Trang nhà > Con người > Hồi tưởng > VÀ CÂY ĐỜI MÃI MÃI XANH TƯƠI (Kỳ 1)
Hồi ức về GS Vũ Đình Cự
VÀ CÂY ĐỜI MÃI MÃI XANH TƯƠI (Kỳ 1)
Nguyễn Chí Công
Thứ Hai 29, Tháng Năm 2017, bởi
Tôi may mắn được biết GS TSKH Vũ Đình Cự khá sớm nhờ đã từng làm việc với ông hồi tôi ở Viện Khoa học Việt Nam rồi ở FPT, từ 1991 thì chính thức trở thành cấp dưới trực tiếp của ông tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia cho đến khi ông rời sang Văn phòng Quốc Hội. Sau đó thỉnh thoảng chúng tôi vẫn tiếp tục gặp gỡ, tuy lần nào cũng vội vã vì ông chỉ có thể dành cho tôi một thời gian ngắn ngủi trong cuốn lịch hẹn đã ghi kín đặc.
Hôm nay tôi thật sự vui mừng vì có dịp ôn lại vài dấu mốc quan trọng và những kỷ niệm quý báu mà ông đã để lại trong tôi qua hơn một nửa chặng đường công tác được gắn bó ít nhiều cùng ông. Do gần đây trí nhớ suy giảm nên tôi mong bạn đọc góp ý bổ khuyết cho và thứ lỗi nếu có điều gì chưa chính xác hoặc bị bỏ quên.
- GS Vũ Đình Cự ký biên bản hợp tác với TS D.Dufresne, Viện trưởng Viện Cơ học Marseilles. Photo: Archives NCCong ©1993
1. MỐI LƯƠNG DUYÊN
Hồi cuối thập niên 1970 tôi đang là một kỹ sư trẻ say sưa nghiên cứu chế tạo máy vi tính tại Viện KH Tính toán và Điều khiển thì TSKH Vũ Đình Cự vừa sang tuổi 40 đã kiêm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo ở ĐH Bách khoa Hà Nội và Viện KH Việt Nam. Lúc ấy tôi chưa được quen ông nhưng đã có ấn tượng tốt đẹp ban đầu qua vài lần họp chung. Đó là một người ăn mặc giản dị, dáng vẻ khiêm nhường kín đáo, nghe nhiều nói ít mà khiến người khác chú ý...
Mấy năm sau, nhóm của tôi đã có vài kết quả ứng dụng thực tiễn gây tiếng vang. Bỗng nhiên một chiều thứ bảy, anh Nguyễn Mạnh Sắt ở Viện Vật lý và tôi được ông mời với tư cách cá nhân để cùng đi khảo sát ở Hưng Yên và Thái Bình. Phương tiện vận tải là một xe U-oát Trung Quốc, lúc qua sông lái xe phải rất khéo léo mới lên xuống được chiếc phà cũng cũ nát như nhau. Đường xá không đèn đóm và đầy ổ gà, có đoạn nếu không phanh kịp thì cả đoàn đã lăn xuống chân đê. Nhưng vị trưởng đoàn vẫn cười để tay lái xe bình tĩnh lùi lại rồi tiếp tục đi.
Có đi mới thấy điều kiện làm việc tại Thái Bình rất khó khăn, trên cạn thì nắng mưa và gió biển ẩm ướt mang muối đến ăn mòn các bộ phận kim loại của các thiết bị nhập ngoại đắt tiền, trong khi lòng đất rất sâu bên dưới lại nóng đến mức nhiều mũi khoan sớm bị mòn hỏng v.v.. Đoàn chúng tôi không được hưởng bất cứ ưu đãi nào ngoài một bữa cơm đạm bạc ở nhà ăn tập thể của Liên đoàn địa chất. Chỉ các chuyên gia của Liên Xô cũ được sống trong những căn phòng gắn máy lạnh và ăn uống đầy đủ.
(Sau 1975 người ta tiếp tục hy vọng vịnh Bắc Bộ có mỏ dầu khí. Nhưng khi tôi sang Paris may mắn nhờ tình cờ quen một số thực tập sinh VN tại Rueil-Malmaison thì lại được bảo rằng các dữ liệu thăm dò ở vùng biển rất xa ngoài khơi Nam Bộ đem qua Pháp xử lý đã cho kết quả khả quan hơn.)
Tôi còn có vài dịp lấy ngày nghỉ riêng như thế để đi công tác tại Thái Bình rồi trở về Hà Nội báo cáo ông. Nhờ lên tàu thăm dò biển nên tôi mới biết được một phần cuộc sống cực kỳ vất vả của những nhà địa chất và thủy thủ thời kỳ có nhiều “boat people” vượt biên. Mỗi lần ra khơi họ đều luôn luôn thừa nắng mưa, gió bão nhưng thiếu rau xanh, và xăng dầu chỉ được cấp để sao không đủ chạy đến phao Zero. Đặc biệt tính mạng họ còn bị đe dọa bởi nguy cơ cháy nổ những khi chở mìn đi để chuẩn bị tiến hành các phép đo bằng địa chấn... Con tàu sắt già nua và yếu ớt ấy mấy năm sau từng bị sóng to bão lớn giật đứt neo và đẩy sâu vào mắc cạn trong đất liền Thanh Hóa, còn thủy thủ bơi lạc trong đêm mưa sang phía Kiến An may mắn được dân đánh cá cứu vớt nên không ai bị chết.
Bản thân tôi cũng một lần suýt chết đuối ở Đồng Châu. Rồi do bắt đầu bị một số đồng nghiệp nghi ngờ vì đã "làm việc không công" cho cơ quan khác nên tôi không được tiếp tục công việc nói trên cùng GS Vũ Đình Cự và các bạn đồng nghiệp cùng quê hương Thái Bình biển lúa của ông. Rất mừng là về sau ông cho biết những quan sát, nghiên cứu và kết luận đưa ra của đoàn công tác đã góp phần cải tiến kỹ thuật thăm dò dầu khí. Ấn tượng của tôi về ông lại thêm điểm sáng nữa: một nhà vật lý học nhưng rất quan tâm đến kỹ thuật và biết tập hợp các kỹ sư để giải quyết những vấn đề thực tiễn.
(Còn tiếp)
Nguyễn Chí Công
Xem online : Kỳ 2