Sẽ có thể cấy ghép nội tạng lợn cho người?

Suốt nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu tìm cách can thiệp, chỉnh sửa để mô lợn không bị cơ thể người đào thải. Giờ đây, việc dùng nội tạng lợn cấy ghép cho bệnh nhân đã ở rất gần nhờ đột phá mới tại Đại học Harvard (Mỹ). 

Nhóm nghiên cứu của ĐH Harvard đã tạo ra một kỹ thuật dùng nội tạng lợn để cấy ghép cho người. Kỹ thuật có tên là xenotransplantation (cấy ghép dị chủng), mở ra cơ hội giải quyết nhu cầu thiếu nội tạng thay thế của người. Các nhà khoa học đã vượt qua thử thách trong việc cấy ghép này sau khi loại bỏ được mối nguy hiểm do mã di truyền bằng DNA ở lợn có thể tạo ra virus gây hại.

Những tạng và mô lợn có thể cấy ghép cho người

Chỉ riêng tại Mỹ, hiện có khoảng 122.500 người đang chờ đợi phẫu thuật cấy ghép để giành giật mạng sống. Một nguồn cung cấp ổn định nội tạng lợn có thể sẽ cứu giúp cho hàng triệu bệnh nhân trên thế giới bởi vì chúng có kích thước tương đương với nội tạng người.

Tuy nhiên, ngoài lý do đạo đức, các nhà khoa học trước đây vẫn chưa giải quyết được vấn đề sốc phản vệ ở bệnh nhân do tế bào của lợn gây ra. Hơn nữa, các tế bào này còn có nguy cơ tiềm tàng khác do chúng vốn chứa rải rác nhiều đoạn sao chép mã di truyền bằng DNA có nguồn gốc từ một loại virus và vẫn có thể tạo ra những mẫu virus lây nhiễm.

Loại retrovirus sẵn có trong lợn hay là porcine endogenous retrovirus (PERV) có thể di chuyển từ tế bào lợn sang tế bào người qua đường thức ăn, và lây nhiễm sang tế bào người được cấy ghép trên những con chuột thí nghiệm có hệ miễn nhiễm yếu.

Loài lợn được chọn làm nguồn cấp tạng cho người bởi vì tạng của chúng có kích thước tương đồng và có đặc điểm sinh học giống tạng chúng ta, ngoài ra cũng dễ dàng chăn nuôi lợn trên quy mô lớn.

Các nhà khoa học mới đây đã thành công trong việc loại bỏ các PERV nguy hiểm khỏi gien lợn, bằng cách sử dụng một kỹ thuật chỉnh sửa gien gọi là CRISPR-Cas9 khiến lợn mẹ sinh ra những lợn con không còn mang đoạn gien có thể tạo ra PERV.

Nhờ lợn đột biến gien không có khả năng truyền PERV cho người, rào cản kỹ thuật lớn nhất của việc cấy ghép dị chủng đã được loại bỏ và bệnh nhân có thể tiếp nhận nội tạng lợn dễ dàng hơn.

"Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới khả năng cấy ghép dị chủng trong thực tiễn. Tuy nhiên,còn có rất nhiều vấn đề khác cần phải giải quyết, trong đó có vấn đề đạo đức trước khi cấy ghép dị chủng có thể được thực hiện", ông Darren Griffin, giáo sư về di truyền học tại Đại học Kent (Anh), nói.

Những lo lắng về mặt đạo đức trong việc cấy ghép tạng lợn cho người luôn được xem xét cẩn thận. Các nhà khoa học tin rằng việc loại bỏ rào cản kỹ thuật sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình loại bỏ rào cản đạo đức. Họ lập luận rằng việc cấy ghép tạng ở người ban đầu cũng bị phản đối rất mạnh, rồi những phản ứng xấu dần dần yếu đi do đa số đã hiểu ra được lợi ích to lớn của việc đó. Quả thật trong thập niên 1960-1970 việc cấy ghép tạng từng bị chống đối kịch liệt, nhưng giờ đây vấn đề này không còn nữa.

Giáo sư David Cooper từ Đại học Alabama cho rằng ý tưởng sử dụng nội tạng lợn chắc chắn khiến nhiều bệnh nhân khó chịu. "Mỗi ngày khoảng 22 người chết trong khi chờ cấy ghép tạng", ông nói. "Nếu nội tạng lợn giúp được họ thì không phải rất tốt sao?".

Tại Mỹ và Anh thì thí nghiệm cấy ghép dị chủng gần như bị cấm tiệt do lo ngại về một đại dịch do virus PERV có thể xảy ra. Vì vậy nhiều chuyên gia đã phải chuyển sang những nước có sự quản lý lỏng lẻo hơn như Mexico để thực hiện thí nghiệm của mình.

Những thí nghiệm trên các loài động vật linh trưởng vốn có sự khác biệt về tạng so với tạng lợn còn cao hơn ở loài người cho thấy rằng nội tạng được cấy ghép sẽ không bị đào thải nhanh chóng nếu xử lý đúng cách. Cụ thể vào năm 2015 các nhà nghiên cứu đã dùng một quả thận lợn được chỉnh sửa gen loại bỏ α-gal (một kháng nguyên có thể làm cho cơ thể bệnh nhân không chấp nhận tạng lợn) và ghép vào một con khỉ để thí nghiệm. Con khỉ sau đó sống được thêm 136 ngày với quả thận của lợn.

Ngày nay dù chưa cấy ghép được hoàn toàn một nội tạng lợn, nhưng các bác sĩ vẫn dùng một số mô lợn để thay thế cho bệnh nhân.

"Việc cấy ghép thành công các mô và các cơ quan của động vật sang cho người là một trong những mục tiêu lớn của ngành y học hiện đại trong 20 năm qua. Điều này được xem là một chiến lược quan trọng vượt qua sự thiếu hụt nội tạng để cấy ghép ở người", Ian McConnell, giáo sư khoa học thú y của Đại học Cambridge (Anh) cho biết.

"Có một số thủ thuật y khoa hiện nay được tiến hành an toàn với mô lợn, như việc dùng van tim lợn trong phẫu thuật tim, dùng tế bào tụy lợn sản xuất insulin để điều trị bệnh tiểu đường ở người và việc cấy ghép giác mạc lợn đã thành công trong nhiều năm qua. Việc sử dụng các nội tạng lợn an toàn trong cấy ghép dị chủng đã được xem như một cách tiếp cận nhằm khắc phục sự thiếu hụt nội tạng cung cấp cho người", ông McConnell nói thêm.

Giáo sư Ian McConnell từ Đại học Cambridge (Anh) nhận định nghiên cứu của Đại học Harvard là "bước đầu đầy tiềm năng" song vẫn phải chờ xem liệu nó có biến thành kỹ thuật cấy ghép an toàn hay không. 

(Theo VNE, MTG, sitn.hms.harvard.edu)