Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Du lịch > Xứ Lào: nửa trái tim tôi

Laos map

Xứ Lào: nửa trái tim tôi

Thứ Sáu 15, Tháng Sáu 2007, bởi CTV

Tôi sinh ra và lớn lên tại Savannakhet, Trung Lào, cách thủ đô Vientiane khoảng 500 km về hướng Nam. Từ thuở biết băn khoăn suy nghĩ, ngày lại ngày, tôi hít thở vui buồn dưới bóng Trường Sơn, bên khúc sông Cửu êm đềm thơ mộng chảy ngang Savannakhet, nơi mỗi buổi tà dương là mỗi bức tranh kỳ diệu. 23 năm trường, ngoài tình thương đùm bọc của gia tộc, tôi sống giữa vòng ôm hồn hậu, chất phác của người bản xứ. Niềm hồn hậu và bản tánh chất phác đó, trong nhiều thập niên, đã bị nhiều ngoại kiều - trong đó có tôi - hiểu lầm đưa đến kết luận vu vơ gọi là sự quê mùa, lạc hậu ...

Trước 1975, ở Lào nói chung, học sinh lớp nhất (nay là lớp 7), trường tư hay trường công, muốn học tiếp trung học đệ nhất cấp (lớp 6 đến lớp 9) và đệ nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12) chương trình Pháp đều phải thi vào. Ngoại kiều chưa nhập Lào tịch đều phải chịu một hạn chế bất thành văn là cứ 100 người đậu thì ngoại kiều chỉ được 2%. Do đó hầu hết học sinh Việt nói riêng đều chọn cách đi vòng, nghĩa là nhập tịch Lào. Thời đó tôi không hiểu do đâu song thân tôi nhất định không chịu cho tôi "đi vòng" dù hai cụ biết hai năm rõ mười tôi chỉ thuộc típ "cậu ấm" chơi phá giỏi giang, học hành làng xàng!

Bây giờ tôi đã hiểu, hai thân tôi tiềm tàng cái gọi là Tự Tôn Văn Hoá! Mà tự tôn văn hoá, ai cũng biết, cách tự tôn dân tộc chỉ độ nửa sợi tóc! Sở dĩ bấy giờ hai cụ tôi có lối "nhìn xuống" đối với người Lào cũng như lối nhìn của thực dân, đế quốc đối với người Việt, một là bởi sự hiểu lầm vai trò đích thực của mấy chữ Văn Minh và Văn Hoá; hai là bởi người tự tôn đều cho rằng chỉ Lẽ Sống của mình là đúng, là cao. Đúng và cao ở đây ngụ ý hợp với ý thích của người tự tôn, mặc dù kẻ bị xem là "thiếu văn minh, kém văn hoá" vốn đã sẵn ý thích từ rất lâu đời của họ. Kết quả, người tự tôn manh mún áp đặt ý thích của mình lên người bản xứ, mặc dù nơi đây cuộc sống ít xáo trộn, ít chênh lệch; không gây cho con người những khủng hoảng trầm kha, những căn bệnh quái gở như thực trạng trong xã hội "văn minh đúng, văn hóa cao". Tuy nhiên, như thế không phải người "văn minh sai, văn hoá thấp" chê "cái đúng, cái cao" trên kia đâu, cũng không có nghĩa họ luôn cố định, bất biến. Bằng cớ là ngày nay các bộ tộc tận hang cùng, rừng thẳm đều có ít nhiều sự hiện diện của "văn minh đúng, văn hoá cao" tức là có sự thay đổi. Nhưng, sự thay đổi - nếu có - phải nằm trong đặc tánh của địa phương đó tức là "mọi ảnh hưởng bên ngoài chỉ du nhập trong chiều hướng thuận tiện của tánh chất cá biệt của nó. Vì thế mà tánh chất cá biệt dù bị ảnh hưởng đến đâu cũng không bị đồng hoá". Hoà đồng: Có. Hoà tan: Không. Lấy trường hợp người "văn minh đúng, văn hoá cao" - với hậu ý trục lợi hơn là nhân bản - định cư, dựng nhà, lập làng cho thổ dân theo kiểu hiện đại, cấp phát cho họ những nhu yếu mới mẻ. Sau một thời gian chung đụng với "văn minh", thổ dân đã làm nhíu mày những nhà hảo tâm kia. Nhà dựng cho họ, họ ra rừng ở. Giường tặng cho họ, họ đạp gãy làm củi đốt để được ngủ dưới đất... Rốt cuộc thổ dân chỉ còn giữ lại cái dao, cái búa, cái kim khâu... và âm thầm khước từ mọi thứ khác.

