Cuộc đời sóng gió của Stephen Hawking

Nhà thiên văn hàng đầu Stephen Hawking vừa qua đời tại nhà riêng ở tuổi 76, bỏ lại thân xác ở Trái đất. Sau đây xin nhắc lại những nét độc đáo và cả cuốn phim về cuộc đời của ông để chúng ta có thể thấu hiểu khoa học gia vĩ đại và nhà văn hóa xuyên thời gian.

Stephen Hawking thăm làng trẻ em SOS ở Hà Nội

Stephen sinh ngày 8-1-1942, tức chính xác 300 năm sau khi qua đời Galileo Galilei, nhà thiên văn, vật lý, toán học và triết học lỗi lạc người Ý (8-1-1642). Trùng lặp nữa là ông mất hôm nay 14-3-2018, đúng ngày của số Pi (3.14), sinh nhật của thiên tài Albert Einstein (14-3-1879) và kỷ niệm ngày 64 chiến sĩ ta hy sinh tại Gạc Ma vì Tổ quốc (14-3-1988).

Cha Stephen tên là Frank Hawking, tốt nghiệp Khoa y tại Oxford, mẹ là Isobel Eileen Walker cũng từng theo học Khoa triết, chính trị và kinh tế tại trường đại học nổi danh lâu đời này.

Trong trường tiểu học, chữ viết của Stephen rất xấu và các điểm số chưa bao giờ vượt qua mức trung bình. Nhiều nhận xét cho rằng bởi vì lúc đó Stephen chưa có động cơ học. Thay vì làm bài tập về nhà, Stephen thường dành thời gian để làm việc khác, chẳng hạn tháo tung chiếc đài thu thanh ra xem nó hoạt động như thế nào.

Mặc dù kết quả học tập như thế nhưng Stephen vẫn được các thầy cô giáo quý mến vì sự thông minh của mình. Ở tuổi trung học, trong khi nhiều cô cậu khác còn đang lúng túng vì sự dậy thì, chàng Stephen đã cùng với bạn bè mình tự dựng nên một chiếc máy tính từ những vật dụng vô cùng đơn giản. Và các giáo viên đã phải đặt biệt danh "Einstein" cho Stephen.

Stephen từng nói: Tôi chỉ là một đứa trẻ không bao giờ lớn. Tôi không ngừng đặt những câu hỏi như "tại sao" và "như thế nào". Đôi lúc, tôi tìm được câu trả lời.

Trong gia đình Hawking, từ bố mẹ cho tới anh chị em của Stephen đều rất thông minh và khá kỳ dị. Chẳng hạn đến bữa ăn, tất cả thường im lặng và mỗi người cầm trên tay một quyển sách chứ ít khi nói chuyện. Người cha ban đầu muốn con trai nối nghiệp mình và theo học ngành y tại trường Oxford. Tuy nhiên, Stephen lại tỏ ra không mấy thích thú với sinh học và theo ông thì môn này quá "thiếu tính chính xác".

Stephen quyết định học chuyên ngành toán bởi vì theo chàng thì nó là môn có tính chính xác và rõ ràng nhất. Nhưng tại Oxford lúc đó lại ...không có chuyên ngành toán. Cuối cùng Stephen đã thỏa thuận với cha mình và đồng ý tới Oxford để theo học ngành Vật lý vì nó ...cũng khá chính xác. Thời ấy, cha mẹ Stephen không nghèo túng nhưng cũng chẳng dư dả gì. Do không đủ tiền để trả chi phí ăn học tại Oxford cho Stephen nên họ chỉ có thể hy vọng nếu con giành được học bổng.

Và Stephen đã giành được học bổng nhờ đứng đầu kỳ thi vào của trường Oxford và đạt điểm gần như tuyệt đối trong môn vật lý. Stephen có chỉ số trí tuệ IQ 160 nhưng đã từng tham gia đội chèo thuyền tại trường Oxford để hòa nhập hơn với bạn bè đồng trang lứa. Do thể trạng không khỏe mạnh nên chàng được phân vai làm người bẻ lái, một vị trí không đòi hỏi sức khỏe mà cần sự khéo léo nhiều hơn.

