MẶT ĐẤT NÀY TRỐNG VẮNG KHI THIẾU ANH...

by Nam Nguyen

Nam Nguyen

Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944) – tác giả của “Hoàng tử bé” thực ra ngoài nghiệp văn chương ông là một phi công thực thụ, hơn hai chục năm ông lái máy bay vận tải, rồi máy bay quân đội và nhiều tác phẩm của ông nói về nghề nghiệp của những người dũng cảm này.

Ông đã gặp phải không ít những tai nạn khi bay chở hàng hóa từ Pháp sang châu Phi hay đã nhiều lần bay tới Đông Dương. Thậm chí năm 1935 trên chiếc máy bay riêng của mình ông dự định phá kỷ lục của đường bay Paris-Sài Gòn nhưng lại bị rơi ở sa mạc Libi. Đúng ngày tết tây thì thổ dân tìm được ông và tay trợ lý cơ khí trong sa mạc với tình trạng suýt chết khát...

Sau tay lái máy bay ở Buenos-Aires ông đã tỏ tình với vợ cũ của nhà văn nổi tiếng Carillo rằng nếu bà cứ cương quyết không hôn ông thì sẽ đâm thẳng máy bay xuống biển – và thế là đã tìm được niềm hạnh phúc lớn nhất của đời mình giữa những đám mây. Luôn được nhiều bóng hồng hâm mộ nhưng trong mọi cuộc chiến ông đã từng tham gia Saint-Exupéry luôn xin ra trận tiền và thường liều lĩnh vô cùng, dường như ông nhận được sự giải tỏa lớn lao nhất khi đối mặt với hiểm nguy.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai ông bắt đầu viết “Hoàng tử bé” mà ông và nhiều người thân quen được lấy làm mẫu hình nhân vật trong truyện, và ông có lẽ chính là chú bé đến mặt đất từ một hành tinh xa xôi... Ông còn vẽ các nhân vật này, không chỉ minh họa mà hình vẽ cũng chính là một phần của câu chuyện. Thật may cho loài người là quyển sách được xuất bản kịp, đồng thời bằng cả tiếng Pháp và Anh.

Ngày 31/7/1944 nhà văn khi đó đã nổi tiếng toàn thế giới chui lên chiếc máy bay trinh sát hẹp buồng lái chật ních, chịu đựng cái nóng tới 40 độ để rồi bay lên và ... biến mất! “Cơ trưởng của các loài chim”- như dân Arab vẫn gọi ông – và chiếc máy bay không ai tìm thấy. Nhân loại cứ thế mà mất đi một nhà văn kiệt xuất, không ai biết ông đã biến đi đâu, chỉ có các chiến hữu kể lại là cách đây mấy tháng họ đi xem bói, và người phụ nữ Digan nói ông sẽ chết vì chìm sâu trong nước biển. “Chắc bà này nghĩ tôi là lính hải quân...”- Saint-Exupéry cười nhạo và chả tin.

Ông biến đi như cậu bé trong truyện đã bay về hành tinh của mình – sau này truyện của ông được dịch ra ở trên 180 nước! Chỉ đến năm 2000 người ta mới tìm thấy mảnh vụn của máy bay ông dưới mặt nước 70 m trên một diện rộng dài tới hơn 1 km... 8 năm sau viên cựu phi công Đức Horst Ripper tự thú là đã bắn hạ ông – thần tượng văn học của mình sau cần lái chiếc máy bay trinh sát không có vũ khí ấy, đơn giản vì không nhìn ra ai đang điều khiển máy bay. Cho đến nay vẫn nhiều người hoài nghi và nghĩ rằng Saint-Exupéry đã tự lái chiếc máy bay của mình thẳng vào mặt biển...

SỰ DỊU DÀNG

“Mặt đất này thật trống vắng khi thiếu anh...
Làm sao em có thể chịu đựng nổi mấy giờ đồng hồ?
Trong vườn lá vẫn rơi,
Taxi vẫn vội vàng đi đâu đó...
Chỉ mặt đất này trống vắng
Một mình, vắng anh,
Còn anh.. anh bay mãi
Và những ngôi sao tặng anh sự dịu dàng của mình
Mặt đất cũng từng trống vắng như vậy
Khi Exupéry đã bay,
Lá vẫn rụng trong các khu vườn như thế này,
Và trái đất không thể nghĩ ra,
Nó phải sống thế nào thiếu ông ta
Khi ông ta bay,
Bay,
Và tất cả những vì sao
Đã dành tặng sự dịu dàng của mình...
Mặt đất này trống vắng khi thiếu anh...
Nếu có thể, hãy bay đến thật nhanh!”

Đó là lời của bài hát “Sự dịu dàng” hay “Mặt đất đã trống vắng vì thiếu anh” – một trong ba bài hát hay nhất của Nga ở thế kỷ 20.
Sara: https://www.youtube.com/watch?v=UMef8-4XQXg

