Trang nhà > Quan niệm > Nhân văn > Thế giới quan khoa học (5)
Thế giới quan khoa học (5)
Hàn Thuỷ
Thứ Hai 23, Tháng Giêng 2017, bởi
3.Thời Sơ Sử
Tổng quan
Sau khi lược qua những sinh hoạt và tư duy của loài người thời tiền sử (xem các kỳ trước), trong số này xin bắt đầu trình bày về giai đoạn chuyển tiếp từ thời đồ đá mới (–6000 đến –3000 tây lịch) cho đến khi có sử sách tin cậy được, và nói chung là có các bản viết mà người xưa để lại, thực sự làm chứng từ cho các sự kiện và tư tưởng của thời đại mình. Vậy ở đây nói về thời trước của thời Cổ Đại (antiquités). Cổ Đại sẽ là thời mà tại Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc sẽ đều có những đột biến kỳ diệu và có phân hoá về tư tưởng nói chung, và về tư tưởng khoa học nói riêng: đó là thời của Socrate, Phật, Lão... từ khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước tây lịch.
Để nảy sinh được những tư tưởng cao sâu như thế thì kinh nghiệm sống của con người đã phức tạp lắm rồi. Vì thế giai đoạn chuyển tiếp trước Cổ Đại, thường được gọi là thời sơ sử (protohistoire), dĩ nhiên cũng không đơn giản. Có thể coi như thời sơ sử trải dài qua hai thiên niên kỷ, từ khoảng –3000 cho đến –1000. Giai đoạn này bắt đầu từ khi kinh tế nông nghiệp đã định hình, con người sống trong các làng mạc, đồ gốm đã phổ biến, và kết thúc (thật ra thì thời điểm kết thúc này có phần nào ước lệ) khi văn hoá Hy Lạp cổ đại bắt đầu tiến trình phát triển rực rỡ. Những chuyển biến đáng chú ý nhất của thời sơ sử đã diễn ra cụ thể tại Ai Cập, vùng Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc. Hai vùng đệm đóng vai trò giao tiếp cũng đáng chú ý là vùng Trung Á và vùng Cận Đông (xem bản đồ phía sau).
Những chuyện xẩy ra
Sơ sử là có sử, nhưng là một thứ sử mù mờ. Chính vì sử của thời này đã sẽ được viết sau hàng mấy trăm năm, khi người ta có chữ viết và bắt đầu ghi lại các truyền thuyết. Như truyền thuyết về vua Nghiêu vua Thuấn của Trung Quốc, về Lạc Long Quân của Việt Nam... như bộ thần thoại Hy Lạp đồ sộ. Cái gì là có thực trong truyền thuyết và cái gì là hư cấu hiện ngày càng được xác định rõ hơn với những phát triển của ngành khảo cổ.
Sơ sử cũng là có sử theo nghĩa có nhiều chuyện xẩy ra để mà kể lại. Tại sao thế? Nếu những di tích của trồng trọt thực phẩm đã được xác định có từ trước thời đồ đá mới, thì phải nói mấy ngàn năm sau con người mới định hình được nên một nền kinh tế nông nghiệp. Có của ăn của để, sinh con đẻ cháu đầy đàn, có thì giờ rảnh rỗi... mật độ dân số tăng vọt: thế là rất nhiều chuyện xẩy ra... Thí dụ như có nhà nghiên cứu cho rằng cái ăn có khi thất thoát, do đó khi mất mùa thì xẩy ra cướp bóc, từ đó nảy ra yêu cầu tổ chức phòng thủ, thế là đưa đến tập quyền, và dần dần hình thành đô thị... rồi vị thế đàn bà trở nên thua kém hơn vị thế đàn ông trong những quan hệ mới này...
Những đảo lộn trong xã hội và văn hoá loài người của thời sơ sử có thể kể đến là:
● Xã hội chuyển từ mẫu quyền sang phụ quyền (1).
● Xuất hiện văn chương truyền khẩu, dưới dạng các sử thi, thần thoại, huyền thoại và anh hùng ca; để mô tả và giải thích các đảo lộn xã hội. Có lẽ trước đó đã có những huyền thoại trong đó con người tìm cách giải thích sự hiện hữu của chính mình.
● Sự hình thành chữ viết để tính toán và quản lý, ghi lại các quan sát thiên văn và chiêm tinh; rồi viết sử, rồi mới đến văn chương. Trong nghĩa này thì thời sơ sử là giai đoạn chuẩn bị cho thời cổ đại, lúc mà tư tưởng đã chín với chữ viết, đặt nền móng cho khoa học và triết học về sau này.