Từ sự kiện trên tôi tạm hiểu rằng văn minh chỉ là khoa học mà văn hoá là đạo học. Khoa học lo cho cuộc sống. Mục đích của nó không ngoài việc nâng cao mức sống vật chất của con người. Đạo học tôi hiểu ở đây không đồng nghĩa với ý thức tín ngưỡng, tôn giáo mà chỉ là tâm hồn, bản chất của con người, là Lẽ Sống của con người. Khoa học hay kỹ thuật học và đạo học tuy được phân chia ra nhiều nhánh nhiều ngành song quay đi quẩn lại cũng chỉ nằm trong hai mục đích mưu cầu sự sống và lẽ sống cho con người.

Thực trạng các nơi " văn minh đúng, văn hoá cao " mà tôi đã có dịp viếng thăm dạy tôi điều nầy: Khi phát triển khoa học tiến nhanh hơn đạo học thì con người dễ đẩy nhau vào vòng xâu xé, xa rời lẽ sống uyên nguyên. Ngược lại, khi nền đạo học tiến mau hơn khoa học, con người dễ đưa nhau vào vòng lệ thuộc thần linh, lệ thuộc tín ngưỡng (giáo điều), làm cho xã hội con người cô đọng, thiếu ý thức cải tạo, tự biến thành thiêu thân cho các chuyên viên bán ghế trên thiên đàng, bán chỗ cõi tịnh như.

Nếu thu hẹp ý trên vào từng cá nhân thì lời cụ Trần Trọng Kim, cách nay hơn nửa thế kỷ trong cuốn Đường Thi, quả không có gì lầm lẫn: "Trong người ta bao giờ cũng có hai phần: Một phần Người và một phần Vật cùng đi đôi với nhau, điều hoà với nhau. Hễ để phần Người át phần Vật quá độ thì người không đủ sức làm việc; hể để phần Vật át phần Người quá độ thì hành vi của ta thành ra đê hạ, mất cả phẩm giá".

Tôi chưa đủ kiến thức để lạm bàn, bóc tách thế nào là Văn Minh, thế nào là Văn Hoá. Với tôi, hai thứ nầy tôi ví như quả trứng gà và con gà. Song tôi đã tự đặt câu hỏi: Văn hoá là gì ? Sách vở đã trả lời cho tôi: " theo nghĩa rộng rãi, văn hoá là tinh hoa tích lũy của nếp sống thể hiện qua cách thức, cảm nghĩ và thực hành của mỗi dân tộc trong những lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, giao tế, phong tục ...". Nếu hiểu theo nghĩa trên thì một người Mẹ quê mù chữ vẫn là người có văn hoá vì bà Mẹ ru con mang trong mình những kiến thức, những lối sống, những suy tư, cách thức ru con, tuy mộc mạc nhưng sâu xa, văn vẻ và có tính cách dân tộc (ca dao, tục ngữ, lời thánh hiền, chuyện cổ tích). Và như thế, ta dựa vào cái gì để luận chuyện văn minh nhiều, văn minh ít ; có hay không có văn hoá cũng như văn hoá cao, văn hoá thấp ? Mỗi chủng tộc có mỗi nền văn minh, văn hoá là do không cùng hoàn cảnh địa dư, kiến trúc xã hội, quan niệm nhân sinh, cảm xúc lãnh hội, phong tục tập quán...

Do đó, sau 30 năm tạm dung trên đất Pháp và đã có duyên may đặt chân lên nhiều nước có tiếng là văn minh, tiên tiến trên thế giới, tôi nghiệm xét lại sự ngộ nhận ấu trĩ của cá nhân tôi trong loạt bài này.

