Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Lịch sử > Hiện đại > PHẦN 1 – CÔNG NGHỆ MỚI THAY ĐỔI ĐƯỢC THẾ GIỚI

NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG

PHẦN 1 – CÔNG NGHỆ MỚI THAY ĐỔI ĐƯỢC THẾ GIỚI

The quiet Vietnamese

Thứ Bảy 8, Tháng Chín 2018, bởi Cong_Chi_Nguyen

(Trích trong tác phẩm nhiều tập "Đông Âu anh hùng truyện" của tác giả Nam Nguyen)

GIỚI THIỆU

Anh sinh ra trong một dòng họ nho giáo truyền thống của Hà thành. Ông nội Nguyễn Hữu Cầu tức “cụ cử Đông Tác” là trưởng ban Tu thư trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Cụ bị Pháp bắt đi đày Côn Đảo, sau về quản thúc ở quê nhưng vẫn ghi danh sử sách như một nhà yêu nước, thầy thuốc và nhà thơ. Bố anh – ông Nguyễn Hữu Tảo - là con cả, cũng sớm nổi tiếng với tài học là “người quán triệt được cả hai nền văn hóa Đông Tây” (theo GS Phạm Huy Thông), đỗ á khoa trường Bưởi, rồi đi dạy học ở trường Thành chung Nam Định. Sau khi tổ chức cho học trò để tang cụ Phan Chu Trinh thì ông bị thuyên chuyển về trường Bonnal Hải Phòng. Ở đây ông vừa dạy học vừa tham gia Hội đồng thành phố, là một trong những vị đấu tranh cho quyền lợi của dân ta, mà có tiếng nhất thời đó là ông chủ hãng sơn Gecko Nguyễn Sơn Hà (cũng là người bạn với ông Tảo trong nhóm “Tam Hữu” nổi danh ở Hải Phòng). Cùng chí hướng với ông Hoàng Ngọc Phách bên ban “xã hội”, những lúc nào ông Phách ốm mệt ông Tảo thường dạy hộ. Pháp mời ông Tảo vào “làng tây” để mị dân, nhưng ông nhất quyết không vào. Ông kết giao với nhà yêu nước Hoàng Đạo Thúy đồng thời là người chủ phong trào hướng đạo, lúc đầu là chỉ qua những bức thư, sau này hai ông mới gặp được nhau, nhưng từ khi ông về Hải Phòng mới được Pháp cho tổ chức các đội xì-cút. Số phận sau này sẽ đưa đẩy cho ông Hoàng Đạo Thúy làm ông tổ ngành thông tin liên lạc của chính phủ kháng chiến, và nó cũng sẽ liên quan đến nhân vật chính của câu chuyện này khá nhiều !

Ông Tảo là thầy của các nhà chính trị Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Vũ Văn Hiền, Lưu Văn Lợi…, của các tướng lĩnh Hoàng Thế Thiện, Trần Đình Cửu, Vũ Xuân Vinh, Phạm Tuấn Khánh ... và của rất nhiều nhân vật có tên trong văn đàn Việt Nam cũng như Nhân văn giai phẩm sau này như Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân... (ít ai để ý rằng nhiều vị này trong đời đều có một quãng thời gian học hành sinh sống ở Hải Phòng). Ông còn dịch ra tiếng Việt đầu tiên những cuốn sách có tính giáo dục cao như “Tấm lòng vàng”, “Tâm lý đám đông” từ tiếng Trung nhưng có đối chiếu với bản tiếng Pháp – những cuốn sách sau này còn được dịch và in lại rất nhiều lần cho mọi lứa tuổi. Anh C sinh ra trong chiến khu Việt Bắc, là con út của gia đình 11 người con (một người mất sớm). Anh bắt đầu nhớ được những chuyện thời niên thiếu, lúc đó gia đình ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) dành cho các con em cán bộ kháng chiến sang đó sơ tán và học tập. Từ bé tí anh đã được gặp các ông, bà, chú, bác sẽ đi vào lịch sử như Hồ Chí Minh, Võ Thuần Nho, Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum... Dạy học lâu nhất với bố anh lẽ là bác Hoàng Ngọc Cang (gia đình vốn là quý tộc gốc Hoa ở xứ Quảng. Bác trước học ở Pháp - vợ là người Huế, cùng họ với cụ Hoàng Diệu, từ khi ra kháng chiến làm hiệu trưởng trường Huỳnh Thúc Kháng bị nhà ngoại coi như “quên”. Sau bác làm chủ nhiệm khoa Hóa trường ĐH Sư phạm HN, nhường hẳn một phòng ở khu tập thể cho ông Tảo). Ông Tảo cùng người bạn thân là ông Nguyễn Xiển từng tham gia vào việc thành lập Đảng Xã hội, nhưng sau thấy Đảng này bị ảnh hưởng quá nhiều từ bên ngoài nên đã tự xin thôi và đề nghị không nhắc tới câu chuyện này nữa. Ông Tảo là một trong những cán bộ Khu học xá được cử về nước sớm nhất, trước đó ông đã dịch bộ sách của viện sĩ Kairov (Liên Xô) từ tiếng Trung và đặt viên gạch đầu tiên cho ngành Tâm lý - Giáo dục học Việt Nam (theo GS NGND Hoàng Như Mai).

