3 hiện tượng "hiển nhiên" của con người

Dưới đây là lời giải cho 3 câu hỏi:

  • Tại sao thân nhiệt của con người lại ổn định ở mức 37 độ C?
  • Tại sao khi hắt xì hơi, con người lại nhắm mắt?
  • Tại sao con người lại có ruột thừa?

Tại sao thân nhiệt chúng ta là 37 độ C?

Mỗi khi cặp nhiệt độ, thấy nhiệt kế chỉ con số 37 độ C, chúng ta hoàn toàn yên tâm về sức khỏe của bản thân. Vậy khi ấy, bạn đã bao giờ tự hỏi rằng tại sao lại là 37 độ C mà không phải con số khác như 38, 39 hay 50 chưa?

Câu trả lời nằm ở sự tiến hóa của loài người. Trong giới sinh vật, loài người nói riêng cũng như họ động vật có vú sở hữu khả năng tuyệt vời, vượt trội họ bò sát: đó là có khả năng duy trì thân nhiệt ở mức ổn định. Điều đó giúp cho chúng ta tồn tại và phát triển hơn hẳn các loài khác. Tính trung bình, nhiệt độ cơ thể của toàn bộ động vật có vú dao động từ 30 - 40 độ C.

Theo các nghiên cứu khoa học gần đây, 37 được coi là con số tuyệt vời nhất đối với sự phát triển. Người ta thấy rằng, cứ tăng thêm 1 độ C, nguy cơ lây nhiễm các loại nấm lại giảm đi 6%, đồng thời, trong khoảng từ 30 - 40 độ C, các nấm lợi khuẩn hoạt động mạnh nhất. Đó là lý do vì sao bò sát và các sinh vật biến nhiệt rất nhạy cảm với nấm, trong khi chỉ có một số ít các loài khuẩn nấm có nguy cơ xâm hại chúng ta.

Một trong những điểm bất lợi duy nhất của thân nhiệt con người đó chính là cần phải duy trì thân nhiệt đó bằng rất nhiều năng lượng. Nếu không ăn uống gì trong thời gian dài, năng lượng cạn kiệt dần và thân nhiệt sẽ giảm nhanh chóng, rất nguy hiểm tới tính mạng.

Khi hắt xì có mở được mắt không?

Hắt xì hơi là một cơ chế phòng thủ bậc cao của cơ thể con người, tuy nhiên đã bao giờ bạn nhìn thấy mình hắt xì hơi như thế nào hay chưa? Chắc chắn là không bao giờ, bởi đơn giản khi hắt hơi thì tất cả chúng ta đều nhắm mắt.

Vì sao ư? Hắt xì hơi vốn là cơ chế bảo vệ đường hô hấp trước các phần tử lạ xâm nhập qua đường mũi. Khi bị kích thích, trung tâm thần kinh điều khiển tất cả các cơ co lại, từ cơ thực quản cho tới cơ vòng, đương nhiên bao gồm cả cơ mí mắt.

Kết quả là khi hắt hơi, mắt luôn nhắm lại, thậm chí một số người còn bị chảy nước mắt.

Các nhà khoa học đưa ra hai giả thuyết về vấn đề này: có thể đó thể hiện sự liên thông các bộ phận trong cơ thể, hoặc đó sự kết hợp bảo vệ đường mũi lẫn mắt: vì khi hắt xì, sẽ thải ra khoảng 100.000 vi khuẩn và tạo áp lực phóng ra với tốc độ khoảng 160km/h.

Ruột thừa liệu có "thừa"?

Không ít người trong chúng ta đã từng trải qua cảm giác của cơn đau ruột thừa âm ỉ: đau từ ngày này qua ngày khác không dứt. Con người là sinh vật tiến hóa nhất hành tinh, tại sao lại sở hữu một bộ phận “vô dụng” như thế?

Trên thực tế, chúng không “ăn không ngồi rồi” đâu. Ruột thừa, tương tự răng khôn là một trong những dấu tích của sự tiến hóa loài người từ thượng cổ.

Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra rằng, ruột thừa chính là bộ phận dùng để tiêu hóa lá của loài người cổ xưa nhưng từ khi con người tiến lên nền văn minh, chức năng chính của nó dần tiêu biến và nó tồn tại cho tới ngày nay với nhiệm vụ khác đó là nơi chứa nhiều tế bào bạch cầu chống bệnh truyền nhiễm và hỗ trợ ruột non.

Xét về lý thuyết, sự tiến hóa của con người vẫn còn tiếp tục, song với tốc độ rất chậm cũng như trước kia. Rất có thể đến ngày nào đó, ruột thừa sẽ biến mất vĩnh viễn nhưng như các chuyên gia ước đoán, đó sẽ là một ngày đẹp trời của 100.000 năm sau.

(Theo Trí Thức Trẻ)