Niềm hồn hậu và bản tánh dung dị của các bộ tộc Lào không phải khi không mà có, không phải vô tình mà có, mà phần lớn chính là kết quả của cả một quá trình tôi luyện lâu dài, qua nhiều thế kỷ, dưới ánh sáng của đạo Phật đấy, các bạn ơi. Niềm hồn hậu và bản tánh chất phác của họ, trên phương diện xã hội, phản ánh quan niệm bất tranh mà thắng, bất luận mà đắc nhân tâm. Cứ lấy ví dụ khi ta bàn về một dân tộc khác quanh ta: Dân tộc Khmer làm ta nghĩ ngay đến tệ nạn Cáp Duồn, đến thảm trạng Khmer Đỏ dưới thời Polpot ; dân tộc Xiêm La cũng thế, cộng thêm tánh "hồi đao" (1); dân tộc Tàu làm ta nghi ngại, ngay ngáy lo sợ tuyệt chiêu "tằm ăn dâu, vết dầu loang"... Tóm lại, khi nghĩ đến các dân tộc hàm hồ trích dẫn, trên phương diện cá nhân, hoặc ta có ngay ác cảm hoặc không mong được kết thân, còn trên phương diện quốc gia, nếu có kết thân gần gũi thì cũng chỉ là dạng đãi bôi chính trị, lợi nhuận bán buôn. Riêng dân tộc Lào nói chung, khi ta nghĩ đến họ trên cả hai phương diện, bỏ qua sự ngộ nhận, có ấn tượng xấu lưu tập nào tự động nẩy ra không? Thân kính mời các bạn tự trả lời.

Nếu chưa có dịp sống ít lâu trên xứ Lào, tôi thành thật mời bạn đi thăm một chuyến. Có điều phải nói ngay đây, nếu mục đích của bạn khi viếng đất nước nầy là để tìm tiện nghi theo tiêu chuẩn bốn năm sao phương Tây, như bãi tắm như mơ, kỳ quan thế giới, kỳ nữ rẻ đẹp ... Tôi khuyên bạn đừng đi vì chỉ uổng công, hao bạc lại bực mình rồi đâm ra ngộ nhận. Ngược lại, bạn sẽ thấy: từ thủ đô đến khoéng (tỉnh), nơi nào người bản xứ (kể cả tướng tá uy quyền) cũng rút về sống gần thiên nhiên, thoải mái ngoài đồng ngoài ruộng trong những căn nhà sàn cổ truyền hay cách tân. Hầu như họ "bỏ mặc" phố xá kiến trúc tây phương cho ngoại kiều.

Tôi may mắn có dịp chu du từ Nam chí Bắc xứ Lào, nay xin sơ lược theo cảm quan riêng, vài địa danh tôi đã đặt chân tới và yêu thích, giới thiệu với các bạn cùng lúc coi như tự đưa mình về lại nơi chốn cũ thêm một lần.

Có ba phương tiện di chuyển để đến bất cứ nơi nào trên xứ Lào. Thông thường bạn dùng máy bay thì đương nhiên bạn phải đáp xuống thủ đô Vientiane. Từ Việt Nam bạn có thể qua Lào bằng xe đò hay xe nhà. Từ Thái Lan, ngoài hai phương tiện kể trên còn có thuyền, đò đưa bạn vào đất Lào.

Vientiane

Thủ đô Vientiane có hai sân bay kề sát bên nhau trong địa phận Wattay, cách trung tâm thành phố độ 4 km. Một quốc tế. Một nội địa. Thủ tục nhập cảnh rất đơn giản, nhanh chóng và sẽ không có cảnh mè nheo, cố ý làm khó, vòi vấn đề đầu tiên trong thủ tục thị thực visa, kiểm tra hành lý.

