Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Âm nhạc > “LENINGRAD – THÀNH PHỐ THÂN THƯƠNG ĐẾN PHÁT KHÓC...”

“LENINGRAD – THÀNH PHỐ THÂN THƯƠNG ĐẾN PHÁT KHÓC...”

Thứ Tư 5, Tháng Tư 2017, bởi Cong_Chi_Nguyen

Khủng bố với ít nhất 10 cái chết của người dân vô tội tại metro thành phố Sankt-Peterburg ngày 3/4/2017 lại mang tới thêm một trang sử đau thương cho “thủ đô phương bắc” của nước Nga. Bỗng dưng giai điệu của bài hát hay nhất về thành phố đẹp và đau thương nhất này cứ văng vẳng như 40 năm về trước:
https://www.youtube.com/watch?v=ZuGPcIiLBx4

Bài hát “Leningrad. (Em vẫn chưa muốn chết)” này có một lịch sử đặc biệt. Sau cách mạng Tháng Mười, thủ đô cũ của Sa Hoàng Petrograd đổi tên thành Leningrad, và bài thơ ra đời năm 1930 tất nhiên có tên gọi “Leningrad”. Tác giả là nhà thơ Osip Mandelstam (1891-1938) – một trong những nhà thơ Nga lớn nhất của thế kỷ 20, là một trong sáu nhà thơ đồng thời là nhà triết học đương thời của nhân loại, nhưng số phận vô cùng cay nghiệt, ông đã bị chế độ Stalin đầy đọa ở nhiều trại tù mười mấy năm, rồi cuối cùng chết vì rét và kiệt sức tại Viễn Đông còn thơ thì tất nhiên chỉ được chép lậu hay xuất bản ở nước ngoài...

Bài thơ nói về cảm xúc của người đi xa quay lại thành phố cũ “Leningrad – thành phố thân thương đến phát khóc...”. Nhưng mọi sự đã thay đổi nơi đây (tác giả vẫn gọi nó theo thói quen là Petrograd). Không còn ai quen thân nữa, thậm chí gọi điện thoại những số cũ thì người cũ đã chết hết rồi! Anh sống ở cầu thang tối đen vật vờ. Một nỗi buồn kinh khủng. Tuy vậy người trở về “anh vẫn chưa muốn chết bởi vì em có số phôn của anh...”. Vẫn còn chút gì hy vọng, anh thức trắng cả đêm để ngồi chờ...

Nhưng bài hát này lại được nữ ca sỹ huyền thoại Alla Pugachyova phổ nhạc sau đó rất lâu, năm 1977, tất nhiên thơ của Osip vẫn đang bị cấm ngặt, và Alla phải thay đôi ba chữ trong lời bài hát “Leningrad”
https://www.youtube.com/watch?v=BzSA0w0BNOo

“Leningrad - em trở lại thành phố của mình, thân thương đến phát khóc...”. Mọi sự đã thay đổi không nhận ra được nữa, và con người cũng vậy. Em gọi theo những số điện thoại cũ, tìm theo địa chỉ cũ, mong tìm được giọng nói người thân... Vẫn còn một chút gì hy vọng, “em vẫn chưa muốn chết bởi vì anh có số điện thoại của em mà...”.

Alla lúc đó đã rất nổi tiếng nhưng việc phổ nhạc và nhất là hát bài này là một hành động phải công nhận là thực sự liều lĩnh. Chị viết nhạc cho bài hát cực buồn này để dành tặng cho nữ ca sỹ xấu số người Leningrad vừa mất vì bệnh tật Lidia Klement. Và sự liều lĩnh (có tính toán) này của chị đã thành công rực rỡ, với hàng chục triệu bản được tìm mua. Đến năm 1984 chị đã hát lại “Leningrad” trên sân khấu chính của CCCP:
https://www.youtube.com/watch?v=hHJmiZ5ZaIQ

Thời thế dần thay đổi và có thể có chút đóng góp của Alla trong đó nên gần nửa thế kỷ sau cái chết của ông - năm 1987 nhà thơ Osip Mandelstam chính thức được minh oan. Người ta bắt đầu nhớ lại rằng Brodsky – Nobel văn học gốc Nga – thời nhỏ được gọi là “Osip nhỏ” để noi gương ông, còn Nabokov coi ông là “nhà thơ duy nhất dưới ách Stalin”... Người ta chôn ông ở đâu trong tù đến nay vẫn là dự đoán, nhà thơ vẫn chưa có được một tấm bia mộ mặc dù chỉ cần với một bài thơ “Leningrad” này người dân thành phố Sankt-Peterburg (Leningrad – Petrograd) đã và sẽ chẳng bao giờ quên ông!

Nam Nguyen