con...

Dù có những câu thơ như trên nhưng người Việt không phải là quán quân trong lĩnh vực này. Đảo Đài Loan mới là nơi nổi tiếng nhất thế giới bởi những người buôn bán và ăn trầu cau. Họ trồng cau thành rừng mà vẫn không đủ dùng, hàng năm phải nhập khẩu thêm từ các nước Đông Nam Á.

Đông Tỉnh