Stephen bắt đầu vào học bậc trên đại học tại Trinity Hall (Cambridge) từ tháng 10-1962. Năm 1965, đang ở tuổi 23 thanh xuân, Stephen bị chẩn đoán mắc bệnh teo cơ (ALS: Amyotrophic Lateral Sclerosis, liệt thần kinh vận động). Sau rất nhiều xét nghiệm, các bác sĩ đã cho rằng ông chỉ sống được thêm 2 năm nữa. Nhưng ông đã dũng cảm vượt thêm 53 năm với bao cống hiến cho nhân loại, dù phải di chuyển trên xe lăn suốt nửa đời cuối của mình.

Ông kể "Khi linh cảm mình mắc phải chứng bệnh vô phương cứu chữa, tôi có cảm giác như mình đang chết lần mòn. Làm thế nào chuyện như thế lại xảy ra và tại sao tôi không thể thoát khỏi nó? Nỗi buồn ám ảnh như bóng ma, cho tới một hôm, khi tôi thấy một cậu bé đang hấp hối vì bệnh bạch cầu, nằm đối diện giường tôi. Đó là cảnh tượng thật đáng thương. Rõ ràng, có nhiều người khác còn kém may mắn hơn mình. Dù sao, căn bệnh ALS không làm cho tôi đau đớn nhiều. Từ đó về sau, cứ mỗi lần tư tưởng bi quan xuất hiện thì lập tức tôi nghĩ đến cậu bé đó. Ít lâu sau, bác sĩ cho tôi xuất viện và nói rằng cứ tiếp tục nghiên cứu những đề tài về vũ trụ còn dang dở. Tôi tiến triển chậm trên con đường nghiên cứu vì thiếu nền tảng toán học...

Giấc mơ về cuộc đời tôi lúc còn trẻ rất mơ hồ. Trước khi được chẩn đoán mắc bệnh, tôi cảm thấy không hứng thú với cuộc sống. Dường như chẳng có gì đáng để làm. Rồi sau khi xuất viện, tôi thấy như mình sắp bị hành hình. Bỗng nhiên lúc đó tôi nhận ra rằng có rất nhiều điều đáng để thực hiện nếu bản án tử hình của tôi được hoãn lại. Như thế, dù sao, tôi cũng làm được gì đó cho cuộc sống trước khi mình chết. Cảm giác ham sống tràn ngập tim tôi và công trình nghiên cứu bắt đầu tiến triển nhanh hơn. Tôi càng cảm thấy ham sống khi đính hôn với cô gái mà tôi đã gặp vào thời điểm căn bệnh được phát hiện. Cuộc đính hôn với Jane Wilde làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi nộp đơn gia nhập Hội đồng nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge. Thật ngạc nhiên, đơn xin của tôi được chấp thuận."

Một trong những nghiên cứu của Stephen Hawking là thuyết Vũ Trụ Vô Tận từng được ông và nhà vật lý Jim Hartle đưa ra vào năm 1983, trong đó nhấn mạnh rằng vũ trụ của chúng ta không có bất cứ giới hạn nào cả.

Stephen Hawking bị mắc chứng viêm phổi vào năm 1985. Bệnh tình ông lúc này nặng đến mức bác sĩ còn đưa ra ý kiến khuyên vợ ông nên tắt máy thở để ông ra đi trong thanh thản. Nhưng vợ ông kiên quyết yêu cầu thực hiện thủ thuật mở khí quản. Ông đã qua cơn nguy kịch nhưng bị mất đi giọng nói của mình.

Từ đó, Stephen Hawking phải dùng mọi cách để trao đổi ý nghĩ với người xung quanh nhưng đều vất vả và chậm chạp. Sau này ông đã có thể dùng phần mềm máy tính kèm thiết bị đặc biệt của David Mason -một người hâm mộ- để chuyển ý nghĩ thành giọng nói, tuy vẫn còn rất khó nghe. Elaine, vợ thứ hai của Stephen, là cô hộ lý của ông và vợ cũ của ...David.

Tuy nhiên, tất cả những bất hạnh này không quật ngã được ý chí của nhà vật lý thiên tài. Ông trở thành giáo sư tại Đại học Cambridge, ở chức vụ mà ngày xưa Isaac Newton rồi sau đó là Paul Dirac từng đảm nhiệm. Ông nghiên cứu về lý thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử. Những kết quả thu được cùng với George Ellis, Roger Penrose,... và nhất là sự phát hiện khả năng bức xạ của các các lỗ đen đã đưa Hawking lên hàng những nhà vật lý nổi tiếng nhất thế giới.