● Sự hình thành các đô thị, với các vương quyền; đồng thời sự chuyên môn hoá sản xuất trở thành phổ biến, đưa đến phân công lao động trong xã hội và phân hoá giai cấp.
● Giữa những vương triều tương đối rộng lớn và khá xa nhau vừa có quan hệ thương mại, vừa có thể có chiến tranh quy mô và kéo dài với quân đội có tổ chức chặt chẽ.
Thời đại đồ đồng
Về mặt vật chất, một yếu tố cực kỳ quan trọng đưa đến đảo lộn kinh tế xã hội là việc phát hiện đồ đồng và các hợp kim của đồng. Cho nên thời sơ sử cũng được gọi là thời đại đồ đồng. Chính xác hơn phải nói thời đại của kim loại, vì trước đồng người ta đã phát hiện ra vàng, bạc và sắt dưới dạng tự nhiên, sau đồng thì việc chế tạo sắt từ quặng cũng là một sự kiện lịch sử quyết định. Đồng mun, sắt, ngựa và bánh xe, thành quách; vàng bạc làm trang sức hoặc tiền tệ... quá khứ đó thật sự không quá xa chúng ta.
Có thể nói những yếu tố vật chất và tinh thần kể trên tác động lẫn nhau một cách phức tạp, mà không dễ mô tả. Mô tả gần như đồng nghĩa với diễn dịch, khi mà đối tượng mô tả là các quan hệ giữa những sự việc đã xẩy ra cách đây 5000 năm... thêm nữa những sự việc đó cũng chỉ được suy ra từ các hiện trường khảo cổ và từ những dấu vết sơ khai của chữ viết. Để có cái nhìn nhất quán và có hệ thống, người diễn dịch thường phải dựa trên các quan điểm triết lý tiên nghiệm của mình.
May mắn thay người viết bài này không có tham vọng làm lịch sử văn hoá nói chung, mà chỉ đặt ra mục tiêu trong khuôn khổ sự hình thành thế giới quan khoa học. Kỳ sau chúng ta sẽ trở lại các yếu tố khoa học được hình thành trong tư duy con người thời sơ sử. Để chuẩn bị, sau đây xin tổng hợp những sự kiện đáng chú ý của thời đại này, theo thời gian và không gian. Nhưng trước đó xin mở ngoặc xác định lại một danh từ: gần đây trong sách báo tại Việt Nam có sự nhầm lẫn phổ biến khi dùng chữ đồng thau, để nói về trống đồng, chuông hay vũ khí bằng đồng. Đồng để đúc được như thế thường là « bronze », chữ đã có từ trước là đồng mun, chính xác hơn.
Cần phân biệt ít nhất ba loại hợp kim có đồng làm thành phần chủ yếu: đồng đỏ là đồng gần nguyên chất, hoặc hợp kim nhưng còn giữ tính năng của đồng nguyên chất là màu đỏ và rất mềm dẻo, để dùng làm dây điện chẳng hạn. Đồng thau (laiton) (5% – 40% kẽm), là hợp kim của đồng với kẽm (zinc), màu vàng, càng nhiều kẽm càng vàng. Đồng thau cứng rắn hơn đồng đỏ, nhưng cũng dễ dát mỏng, chậu thau là chậu rửa mặt làm bằng đồng thau; đồng đỏ và đồng thau thời sơ sử chỉ có công dụng là làm đồ trang sức và gia dụng cho một số ít các nhà quyền quý. Và cuối cùng là đồng đen hay đồng mun (bronze): hợp kim của đồng với thiếc (étain) (5% – 10%), có thể thêm một ít các nguyên tố khác như chì... Hợp kim này có thể có màu từ nâu nhạt có ánh hồng khi ít thiếc, đến nâu đen khi có nhiều thiếc (gọi chung là màu mun thì đúng nhất). Đặc điểm của nó là dễ đúc vì khi nấu chảy nó khá lỏng, dễ lan vào các ngõ ngách của khuôn. Mà đến khi nguội đông lại thì lại rắn chắc hơn đồng thau rất nhiều, đồng thời có độ đàn hồi tốt nên dùng làm chuông, trống, đúc tượng, và nhất là vũ khí.