Từ Nam Ninh về Hà Nội ông Tảo thấy đã bị mất gần sạch ruộng vườn ở làng Đông Tác mặc dù năm 1945 chính gia đình ông đã cứu cả làng khỏi chết đói (công lớn nhất cứu cho dân nghèo miền Bắc đợt ấy thuộc về người em ruột là cư sĩ Thiều Chửu, một đệ tử Phật giáo của ông ấy là bà Cả Mọc, và ông Trần Duy Hưng – họ đã tổ chức đưa gạo từ miền Nam ra cứu đói). Cũng may ông Trần Duy Hưng can thiệp, lấy lại cho một mẫu đất để gia đình sinh sống, lợp tạm lại nếp nhà xưa bằng mái lá. Sau 1955 có nhiều dân làng lục tục mang trả lại đồ đạc, bát đĩa đã trót “mượn” của nhà ông giáo. Ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Trung cấp Sư Phạm Trung ương nhưng sau vụ Trần Đức Thảo, Trương Tửu ông buồn mà bỏ chức luôn, về làng Đông Tác mênh mông ngập nước mà sống. Khi ông Phạm Huy Thông mời ông Tảo quay lại ĐH Sư Phạm HN thì ông xin không tham gia lãnh đạo, chỉ phụ trách Tổ Tâm lý - Giáo dục học, được nhiều người tôn vinh là “Macarenco của Việt Nam” (các ông Phạm Minh Hạc, Hồ Ngọc Đại, Hà Thế Ngữ... đều xuất thân từ Tổ này).

Anh C lớn lên trong hoàn cảnh thay đổi chỗ ở khá thường xuyên, tuổi thơ của anh đi từ vùng kháng chiến đến khu Học xá rồi chủ yếu gắn chặt với “con em sư phạm” nhưng cũng không lạ gì công việc đồng áng của nhà nông đích thực ở xóm Cam Đường quê nội mà nay chính là phố Đông Tác, khu Trung Tự. Sự học thời đó rất chất lượng và toàn diện bởi đa số các thầy cô đều giỏi, có tình cảm với học sinh. Nhưng cũng có những người không như thế, anh C có tính nghịch ngầm nên hay phải chuyển trường (3 năm cấp 3 chuyển 3 trường). Anh C mặc dù ốm yếu từ bé những vẫn học giỏi và học rất dễ dàng, tuy vậy vì ảnh hưởng của người bố nên thường ít kể về việc mình học gì mà tự tìm sách, tìm thầy học thôi, ngay bạn bè cũng ít người được anh cho biết.

