Trang nhà > Nghệ thuật > Kiến trúc > Chùa Bạch Hào (Hải Dương)
6802 Bach Hao pagoda
Chùa Bạch Hào (Hải Dương)
Bạch Hào cổ thiền tự 白豪古禪寺
Thứ Hai 27, Tháng Tám 2018, bởi
Chùa Bạch Hào có từ thế kỷ XI, sau thờ thêm Trần Nhân Tông và 3 vị cư sĩ. Tên chữ: Bạch Hào cổ thiền tự 白豪古禪寺. Xếp hạng: di tích quốc gia (1993). Vị trí: thôn Hào Xá, VCRR+JV, Thanh Xá, Thanh Hà, Hải Dương, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 90 km (hướng 4 h). Từ Hà Nội du khách theo đường QL5 qua ga Tiền Trung rẽ phải đi tiếp 10 km trên đường đê ĐT390B sẽ đến nơi
Lược sử
Làng Hào nay thuộc xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Thời Trần đã có trang Hạ Hào. Đến thời Lê đổi thành thôn Hào Xá, thuộc xã Hương Đại, tổng Bình Hà, huyện Thanh Hà, phủ Nam Sách. Hào Xá nằm ngay ven sông Cửa Chùa là một nhánh nhỏ của sông Hương, thế đất của làng như hình phượng hoàng xòe cánh. Tương truyền chùa Hào tọa lạc trên đầu con chim phượng có chùm lông màu trắng nên được đặt tên chữ là 白豪古禪寺 (Bạch Hào cổ thiền tự).
Theo văn bia hiện còn, vào thời Trần ở trang Hạ Hào có vợ chồng ông Nguyễn Danh Doãn và bà Phạm Thị Phương sinh được hai người con trai là Nguyễn Danh Nguyên và Nguyễn Danh Quang. Lớn lên, hai anh em kết thân với Lý Đình Khuê là bạn học và người cùng làng. Năm 1276, cả ba người đều đỗ cao và được vào cung làm nội thị học sĩ. Họ thân thiết với vị hoàng tử mà 2 năm sau trở thành đức vua Trần Nhân Tông.
- Giếng chùa Bạch Hào. Photo ©NCCong 2015
Năm 1285 và 1287 nước ta lại bị quân Nguyên sang xâm lược lần 2 và lần 3, ba ông đều theo vua đi đánh giặc. Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con rồi lên núi Yên Tử tu hành, lập thiền phái Trúc Lâm, lấy hiệu là Điều Ngự Đầu Đà. Nguyễn Danh Nguyên, Nguyễn Danh Quang và Lý Đình Khuê về làm cư sĩ tại chùa Minh Khánh và chùa Hào. Ngày 6 tháng Giêng năm đó, Đức Điều Ngự du ngoạn đầu xuân bằng đường thuỷ; đến trang Hạ Hào được ba cư sĩ tổ chức hội đua thuyền để tiếp đón. Đức Điều Ngự cho dựng lại chùa, mở rộng quy mô và đổi tên là chùa Bạch Hào, giao cho 3 vị làm trụ trì.
Ít năm sau, ba cư sĩ lại được triệu về Yên Tử tu luyện rồi lần lượt “hoá” tại đây. Vua Trần Anh Tông đã cho trang Hạ Hào lập miếu thờ và ban sắc phong làm thành hoàng làng, khắc bức đại tự "Hào tướng lưu quang". Nguyễn Danh Quang được tặng mỹ tự là Phổ Lại cư sĩ, Nguyễn Danh Nguyên là Phổ Hộ cư sĩ, Lý Đình Khuê là Phổ Tế cư sĩ.
- Tiền đường chùa Bạch Hào. Photo ©NCCong 2015
Theo ngọc phả, chùa được xây dựng năm 1011 dưới đời vua Lý Thái Tổ, lúc đầu chỉ có 3 gian nhà tranh tre. Qua các triều đại về sau, chùa được xây dựng lại và mở rộng dần thêm quy mô. Đặc biệt ngoài thờ Phật nơi đây còn thờ vua Trần Nhân Tông và 3 vị thành hoàng làng, mặc dù Thanh Xá còn có 3 ngôi đình cũng thờ ba vị này, gồm: 1. đình Trong (tức đình Đụn) ở thôn Hào Nam, 2. đình Ngoài ở thôn Hào Bắc, 3. đình Trại ở thôn Hào Đông.