Trên phương diện lịch sử văn hoá thì phát minh ra đồng mun là bước nhảy lớn, có tác dụng tiến hoá rất mạnh. Thứ nhất vì nó có thể dùng làm vũ khí, và thứ hai là nó chứng tỏ một trình độ luyện kim cao hơn hẳn trước đó: người ta biết cố tình pha trộn kim loại (đây chỉ là một cách nói, ý thức về kim loại thuần chất dĩ nhiên không hề có ở thời ấy) theo một tỷ lệ nhất định để đạt đến hiệu quả mong muốn. Khi đồng, arsenic, chì, và kẽm, được trộn lẫn trong đồng đỏ và đồng thau thì thường do chúng đã có sẵn trong cùng một thứ quặng. Với đồng và thiếc thì không có như thế trong thiên nhiên, thậm chí bây giờ người ta vẫn ngạc nhiên vì những di chỉ đồng mun lớn và xưa cũ nhất lại không có chứng tích nào là gần đó có quặng thiếc! Người ta nghĩ rằng đã có những tuyến vận chuyển đồng và thiếc trên những địa bàn rất rộng.
Tiếng Trung Quốc dịch « bronze » là “thanh đồng” vì nếu để lâu ngày nó có rỉ màu xanh. Nhưng nếu từ thanh đồng mà chuyển sang “đồng thanh” như trong từ điển tiếng Việt (1992) thì thật thừa thãi và không ổn chút nào. Trong bài này xin dịch đơn giản « âge des bronzes » là thời đại đồ đồng theo tên thường gọi. Còn khi cần sẽ phân biệt đồng đỏ, đồng thau hay đồng mun, như trên.
Một chút địa lý
Bản đồ các quốc gia kèm đây chắc là rất quen thuộc với nhưng ai quan tâm đến thời sự; rất nóng với những Afghanistan, Irak, Iran, Israël, Palestine... Vẽ lại để bạn đọc so sánh với bản đồ (phần lớn) thế giới thời cổ đại, tiếp ngay dưới.
Vẫn những vùng ấy, và năm ngàn năm trước đây cũng đã rất « nóng » rồi. Trong bản đồ thế giới này có hai vùng khoanh bằng đường hơi mờ hơn là vùng Trung Đông (Moyen Orient, Middle East) trong đó có vùng Cận Đông (Proche Orient, Near East, chữ này có lẽ ít được dùng trong khối tiếng Anh, và nên phân biệt Trung Đông với Trung Á, Asie Centrale hay Central Asia, Trung Á gồm cả Afghanistan); vẽ như vậy chỉ để dễ nhớ những vùng cổ sử nay là đâu. Quan trọng hơn có tám vòng hình bồ dục nét đậm. Đó là những vùng có nhiều di chỉ đáng để ý, của thời sơ sử.
Ở đây không thêm được châu Mỹ, mặc dù lịch sử châu Mỹ trước khi bị Âu hoá là rất quan trọng cho những người làm văn hoá học so sánh. Vì hiển nhiên những người châu Mỹ đã tiến triển một cách hoàn toàn độc lập với các cựu lục địa, vì thế nghiên cứu sự hình thành các quan hệ và tổ chức xã hội, các truyền thuyết và huyền thoại, chữ viết, việc khám phá và sử dụng vàng bạc, đồng (họ chưa biết đến sắt)... đều có giá trị kiểm chứng cho những giải thích và mô tả có tính lý thuyết trước đây về xã hội loài người, vốn chỉ dựa trên các dữ kiện từ các cựu lục địa. Tuy nhiên, đáng tiếc là khảo cổ học tại châu Mỹ hiện chưa cho phép có một lịch đại các sự kiện ổn định và toàn cảnh. Một đột phá có thể sẽ đến khi các cố gắng giải mã chữ viết của người Maya hoàn toàn thành công.
Ngày tháng và sự kiện(2)
Bảng trên đây tóm tắt nhanh những ngày tháng và sự kiện trên những vùng đất đáng chú ý, tổng hợp từ các tài liệu tham khảo, và chỉ có một độ chính xác rất tương đối, tuổi ghi ở đây thường theo tuổi ước lượng của những hiện vật cổ nhất tìm được. Trong cái nhìn toàn cảnh đó nhiều khiếm khuyết về chi tiết không thể tránh khỏi, chẳng hạn như sự hình thành chữ viết tại Trung Quốc, đâu phải chỉ có hai niên đại giản dị như vậy, từ những giáp cốt văn thời nhà Thương đến chữ viết chuẩn hoá thời nhà Hán và định hình cho đến nay là một thời gian dài trong đó chữ viết biến chuyển liên tục. Về chữ viết còn nhiều chuyện hứng thú khác có lẽ cần riêng một bài dài.