Trường cuối anh học là Phổ thông công nghiệp Đống Đa, được học tiện, nguội… nên định hướng kỹ thuật trong anh đã hình thành lại càng rõ nét. Sinh sống ở vùng Kim Liên nên nghề nông cũng biết, đi học 4-5 km toàn đi bộ cắp guốc, quần áo lấm lem, đến gần trường mới thay quần áo được gửi ở nhà người quen. Thủ khoa hồi lớp 7, lớp 10 lại thủ khoa nhưng ông bố không hề khen, cụ rất nghiêm cẩn. Anh C thi học sinh giỏi nhiều lần, lớn lên đỡ ham chơi hơn, hay đọc sách. Anh có mâu thuẫn với các bạn bí thư, lớp trưởng rất nặng nề nên chẳng được kết nạp đoàn, không biết vì sao trước khi thi phổ thông lại có lệnh trên, cho anh được vào đoàn (thì mới đi tây được), có ai đó giúp, quả là anh không ngờ, sau này anh cũng nhận thấy cuộc đời mình hay được “quý nhân phù trợ” mặc dù cha anh C là người đầu ngành giáo dục nhưng với tính cách khảng khái của “sỹ phu Bắc Hà” thì cụ không đời nào lại đi tác động cho con – và nét tính cách trượng phu ấy được truyền lại cho tất cả con cháu trong nhà sau này !

Về định hướng nghề nghiệp cho lứa trẻ như anh C thì cha anh đã nghĩ đến từ lâu – ông với ông bạn Đào Duy Anh từ thời Nhân văn Giai phẩm cũng như sau này hay bàn chuyện với nhau về xã hội tương lai, anh đã được nghe người lớn nói đến máy móc, dây chuyền tự động, “rô bốt”, các ông nghe cả đài Pháp, đài Hồng Kông và ông Tảo khuyên con cái nếu ai không theo binh nghiệp thì chọn ngành kỹ thuật mà học – chắc cụ thấy thời nhà giáo hay dạy môn xã hội, loay hoay với con chữ không mang lại nhiều cống hiến cho cộng đồng và gia đình. Cụ không dạy anh C chữ Hán nữa, mà tìm sách tây cho anh đọc... Anh C đỗ đầu về toán, được cả giải văn nhưng đã xác định sẽ chọn ngành kỹ thuật từ ngày đi học phổ thông.

Hồi đó lần đầu tiên ông Bộ trưởng Tạ Quang Bửu muốn đưa sang nước ngoài học không chỉ con em “cách mạng”, mà cả các học sinh giỏi từ gia đình bình thường – nên có mấy năm người ta xét tuyển bằng cả quá trình học tập phổ thông, chứ không phải thi đại học như sau này, một ý tưởng rất tiến bộ đấy! Anh tất nhiên được tuyển chọn, nhưng vì bố mẹ không phải cán bộ cao cấp nên không “được” đi Liên Xô hay Đông Đức, mà sang Tiệp Khắc. Anh không thể ngờ sau này có quen thân với con gái nhà cụ Bửu, và còn nhiều dịp ra vào ngôi nhà của cụ ở Hoàng Diệu...

DU HỌC TIỆP

Năm 1966 trong nước cũng chưa dạy được tiếng Tiệp (Tiệp, Hung được coi là các ngoại ngữ khó, sau này học dự bị trong nước để tiết kiệm ngoại tệ nhưng có lúc cho học 2 năm!) anh phải sang Morava học dự bị một năm. Anh không ngờ khi mình ra đi thì không còn gặp lại cha nữa - ông mất cũng năm đó trong khi đi sơ tán bị xuất huyết não mà do ở xa HN nên không cấp cứu kịp…(Chỉ biết người nhà kể lại, đám ma rất đông học trò đến tiễn thầy, có cả những người hình như chưa học được chữ nào của cụ như Vũ Khiêu cũng đến nhận là trò...).

Năm đó học dự bị xong cũng hàng trăm người, đại sứ quán cho anh chọn trường và ngành. Nhớ lời cha dặn dò, anh đã chọn CVUT (Bách khoa Praha) là một trong các trường uy tín nhất. Anh xin học một ngành mà trước đó mới có rất ít người Việt học ở Tiệp Khắc. Tên khoa của anh là “Điều khiển học kỹ thuật” (Technical cybernetics – dịch sang tiếng Anh hơi lạ tai). Thực ra ngay lúc đó cũng chưa có tên ngành chuẩn, nó là toán-lý-hóa cộng với cả điện tử, vật liệu, nên anh phải học ứng dụng từ kìm búa, mỏ hàn cho đến nền tảng toán điều khiển rất vững chắc. Phân ngành của anh là “Computer science”, hồi đó ở Việt Nam chưa có từ “Tin học” và “Công nghệ thông tin” nên cán bộ tổ chức hay nhầm, lúc đầu coi đó là “phần mềm” nhưng khi thấy có từ “technical” lại coi đó là “phần cứng”? Có lẽ sau này thủ trưởng cơ quan đầu tiên của anh là Phan Đình Diệu cũng nhầm nên phân anh vào nhóm bảo trì máy tính… Trên và cùng năm anh có vài sinh viên Việt nữa học rất giỏi nhưng ở lại sứ quán làm phiên dịch hoặc về nước sang ngành khác nên tương lai ít dính đến tin học nữa.

