Trang nhà > Văn chương > Thi ca > Sự chết, tình yêu, cuộc sống
Paul Eluard (1895 - 1952)
Sự chết, tình yêu, cuộc sống
La mort, l’amour, la vie
Thứ Tư 7, Tháng Ba 2018, bởi
Bản dịch Hàn Thuỷ
Tưởng đập vỡ được mênh mông sâu thẳm
Bởi nỗi buồn trần trụi tịch liêu
Thân duỗi dài trong ngục tù kín cửa
Như một người chết biết điều [1]
Đắp hào quang hư không là thấy đủ
Ta nằm yên trên vô nghĩa dạt dào
Của thuốc độc uống vì yêu tro bụi
Máu màu chói không chói bằng màu cô đơn
Ta đã muốn rũ bỏ hình hài
Với tử thần cùng chia nhau cái chết
Trả trái tim về hư vô đem hư vô trả cho đời
Xoá hết cả vết hơi và mảnh kính [2]
Không trước không sau không cả chung quanh
Ta đã diệt hai bàn tay giao nhau giá lạnh [3]
Diệt đi rồi xương xẩu đóng băng
Của ước nguyện sống tan dần [4]
Rồi em tới lửa sáng bừng rực rỡ
Bóng tối lui tan rã tuyết trần ai
Trên trái đất thịt da em bao phủ
Nghe tâm hồn anh rũ nhẹ không
Em đã đến trong anh cô đơn hết
Em dẫn lối đường đời anh đã biết
Định hướng đi mạnh không thể đo lường
Trong không gian và thời gian tiến bước
Hướng tới em nguồn sáng ở vô cùng
Đời đã mọc hình hài buồm hy vọng phồng căng
Đêm giấc ngủ lung linh bao mộng đẹp
Đợi bình minh những ánh mắt tin yêu
Em giăng đôi tay vén mở sa mù
Trên làn môi sương sớm về lóng lánh
Anh mệt mỏi không còn chỉ lặng lẽ ngất ngây
Yêu tình yêu như những ngày mới lớn
Ruộng sâu những luống cày công trường đèn toả cháy
Luá cuộn mình làm tổ trong sóng lượn dài cao
Muà lúa mùa nho vô vàn đông người gặt hái
Không gì giản đơn và chẳng gì đứng riêng
Trời nhìn biển và biển trong mắt đêm
Rừng đem lại bình an cho cây cối
Và những ngôi nhà chung tường chung mái
Và những con đường luôn gặp gỡ nhau
Loài người sinh ra là để kết giao
Để lắng nghe để hiểu và yêu
Để sinh sôi rồi con cái thành cha mẹ
Đẻ ra những đứa trẻ du cư [5]
Chúng sẽ tái tạo loài người
Và đất trời tổ quốc
Của mọi người
Của mọi thời.