Những « chi tiết » quan trọng hơn cũng không thấy được là: các văn hoá có thăng trầm, ở một địa điểm nhất định có khi trình độ văn hoá kỹ thuật tăng vọt và cũng có khi thụt lùi nghiêm trọng, tiếng nói và chữ viết có khi biến mất. Thật ra mỗi dòng của bảng trên cần được, và đã được, mô tả trong những pho sách dày. Và thiết yếu hơn nữa là: bảng này không cho thấy rõ những liên hệ hỗ tương và tiềm ẩn giữa các nền văn hoá, chỉ thể hiện phần nào qua trật tự các niên đại của những sự kiện tương đương. Cái nhìn quá sơ lược cũng che lấp những khía cạnh năng động của tổng thể. Đó là những cuộc bành trướng, di dân và hội nhập đã xẩy ra trong suốt quá trình hai ngàn năm trên phần địa cầu này. Trong quá trình đó, không chắc gì một nền văn minh cao là ổn định và bành trướng, nhiều khi là ngược lại.
Hai ngàn năm đó có thể được mô tả bằng ba giai đoạn hội nhập có tính nền tảng:
● Người Sumer ở phía nam và người Sémite cũ ở phía Bắc hai dòng sông Tigre và Euphrate hội nhập thành nền văn hoá Lưỡng Hà, nơi thành lập những đô thị đầu tiên trên thế giới.
● Nền văn hoá đó phát triển rộng về phía Tây, qua Cận Đông, Hy Lạp và châu Âu, bằng nhiều hình thức, chiến tranh, « thẩm thấu hoà bình »... qua thời gian thành nhiều nền văn hoá đô thị khác nhau, nhưng vẫn giữ một số đặc tính chung, đặc biệt về ngôn ngữ, mà ngày nay được gọi là hệ ngôn ngữ Ấn–Âu.
● Người Aryens, một sắc dân du mục gốc vùng Bắc Trung Á, thừa hưởng cuộc hội nhập đó, rồi phát triển về phía Đông Nam, đồng hoá người Indus và thành lập nền văn hoá Ấn Độ.
Trong khi đó không phải các nền văn minh Ai Cập và Trung Quốc là hoàn toàn biệt lập với quá trình trên.
Hàn Thuỷ
Kỳ 1
Chú thích
(1) không dùng chữ “mẫu hệ”, ở đây muốn nói mẫu quyền (matriarcat, có nghĩa người phụ nữ trong xã hội có ảnh hưởng mạnh hơn đàn ông) chứ không phải chỉ là mẫu hệ (matrilinéaire, có nghĩa con cái theo (họ) mẹ, thời hiện đại vẫn có nhiều nơi con cái theo họ mẹ, chẳng hạn người Chăm ở Việt Nam). Thời tiền sử chưa có "họ tên" rõ rệt và con người sống bầy đàn, khái niệm "người cha" cũng chưa có, đàn ông săn bắn và đời sống thường ngày của bộ lạc do phụ nữ tổ chức. Giả thuyết xã hội chuyển từ mẫu quyền sang phụ quyền dựa trên truyền thuyết và huyền thoại của nhiều dân tộc.
(2) trong bảng sự kiện đã quên ghi chú là vòng ách ngựa đã được dùng ở Trung Quốc từ thời nhà Hán.
Tài liệu tham khảo
[1] Tạp chí: Sciences Humaines, số 151, 7–2004; hồ sơ đặc biệt: Aux origines des civilisations, nhiều tác giả.
[2] Encyclopédie Universalis, các từ mục: Extrême Orient, Préhistoire et Archéologie; Asie Centrale, Préhistoire et Protohistoire; Bronze et fer (Âges).
[3] Tạp chí Histoire, số đặc biệt « les collections de l’Histoire » N° 22, 01–2004 chủ đề l’Orient Ancien.
[4] J. Bottéro, C. Herrenschmidt, J–P. Vernant: L’Orient Ancien et nous, coll. Pluriel, nxb Hachette, Paris 1998.
[5] Jacques Gernet: La Chine Ancienne, coll. Que sais–je, N°1113, nxb PUF, Paris 1964.
[6] Morizo Scarpari: La Chine Ancienne (do Marie–Paule Duverne và Etienne Schelstraete dịch từ nguyên bản tiếng Ý), nxb Gründ, Paris 2000.
[7] Marilia Albanese: L’Inde ancienne (do Marie–Paule Duverne và Etienne Schelstraete dịch từ nguyên bản tiếng Ý), nxb Gründ, Paris 2001.
[8] Michel soutif: L’Asie, sources de sciences et de techniques; nxb PUG, Grenoble 1995.
[9] Lý Lạc Nghị: Tìm về cội nguồn chữ Hán; nxb Thế Giới; Hà Nội, 1998.
Xem online : Kỳ 6