Trích Báo cáo y tế toàn cầu

Bản báo cáo Global Burden of Diseases, Injuries, and Risk Factors Study 2016 (GBD 2016) thống kê, phân tích các chỉ số bệnh tật, tai ương và nguy cơ toàn cầu từ năm 1990 đến 2016 vừa được công bố hôm nay 15-9-2017 trên tuần báo y học nổi tiếng The Lancet.

Theo nghiên cứu trên, trong năm 2016 có khoảng 128,8 triệu trẻ em được ra đời, trong khi khoảng 54,7 triệu người đã tử vong trong cùng thời gian này. Lần đầu tiên số trẻ bị chết khi chưa đủ 5 tuổi đã giảm xuống dưới 5 triệu bé, trong số đó 230 000 ca tử vong ở bà mẹ và trẻ em là do các sự cố không đáng có xảy ra lúc sinh đẻ.

Kết quả nghiên cứu của GBD 2016 cho thấy trong năm qua, có khoảng 1/5 số các ca tử vong trên thế giới liên quan tới chế độ ăn kiêng nghèo chất dinh dưỡng. Cũng trong thời gian này, hơn 1,6 triệu người ở các nước nghèo đã chết do bệnh tiêu chảy sau khi sử dụng nguồn nước hoặc thức ăn bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt có khoảng 2,4 triệu người đã chết vì nhiễm trùng phổi mà đa số các trường hợp trong đó lẽ ra có thể được phòng ngừa và điều trị.

Số ca tử vong trên thế giới năm 2016 do các bệnh truyền nhiễm đã giảm đáng kể. Đặc biệt tỷ lệ chết do bệnh sốt xuất huyết đã giảm được 81,8% kể từ năm 2006 xuống còn 37 800 ca trong năm 2016. Ngoài ra đã có khoảng 1,03 triệu người chết do HIV/AIDS, 1,2 triệu do bệnh lao và 719 600 do sốt rét. Bệnh viêm gan đã cướp đi sinh mạng của 1,34 triệu người trong năm 2016, tăng 22% so với năm 2000. Đây là một loại bệnh có thể phòng tránh được nhưng chỉ có 5% số người mắc bệnh này hiểu rõ về tình trạng của mình.

Tuy nhiên đã có 72,3% tức 39·5 triệu ca tử vong trên thế giới năm 2016 là do các bệnh không truyền nhiễm, trong đó các bệnh về tim, mạch (ischaemic heart disease — IHD) là nguyên nhân gây chết người nhiều nhất với 9,5 triệu ca trong năm 2016, tăng 19% trong một thập kỷ qua. Ngoài ra còn có những căn bệnh được gọi là bệnh do "lối sống" như tiểu đường đã tăng 31,1% so với năm 2006, vọt lên 1,43 triệu trường hợp.

Trong khi đó, bệnh ung thư - đặc biệt là ung thư phổi, cũng tăng đáng kể trong thời gian qua, với gần 9 triệu trường hợp tử vong trong năm 2016, tăng hơn 17% so với năm 2006. Thuốc lá được xác định là nguyên nhân gây ra khoảng 7,1 triệu ca ung thư phổi trong số này.

Theo kết quả nghiên cứu trên, tuổi thọ trung bình trên toàn cầu năm 2016 là 75,3 tuổi đối với nữ giới và gần 70 tuổi đối với nam giới. Suốt hơn 30 năm nay, Nhật Bản vẫn là nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới (83,9 tuổi), trong khi Cộng hòa Trung Phi luôn là nước có tuổi thọ trung bình thấp nhất thế giới (chỉ khoảng 50 tuổi).

Con người đang sống thọ hơn nhưng số bệnh mắc phải lại tăng lên. Các chuyên gia y tế cho rằng tỷ lệ tử vong vẫn có thể giảm hơn nữa nếu chúng ta sống có ý thức và biết chăm sóc sức khỏe đúng cách hơn.

Không có nước nào nhắm sẽ đạt hơn 13 trong số 24 mục tiêu về phát triển bền vững hướng đến năm 2030. Singapore, Iceland và Thụy Điển là những nước đang dẫn đầu, còn Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Afghanistan là những nước kém cỏi nhất.

NCCong