Hồi đó anh vốn có bệnh mạn tính, mùa đông lạnh hay ốm nên anh thường ở nhà đọc sách (tiếng Tiệp, Nga, Anh) – thầy giáo lúc đầu rất cáu nhưng khi vấn đáp thấy hỏi anh hiểu hết giáo trình của thầy nên anh trở thành học trò yêu của ông thầy – vốn là phó giáo sư từ Mỹ về (trước đã làm tiến sỹ toán ở CCCP), vào loại giỏi nhất của Tiệp về ngành này nên anh gặp may. Anh lấy được bằng MSEE (đối với Việt Nam thời đó MSEE cũng là khái niệm lạ, vào cơ quan cứ bị coi là kỹ sư mới ra trường hết, lương như nhau).

Đời sống bên Tiệp cao và xã hội khá thoáng: văn hóa có nhiều nét theo phương Tây, lúc đó đã có TV nên sinh viên ta cũng được hiểu biết rất nhiều (hockey trận nào cũng được xem vì là môn thể thao số 1 ở Tiệp, bóng đá Anh, phong trào nữ quyền...). Vốn ở nhà đã có tính “ham chơi” nên anh C chơi bóng đá, bóng bàn, cờ tướng… Mỗi tuần trường anh có một ngày dành riêng cho quân sự, sinh viên ngoại quốc không phải dự nên thường chơi thể thao. Đi học ở hai nơi cách xa hàng chục km, anh ngại nên thường trốn học với lý do sức khỏe, may cũng có nhiều người bênh anh mặc dù chả thân thích gì, nếu không anh có thể bị kỷ luật (sang đó dân Hà Nội không phải số đông, lại có vẻ “hào hoa” nên hay bị các vị cực đoan tỉnh khác bắt lỗi, nhiều khi rất tủn mủn, ví dụ như anh bị phê phán vì ...“tự học tiếng Anh”; quê nhà bị Mỹ ném bom, sang tây thì cấm yêu đương, có những người không chịu được áp lực, thậm chí đã chọn con đường tự tử).

Bị ghen ghét nhiều nhưng học được tính của người cha, anh “phớt lờ” các dị nghị mà toàn chơi với tây, sinh hoạt nhóm du lịch, đóng kịch… Anh đọc được tiếng Nga, Anh, đã đặt mua nhiều sách hội họa từ Ý và cả tạp chí kỹ thuật Liên Xô “Radio Liubichel” về để tự lắp được loa, đài, amply bán dẫn (những kỹ năng này không ngờ lại rất hữu ích cho công việc thực sự của anh sau nhiều năm nữa). Tuy vậy phải nói chương trình học rất nặng, có ngày học chính thức đã 10 tiết rồi. Anh tốt nghiệp năm 1972 rồi đi thực tập ở nhà máy chế tạo máy tính Aritma, sốt ruột chỉ mong sớm được về với mẹ...

TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG

Năm 1972 khi mẹ anh đang sơ tán thì bom Mỹ ném trúng cạnh nhà (lạc từ bệnh viện Bạch Mai sang), sau đó nhà nước cho ngói để lợp lại mái, còn nhà nứt thì dân tự sửa. 1973 về nước, mẹ anh hỏi “sao con không ở lại lấy tây đi?” – Bà thương con, biết con về là sẽ khổ. Mẹ anh là con nhà quyền quý, xưa kia chấp nhận lấy bố anh và hết lòng chăm sóc cho ông chỉ việc đi học, đi dậy luyện võ, xì-cút... thậm chí lúc sống ở chiến khu khổ quá, bà đã một mình lặn lội hàng chục cây số, qua cả khu địch tạm chiếm, về nhà xin cha mẹ ít vàng lận lưng rồi lại tự mình tất tả quay lại chiến khu... Anh bảo phải về chăm mẹ, ở đúng cái nhà nứt đó. Xem bảng điểm anh tốt có 5 cơ quan xin anh về làm (hồi đó các cơ quan rất nhanh nhạy “săn đầu người”, nhưng không hề ép buộc) - anh đã chọn Uỷ Ban Khoa Học và Kỹ thuật Nhà nước (để tránh phải vào bộ đội và công an – nhà đã có 5 anh em trong quân ngũ rồi!).

