Ngẫm nghĩ đôi điều về một nước Việt Nam hiện đại hoá nhân đọc về cụ Nguyễn Hữu Cầu
Phạm Toàn
Phạm ToànNguyễn Hữu CầuLấy tư cách gì viết mấy lời này ?
Gia đình cụ cử nhân Nguyễn Hữu Cầu ở làng Đông Tác (nay thuộc phường Kim Liên, Hà Nội) cho tôi cái vinh dự đọc bộ sưu tập về nhà chí sĩ họ Nguyễn này. Thêm một vinh dự nữa, ông Nguyễn Hải Hoành lại thay mặt gia đình cho tôi được viết mấy lời. Danh chính, ngôn thuận, lẽ thường là như vậy. Vì vậy tôi thấy mình có trách nhiệm phải nói thêm, vì sao tôi cả gan nhận lời viết mấy lời này. Nói cách khác, phải lý giải, tôi đã lấy tư cách gì để viết mấy lời này?
Cụ Nguyễn Hữu Cầu có con trưởng là giáo sư Nguyễn Hữu Tảo, người thầy mẫu mực mà tôi có được theo học trong niên khoá 1951-1953 tại trường Sư phạm Trung cấp Trung ương. Cùng bạn đồng môn còn có các con của thầy Nguyễn Hữu Tảo là Nguyến Hiến Chi và Nguyễn Hải Đạm. Chị Nguyễn Hiến Chi hồi đó bảo tôi: cậu với tôi có họ đấy nhé, theo thứ bậc cậu phải gọi tôi bằng chị đấy. Lời dặn dò đó ít được tôi để bụng. Lý do thật dễ hiểu: thế hệ chúng tôi sống vào lúc các giá trị gia đình, họ mạc tỏ ra hết sức xộc xệch. Trước cách mạng tháng 8-1945, chúng tôi còn quá hồn nhiên để dù có theo bà về quê thì cũng chẳng nhớ được cái thẳm sâu của dòng họ, mà vẫn thường coi đó chỉ là một dịp thở hít cái lãng mạn thôn dã. Khi chiến tranh bùng nổ, sự ly tán làm cho quan hệ đồng đội, đồng bào có khi còn quan thiết hơn quan hệ họ mạc.
Thế rồi, cùng với cách mạng và chiến tranh còn có cả cái không khí “dân chủ mới”, “đời sống mới” nữa. Vào cái thời đó, thậm chí chúng tôi còn có cả cái quyền gọi các thầy giáo trẻ bằng “Anh” nữa kia! Vì thế mà chúng tôi có các anh Hoàng Như Mai, anh Đinh Gia Khánh, anh Ngô Thúc Lanh…, đó là mới sơ qua vài anh! Dĩ nhiên, với các thầy cô có tuổi, chúng tôi chẳng dám hỗn hào. Nhưng nghịch ngầm và trêu chọc ngầm thì vẫn có, dù rằng học trò sư phạm to đầu thì cũng cứ là học trò! Đó cũng là lý do tôi không nhận họ với Nguyễn Hiến Chi hồi đó. Phải đợi năm mươi năm sau, Hiến Chi bảo tôi đưa về nhà thăm mẹ tôi, được thấy hai cô cháu kể lể điểm mặt đủ người xa kẻ gần; rồi phải đợi sau đó Hiến Chi bảo tôi cùng về quê ngoại giỗ cụ Dương Danh Lập…
Và phải đợi hôm nay khi tôi có cái vinh dự được viết bài gửi vào tập tài liệu lịch sử về cụ Nguyễn Hữu Cầu thì tôi mới có dịp nói một điều gan ruột này: bài viết này sẽ là bản tự phê bình của một đứa con phung phá; đồng thời bài viết này cũng góp một lời phê phán để tỏ lòng thực sự kính trọng cha ông.
