Rạng sáng 23-4-2018 sẽ thấy rõ mưa sao băng Lyrids

Tại Việt Nam, chúng ta sẽ được ngắm trọn cơn mưa sao băng tuyệt đẹp có tên Lyrids vào đêm Chủ nhật và rạng sáng ngày Thứ hai sắp tới. Thời điểm cực đại của trận mưa sao băng năm nay sẽ diễn ra từ nửa đêm 22-4 đến khi mặt trời mọc sớm ngày 23-4.

Năm 2018, những người yêu thiên văn ở Việt Nam có thể quan sát rõ mưa sao băng mà không sợ bị ánh trăng làm lu mờ vì Lyrids sẽ rơi vào đêm 7 và rạng sáng mùng 8 tháng 3 Âm lịch. Sao băng sẽ rơi theo nhiều hướng, tản ra từ chòm sao Lyra (Thiên Cầm).

Vào thời điểm trên, vị trí chòm sao sẽ nằm trên bầu trời phía Đông, hơi chệch sang phía Đông-Bắc. Nếu chưa quen với việc xác định vị trí này, bạn có thể nhận ra bằng cách tìm 3 ngôi sao sáng nhất bầu trời phía Đông, lập thành một tam giác lớn gồm 3 đỉnh là các sao Vegam, Altair và Deneb.


Mô tả vị trí của mưa sao băng Lyrids. Ảnh: Hội Thiên văn học Trẻ Việt Nam

Anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học Trẻ Việt Nam cho hay, mưa sao băng Lyrids có nguồn gốc từ các mảnh vụn của sao chổi Thatcher, một sao chổi có chu kỳ khoảng 415 năm trên quỹ đạo quanh Mặt Trời. Cứ dịp tháng Tư hàng năm, khi Trái Đất đi qua vùng quỹ đạo bị cắt ngang bởi dòng thiên thạch này, các thiên thạch lao vào khí quyển Trái Đất và bốc cháy thành những vệt sáng dài trên bầu trời và được gọi là sao băng.

Lyrids là mưa sao băng nhỏ với mật độ khoảng 20 vệt sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm (quan sát trong điều kiện trời không mây và khí quyển ít ô nhiễm). Cùng lúc, đa số các sao băng sẽ không quá sáng và chúng ta có thể quan sát rõ nét. Tuy nhiên, số lượng sao băng là rất khó đoán định trước. Lịch sử từng ghi nhận trường hợp sao băng Lyrids “bùng nổ” trên bầu trời như năm 1982, với 180-300 vệt sao băng chỉ trong vài phút, hay năm 1922 đạt 100 vệt/giờ.

“Hiện tượng này sẽ khó quan sát tại những nơi có mức độ ô nhiễm cao như thành phố lớn, gần khu dân cư, công nghiệp, công trường xây dựng,” anh Sơn nói.

Để quan sát hiện tượng này, người yêu thiên văn cần chọn những không gian ít ô nhiễm, bảo đảm an toàn cá nhân và tránh ánh sáng chiếu vào mắt. Thời điểm quan sát lý tưởng là vài giờ sau khi mặt trăng lặn tức là từ nửa đêm 22 đến rạng sáng ngày 23-4. Kinh nghiệm cho thấy nếu đủ tối trên bầu trời, người quan sát sẽ có cơ hội thấy rõ được vài chục ngôi sao băng bằng mắt thường mà không cần dùng kính thiên văn hay bất cứ dụng cụ đặc biệt nào.

Sau mưa sao băng Lyrid, người yêu thiên văn tiếp tục có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Bảo Bình, một trận mưa sao băng khá lớn sẽ xuất hiện trong tháng 5-2018.

(NCCông, theo VNN, VNP)