Trang nhà > Nghệ thuật > Kiến trúc > Chùa Nôm (Hưng Yên)
6640 Nom Village Pagoda
Chùa Nôm (Hưng Yên)
Linh Thông cổ tự
Thứ Hai 14, Tháng Tám 2017, bởi
Chùa Nôm được xây lại năm 1680, thuộc dòng Lâm Tế. Tên chữ: Linh Thông cổ tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2020). Vị trí: X3VM+MJ xã Đại Đồng, H. Văn Lâm, Hưng Yên. Toạ độ: 20°59’39"N 106°05’03"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 31km (hướng 3h)
Chỉ đường
Du khách muốn đến chùa Nôm bằng xe buýt trên các tuyến từ Hà Nội đi về huyện Văn Lâm nơi giáp ranh hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh, nhớ xuống ở gần cầu Đồng Xá. Nếu dùng xe máy thì có thể sang Gia Lâm rồi theo xa lộ AH14 đến Như Quỳnh chuyển về đường ĐT388, đi quá chùa Đại Từ khoảng 1km mới rẽ trái vào xã Đại Đồng qua nhà thờ giáo xứ Đình Tổ (khác với Đình Tổ của Bắc Ninh).
Đầu làng Nôm [1] có một dòng sông nhỏ với cây cầu nổi tiếng gồm 9 nhịp bắc trên những cột đá chạm hình đầu rồng cách điệu, mặt lát toàn bằng đá xanh đã hơn 200 năm tuổi. Phía đông bắc cầu là lối đi giữa bức tường đá ong bao quanh khuôn viên chùa Nôm ở bên trái và dãy nhà dân cạnh khu chợ làng ở bên phải.
- Cầu đá làng Nôm. Photo ©NCCong 2017
Lược sử
Theo bi ký trên hai tấm bia lớn đặt sau hậu cung thì chùa Nôm có từ lâu đời, về sau vua Lê Hy Tông đã cho xây dựng lại vào năm Chính Hòa nguyên niên, tức Canh Thân 1680. Lần lượt các năm 1692, 1694, 1697, 1698, 1699 chùa được tu sửa tiền đường, hậu cung và hành lang. Năm Chính Hòa thứ 21 (1700) nhà chùa còn cho sửa lại các cột trụ, tô tạo thêm tượng và mở rộng sân.
Sau đó rất lâu, đến năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) nhà chùa cho xây gác chuông và mở rộng hành lang. Mãi dưới thời Nguyễn, vào năm thứ 11 đời vua Thành Thái (1899) chùa mới được sửa lớn. Lần đại trùng tu gần đây nhất là năm 2009 và sắp tới chùa Nôm lại được mở rộng gấp đôi. Đại đức Thích Thanh Hải nói: “Chùa hiện có diện tích 8 ha. Sắp tới theo dự án tu bổ, khuôn viên chùa sẽ đạt tới 15 ha”.
- Tam quan chùa Nôm. Photo ©NCCong 2017
Di vật
Tháng 2-2020, quần thể di tích của làng Nôm đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Nơi đây thực ra từ lâu đã trở thành một địa điểm hấp dẫn khách du lịch ngay từ đầu làng với ngôi đình Đại Đồng (còn gọi là đình Nôm, thờ Đức Thánh Tam Giang), rồi chiếc cầu đá cổ kính và độc đáo bắc qua con sông Nguyệt Đức, tiếp theo là chợ Nôm và chùa Nôm ở phía đông bắc của làng.
Bên trong chùa Nôm hiện có 122 pho tượng Phật giáo được làm bằng đất, nằm rải rác khắp nơi với những kích cỡ khác nhau, bao gồm các tượng Tam Thế, A Di Đà, Quan Âm Bồ tát, Thập điện Diêm vương, Bát bộ Kim cương, Thập bát Tổ truyền đăng, Hộ pháp v.v.. Có những pho tượng cao sát mái nhưng nhiều pho khác lại chỉ bé như nắm tay.