Nguyễn Hữu Cầu và các đồng chí
Hồi mới cách mạng (tháng 8-1945), ở Hà Nội có một khu (thời đó chưa có quận) đặt tên là Đông Kinh Nghĩa Thục. Chính ở trong lòng khu này một đoàn Quyết tử quân đã nhận lá thư có câu nói nổi tiếng “CÁC EM QUYẾT TỬ CHO TỔ QUỐC QUYẾT SINH”. Chính ở đây giữa phố Hàng Bạc nơi năm 1907 có đặt cái trường vì nghĩa lớn mà mang tên Đông Kinh, những quyết tử quân đó đã long trọng thề quyết chiến đầu giữa vòng vây của quân Pháp. Chính ở nơi đại nghĩa này, nếu không có lệnh rút quân, thì sau này sẽ không còn có những tướng tá trưởng thành từ những chiến sĩ “sao vuông” [1] nòng cốt của Trung đoàn Thủ đô trong Đại đoàn Quân Tiên phong.
Thế mà chẳng hiểu vì sao về sau chữ “quyết tử” lại bị thay bằng chữ “cảm tử”. Trên tượng đài kỷ niệm vinh danh cuộc chiến đấu trong vòng vây của Trung đoàn Thủ đô xưa đặt ở sau đền Bà Kiệu không còn chữ “Quyết tử” nữa. Những người có gan thay đổi tư liệu lịch sử cũng có gan dạy dỗ thế hệ tôi rằng đường lối của các chí sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục là “sai lầm”, là “cải lương”, là “thiếu tính chiến đấu”. Còn có một lý lẽ quái đản nữa ấy là coi Đông Kinh Nghĩa Thục như một dấu hiệu của “sai lầm lịch sử” là chủ trương “phát triển chủ nghĩa tư bản” ở Việt Nam! Hoặc giả cái nền kinh tế thị trường (sự vận hành của kinh tế tư bản chủ nghĩa) của Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn đang còn thiếu một “định hướng đúng”?
Người nói sai tha hồ nói. Cái sai lầm của thế hệ tôi là đã cả tin vào những lời dạy dỗ đó. Và chúng tôi đã cả tin trong một thời gian quá dài. Điều đáng tự phê phán chính là ở chỗ đó.
Sự thực có lẽ còn cần được các nhà sử học phục hiện lại cho đủ. Nhưng căn cứ vào tư liệu ít ỏi của gia đình cụ Nguyến Hữu Cầu, một chí sĩ trong đội ngũ những chí sĩ sáng lập viên, thì cũng đủ để lập luận. Cái lý thứ nhất, ấy là nếu Đông Kinh Nghĩa Thục không mang tính chất cách mạng, hà cớ gì các cụ xin phép mở trường, nhưng thực dân Pháp chưa cho mở các cụ vẫn cứ mở? Cái lý thứ hai là, nếu như Đông Kinh Nghĩa Thục không mang tính cách mạng thì hà cớ gì thực dân Pháp lại phải sợ và buộc đóng cửa? Hà cớ gì phần lớn các cụ trong Hội đó sau này bị bắt và bị đi đầy mãi Côn Đảo như cụ Nguyễn Hữu Cầu?
Và đây là cái lý nữa hết sức quan trọng mà ta phải tìm trong nhân cách những nhà chí sĩ cách mạng ấy, mà chỉ bằng vào một cái mẫu bất kỳ nào, nhân đây là cái mẫu về nhân cách Nguyễn Hữu Cầu, thì ta có thể hiểu toàn bộ Đông Kinh Nghĩa Thục kỹ lưỡng hơn. Nỗi sợ của thực dân Pháp là nỗi run sợ trước những nhân cách kia, chứ khi đó đã làm gì có “lực lượng quần chúng”? Những nhân cách lớn đó đã là vũ khí, và vũ khí nằm trong Ngôi Lời. Các chí sĩ đó không có súng, nhưng Ngôi Lời của các vị vang lên hơn cả tiếng súng rền và vang xa hơn và dài lâu hơn tiếng súng đanh ròn. Ngôi Lời của các cụ không chỉ răn dạy cướp chính quyền, mà quan trọng hơn, còn làm công việc khai sáng hoặc là công việc giác ngộ về sự tiến bộ xa hơn, dài lâu hơn – hoặc như thói quen nói năng hôm này, bền vững hơn – cho con người và cho dân tộc sau khi đã giành được nền Độc Lập viết bằng chữ hoa.
Cũng lại phải có một nhân cách như Nguyễn Văn Tố, vừa là bậc túc Nho lại vừa là người Tây học đủ sức viết văn bằng tiếng Pháp du dương như viết bằng tiếng mẹ đẻ, phải là một nhân cách như Nguyễn Văn Tố thì mới chỉ cần đến một bài báo mà viết ra được những ý tưởng hào hùng thực sự cảm thông với người chí sĩ đầy sức mạnh kêu gọi trong một cụ Nguyễn Hữu Cầu:
“Nguyễn Hữu Cầu nói: Cái dân tộc trẻ trung thoắt cái đã bốn ngàn năm tuổi này đang thiếu một lý tưởng. Tức là nó đang thiếu một đức tin vào truyền thống của tổ quốc và đang thiếu cái ý thức của những con người tĩnh tâm về sứ mệnh của mình trong lịch sử và văn minh Đông Dương – gọi là đức tin hoặc gọi là ý thức cũng được, là những cái duy nhất làm cho một dân tộc đứng vững trong tương lai. Ông không nói ta phải làm được những sự nghiệp cũng vĩ đại như của các bậc tiền bối, ông chỉ nói rằng, khi các bậc tiền bối lớn đến thế thì ta cũng hãy phải làm những việc lớn.
“Nhưng mạnh về vật chất là chưa đủ, cái nước Việt Nam theo quan niệm của Nguyễn Hữu Cầu còn phải mạnh về trí tuệ: hơn cả những gì đã đạt trong sự nghiệp tinh thần, còn phải thành tựu cả trong phẩm cách như một dấu ấn riêng của mình. Ông thường nói với học trò: Tự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Các dân tộc trường tồn chính là nhờ có thành tựu nghệ thuật và khoa học. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng định mình trong tư cách một dân tộc. Khi nghiên cứu một ngôn ngữ, ta nghiên cứu cả một dân tộc, và nhờ đó mà in dấu ấn thuần khiết Việt Nam vào tận tâm hồn Việt của mình. Vì giờ đây chúng ta Tây quá mất rồi, chúng ta Tầu quá mất rồi, về học thuyết chúng ta trở thành những kẻ chiết trung lưng chừng, có là những kẻ theo chủ nghĩa xã hội thì cũng là cái chủ nghĩa xã hội toàn trị: chúng ta cần phải thực sự là Việt Nam…”
Nguyễn Văn Tố, sau khi nói đến việc thực dân Pháp bắt bớ, xét xử và lưu đầy nhà chí sĩ Nguyễn Hữu Cầu, đã viết tiếp:
“Nguyễn Hữu Cầu nói trong phiên toà xét xử mình năm 1916: Thật là sai lầm mà người Pháp các ông thường dễ mắc, ấy là tin rằng cứ có sức mạnh – dù là sức mạnh quân sự, pháp luật, tiền bạc hoặc bất cứ phương tiện bất kỳ nào khác – thì muốn làm gì cũng được… ”.
Nguyễn Văn Tố kết luận về Nguyễn Hữu Cầu như sau:
“Trước một dũng khí điềm đạm đến như vậy, ta cần nhắc nhở nhau thế này, Nguyễn Hữu Cầu đã ra đi quá sớm vì dân tộc, vì bè bạn và vì học trò, người ấy đã khiến cõi lòng chúng ta tan nát, song ông vẫn không bao giờ từ bỏ đất này mà vẫn chưa hoàn thành số phận của bậc đại nhân đại trí. Tiếng tăm của ông không cần vươn xa hơn cao hơn: ông đã đóng góp nhiều hơn sứ mệnh đòi hỏi ở một nhà trí thức và một nhà ái quốc. Ông đã làm quá nhiều, ông cần ngơi nghỉ, ông nhẹ nhõm đón cái chết, cái chết đem lại cho ông tĩnh lặng và bình an.”
Nguyễn Văn Tố đã nói đúng ! Ngày 13 tháng 7 năm 1946, Nguyễn Hữu Cầu mất tại nhà riêng ở làng Đông Tác, đúng lúc Cách mạng tháng Tám thành công được một năm, công việc chuẩn bị chống Pháp đang bộn bề, dồn dập. Trước khi từ trần, ông vẫn trối trăng mấy lời cùng các con: “Anh nào làm được việc thì liệu ra mà gánh vác. Việc tang phải làm thật đơn giản, để đem số tiền định dùng vào việc ma chay ấy giúp Quỹ Quốc phòng.”
Tôi xin phép được nhắc lại: viết những dòng trên, tôi xin được tự phê bình là đã không đủ tầm cao để đo được chiều cao đại thụ, tôi không đủ tầm rộng để thấy sải tay mình quá ngắn không sao ôm nổi cái mênh mông của những bậc chí nhân.
Nay xin cho tôi được phê phán.
Góp đôi lời với lớp người thiên cổ
Nay ta giả sử có chuyện sau: thực dân Pháp không đàn áp Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ Nguyễn Hữu Cầu cùng các chí sĩ khác không bị tù đầy, ngôi trường ban đầu từ nhà riêng cụ Lương Văn Can với bảy chục học trò được phát triển rộng khắp, nền giáo dục thực nghiệp chuyển thành đời sống thực nghiệp… nghĩa là giả sử mọi việc đều trơn tru, thì chỉ như thế đã đủ để hiện đại hoá đất nước không?
Kẻ học trò bé nhỏ thế hệ sau xin mạo muội có câu trả lời như sau: không đủ!
Tại sao dám nói không đủ? Xin có đôi lời phân tích như sau.
Muốn đất nước hiện đại hoá, chỉ hô khẩu hiệu thôi không đủ, mà xuất phát từ khởi điểm số không của một đất nước nghèo nàn và lạc hậu, thì cần đến hai điều kiện tiên quyết.
Điều kiện thứ nhất là phải có bậc đại nhân đại trí lãnh đạo để mở cửa đất nước. Mở cửa ra phía nào ? Mở ra phía nào có được cái tinh thần và cách lao động hiện đại hoá. Năm 1868, vua Meiji nước Nhật là một bậc đại anh minh đó. Rõ ràng là một tư tưởng mở cửa Nhật Bản khi đó hơn hẳn cái con người cũng đứng đầu một đất nước nhưng lại không tin là trên đời này có nổi một thứ “ngọn đèn treo ngược” ! Và “mở cửa” thì cũng phải biết hướng cửa mở: nước Nhật của vua Meiji không mở sang phía Trung Hoa, cũng chẳng mở sang nước Nga Xa-hoàng, mà nó mở vào chỗ đáng mở: phương Tây, mặc dù trong nước vẫn có tư tưởng bài phương Tây (hệt như ở ta: chống lại lũ “Tây dương ngoại quỷ”). Nhưng mở cửa sang phía Tây là mở vào một nền sản xuất mới, khác hẳn về bản chất với nền sản xuất của phương Đông cổ lỗ, tiểu nông.
Nhưng lại giả sử cái ông vua không tin vào công nghiệp hoá của nước ta cũng tin vào cái đèn treo ngược, và cũng chủ trương mở cửa, thì như thế đã đủ chưa? Chưa đủ! Vì một ông vua anh minh có thể được tiếp nối bởi ông vua khác kém cỏi hơn, hèn hơn, dốt nát hơn. Vậy, cái gì sẽ bảo đảm cho sự công nghiệp hoá được bền vững? Câu giải đáp chỉ có thể là: chính sự công nghiệp hoá sẽ nuôi nền công nghiệp khiến cho tình thế công nghiệp hoá không thể đảo ngược.
Nhà văn Pháp Robert Guillain [2], trong cuốn sách xuất bản năm 1968 kỷ niệm 100 năm nước Nhật hiện đại hóa, đã kể là, vào năm 1864, vua Meiji nước Nhật bắt đầu công cuộc "học phương Tây" dẫn nước Phù Tang này đi vào hiện đại hóa và công nghiệp hóa, khi đó nước Nhật mới chỉ có vài chục kilômet đường sắt. Khi khánh thành đường sắt, khi bước vào toa xe, các bậc chức sắc còn ngỡ là phải trụt dép để cả bên ngoài sân ga, để khi vào cố cung thì ai cũng đi chân trần. Còn các mệnh phụ phu nhân thì mặc áo trong, áo ngoài xù xù, sau đó bên ngoài cùng còn đeo toòng teng một thứ "áo" quý báu mới được tặng, gọi bằng cái "xú-chiêng".
Điều kiện thứ hai vô cùng quan trọng ấy là cuộc cách mạng trong công nghiệp đã đem lại cho loài người cái gì quý hơn cả những sản vật tiêu dùng. Người làm giáo dục cần thấy đó là nền công nghiệp đã tạo ra một tư duy mới, tư duy công nghiệp, cái tư duy cho phép con người đã đi là ngày một đi xa hơn, đã tiến là ngày một tiến nhanh tiến mạnh hơn. Không chỉ tư duy trong công nghiệp, mà thời đại công nghiệp hóa đề ra yêu cầu xít xao phổ biến về tư duy mới trên mọi mặt hoạt động. Ngay trò chơi cho trẻ em cũng phải mang dấu ấn huấn luyện tư duy mới!
Cái tư duy công nghiệp khiến con người thành con người hiện đại, với những yếu tố tư duy thay đổi hoàn toàn. Về sản xuất, tư duy công nghiệp thay thế lối sản xuất cầu may bằng lối sản xuất có thiết kế sẵn, và tạo ra một thứ kỷ luật sản xuất không dựa trên roi vọt, mà là kỷ luật tự giác dựa trên sự hợp tác với nhau về kỹ thuật mà nếu thiếu đi một khâu trong chuỗi công nghệ thì sẽ không biến được các bán thành phẩm thành ra sản phẩm cuối cùng.
Như vậy là một ông Meiji anh minh có thể chết đi, cuộc sống cũng chẳng cần lắm đến ông sau cũng anh minh ngang thế hoặc hơn thế, nhưng chính nền sản xuất công nghiệp sẽ thành kẻ lãnh tụ vô hình dắt dẫn con người.
Một cuộc sống hiện đại đó muốn được hiện đại hoá triệt để thì cần có các yếu tố tự do, dân chủ, pháp chế hết sức rành mạch, công khai, minh bạch. Ba yếu tố xã hội vừa kể là điều không thể thiếu để cuộc sống công nghiệp hoá được hoạt động trơn tru và nó có hoạt động trơn tru thì mới có cuộc sống hiện đại hoá triệt để.
Đôi lời kết thúc
Những yếu tố của công cuộc hiện đại hoá đất nước bằng con đường công nghiệp hoá lâu dần sẽ tạo thành một nền văn hoá hiện đại.
Nền văn hoá hiện đại ấy không nhố nhăng lặp lại những chuyện như thời quan toàn quyền Yves Châtel.
Nền văn hoá hiện đại ấy sẽ được bảo lãnh bằng các quyền tự do dân chủ theo hiến pháp và pháp luật.
Đó sẽ là cuộc sống mới mà các bậc chí sĩ tiền bối – trong đó có cụ Nguyễn Hữu Cầu – hình dung ra một cách bao quát, và người đương thời nếu không muốn phản bội người xưa cần phải ngẫm nghĩ thật nghiêm túc và hành động thật quyết liệt. ■
PHẠM TOÀN, 7 tháng 3 năm 2007
[1] Các chiến sĩ Tự vệ chiến đấu mang phù hiệu trên mũ hình vuông nền đỏ có thêu sao vàng năm cánh, phân biệt với quân đội chính quy mang phù hiệu hình tròn nền đỏ giữa có thêu sao vàng, phù hiệu sĩ quan khác với chiến sĩ ở chỗ có thêu vành vàng. (PT)
[2] Robert Guillain, Japon, troisième Grand, Seuil xuất bản, Paris, 1969.