Phuc Quang pagoda

Chùa Phúc Quang (Bắc Giang)

Phúc Quang Tự

Kinh Bắc

Chùa Phúc Quang có từ thế kỷ XVIII, còn gọi chùa Quang Phúc. Tên chữ: Phúc Quang Tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (1989). Vị trí: C54Q+9X xã Tiên Lục, H. Lạng Giang, Bắc Giang. Cách BĐX Bờ Hồ: 76km (hướng 1h)

Lược sử

Nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 20km về phía Bắc, xã Tiên Lục thuộc huyện Lạng Giang vốn nổi tiếng về những cụm di tích văn hóa có từ mấy trăm năm trước. Trong số đó, chùa Phúc Quang ở ven đường tỉnh lộ ĐT295 được coi là một nơi thờ tự linh thiêng, có kiến trúc độc đáo và gắn với những câu chuyện kỳ bí. Chùa nằm ngay cạnh đình Thuận Hòa, có quy mô khá to và đã gần 300 năm tuổi.

Văn bia tại đây cho biết chùa được thành lập từ mùa xuân năm Long Đức thứ ba (1734) dưới đời vua Lê Thuần Tông [1], bên cạnh một ngôi chùa cổ hơn do sư cụ Chiếu Chiêm kêu gọi nhân dân hợp sức xây dựng. Trải qua gần 300 năm tuổi, hiện nay chùa vẫn lưu giữ được chiếc chuông lớn có từ ngày đầu và khoảng 90 pho tượng Phật giáo quý giá. Tuy nhiên những mảng điêu khắc gỗ đá hầu như đã không còn nữa.

Trong suốt những năm tháng chiến tranh, mặc dù các xã xung quanh bị bom đạn oanh tạc đến xơ xác, riêng chùa Phúc Quang và xã Tiên Lục vẫn được bảo vệ an toàn. Nhân dân địa phương do đó càng tin chắc rằng chính ngôi chùa cổ đã trấn giữ vùng đất này, giúp họ an cư lạc nghiệp. Năm 1989 chùa đã được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.

Sân trước chùa Phúc Quang. Panorama NCCong ©2016

Truyền thuyết

Theo dân kể, xưa kia có một vị vua mặc thường phục vi hành, vô tình đi qua ngôi chùa Phúc Quang. Vì trước đó có hiềm khích với đạo Phật nên vị vua này đã để lại lời nguyền: bất kỳ nhà sư nào cũng không được ở trong chùa này. Người dân nghĩ đó chỉ là câu nói buột miệng của vua nên không để tâm.

Cho đến sau này, có một thiền sư được giao đến trông nom chùa, nhưng vừa bước tới Tam Bảo đã bị rắn cắn nên sợ quá bỏ chùa. Những vị sư tiếp đó đến chùa chỉ ở được một thời gian rồi cũng phải ra đi. Dân chúng khi ấy mới nhớ đến vị vua lạ và bắt đầu lan truyền câu chuyện rắn thần ứng nguyện lời nguyền cản bước các vị sư.

Gần đây nhất có sư Huệ Cửu về trụ trì từ năm 2010. Tuy nhiên, chưa đầy 3 năm sau, sư gọi xe giữa đêm, thu dọn hành lý bỏ đi không lời từ biệt, đến sáng người dân trong làng mới biết. Sau đó không ai nghe tin gì về sư Huệ Cửu nữa. Tiếp theo có vài vị sư khác đến thăm chùa cũng muốn ở lại, nhưng sau khi thắp hương khấn vái và nhìn cây hương có dòng chữ Nho họ đều lẳng lặng ra đi, không bao giờ trở lại...

Kiến trúc và di sản

Chùa Phúc Quang gần đây phần lớn đã được trùng tu, nhìn chung vẫn mang dáng vẻ của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Chùa tọa lạc trên một gò đất thấp, mặt quay hướng nam nhìn ra một sân gạch rộng có những cây nhãn lâu năm, xa hơn là vườn cổ thụ. Bên tiền đường hữu là dãy nhà giải vũ 3 gian 2 dĩ, bên tả là mặt sau của ngôi đình làng cũng mới tu sửa.

Chùa được xây dựng với mặt bằng theo hình "nội Công ngoại Quốc". Tiền đường rộng 7 gian cửa bức bàn, hai bên thiêu hương có cặp tượng Hộ Pháp khá to. Thượng điện gồm đầy đủ những pho tượng Bắc Tông, ánh sáng chủ yếu lấy từ hai cửa ngách thông sang hai dãy hành lang nơi đặt các pho tượng La Hán và Bát bộ Kim Cương. Tất cả các tượng đều mới tô lại. Phía cuối hai hành lang nối liền tòa hậu đường làm theo kiểu hai tầng chồng diêm, có cầu thang dốc để lên gác chuông.

Bản đồ trực tuyến

Di tích lân cận

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong

[1Lê Thuần Tông 黎 純 宗 sinh năm 1699, tên huý Duy Tường, là con trưởng của Lê Dụ Tông. Năm 1729 Dụ Tông bị chúa Trịnh Cương ép truyền ngôi cho con thứ là Duy Phường, cháu Trịnh Cương. Tháng giêng năm 1731, Dụ Tông mất. Tháng 8 năm 1732, Duy Phường bị chúa Trịnh Giang, con Trịnh Cương phế làm Hôn Đức Công rồi tới tháng 9 năm 1735 buộc tự thắt cổ. Duy Tường được Trịnh Giang lập làm vua năm 1732, đổi niên hiệu là Long Đức 龍 德. Năm 1735 Ngài mất, thọ 37 tuổi, Trịnh Giang lập Duy Thìn là con thứ 11 của Lê Dụ Tông lên làm vua Lê Ý Tông (黎 懿 宗 1719 – 1759), đặt niên hiệu là Vĩnh Hựu.