Phần lớn tác phẩm nói trên ghi dấu một số nét đặc trưng cho nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII. Các trận lụt năm 1971 và 1986 đã nhấn chìm nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có làng Nôm; tuy vậy các pho tượng đất ở chùa Nôm vẫn nguyên vẹn. Có lẽ bí quyết là ở lớp sơn ta bao bọc khối đất nghe nói được lấy từ các ổ mối.
Ngoài giếng cũ, bia đá, tượng đất và những đồ tế khí cổ kính trong chùa chính thì cũng còn nhiều hiện vật khác có giá trị nghệ thuật cao đã được thiết đặt tại nơi đây. Những kiến trúc hoành tráng đều được xây vào cuối thế kỷ XX và đầu XXI, thậm chí một số tượng gỗ và vật liệu mới được bổ sung trong thập niên 2010.
- Sân chùa Nôm. Ảnh ©NCCong 2017
Kiến trúc
Nằm bên gốc cây gạo cổ thụ, cổng chùa Nôm nổi bật bởi kích thước đồ sộ và vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ. Phần giữa tam quan gồm hai tầng và ba cửa chính, hai bên có hai cửa phụ, tất cả đều có mái che lợp bằng ngói ta. Trên lầu gắn biển sơn son đề bốn chữ Hán “Linh thông cổ tự” thếp vàng nhìn ra khu chợ làng rất rộng với sáu dãy nhà gạch cũ.
Bước qua ngưỡng cửa chùa du khách nhìn thấy ngay hai tòa lầu chuông và gác trống cao ba tầng, xây đối xứng với tâm là một hồ nước hình chữ nhật ở giữa tam quan và tiền đường. Leo cầu thang gỗ lên lầu tam quan có thể quan sát rất rõ phần lớn quang cảnh vuông vức và đầy cây xanh của chùa Nôm.
- Gác chuông sau tam quan chùa Nôm. Photo ©NCCong 2017
Sân chùa rợp bóng hai cây muỗm đã trải qua vài thế kỷ. Tòa tiền đường rộng 5 gian, mặt quay về phía đông nam, hai đầu là lối vào hành lang. Dọc theo ống muống có cửa lấy sáng và cũng ăn thông ra hành lang. Đây là phần chùa cổ còn giữ lại được với rất nhiều pho tượng quý, tuy nhiên do trùng tu tôn tạo các bộ phận khác nên nền và mái chùa chính trông bị thấp.
Sân sau gác trống rất lớn, bên trái tiền đường có những ngôi tháp mộ được xây lại, vật liệu chủ yếu gồm đá ong. Cạnh đó còn có hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành cổng tượng trưng dẫn đến một hồ nước mới đào với cây cầu đá hình cánh cung đưa khách vào lầu chiêm bái tượng Quan Âm Bồ tát.
- Lầu Quan Âm chùa Nôm. Photo ©NCCong 2017
Lầu Quan Âm hình bát giác, cao ba tầng, được xây mới hoàn toàn trong đợt đại trùng tu năm 2009 mà chỉ có tiền đường còn giữ lại được nét cổ kính. Từ cây cầu đá, có thể nhìn thấy cái cổng ngách và con đường gạch dẫn khách qua giếng đá cổ vào một sân rộng phía sau hậu cung thấp bé với các tòa nhà khách, hậu đường và nhà Tổ rất to lớn, kết cấu cũng chủ yếu bằng gỗ.
Di tích lân cận
- Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh): thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.
- Chùa Dâu: đường Lạc Long Quân, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành.
- Chùa Hương Hải Thiền: thôn Chi Đông, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm.
- Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm Tự): thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.
- Chùa Tổ (Phúc Nghiêm Tự): thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành.
Ảnh ©NCCong 2017
(Cập nhật tháng 2-2020)
[1] Làng Nôm vốn là thôn Kiều Tùng, xã Tùng Xá, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Ngày nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.