Vào Uỷ Ban (ở 39 Trần Hưng Đạo) là anh C về luôn chỗ các anh Phan Đình Diệu, Nguyễn Ngọc Hoàng (phó phòng kiêm bí thư chứ anh Diệu không đảng viên) – đấy là Phòng Máy tính (có một chiếc Minsk-22) với khoảng bốn chục người hầu hết học Nga về. Vốn tính lởi xởi và hòa đồng anh C dễ dàng tìm được tiếng nói chung với anh em bên Nga, trong đó có nhiều người rất mạnh về toán lý, nhưng anh nhận xét thấy ngay là họ bị đào tạo thiên về lý thuyết quá, mặc dù có nhiều người xuất sắc từng học МГУ, БГУ...

Năm 1974 Ủy ban lại có “Ban Điều khiển học” do anh Nguyễn Thúc Loan (TS khoa học tự nhiên thứ 4 của miền Bắc, sau các anh Hiệu, Cự, Diệu, đều ở Nga về) được lập ra với chức năng “Ban” khác với “Phòng” của anh Diệu. Anh Loan không thích lý thuyết suông và muốn làm những việc cụ thể, anh học điều khiển học nhưng theo trường phái Nga, khá thân với những đàn em học điều khiển như anh C. Đông “quân” hơn, đến 80 người, nhiều vị xuất sắc từ LX và Đông Âu, anh Loan tốt bụng, tâm huyết và giỏi (viết được rất nhiều công trình khoa học) – đã thuyết phục được ông Duẩn cho làm mô hình thí điểm, trên thực tế luôn. Dự án này của anh Loan thực ra khá tiên phong (thậm chí đi trước Liên Xô): cho các anh em ở Ban về địa bàn (lúc đầu chọn mấy HTX điển hình của tỉnh Hà Sơn Bình, hồi đó các tỉnh đều sát nhập, rất lớn!) thu thập tất cả các thông tin từ người nông dân, các số liệu về sản xuất được ghi chép lại rồi mang về Ban để tính toán (bằng tay và máy tính), đưa ra những quyết định, chỉ thị phản hồi cho địa phương. Thực nghiệm thất bại sau vài tháng bởi 2 lý do: thông tin liên lạc hồi đó rất chậm chạp và “lý do con người” – thông tin đầu vào vẫn bị bóp méo, bệnh thành tích và ít nhận lỗi chủ quan nên cuối cùng đổ bể, bí thư tỉnh Hà Sơn Bình mất chức. Không còn cơ hội cho các thử nghiệm mới nữa, anh Loan sau này quay lại CCCP, làm khoa học tiếp rồi tới thời perestroika cũng phải lo cuộc sống, đi buôn bán với đường dây đàn em Trí “béo”, thỉnh thoảng về nước vẫn nhớ tới đàn em… còn Việt Nam ta phí mất một người tài, lại dám nghĩ dám làm, dám áp dụng công nghệ vào đời sống!

Đến 1975 máy tính mini Odra 1304 của Ba Lan được nhập về và đặt trong hầm – gọi là “Đồi Thông” ở Liễu Giai. Anh C cùng một nhóm của Phòng Máy tính từ UB KH&KT NN (39 Trần Hưng Đạo) chuyển sang nơi đó để phục vụ công tác điều tra dân số. Máy 32 bit rồi nhưng máy công nghệ vẫn cũ, dùng các bảng mạch transistor không tin cậy lắm, đổi lại anh có thêm một loạt đồng nghiệp học Ba Lan về. Trong mấy năm 1973-1975 vì ít việc và Hà Nội hay mất điện nên anh C có một thú vui là sang Thư viện Khoa học TW (ở 26 Lý Thường Kiệt) tán chuyện với mấy em thủ thư và đọc sách báo. Có lẽ hồi đó ít ai biết tiếng Anh nên anh C được thoải mái đọc nhiều tài liệu về điện tử và tin học, quý nhất là những bản của Trung Quốc cho ta, copy từ những tạp chí chuyên ngành tại Mỹ do các Hoa kiều chuyển về mẫu quốc (có lẽ Trung Quốc lúc đó chưa ngờ “cái đó” lại quý giá đến thế!)...