PAUL ELUARD
Trong tập thơ Le Phénix, 1951
La mort, l’amour, la vie
J’ai cru pouvoir briser la profondeur l’immensité
Par mon chagrin tout nu sans contact sans écho
Je me suis étendu dans ma prison aux portes vierges
Comme un mort raisonnable qui a su mourir
Un mort non couronné sinon de son néant
Je me suis étendu sur les vagues absurdes
Du poison absorbé par amour de la cendre
La solitude m’a semblé plus vive que le sang
Je voulais désunir la vie
Je voulais partager la mort avec la mort
Rendre mon cœur au vide et le vide à la vie
Tout effacer qu’il n’y ait rien ni vitre ni buée
Ni rien devant ni rien derrière rien entier
J’avais éliminé le glaçon des mains jointes
J’avais éliminé l’hivernale ossature
Du vœu de vivre qui s’annule
Tu es venue le feu s’est alors ranimé
L’ombre a cédé le froid d’en bas s’est étoilé
Et la terre s’est recouverte
De ta chair claire et je me suis senti léger
Tu es venue la solitude était vaincue
J’avais un guide sur la terre je savais
Me diriger je me savais démesuré
J’avançais je gagnais de l’espace et du temps
J’allais vers toi j’allais sans fin vers la lumière
La vie avait un corps l’espoir tendait sa voile
Le sommeil ruisselait de rêves et la nuit
Promettait à l’aurore des regards confiants
Les rayons de tes bras entrouvraient le brouillard
Ta bouche était mouillée des premières rosées
Le repos ébloui remplaçait la fatigue
Et j’adorais l’amour comme à mes premiers jours
Les champs sont labourés les usines rayonnent
Et le blé fait son nid dans une houle énorme
La moisson la vendange ont des témoins sans nombre
Rien n’est simple ni singulier
La mer est dans les yeux du ciel ou de la nuit
La forêt donne aux arbres la sécurité
Et les murs des maisons ont une peau commune
Et les routes toujours se croisent
Les hommes sont faits pour s’entendre
Pour se comprendre pour s’aimer
Ont des enfants qui deviendront pères des hommes
Ont des enfants sans feu ni lieu
Qui réinventeront les hommes
Et la nature et leur patrie
Celle de tous les hommes
Celle de tous les temps.
Chú thích ND
Thi sĩ Paul Eluard công bố bài này năm 1951, trong tập thơ Le Phenix (Phượng hoàng). Năm 1946 vợ thứ nhì của ông là nghệ sĩ sân khấu Nusch (tên thật Maria Bentz) qua đời khiến ông rất đau buồn, tuyệt vọng. Năm 1949 ông gặp Dominique, người sẽ trở thành vợ thứ ba của ông năm 1951. Tập thơ Phượng hoàng gồm những bài thơ ông viết tặng Dominique, người đã vực dậy con chim Phượng Eluard từ tro tàn.
Bài thơ chia ba phần rất rõ rệt (mỗi phần gồm hai đoạn) : ‒ mô tả nỗi cô đơn tuyệt vọng, ‒ sự gặp gỡ người yêu, ‒ và sau cùng là cái nhìn tươi sáng về cuộc đời ; tựa nguyên tác không có hai dấu phảy, nhưng tựa bản dịch lại có, cho rõ đại ý.
Bản dịch đã đăng trên FaceBook của người dịch từ hơn hai năm trước. Chẳng may không hiểu tại sao FB đã bị mất hết !!! Xin cám ơn chủ trang « Đông Tác », một người bạn cố tri, đã đăng lại. Tuy nhiên, khi kiểm lại nguyên tác với các nguồn nghiêm túc thấy phải bỏ một câu thơ không hiểu từ đâu ra ; và đọc lại bản dịch lại thấy cần sửa và thêm nhiều chú thích. (cập nhật 19/3/2021)
[1] Hai câu này – hình ảnh hiện thực của người chết trong quan tài (ngục tù kín cửa) trộn lẫn với ngôn từ siêu thực – là ẩn dụ cho một thời tuyệt vọng của tác giả.
[2] "ni vitre ni buée" nói về tập tục ở Âu châu ngày xưa : để kiểm xem người nào đã chết thật chưa thì người ta để trước mũi một cái gương (hay mảnh kính), nếu còn hơi thở (dù rất nhẹ) thì hơi nước tụ lại trên mặt kính.
[3] trong đạo thờ chúa (dù Cơ Đốc, hay Hồi Giáo ...) cơ thể người chết trong quan tài được đặt nằm ngửa và hai bàn tay giao nhau trước ngực.
[4] "voeu de vivre": vẫn theo tập tục các đạo thờ chúa, đây vừa là lời hứa trang trọng vừa là ước mong mình sẽ sống như thế nào, trong một số nghi lễ.
[5] "sans feu ni lieu" dịch "du cư" bởi vì đây là thành ngữ nói về những kẻ lang thang vô gia cư, trong đó "lieu" là gia đình trong nghĩa cổ, và "feu" là bếp lửa, tượng trưng cho ngôi nhà.