Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Lịch sử > Khảo cổ học > Phát hiện mới về văn minh Maya tại Petén

Phát hiện mới về văn minh Maya tại Petén

Thứ Hai 5, Tháng Hai 2018, bởi Cong_Chi_Nguyen

Trang mạng của PACUNAM (Quỹ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Maya) vừa công bố một phát hiện khảo cổ học lớn tại vùng rừng Petén ở miền Bắc nước cộng hòa Guatemala, với hàng nghìn công trình là di tích lãng quên của nền văn minh Maya, trong đó có một kim tự tháp cao 10 tầng và một cung điện hoàng gia lớn.

Khảo cổ học 3D

Theo Báo cáo khoa học của Pacunam, một dự án nghiên cứu của Quỹ này đã cho phép thiết lập một bản đồ tổng thể của nhiều thành phố cổ Maya được tìm thấy trong thời gian gần đây sau nhiều thế kỷ bị bỏ quên và trở nên hoang phế.

Trong dự án nghiên cứu của Quỹ Pacunam có sử dụng công nghệ hiện đại LIDAR. Đó là một hệ thống vẽ bản đồ địa hình 3 chiều được chụp từ trên không bằng tia laser, nhờ vậy đã phát hiện hơn 60.000 kiến trúc đơn lẻ, 4 trung tâm nghi lễ chính và một kim tự tháp cao 30m mà trước kia từng được xác định là một ngọn đồi tự nhiên.

Tikal là một thành phố cổ của người Maya và được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu rất kỹ càng. Các dữ liệu mới nhất đã cho phép vẽ lại thành phố Tikal trên máy tính bằng công nghệ 3D. Nó cho thấy diện tích và quy mô của Tikal lớn hơn nhiều so với dự đoán trước kia, trong đó trung tâm của thành phố với tên gọi El Palmar cũng lớn gấp 40 lần so với bản đồ hiện tại.

Văn bia Naachtun

Theo báo cáo công bố hôm thứ tư ngày 31-1-2018, các chuyên gia về minh văn đã giải mã được các dòng chữ tượng hình của người Maya khắc trên hai tấm bia đá tìm thấy tại di chỉ khảo cổ học Naachtun ở rừng Petén thuộc miền bắc Guatemala. Minh văn này tiết lộ mối quan hệ giữa các thành phố thời kỳ Tiền-Colombia (trước khi Colombo phát hiện châu Mỹ) và một số sự kiện lịch sử thời ấy.

Các bia cổ được phát hiện cách đây gần một thế kỷ ở vùng Petén giáp biên giới với Mexico, ghi rằng từng có các cuộc chiến tranh giữa hai thành phố Tikal và Naachtun, nhà khoa học người Pháp Philippe Nondedeo, giám đốc dự án, cho biết tại một cuộc họp báo.

Bà Mélanie Forné, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mexico và Trung Mỹ, nói: "Chúng tôi đang giải mã các thông tin giúp xây dựng lịch sử của đất nước, một phần của dự án cũng được chính phủ Pháp và các doanh nghiệp địa phương hỗ trợ".

Theo ông P. Nondedeo, cuộc nghiên cứu cho thấy thành phố Naachtun đã tham gia vào việc lật đổ triều đại địa phương Tikal trong năm 378 (thuộc giai đoạn Cổ điển) sau khi quân đội tiến vào từ Teotihuacan, một nền văn minh phát triển mạnh ở miền Trung Mexico. Nhờ đọc văn bia đã xác định được rằng những sự kiện này đánh dấu sự chấp nhận ảnh hưởng của Teotihuacan trên lãnh thổ mà bây giờ được gọi là miền bắc Guatemala.

"Nghiên cứu cũng cho phép xác nhận rằng thành phố Naachtun là thủ phủ của Vương quốc ’Dơi’ (...), một vương quốc Maya Cổ điển quan trọng được đề cập trong các văn bia tại một số di chỉ khảo cổ học ở Petén", một báo cáo trong buổi trình bày đã đưa ra chi tiết này.

Văn minh Maya

Xã hội Maya Cổ điển là một trong những nền văn minh tiên tiến nhất ở Trung Mỹ. Người Maya có nguồn gốc từ vùng Mesoamerica. Khu vực này tức là vùng Trung Mỹ ngày nay nằm giữa Mexico và Nam Mỹ, là quê hương của nhiều nền văn hóa cổ đặc sắc, trong đó có Aztec, Olmec, Teotihuacan và Toltec.

Người Maya đã sống và làm chủ trên một khu vực rộng lớn ở vùng Trung Mỹ, ngày nay thuộc về lãnh thổ của các quốc gia Guatemala, Belize, Honduras, El Salvador và miền Nam Mexico. Văn minh Maya trước khi sụp đổ đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ nổi bật bởi một thứ chữ viết đã gần đến mức hoàn thiện, mà còn có nền nghệ thuật, kiến trúc và hệ thống thiên văn, toán học đáng kinh ngạc.

Các khu định cư đầu tiên của người Maya được xây dựng vào khoảng 1000 năm trước Công nguyên. Văn hoá Maya đã có thời kỳ đỉnh cao trong giai đoạn Cổ điển (năm 250-900) cho đến khi nó suy tàn vào cuối giai đoạn Hậu cổ điển (năm 900-1200). Sau gần 2 thiên niên kỷ, hầu hết các thành phố lớn của họ bỗng dưng tiêu vong vào khoảng năm 900 theo Tây lịch. Dù các nhà khảo cổ học luôn cố gắng tìm tòi khám phá, nhưng đến nay còn rất nhiều bí ẩn xung quanh Maya, một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại đã từng tồn tại.

Nguyên nhân Maya sụp đổ vẫn tiếp tục là trọng tâm của các cuộc tranh luận khoa học trên thế giới, mặc dù đa số cho rằng vì môi trường biến đổi và/hoặc chính người Maya tự đưa nhau đến chỗ diệt vong. Ngày nay với vũ khí nhiệt hạch, loài Homo Sapiens chúng ta cũng rất có thể bị tuyệt diệt bất ngờ như họ.

(VNP, NCC theo pacunam.org)


Xem online : Descifran datos históricos en estelas mayas halladas en Naachtun, Petén