Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Kiến trúc > Chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự)

6537 Phuc Nghiem Tu pagoda

Chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự)

福 嚴 寺

Thứ Ba 14, Tháng Hai 2017, bởi Cong_Chi_Nguyen


Chùa Tổ có từ thế kỷ III. Thờ Phật và Man Nương - Mẫu Tứ Pháp. Tên chữ: Phúc Nghiêm Tự 福 嚴 寺. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2001). Vị trí: 22JM+63, thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, H. Thuận Thành, Bắc Ninh. Cách BĐX Bờ Hồ: 24km (hướng 3h). Trạm bus lân cận: bến cuối trên quốc lộ QL17 (xe 52a)

Lược sử

Chùa Tổ xây muộn nhất vào khoảng thế kỷ thứ III. Năm 1313 chùa được tu bổ lại và mở rộng tới 50 gian. Chùa thờ Phật mẫu Man Nương thuộc hệ thống Tứ Pháp gắn liền với truyền thuyết về Khâu Đà La, một vị sư Ấn Độ truyền đạo Phật vào nước ta qua vùng Dâu, tức Luy Lâu. Thủa đó, ở làng Mèn (tên Nôm của làng Mãn Xá) có Man Nương cha mẹ mất sớm, từ nhỏ đã theo sư học đạo ở chùa.

Một hôm, Khâu Đà La nhờ nàng trông cửa, đi mãi tối mới về, bước qua Man Nương ngủ quên ở thềm. Sau nàng sinh một bé gái, đem đến chùa. Thầy mang bé ra bến sông, lại gần một cây dâu (dung thụ) rất to, đứa trẻ bỗng nhập vào thân cây. Sư ra đi, trao cho nàng một cây gậy thần và dặn cách cứu dân nếu hạn hán. Từ đó mỗi khi vùng Dâu lâu không mưa, Man Nương cắm cây gậy xuống đất thì nước phun lên, vườn ruộng tươi tốt như xưa...

Cổng chùa Tổ (Bắc Ninh). Photo NCCong ©2017

Rồi cây dâu bị bão, đổ xuống và trôi về thành Luy Lâu. Thái thú Sĩ Nhiếp sai lính vớt để làm nóc điện, nhưng không ai lấy nổi. Man Nương liền ra sông, buộc dải yếm vào và bảo "Có phải con mẹ thì theo mẹ", lập tức kéo cây lên bờ dễ dàng. Sĩ Nhiếp kính sợ, tuyển thợ tạc thành tượng Tứ Pháp tương ứng 4 vị thần Mây, Gió, Sấm, Chớp và đem thờ tại chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn, đều thuộc vùng Dâu.

Sân trước chùa Tổ. Panorama NCCong ©2017

Khi thợ tạc tượng gặp trong thân cây một khối đá bèn vứt xuống sông. Đến đêm thấy lòng sông rực sáng, Sĩ Nhiếp cho người vớt nhưng không được. Man Nương đi thuyền ra giữa dòng thì khối đá tự nhiên nhảy vào lòng, gọi là Thạch Quang Phật (Phật đá tỏa sáng). Nhà cũ của Man Nương ở làng Mèn sau được dân xây thành chùa và thờ nàng, tôn làm Phật Mẫu, nên gọi là chùa Tổ.

Tiền đường thờ Man Nương. Photo NCCong ©2017

Kiến trúc

Chùa đã được tu sửa nhiều lần, hiện nay mang dáng dấp nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Xung quanh có tường bao; phía nam là một tam quan 3 tầng, mái đắp ngói giả; phía tây mở cổng phụ ra đường nhánh rẽ từ quốc lộ QL17. Tại sân trước có nhiều cây cối và 2 ao nhỏ tương trưng cho cặp mắt rồng.

Mặt bằng chùa chính có hình “chữ Đinh”. Tiền đường rộng 5 gian 2 dĩ; thiêu hương 3 gian; hậu cung xây 2 tầng 8 mái chồng diêm với tầng dưới có hàng hiên ở cả 3 mặt; thượng điện 3 gian, ở giữa thờ Man Nương. Hai bên tiền đường có cửa ngách dẫn đến Phật điện 3 gian ở ngay sau hậu cung, cách một sân hẹp. Cửa phụ bên trái dẫn vào vườn tháp mộ phía trước một nếp nhà. Cửa bên phải dẫn vào các nếp nhà khác, phía đông là giếng tròn cạnh hồ bán nguyệt. Nhà Tổ ở sau Phật điện, cách một sân nữa.

Hậu đường thờ Phật. Photo NCCong ©2017

Di sản

Trong thượng điện chùa Tổ hiện có pho tượng Man Nương khoác áo vàng ngồi thiền, hai tay bắt vô úy ấn. Hàng năm vào ngày 8 tháng Tư âm lịch, ba làng Đậu, Tướng, Dàn rước tượng Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện lên chùa Dâu rồi rước cả tượng Pháp Vân về chùa Tổ. Đến khi chùa Đậu bị phá thì tượng Pháp Vũ phải để sang chùa Dâu. Khối đá Thạch Quang Phật xưa thờ ở Chùa Tổ, sau đó cũng chuyển về Chùa Dâu.

Chùa Tổ là một trong vài nơi xuất hiện sớm nhất các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo Việt Nam như chuông, khánh đồng, bia đá và nhiều bản khắc gỗ. Tại chùa hiện vẫn còn một giếng cổ, tương truyền do Man Nương cắm gậy thần của Khâu Đà La mà tạo thành để lấy nước cứu hạn, và hồ bán nguyệt ở bên cạnh thì cũng bao giờ cạn.

Tiền đường chùa Tổ. Photo NCCong ©2017

Chùa Tổ đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào ngày 20-4-2001.

Di tích lân cận

6537 Phuc Nghiem pagoda ©NCCông 2017