Năm 1993 chùa Bạch Hào được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia và năm 2015 lễ hội chùa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Kiến trúc
Vào thập niên 1540 (tức dưới thời Mạc), tăng phó Trần Như Thừa đã quyên góp tiền của công đức và xây dựng lại chùa Hào Xá rất hoành tráng. Truyền thuyết kể rằng chùa lúc đó gồm tới 60 gian lớn nhỏ, được sắp đặt theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Sau này chùa cũng được tu sửa nhưng do thời gian, thiên tai và chiến tranh nên nhiều kiến trúc cổ đã mất dần, nay không còn thấy dấu tích nữa. Lần trùng tu gần nhất là vào đầu thập niên 2000.
- Gác chuông chùa Bạch Hào. Photo ©NCCong 2015
Ngôi chùa hiện nay mang nhiều dáng vẻ phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Mặt chùa quay ra sông nhìn về hướng Tây; hai bên có 2 giếng tròn. Tòa tiền đường 5 gian 2 chái, gian giữa được xây 2 tầng; các vì kèo đều có chạm khắc hoa lá, trúc hoá long... bằng kỹ thuật chạm bong kênh, kết nối với hậu cung 2 gian thành hình chuôi vồ. Áp lưng hậu cung là hai hàng bia đá rồi đến tháp chuông nhìn qua sân lớn sang nhà Tổ gồm 5 gian cửa bức bàn.-Hai bên sân là các dãy nhà khách, nhà tăng, khu phụ, vườn chùa.
Di sản
Lễ hội hằng năm được dân Hào Xá tổ chức từ mùng 4 đến 6 tháng Giêng âm lịch, kỷ niệm ngày Thượng hoàng Trần Nhân Tông về thăm làng. Trong dịp này, có lễ rước các sắc phong từ chùa Hào ra đình Đụn để tế lễ, mùng 5 rước trở lại chùa và tiếp tục tế lễ. Đặc biệt nổi tiếng trong hội là cuộc thi bơi trải trên con sông nhỏ ở ngay trước cửa chùa.
- Vườn bia chùa Bạch Hào. Photo ©NCCong 2015
Tại chùa Hào hiện có rất nhiều tư liệu chữ Hán như:
- 12 bia đá, trong đó có 3 bia thời Lê, 7 bia thời Nguyễn, 2 bia ghi lại công lao của 3 vị cư sĩ. Ngoài ra còn 1 bản rập bia đá và 1 bản rập cây hương.
- 7 đạo sắc mang niên hiệu của các vị vua triều Nguyễn ghi việc sắc phong thành hoàng và gia tặng mỹ tự cho ba vị cư sĩ trụ trì: 2 đạo Tự Đức (1853, 1880); Đồng Khánh 1888; Duy Tân 1909; 2 đạo Khải Định 1924; và một sắc phong bị rách mất một nửa nên không rõ niên hiệu, chỉ biết sắc này phong cho cư sĩ Phổ Tế.
- bài vị của ba vị thành hoàng và các vị sư đã tu tại chùa.
Sân chùa Bạch Hào. Panorama ©2015 NCCong
Đặc biệt nhà chùa đã lưu giữ được:
- một pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tạc bằng gỗ ngự và đặt trong khám thờ ở nhà Tổ.
- một bệ đá thời Trần, khắc họa tinh xảo những hoa văn, phù điêu hình chim, hình rồng, cánh sen, 4 góc có hình chim thần Garuda đội tòa sen phía trên; được coi như đặc trưng của nghệ thuật có sự ảnh hưởng của văn hóa Champa. Năm 1981 bệ này được công nhận là di tích điêu khắc.
- một pho tượng Tăng phó Trần Như Thừa đặt ngay sau hương án công đồng.
- một vườn tháp với 7 ngôi mộ của các sư Tổ.
- gần 30 pho tượng Phật giáo Bắc tông.
- Phật điện chùa Bạch Hào. Photo ©NCCong 2015
Ngoài ra có một bức đại tự treo trong toà bái đường gồm 4 chữ “Hào tướng lưu quang” (Tướng làng Hào toả sáng).-Tại nhà Tổ lại có câu đối: “Hộ tòng thần thế Tam công miếu / Tự hưởng Hào trang vạn cổ thần” (Miếu thờ ba vị theo hầu vua / Bậc thần hưởng tế muôn đời trang Hào Xá).
Di tích lân cận
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCông