Ngôi mộ của chiến binh Griffin (1)

by NICHOLAS WADE

Sau khi một nhóm khảo cổ được lãnh đạo bởi các nhà nghiên cứu của Đại học Cincinnati tìm ra ngôi mộ của “Chiến binh Griffin”, những phát hiện mới thu thập được từ kho báu này liên tiếp được tung lên các trang báo danh tiếng. Những gì đã hé lộ có thể làm cho các nhà khoa học phải viết lại lịch sử Hy Lạp cổ đại.

Xem thêm: Ngôi mộ của chiến binh Griffin (2)
Viên ngọc quý 3500 năm tuổi ẩn chứa những kỳ bí

Một sự kiện chấn động

Đầu hè năm 2015, một nhóm khảo cổ được lãnh đạo bởi các nhà nghiên cứu của Đại học Cincinnati bắt tay thực hiện công việc đào bới tại Pylos (một thành phố cổ ở bờ biển phía tây-nam của Hy Lạp) và ngay tuần đầu tiên đã phát hiện ra ngôi mộ của một chiến binh giàu có được chôn cất vào giai đoạn bình minh rực rỡ của nền văn minh châu Âu.

Chiến binh có thanh kiếm dài và dao gắm bằng đồng với những dây chuyền, nhẫn vàng cùng đồ trang sức quý giá khác và những con dấu triện chạm khắc đẹp mắt. Các nhà khảo cổ đã sửng sốt bởi sự phong phú của những thứ tìm được và tiềm năng làm sáng tỏ sự phát triển của nền văn minh Myxena — một thế giới đã mất của Agamemnon, Nestor, Odysseus và những anh hùng khác từng được mô tả trong hai thiên Sử thi Iliad và Odyssey của Homer cũng như trong thần thoại Hy Lạp.

James C. Wright, giám đốc Trường Cổ học tại A-ten của Mỹ (American School of Classical Studies at Athens) cho hay: “Có lẽ từ những năm 1950 đến nay chúng ta chưa tìm thấy ngôi mộ nào phong phú như thế”. Thomas M. Brogan, giám đốc của Viện Nghiên cứu Tiền sử Aege cho miền Đông đảo Crete nói nhìn thấy ngôi mộ “là một điểm nhấn thực sự trong sự nghiệp khảo cổ của tôi” và lưu ý rằng “bạn chỉ có thể đếm trên một bàn tay số ngôi mộ giàu có tương tự cái này.”

Quay lại thời Hy Lạp tiền cổ điển

Mộ của “Chiến binh Griffin” thuộc về một thời gian và địa điểm mang ý nghĩa đặc biệt. Ông được chôn cất vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên, ngay gần di chỉ Pylos mà nhiều năm sau ở đó đã mọc lên cung điện Nestor, một trung tâm hành chính lớn đã bị phá hủy vào năm 1180 trước CN, cùng khoảng thời gian như thành Troy của Homer. Cung điện Nestor là một phần của nền văn minh Myxena mà từ đống tro tàn của nó vài thế kỷ sau thì nền văn hoá Hy Lạp cổ điển mới nảy sinh.

Các cung điện được tìm thấy tại Myxena, Pylos và những nơi khác trên đất liền Hy Lạp có một nguồn cảm hứng chung: tất cả đều vay mượn rất nhiều từ nền văn minh Mino từng xuất hiện trên hòn đảo lớn Crete ở phía đông-nam Pylos. Người Mino ban đầu đã chiếm ưu thế rõ rệt về văn hoá nhưng sau đó lại bị vượt mặt bởi người Myxena.

Làm thế nào mà nền văn hoá Mino đã chuyển giao được cho người Myxena ? Mộ của “Chiến binh Griffin” có thể đưa lại nhiều câu trả lời. Ông đã chết trước khi các cung điện bắt đầu được xây dựng, và ngôi mộ của ông chứa đầy những hiện vật được tạo tác ở đảo Crete. TS Brogan nói: “Đây là một thời điểm chuyển đổi trong kỷ nguyên đồ đồng”.

Theo quan điểm của TS Wright, ngôi mộ vào thời đó “nằm ở trung tâm mối quan hệ giữa nền văn hoá đất liền Hy Lạp với nền văn hóa cao hơn của đảo Crete” và nó giúp các học giả hiểu được nền văn hoá thành bang phát triển sớm ở Crete đã được thích nghi để trở thành nền văn hoá lâu đài trên lục địa như thế nào.

Các chiến binh có lẽ đã tranh đua để có vị thế trong những xã hội phân tầng được hình thành trên lục địa. Xã hội chiến binh đang phát triển này thích thể hiện sức mạnh của mình thông qua các hàng hoá chất lượng cao của Crete như triện đá và cốc vàng, v.v.. TS Wright nói: “Có lẽ chúng ta có thể lý giải rằng địa điểm này hồi đó là một lãnh địa trỗi dậy”.

Phát hiện đầy may mắn

Ngôi mộ được phát hiện ngày 18-5-2015 bởi nhóm khảo cổ quốc tế với sự lãnh đạo của đôi vợ chồng đến từ Đại học Cincinnati là Jack L. Davis và Sharon R. Stocker, họ đã từng đào bới vùng Pylos trong suốt 25 năm qua.

Phần trên cùng của ngôi mộ chiến binh nằm ở sát mặt đất, dường như dễ dàng tìm thấy nó ngay nhưng thật là ngạc nhiên vì ngôi mộ vẫn nguyên vẹn trong suốt 35 thế kỷ.

TS Davis đã viết trong một email. “Tôi vẫn lắc đầu vì không tin mình là người đầu tiên. Trước đó nhiều người đã bước qua mộ rất nhiều lần, kể cả nhóm của chúng tôi.”

Cung điện ở Pylos được khai quật năm 1939 bởi Carl Blegen, cũng thuộc Đại học Cincinnati, người mà ngay ngày đầu tiên đi đào đã phát hiện ra một kho lớn chứa các bảng đất nung với những dòng chữ viết bằng Linear B, thứ chữ sau đó được giải mã như là dạng viết sớm nhất của tiếng Hy Lạp.

76 năm sau, liệu may mắn của Blegen có đến hay không với TS Davis và TS Stocker khi họ bắt đầu khai quật ở bên ngoài cung điện với hy vọng tập trung vào những ngôi nhà có thể bao quanh cung điện và nghiên cứu cách cư trú của thường dân ? Ngay ngày đầu làm việc, họ đã chạm vào hai bức tường ở góc bên phải của hố đào. Thoạt tiên họ từng nghĩ rằng đó là một ngôi nhà, rồi một căn phòng, cuối cùng là một ngôi mộ.

TS Davis nói “Tôi rất bi quan về điều này”, vì nghĩ rằng ngôi mộ có lẽ là một công trình thời trung cổ, nếu nó có từ thời tiền sử thì chắc chắn cũng đã bị trộm cướp hết cổ vật. Nhưng vài ngày sau, TS Davis nhận được một dòng tin nhắn từ nhà giám sát khảo cổ cho biết “Tôi đã chạm vào đồng.”

(NCCông, theo NY Times)