Tác giả âm nhạc (nữ) Pakhmutova và hai tác giả ca từ (cho ca sĩ nam và nữ riêng) đã tạo ra được một tuyệt phẩm, một bài thơ không có một vần nào, một bài ca nhẹ nhàng sâu lắng nhất mà dù không biết tiếng Nga chúng ta cũng có thể cảm nhận được. Mới ra đời bài hát được ca sỹ hàng đầu lúc đó là Maya Kristalinskaya trình diễn thường xuyên, cô hát nhẹ nhàng nhất có thể, đúng như tâm trạng đầy lo âu, thương nhớ của người vợ chàng phi công vừa cất cánh, mặc dù ban đầu rất nhiều người chê cách hát này. Các tác giả cũng đến khổ vì các nhà quản lý văn hóa Xô Viết, họ xạc cho vì tại sao lại hát về “cái tên phi công Pháp vô danh Exupéry” nào đó, trong khi chúng ta đầy nhữn tấm gương chiến đấu huy hoàng? Maya quyết không hát khác đi, và bài hát trở thành dấu ấn đậm nhất trong cuộc đời ca sỹ huy hoàng của cô – cũng phải kể đến “công” của những nhà du hành vũ trụ Xô Viết, họ coi đây là bài hát về chính cuộc đời của họ - mà thời đó phi công vũ trụ quyết gì thì họ là vua!
Kristalinskaya Maya: https://www.youtube.com/watch?v=9zwQVyvGA6w

Nhạc sỹ Pakhmutova nhớ lại: “Gia đình chúng tôi chơi thân với gia đình phi công thử nghiệm Molosov. Năm 1967 vào ngày sinh nhật của anh ta, chúng tôi đang làm khách ở đó thì Gagarin điện thoại tới. Anh ây chúc mừng Molosov và yêu cầu tôi nghe máy, Gagarin nói: “Alla, tôi chỉ muốn chuyển lời của Komarov trước khi bay vào vũ trụ, anh ấy nhờ tôi gửi lời cảm ơn đến chị vì bài hát “Sự dịu dàng””. Và đó là chuyến bay cuối cùng của Vladimir Komarov (anh đã hai lần bay vào vũ trụ, và lần thứ hai khi quay về trái đất thì dù chính của khoang tiếp đất của tàu vũ trụ không mở, còn dù phụ bị cuốn không mở rộng được, vận tốc tiếp đất quá lớn so với dự tính và anh đã hy sinh – anh là phi công vũ trụ Xô Viết đầu tiên hy sinh).
Dmitry Khvorostovskiy: https://www.youtube.com/watch?v=RESxOyGAA9k

Bài hát “Sự dịu dàng” nhanh chóng trở thành bài ca yêu thích nhất của các phi công vũ trụ và phi công nói chung, và tất nhiên Gagarin không phải ngoại lệ. Và rồi 27/3/1968 khi Gagarin – lúc đó đã nổi danh toàn thế giới – cùng bạn bay đôi Seriogin trên chiếc MIG-15 phải ngoặt gấp để tránh va phải một chiếc SU-15 tự nhiên lại xuất hiện trong vùng tập đó với tốc độ trên cả tốc độ âm thanh và hai người anh hùng đã rơi xuống, trong khi “tất cả các vì sao dành tặng sự dịu dàng của mình cho các anh”...
Gagarin: https://www.youtube.com/watch?v=8v3l4dHifYo

Bài hát vô cùng nhẹ nhàng này được hát bằng nhiều thứ tiếng khác nhau (là một điều rất hiếm đối với bài hát Xô Viết), ví dụ bằng tiếng Pháp, với nữ ca sỹ lão thành 86 tuổi Bayanova:
https://www.youtube.com/watch?v=A59l0J61Bb0
Hay bằng tiếng Anh cũng rất truyền cảm, bởi Thomas Anders của “Modern Talking”:
https://www.youtube.com/watch?v=8rI2aGMLePM

KHÔNG AI BỊ QUÊN LÃNG, KHÔNG GÌ ĐƯỢC LÃNG QUÊN

Ngày 30/4/1971 vào hồi 10h15’ phi công Xô Viết lão luyện Yuri Poyarkov và người học trò Công Phương Thảo đang quay về từ khu vực tập bay trên núi Tam Đảo (Vĩnh Yên) thì biến mất. Từ đó bên quân đội cũng đã tổ chức vài lần tìm kiếm, nhưng cả máy bay, cả thi thể phi công đều chưa được phát hiện ra. Công Phương Thảo là con liệt sỹ, mới huấn luyện bay tại Liên Xô về nước. Yuri Poyarkov là thầy giáo của những anh hùng không quân sau này như anh Phạm Tuân, bản thân ông cũng nhận được nhiều huân huy chương của Việt Nam tặng, tuy vậy thời đó vì việc có mặt của các chuyên gia quân sự Liên Xô ở miền Bắc là rất “nhạy cảm” nên gia đình ông cũng chỉ được báo rằng ông đi công tác và mất tích, cho đến ngày nay cũng chưa có tin gì hơn!? Năm nay Anna - người cháu gái gọi Poyarkov bằng ông – đã nhờ những người bạn Nga và Việt ở Việt Nam tìm tung tích của đại úy Yuri Poyarkov...

Nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều cựu chiến binh cũng như bạn FB chúng tôi đã khoanh vùng được địa bàn chiếc máy bay rơi, bán kính khoảng 5 km nhưng địa hình hiểm trở. Công sức để tìm kiếm sẽ rất lớn, tuy vậy nhiều nhà hảo tâm, nhiều bạn bè sẽ ủng hộ, các bạn Nga cũng sẵn sàng vào cuộc. Rất mong sẽ có bên phòng không không quân, hay những tập đoàn lớn đứng ra làm ngọn cờ để tập hợp và kêu gọi sự tham gia của càng nhiều người, nhiều đơn vị càng tốt – để cho hai gia đình các liệt sỹ cũng thấy được “nghĩa tận” này của người Việt chúng ta. Và vong linh hai anh sẽ giúp chúng ta tìm kiếm thành công! Hãy nhớ lại câu chuyện với Exupéry. Trái đất này vẫn còn trống vắng vì thiếu các anh...

FB Nam Nguyen