ỦY BAN VÌ SỰ HỢP TÁC KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VỚI VIỆT NAM

Sau 1975 thủ tướng Phạm Văn Đồng đi một số nước để cám ơn vì sự giúp đỡ trong chiến tranh, tất nhiên không thiếu được Pháp là nước tư bản mà vẫn ủng hộ miền Bắc trong những năm chống Mỹ và chủ nhà cho các vòng đàm phán Hiệp định Paris kéo dài bao năm.

Câu chuyện gắn liền với lịch sử từ trước: năm 1973 nhiều trí thức danh tiếng của Pháp đã lập tổ chức phi chính phủ CCSTVN “Ủy ban vì sự hợp tác khoa học và kỹ thuật với VN” – tiền thân từ năm 1965 gồm những nhóm thu thập sách vở, quần áo gửi sang VN, tổ chức biểu tình chống chiến tranh... Chủ tịch Hội (GS vật lý thiên văn Henri Van Regemorter gốc quý tộc nhưng theo cộng sản, khá thân Nga và là bạn thân của ông Nguyễn Khắc Viện từ phong trào đòi hòa bình cho Đông Dương), Tổng thư ký (GS sinh học Yvonne Capdeville, và kế tục là chuyên gia máy tính Alain Teissonnière) đều quen biết ông Đồng và tướng Giáp. Sau này Hội đã giúp hàng trăm người Việt Nam sang học hành, tiến thân ở Pháp, một ví dụ điển hình là trường hợp của giáo sư Ngô Bảo Châu hai chục năm sau. Nhờ cuộc gặp gỡ với ông Đồng thì UB KH&KT NN trở thành cơ quan quản lý sự hợp tác về phía ta, có anh Trần Trí là người bà con bên vợ của ông Đồng và thân cận Bộ Công An phụ trách. Tháng 4-1975, anh Phan Đình Diệu đang thực tập bên Pháp, và ở Hà Nội ông Trường Chinh “thúc đẩy” cho anh Diệu thành đại biểu quốc hội – hồi đó không có quá nhiều thủ tục như bây giờ. Ông Alain Teissonnière thấy vị trí “nghị sỹ” của anh Diệu cao như thế nên gửi thư sang theo địa chỉ của Uỷ Ban, đề nghị làm đối tác cho ngành máy tính VN, sau mấy tháng thư đến Ủy ban chả ai chịu mở ra xem, rồi mãi mới đến tay anh Diệu và có phúc đáp đồng thuận.

(Xin lưu ý có hàng chục ngành khoa học Pháp giúp ta “hợp tác”, tiêu biểu nhất là hai chương trình: với Viện Vệ sinh Dịch tễ và với Viện KHTT&ĐK... Tướng Giáp đã nói: “Nước Pháp là cánh cửa duy nhất của chúng ta để ra thế giới!” [lúc đó]. Ngành tin học là một hợp tác khá “khiêm tốn” về tài chính, nhưng lại rất thành công và nhanh ra kết quả nhất!)

Cuối 1976, hai chuyên gia Alain Teissonnière và Hoàng Thành Đào (Việt kiều gốc Tày) đã sang Việt Nam 2 tháng để tìm hiểu thực tế, giảng dạy và hướng dẫn kỹ thuật. Ông Alain mang cả linh kiện, sơ đồ máy tính đến Đồi Thông, qua đó anh C nhanh chóng lọt “mắt xanh” của phía Pháp. Buổi sáng làm seminar cho tham gia rộng rãi và buổi chiều lắp ráp máy tính cho nhóm người được lựa chọn. Buổi seminar do anh Hồ Thuần dịch (anh học trung học Anbe Xarô nên dịch tiếng Pháp tốt, tuy một số thuật ngữ chuyên ngành tiếng Việt chưa có đành để nguyên xi. Anh Thuần là em nhạc sỹ Hồ Bắc, sau này chính anh giới thiệu vợ cho anh C). Tham gia seminar có cả nhóm anh Nguyễn Quang A bên Viện kỹ thuật quân sự, anh học ở Hung rất giỏi về lý thuyết, sau này lại sang Hung bảo vệ tiến sỹ khoa học. Anh C cũng được cơ quan chọn đi Đức làm nghiên cứu sinh, hoặc Liên Xô nhưng anh quyết tâm đi theo con đường công nghệ, dù biết không đảng viên, không tiến sỹ ở VN sẽ rất khó vươn lên…). Tham gia seminar anh em người Việt ta đa số ít phát biểu, ngại “va chạm” với tư bản và bên an ninh. Chỉ có anh C là chả ngại ngùng gì…

