Trang nhà > Con người > Hồi tưởng > VÀ CÂY ĐỜI MÃI MÃI XANH TƯƠI (Kỳ 2)
Hồi ức về GS Vũ Đình Cự
VÀ CÂY ĐỜI MÃI MÃI XANH TƯƠI (Kỳ 2)
Nguyễn Chí Công
Thứ Tư 31, Tháng Năm 2017, bởi
Tôi càng kính phục GS Vũ Đình Cự khi được nghe GS Nguyễn Xuân Chánh nói về đề tài GK1. Trong thời kỳ chiến tranh, ngoài ném bom miền Bắc, quân Mỹ còn rải thủy lôi bao vây cảng Hải Phòng. Năm 1972 Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã thành lập Tổ đặc nhiệm GK1. Và thế là các nhà khoa học cùng các kỹ sư giao thông đã nghiên cứu chế tạo thành công một thiết bị điều khiển từ xa có thể phá bom từ trường và thủy lôi nhằm tránh được thương vong cho những người trực tiếp có mặt ở hiện trường.
- GS Vũ Đình Cự và một số thành viên GK1. Ảnh: Tư liệu.
2. MỘT SỨ GIẢ
Trở lại đầu thập niên 1980, sau mấy chuyến công tác với GS Vũ Đình Cự, tôi tiếp tục bị cuốn hút vào những đề tài nghiên cứu của Viện KH Tính toán và Điều khiển. Rồi lại có thêm những chuyến đi để quảng bá, đào tạo và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở trong nước với những chiếc máy vi tính Made in Viet Nam, chạy hệ điều hành CP/M-80. Một điểm son đáng nhớ khác là Viện chúng tôi đã ứng dụng tin học thành công bước đầu ở Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng với dàn máy IBM PC/XT đầu tiên được bí mật đem về nước, chạy PC-DOS.
Trước đó vị Viện trưởng đáng kính của chúng tôi là GS-TSKH Phan Đình Diệu có mời được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trụ sở của Viện ở Đồi Thông, Liễu Giai. Khi thấy mười mấy người chui rúc trong 04 căn phòng nhà cấp 4 mà chỉ có 02 máy điều hòa không khí, Thủ tướng suy nghĩ rất nhanh và chỉ đạo Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên phải tìm ra kinh phí gấp rút xây trụ sở mới trên Nghĩa Đô để nhóm chúng tôi có chỗ làm việc khá hơn. Đáng ngạc nhiên là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước Trần Quỳnh đi tháp tùng Thủ tướng trong đoàn khách lại buông một câu không rõ để khen hay để chê, đại ý rằng phòng thí nghiệm của Marie Curie xưa kia còn nhỏ hơn thế này!!
Về sau GS Diệu cho biết: không hiểu sao khi tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản thì người ta lại tưởng nhầm Viện Toán học với Viện KH Tính toán và Điều khiển là một cơ quan duy nhất, cho nên trong các văn bản liên quan chỉ ghi mỗi tên của Viện Toán học. Thú thật là ngày ấy tôi còn rất non nớt về sự đời và chính trị nhưng cũng thấy rất lạ rằng các cán bộ cấp dưới lại có thể nhầm lẫn tai hại đến như thế. Cuối cùng thì đầu năm 1982 phòng thí nghiệm kỹ thuật vi xử lý cũng được chuyển lên Nghĩa Đô và chiếm hẳn một nửa tầng trệt trong trụ sở 2 tầng của Viện Toán học vừa mới xây xong. Giữa năm ấy tôi lại được sang CH Pháp, lần này để thực tập ngắn hạn về thiết kế vi mạch cực lớn VLSI. Tiếc nhất là cả hai lần được mời sang Mỹ thì đều bị om lại không cho đi. Tôi bận túi bụi và không mấy khi có đủ thời gian nghĩ đến chuyện riêng. Việc lập gia đình đến khá muộn và một phần cũng vì tôi không còn chỗ nào để nương tựa sau khi mẹ già của tôi qua đời.
- Vợ tôi và vợ anh Chu Hảo. Photo: Archives NCCong ©1983
Bẵng đi mấy năm, một chủ nhật cuối mùa thu 1984 bỗng nhiên nhà tôi có khách : TS vật lý học Chu Hảo, một giảng viên ĐH Bách Khoa HN mà tôi quen biết cả gia đình cũng đã khá lâu. Sau vài lời thăm hỏi sức khỏe vợ chồng và đứa con sơ sinh của tôi, anh bắt đầu say sưa kể chuyện về một tổ chức bí ẩn vừa ra đời. Đó là NACENTECH, tên giao dịch quốc tế của Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia, một cơ quan ngang cấp Bộ và trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (hồi ấy chức danh Chủ tịch HĐBT tức là Thủ tướng Chính phủ).
Đứng đầu NACENTECH chính là GS Vũ Đình Cự, anh Hảo phụ trách CN02 - bí danh của Viện Nghiên cứu Công nghệ Vi điện tử. Ngoài ra còn một số anh chị khác mà tôi chưa quen, đa số từ các cơ quan khoa học kỹ thuật của ngành quân đội và công an chuyển sang. Các vị đã mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị cho HĐBT phê duyệt chức năng, nhiệm vụ của NACENTECH nhưng cho đến lúc ấy nhiều thủ tục chưa hoàn tất, chưa được xuất hiện công khai, lại chưa có trụ sở chính thức nên phải ở nhờ ĐH Bách Khoa HN, v.v.. Quả thực lần đầu tiên trong đời tôi được biết đại khái thế nào là "quy trình" thành lập một cơ quan ngang Bộ.
Đến đây anh Hảo mới chuyển lời của GS Cự ngỏ ý mời tôi sớm lo thủ tục rời khỏi Viện KH Tính toán và Điều khiển để chuyển hẳn về NACENTECH hoặc tạm thời ít nhất cũng làm cộng tác viên để giúp hình thành bộ phận công nghệ thông tin, v.v.. Lúc ấy nội bộ lãnh đạo cơ quan chủ quản của tôi đang có những định hướng đặt trọng tâm nghiên cứu rất khác nhau giữa KH Tính toán và Điều khiển với KH nhận dạng và trí tuệ nhân tạo. Như các nhóm khác, nhóm của tôi cũng dần dần bị rạn nứt vì phân hóa tư tưởng và nhiều biểu hiện bắt đầu báo hiệu những năm tháng vô tư tươi đẹp sức trẻ của chúng tôi có thể sắp chấm dứt.
Anh Hảo quen biết một số lãnh đạo nên cũng nắm bắt được tình hình của cả hai bên và nhanh chóng đoán ra được sự phân vân của tôi. Anh nói NACENTECH đã đạt được sự đồng thuận cao ở HĐBT và "đang ở mắt bão" là nơi yên tĩnh nhất vì dung hòa được những quan điểm của các "bề trên" trong tình cảnh Việt Nam sau sự kiện đưa quân đội vào Campuchia thì lâm vào thế bị phương Tây cô lập, cấm vận ngặt nghèo hơn và có nguy cơ khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên tôi vẫn có cảm giác rằng mô hình tổ chức hoạt động mới lạ của NACENTECH còn chưa rõ ràng thế nào đó, cho nên xin được nán thêm một thời gian để tìm hiểu và suy nghĩ. Anh Hảo vui vẻ đồng ý và nói sang chuyện khác, rồi cuối cùng cũng đến lúc chúng tôi phải tạm biệt nhau.
(còn tiếp)
Nguyễn Chí Công
Xem online : Kỳ 3