Stephen Hawking có khiếu hài hước và ông từng được mời tham gia đóng một tập trong bộ phim Star Trek: The Next Generation vào năm 1993. Trong đó, ông đóng vai chính mình, đang ngồi chơi bài poker với các nhà khoa học lỗi lạc như Albert Einstein và Isaac Newton.

Năm 1997 Stephen Hawking từng đánh cược với nhà khoa học Jim Preskill rằng các nguồn thông tin truyền vào hố đen sẽ biến mất, còn Jim lại cho rằng chúng sẽ thoát ra khỏi hố đen bằng cách này hay cách khác. Năm 2004, Hawking công khai thừa nhận mình đã sai.

Ngoài khoa học, Stephen Hawking rất quan tâm đến văn hóa và tương lai loài người. Ông viết khá nhiều mà "Brief history of time" (Lược sử thời gian là tác phẩm phổ biến khoa học nổi tiếng nhất và được xuất bản nhiều nhất. Trong bản dịch ra tiếng Việt của Cao Chi và Phạm Thiều (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2000) có giới thiệu:

"Cuốn "Lược sử thời gian" được viết xong năm 1987. Ngay từ khi ra đời, nó đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới. "Lược sử thời gian" đứng trong danh mục sách bán chạy nhất của New York Times trong 53 tuần, và tại nước Anh, 205 tuần liền nó có tên trong mục sách bán chạy nhất của Sunday Times. Chính Stephen Hawking cũng phải kinh ngạc. Từ trước đến nay, chưa có một cuốn sách khoa học nào được công chúng đón nhận nồng nhiệt như vậy (tuy rằng nhiều người nói, họ mua nó chỉ để bày ở tủ sách chứ không thực sự đọc. Về điểm này, cuốn sách của Hawking cũng có số phận tương tự như Kinh Thánh hoặc các vở kịch của Shakespeare)."

Cũng ít ai biết rằng ngoài 3 con ruột Stephen lại có một người con gái nuôi ở Việt Nam tên là Nguyễn Thị Thu Nhàn. Từ năm 1990, khi 10 tuổi, cô đã được nhà khoa học người Anh nhận nuôi đến năm 18 tuổi. Ông từng nói với cô "Dù rằng nhận nuôi con là một điều hoàn toàn ngẫu nhiên nhưng với bố, đây là điều ngẫu nhiên tuyệt vời nhất". Năm 1997, Stephen từng bí mật sang Việt Nam thăm cô. Trong thời gian này, hai bố con cùng đi dạo phố phường Hà Nội, ăn cơm cùng nhau và thường xuyên trò chuyện.

Năm 2007, Stephen Hawking cùng con gái ruột Lucy đã viết một bộ sách gồm 3 tập về vũ trụ dành cho thiếu nhi. Ông còn tham gia trải nghiệm cảm giác không trọng lực với hành khách chọn lọc của hãng Zero Gravity Corp. Công ty này đã phóng một máy bay lên rất cao và sau đó cho rơi tự do. Ông cho rằng việc phát triển ngành du hành không gian là vô cùng cần thiết, là yếu tố sống còn với sự phát triển của nhân loại bởi hiện tại con người đang dần hủy hoại đi chính nguồn sống của mình bằng hiệu ứng nhà kính.

Năm 2008, nhân dự kỷ niệm 50 năm thành lập của NASA, Stephen Hawking đã phát biểu rằng rất có thể tồn tại những sự sống thông minh khác giống như chúng ta nhưng ở bên ngoài Trái đất.

Cuối đời, Stephen Hawking cho rằng bùng nổ dân số, biến đổi khí hậu và vi khuẩn kháng kháng sinh chỉ là 3 trong số những mối đe dọa đối với hành tinh của chúng ta. Ông cho biết, con người hiện đã đạt đến trình độ công nghệ đủ để phá hủy Trái đất và chúng ta cần học cách thích nghi với một thế giới mới - nơi "robot thay thế con người trong mọi công việc".

Những ngày cuối cùng Stephen Hawking là một trong những người giám sát nhiệm vụ gửi robot thám hiểm tới chòm sao Alpha Centauri. Chiếc phi thuyền này có kích thước chỉ bằng chiếc iPhone của chúng ta và dự kiến sẽ cần phải thả ra hàng nghìn phi thuyền nhỏ như thế này để vươn tới ngôi sao trên.

Tôi nghĩ rằng linh hồn ông vẫn đang bay trong vũ trụ không biên giới như giấc mơ bất diệt của trẻ em từ bao đời nay.

NCCong (có tham khảo Trí thức Trẻ)