Vientiane có đến hai tên: Vientiane - thủ đô và Vientiane - thị trấn. Mộ bia thời Sai Fong đã chứng mình địa phận Vientiane, xưa, vốn thuộc đế quốc Khmer và sử biên niên của Lào có ghi vua Fa Ngum đã đánh chiếm hai vùng đất nầy vốn kề nhau, cai quản bởi hai ông hoàng. Vientiane trở thành thủ đô Vương Quốc Lào từ 1563 dưới triều vua Setthathirat. Cả hai Vientiane gộp lại rộng 19.837 km vuông với dân số 1.066.600 người (2004). Chia ra bốn khu chính: Chanthaboury và Saysettha là trung tâm; Sikhottabong phía Tây và Sisattanak phía Nam. Chính vua Setthathirat đã cho xây dựng cảnh quan That Luang với ngôi chùa và đại tháp cùng tên (1566) và Chùa Phra keo (1565), nổi danh cho đến ngày nay. Xứ Lào là xứ Chùa. Tổng cộng Lào có 1.400 ngôi chùa. Do đó, đến Vientaine bạn nên viếng thăm mấy cảnh chùa (Vat) nổi tiếng như cảnh quan That Luang và Chùa Phra Keo nói trên, Chùa Ông Tự, Chùa Sí Mương, Chùa Sisaket, Suốn Xiêng Khuôn (tục gọi là Suốn Phụt tức Vườn Chư Phật), quần thể hàng trăm bức tượng đúc theo Phật thoại, trong vùng Thà-Đừa, cách Vientiane khoảng 25 km, gần cầu Hữu Nghị Lào-Thái.

Ở Vientiane có một ngôi chùa Việt tên Bàng Long, khá nguy nga. Từ chợ sáng trên đại lộ Lan Xang, bạn đã thấy sừng sững đài Anou Savary (đài chiến sĩ vô danh), sau 1975 được đổi tên thành Patousay (Khải Hoàn Môn), toạ lạc giữa bùng binh giới ranh phố Vientiane và khu vực That Luang. Đài Anou Savary được tạo dựng từ 1958, phần dưới và ngoài mô phỏng theo đài Arc de Triumphe tại Paris, phần trên và trong gồm những nét kiến trúc, phù điêu đặc thù Lào. Đứng trên tầng cao nhất của Anou Savary ta có thể thấy toàn diện cảnh quan Vientiane.

Con đường huyết mạch ở Vientiane là đường Sí Mương - Samsenthay, sầm uất trù phú, dấu ấn kiến trúc còn lại của thực dân Pháp chạy xuyên suốt từ khu That Khao lên trung tâm Ô Điên - Seng Lao, ra đến vùng Si Khay - Wattay, rồi bổng dưng ngừng lại, nhường cho kiến trúc cổ truyền Lào: Nhà sàn. Đúng là thực dân Pháp chỉ "khai hoá" thành công các phố thị Lào và đã thất bại hoàn toàn đối với hương thôn xứ nầy.

Vientiane nằm thoai thoải ven sông Mêkông. Bên kia bờ là tỉnh NongKhai (Thái Lan). Khúc sông nầy, năm 1994 chính phủ Úc đã tài trợ xây chiếc cầu Hữu Nghị Lào-Thái (Lao-Thai Friendship Bridge) dài 1240m. Bờ sông Vientiane chưa được khai thác đúng mức, chủ yếu mới ở mặt hàng ăn, quán cóc. Quán cóc ven bờ sông Vientiane rất đa dạng về thực phẩm, bạn có thể gọi bất cứ món ăn Lào nào, lạ miệng, ngon mà giá lại quá phải chăng so với Dollar hay Euro. Mỗi ngày đưa nhau đi viếng cảnh thủ đô, chân cẳng rã rời, chạng vạng ra bờ sông gọi vài chai bia Lào (Beer Lao) hay vài trái dừa nướng ướp lạnh, gắp thịt gà nướng, đĩa Tằm Mạc Hùng (nộm đu đủ), đĩa lạp bò chín hay tái (gỏi thịt), tô canh chua gà hay cá, típ xôi trắng dẻo hay nếp lam nướng trong ống tre... Gió sông hây hẩy, trời chiều bảng lảng... Bạn bè cũ, kỷ niệm xưa, chuyện trên trời dưới đất. Đâu mất cả rồi những phiền toái ngay ngáy mang theo từ các xã hội "văn minh đúng, văn hoá cao"?