NHỮNG CHIẾC MÁY VI TÍNH ĐẦU TIÊN

Sau này anh C rất thân với Chủ tịch và TTK hội CCSTVN, thậm chí có khi hai ông sang VN còn về nhà anh để ở, còn anh sang Pháp thì các thầy, các bạn Pháp mà về danh tiếng quốc tế hơn anh rất nhiều vẫn đón anh từ sân bay, vui vẻ tiếp nhận anh như một người thân, một đồng nghiệp trẻ (quả là anh có số “quý nhân phù trợ” thật đấy, khó giải thích!). Ông thầy người Pháp (anh C coi ông Alain Teissoniere là thầy mình) từng giúp anh lắp máy tính dùng riêng, cho anh một số linh phụ kiện, số còn lại anh tự bỏ tiền ra mua. Hồi đó lắp máy tính cá nhân tại châu Á không khác gì ngày nay Hai Lúa sản xuất tàu ngầm hay máy bay trực thăng – ngay đa số các chuyên gia tin học hàng đầu của Pháp cũng chưa dám tin vào tương lai sáng lạn của PC, thế nhưng anh thì tin, anh linh cảm được thời của những chiếc máy to bằng cả căn phòng sẽ sớm qua thôi. Bây giờ anh vẫn còn giữ được tấm ảnh thời điểm soạn thảo chương trình hợp tác tin học của anh Diệu, anh C và ông Chủ tịch Hội – còn ông Tổng thư ký là người chụp nên vắng mặt!

Và kỳ lạ là chiếc máy đầu tiên do nhóm anh lắp xong đã hoạt động được ngay! Thiếu vật tư, anh đã đánh liều ra chợ Giời mua những cục thiết bị điện tử lấy từ xác máy bay Mỹ bị bắn rơi, đem về tháo ra hàng nghìn cái đi-ốt mà hồi ấy gọi là “mắt muỗi”, chế tạo bộ nhớ, rồi lập trình bằng cách tắt mở thủ công những công tắc có thể nối bằng... đinh. Đó là chiếc máy lịch sử, chỉ hai năm sau khi ra đời Altair 8800 Computer tại Mỹ - nó là máy tính đầu tiên của Đông Nam Á là chắc chắn! Mạch in chưa làm được nên việc nối phải dùng IC socket chân cao quấn dây đồng mạ bạc bọc teflon, đến nay anh vẫn giữ gìn như một bảo vật quý giá của nước nhà... Ông thầy Pháp rất ngạc nhiên về hiểu biết sẵn có của anh C vì quả thật chỉ hơn một tháng anh C và đồng sự đã làm được chiếc máy vi tính đầu tiên, ký hiệu VT80. Thật rất phí là sau này Viện Tin học thời anh Bạch Hưng Khang lại để nhân viên mang đi bán cho đồng nát mất!???

Chiếc VT80 đó là một “development system” tên tạm gọi ban đầu cũng là “hệ phát triển FT8080” – tức máy cái, dùng để đẻ ra các máy tính khác, dùng cho các kỹ sư thôi (Intel bán máy cái này rất đắt!). Chính Alain Teissonniere thiết kế FT8080 (cuộc đời ông là cả một thiên tiểu thuyết, sau này trích đoạn được lấy làm kịch bản để dựng một bộ phim về chiến tranh thực dân ở Algerie – ông là lính điện đài rồi sau chuyển sang tin học) – thực ra đấy có thể coi là bí mật công nghệ của Pháp, của Mỹ vào thời điểm đó, còn về phía Việt Nam thì lúc nào cũng bị bên an ninh theo dõi 100%. FT8080 dùng chip Intel 8080A. Khi anh C sang Pháp năm 1978 thì có đời chip 8085 nên anh đã tự thiết kế xây dựng một hệ phát triển mới, tân tiến hơn.

