Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Văn chương > Truyện ngắn > Chuyện tình của Bắc (4)

Chuyện tình của Bắc (4)

Nguyễn Chí Công

Thứ Tư 1, Tháng Ba 2017, bởi Cong_Chi_Nguyen

Khi sắp mất, Tô xiết chặt cả tay bố lẫn tay con, lần lượt nhìn vào đáy mắt mình và Lan rồi nói từng lời rõ ràng, mạch lạc “Lan ơi! Con nhớ tìm người nào sẽ chăm sóc bố như bố từng chăm sóc mẹ nhé!”

Bắc dừng lời, anh khéo léo dùng nạng nhẹ nhàng đẩy cho chiếc võng dù bắt đầu đu đưa đều đều rồi nói tiếp:

  • Cậu là bạn nối khố nên mình mới chia sẻ, chứ giả sử người khác mà nghe chắc sẽ khó tin. Chuyện này quả thật lạ nhưng chính mình đã cảm nhận được qua mấy năm chăm sóc vợ và bằng rất nhiều suy nghĩ trong những đêm dài nhớ nhung đến mất ngủ sau khi Tô ra đi...
  • Tớ có thể hiểu vì sao cậu bỗng nhiên thay đổi và rất ít liên lạc với các bạn cũ suốt từ dạo đó đến gần đây...
  • Cậu biết đấy, hồi ấy mình đã vô cùng ân hận. Tô lặng lẽ lao động, vất vả lo toan cho chồng con suốt hai chục năm ròng rã và chỉ chịu dừng lại khi bỗng nhiên thể trạng suy yếu rõ rệt. Mình gấp rút đưa vợ đi gặp các chuyên gia Tây y. Tô được xét nghiệm, điều trị bằng những phương pháp và biệt dược mới nhất, sức lực hồi phục phần nào. Nhưng không lâu sau vợ mình lại bị đau, mất ngủ, khó ăn uống và bắt đầu gầy; đi khám và chữa bệnh mấy nơi thì kết quả rốt cục đều chẳng khả quan, Tô dứt khoát đòi về nhà…
  • Sao tớ thấy hồi đó sắc mặt vợ cậu có những lúc hồng lên và bệnh tình như thuyên giảm cơ mà? –tôi buột miệng khi nhớ lại.
  • Đúng là có những lúc Tô đã trông như khá hơn hẳn so với lần thứ hai cậu đến thăm trong bệnh viện. Bởi vì sau khi lại đưa vợ từ bệnh viện về, mình bèn vái tứ phương, cho Tô dùng mọi cách theo các thầy lang hoặc dân gian mách bảo. Cháu Lan đã giúp mình lục lọi trên mạng ra bao nhiêu thông tin hỗ trợ cho những việc đó, đặc biệt nó còn lấy được một loạt bài hướng dẫn cách làm giảm bớt các đau đớn của mẹ trong mấy trăm ngày cuối cùng.
  • Cách nào mà hiệu nghiệm hơn cả mooc-phin và những thứ thuốc ngủ mạnh hơn? –tôi sửng sốt hỏi một câu có lẽ thừa.

Bắc trả lời:

  • Bác sĩ trước đó từng điều trị Tô đã dặn rất kỹ rằng moóc-phin và vài thứ thuốc tương tự tuy giảm đau nhưng đều nguy hiểm và gây nghiện nên chỉ được kê đơn trong trường hợp cần thiết và bắt buộc phải đúng liều lượng phù hợp thể trạng bệnh nhân. Nhưng bố con mình thì nhờ may mắn đã tìm thấy những phương pháp không dùng thuốc và vẫn nghiên cứu tiếp theo hướng đó cho đến nay.

Anh thong thả xuống võng, chống nạng đi về phía bàn viết và lấy từ ngăn kéo ra thứ gì đó rồi quay lại đưa cho tôi. Tôi đứng dậy đón nhận bằng cả hai tay, cảm ơn anh và lật nhanh qua các trang. Đó là một bản thảo khá dày được photocopy và đóng quyển, bên trong có nhiều hình vẽ, thoáng trông tưởng như chép từ kinh Vệ Đà [1] hay từ các bức tượng của khu đền Khajuraho [2].

Bắc nói rất chân tình:

  • Hai năm qua, mình đã đúc kết kinh nghiệm bản thân và của mấy thầy lang thành một tài liệu xoa bóp bấm huyệt dành cho bạn bè. Thân tặng cậu đó, nhớ vừa học vừa thực hành hàng ngày thì sẽ sớm có hiệu quả, chỗ nào chưa hiểu kỹ cứ hỏi mình. Nếu áp dụng với vợ cậu thì điều cốt lõi là bên cạnh sự chuẩn xác của các thao tác còn cần sự trao đổi thẳng thắn ngay từ đầu giữa hai người để căn chỉnh sao cho dần dần đạt tới mức độ cảm thông đồng điệu cao nhất. Thật không ngờ ở tuổi xế chiều, cả Tô và mình đều trẻ lại và tìm thấy những ý vị của một tình yêu mới lạ với những động tác rõ ràng là đụng chạm da thịt hầu như trên toàn bộ cơ thể mà lại không dung tục như nhiều người tưởng lầm. Về mặt này có lẽ ta so sánh được một số nét của nó với những bộ môn nghệ thuật khác đấy nhỉ?
  • Cậu và Lan đã giúp Tô chống chọi được hơn năm nữa! –tôi nói khẽ như để an ủi bạn mình.

Anh trầm ngâm một lát rồi đáp:

  • Cả gia đình mình đã cùng dựa vào nhau để sống và chính Tô đã tỏ rõ một sức mạnh kỳ diệu giúp mình hiểu được chân lý: tình yêu có thể sinh ra những điều phi thường. Khi sắp mất, Tô xiết chặt cả tay bố lẫn tay con, lần lượt nhìn vào đáy mắt mình và Lan rồi nói từng lời rõ ràng, mạch lạc “Lan ơi! Con nhớ tìm người nào sẽ chăm sóc bố như bố từng chăm sóc mẹ nhé!”...

Đông Tỉnh
(còn nữa)


Xem online : Phần 1


[1Vệ Đà hay Phệ-đà (tiếng Anh: Veda) có nghĩa là "tri thức", được coi như cuốn kinh gốc của đạo Bà La Môn và suối nguồn của nền văn hóa Ấn Độ.

[2Nằm rải rác trên diện tích gần 20 km2, quần thể đền Khajuraho gồm 85 kiến trúc nổi tiếng bởi những điêu khắc từ thế kỷ 11 về đời sống tình dục của cổ dân xứ Madhya Pradesh (Ấn Độ).