Có bạn sẽ thắc mắc: Còn khi phố đã lên đèn, ở Vientiane có mục gì? Ở Lào cũng giống hệt ở Việt Nam, hồi mới "chiến thắng", chuyện ba biếc tuyệt đối bị cấm, chuyện chị em ta là tội lỗi đối với cách mạng; song khi men chiến thắng tiêu hết nồng độ, đâu lại hoàn đấy, địa điểm du hí mọc lên như nấm, đa dạng, rẻ và hiện đại hơn thời "đồi trụy" gấp nhiều lần.

Cộng đồng người Việt có mặt tại Vientiane từ những năm 1930, sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Hiện có khoảng 10.000 người (1%, nguồn: Sứ quán Lào tại Pháp, 2004) sống rải trong 13 phường như Thạt Kháo, Sí Mương, Khoua Đinh, Sa La Đeng, Ban Phai, Đông Pa Lan, Sái Lôm ... Nghề chính: Buôn bán và xây cất. Nhìn chung người mình thành công trên phương diện thương mại, kinh tế. Có Hội Người Việt tại Vientiane, trực thuộc đại sứ quán CHXHCNVN, hiện nay do bà chị Trần Thị Huệ (Mayvanh Phouleuanghong) điều hành với sự khích lệ, phụ giúp cật lực của chồng là ông Anh Đồng (Somphou Phouleuanghong). Trước 1975, Vientiane đã có nhiều ngôi trường Việt như Nguyễn Du, Hy Vọng, Việt Anh ... Hiện nay Hội Người Việt tại Vientiane đang khởi công một dự án dài hơi, đồ sộ: xây nguyên một khuôn viên trường học cho người Việt trên một chu vi đất 10 ha do chính phủ Lào biếu, cách Vientiane 25 km.

Nói đến thủ đô Vientiane không thể không nhắc tới Lễ Hội hay Hội Chợ That Luang (Boun That Luang).

Cảnh quan That Luang (Đại Tháp, tên chữ nguyên văn là Phra Chedi Lokatiounlamani = Phrả chê đi lô ka chun la ma ni, tạm dịch là Hoàn Vũ Đại Đỉnh Phật Tích) toạ lạc cách Vientiane 3 km, về hướng Đông, được tôn tạo từ 1566 dưới triều vua Setthathirat. Theo truyền thuyết, trong tháp nầy có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. That Luang gồm tháp chính cao 45 m, bao quanh là các tháp phụ, sơn thếp vàng rực rỡ, uy nghiêm dưới trời xanh trong.

Người Lào gọi lễ hội là Bun. Bun có nghĩa là phước, làm Bun = làm phước để được phước. Lễ Hội That Luang được tổ chức hàng năm vào ngày 13 đến 15 tháng 12 lịch Lào ( tháng 11 dl), gồm phần Lễ và phần Hội.

Phần Lễ trong Boun That Luang

Lễ là nghi thức tế tự do chính con người tưởng tượng ra để giao cảm với thần linh. Ngoài tính cách tín ngưỡng dân gian như nghi thức rước Phí Mương (thần bảo hộ tỉnh) từ Chùa Sí Mương đến That Luang, lễ trong Boun That Luang còn mang ý nghĩa chính trị của Một Ngày Hội Thề. Từ thời vua Fa Ngum (thế kỷ XIV) cho đến 1975, lễ nầy do quốc vương Lào làm chủ tế. Trong lễ Hội Thề người ta thấy có mặt đầy đủ chức sắc, đại biểu, tỉnh mường, làng bản trưởng được mời về bàn việc nước... và mỗi vị có một cái kiệu bằng sáp ong (hó phợng), xếp thành hàng ngang trước nơi hành lễ. Nhà sư chủ trì cầm một cuộn dây bằng sợi vải trắng đi vòng nối các tỉnh mường, làng bản lại với nhau. Biểu tượng nầy phản ánh sự cam kết trung thành, thống nhất, đoàn kết quốc gia, cấm chia rẽ.

Phần Hội trong Boun That Luang

Câu cửa miệng của nguời Lào là "khôn Lao mặc muồn" (người Lào thích vui) được thể hiện rõ nét trong phần hội. Hội chủ yếu là vui chơi, giải trí dưới nhiều hình thức từ ẩm thực đến văn nghệ, văn hoá, thể thao, mua bán, triển lãm. Đặc biệt Boun That Luang cũng là thời điểm của Hội Chợ triển lãm tầm vóc quốc tế, kéo dài ba ngày, ba đêm. Việt Nam, trước và sau 1975 đều có gian hàng triển lãm hàng hoá đặc sản trong dịp nầy kèm theo các bộ môn văn nghệ rất được bà con Việt kiều yêu thích. Những tên tuổi như Thanh Thúy, Trang Thanh Lan ... Duy Khánh, Elvis Phương ... đều từng có mặt nhiều lần trong Boun That Luang trong phái đoàn Tâm Lý Chiến thời VNCH.

Xứ Lào có một nguồn vốn văn nghệ dân gian, cổ truyền phong phú, rực rỡ. Trong dịp này, mọi thể loại tiêu biểu từ Lăm Lưởng (hát truyện thơ), I Kề (giống cải lương) ; đến vô số hình thức hò, ngâm như khắp, xởng, cạp, còn ...; đối đáp giao duyên như lăm (hò) vạy, lăm loòng, lăm tơi ; các loại lăm có tính địa phương như lăm Sa La Văn, lăm Si Phăn Đon (Nam Lào), lăm Tằng Vạy (Trung Lào), vũ điệu quốc gia như Lam Vôông, Natasine ... đều được phô diễn, hài hoà vui nhộn trong tiếng khèn, tiếng la-nạt (bộ đàn gõ), tiếng khui (sáo), tiếng Koong (trống) ... (2)

"Ti Khi" là một trò chơi không có không được trong Boun That Luang, nó vừa có tính cách thể thao vừa phản ánh nội dung tín ngưỡng. Ti Khi là lối chơi đánh cù trên sân cỏ, nguồn gốc của môn Polo rất thịnh hành tại Ấn Độ và Anh, với chút khác biệt là người chơi Polo ngồi trên lưng ngựa, còn người chơi Ti Khi thì dùng cặp giò. Trước 1975, vị khán giả đặc biệt là quốc vương Lào, nay là chủ tịch nước.

Ti Khi được chia ra hai phe. Phe áo đỏ tượng trưng cho quan chức (nay là cán bộ cao cấp). Phe áo trắng hay phe cởi trần là nông dân. Ti Khi không có luật lệ, không có trọng tài. Một trận đấu được chia làm 3 hồi, mỗi hồi 20-30 phút. Mục đích của đôi bên là làm thế nào dùng cù đánh văng trái banh gỗ (loukkhi) cho quá làn ranh nửa phần sân bên kia. Sau ba hồi, phe nào có điểm cao là phe thắng. Theo tín ngưỡng dân gian, nếu năm nào phe áo đỏ (phe quan chức) thắng phe nông dân thì đất nước sẽ khó được yên, nhân dân sẽ bị khổ. Do đó, hầu như năm nào phe áo trắng hay phe cởi trần cũng thắng cả. Ngoài ra, Ti Khi còn có thêm ý nghĩa cầu nắng vì vào tháng nầy việc nông tang, đồng áng đã xong.

Hàn Lệ Nhân


(1) Dĩ nhiên là ta không quên khía cạnh nhân bản tích cực của chính phủ Thái Lan trong thảm kịch tỵ nạn Việt-Miên-Lào từ 30/04/1975.
(2) Nhạc điệu dân ca Lào rất phong phú, mỗi miền mỗi điệu, mỗi sắc thái: Khạp-thun (Luang Prabang), Kham-ngum (Vientiane), Lăm Phon-Sà-Vắn (Savannakhet), Lăm Ma-Há-Xay (Khammouane)...