Về câu chuyện chiếc máy VT80 đầu tiên phải nói rằng ông tổng thư ký Alain có nhãn quan rất chuẩn: tương lai thuộc về các máy vi tính (máy tính có bộ xử lý dạng vi mạch) – và anh C cũng rất chia sẻ tầm nhìn này (thực ra hồi đó truyền thông cả thế giới không đưa tin gì …vì chỉ vài chục người hiểu được điều đó thôi!) – ông Việt kiều Trương Trọng Thi là người nhìn ra vấn đề dùng chip Intel để gắn vào các thiết bị xử lý thông tin (còn người thiết kế là ông François Gernelle kỹ sư người Pháp), rất sớm và rất giỏi! Ông Thi được coi là “cha đẻ” của Micral N - chiếc máy vi tính doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới ra đời năm 1973! Chúng ta sẽ còn gặp lại người Việt kiều tài hoa này trong câu chuyện, nhưng xin phép kể thêm một đoạn trong lịch sử vi tin học thế giới.

Hồi cuối thập niên 1960, công ty Intel đang làm bộ nhớ thì bên Nhật có Busicom là một hãng chuyên về máy tính tiền cho các siêu thị, đã đặt hàng Intel làm cái máy đó bằng vi mạch, hợp đồng có vài trăm nghìn $ thôi. Busicom cử sang Intel một kỹ sư điện tử tên Masatoshi Shima (cũng trẻ như anh C thời đó) để rình mò cái công nghệ này! Đang thực hiện hợp đồng thì hãng Nhật gần sập tiệm, Intel giữ lại, phong chức để Shima thiết kế tiếp – và đã sắp xếp trưởng nhóm là nhà vật lý người Ý Federico Faggin từ hãng Fairchild chuyển tới. Năm 1971 Shima cùng Faggin đã giúp Intel làm ra bộ vi xử lý 4-bit Intel 4004, sau đó Nhật cử người sang học sản xuất chip và về tự làm được một vài dòng vi xử lý! Điều này anh Diệu, anh Nghĩa không hiểu ra…Người có idea chuẩn đã quý, nhưng rơi vào một team có năng lực và rất tập trung thì sẽ làm ra được sản phẩm kiệt xuất !

Nhật hồi đó đi đầu về sản lượng hàng điện tử, Shima bị Intel cử sang Nhật phụ trách thị trường này, thực ra để cách ly anh chàng khỏi những công nghệ Mỹ mới nhất. Năm 1972 Faggin cùng Ted Hoff và Stanley Mazor phát triển bộ xử lý 8-bit Intel 8008. Lịch sử Intel cất cánh từ đấy! Cuối năm 1974 Faggin bỏ đi lập công ty Zilog, làm ra dòng vi xử lý 8-bit Z80 tương thích với Intel 8080 nhưng mạnh và rẻ hơn đáng kể ! Shima về sau cũng bỏ sang Zilog, năm 1991 mới về Nhật nhận bằng tiến sỹ kỹ thuật tại ĐH Tsukuba, trở thành giảng viên năm 2000 tại ĐH Aizu rồi nghỉ hưu.

Còn sớm hơn cả Steve Jobs và Wozniak, Trương Trọng Thi và người bạn Pháp lập công ty “R2E” đã chế tạo thành công máy tính doanh nghiệp với chip 8008 và bán được tại Pháp – nhưng về sau thì lại thất bại vì thị trường Mỹ chẳng đón chào. Cty của ông thầy anh C cũng sớm làm được máy vi tính dùng cho Telecom – về đường dài khá thành công và ảnh hưởng nhiều đến anh C sau này anh sẽ va chạm với thông tin truyền dẫn…

Hãng Motorola từ năm 1974 làm được MC6800, bộ vi xử lý 8-bit (Bộ Quốc phòng Mỹ chủ yếu dùng đồ điện tử Motorola – một trong các công nghệ mang lợi lớn nhất của hãng này là thay được vàng trong con chip bằng nhôm sạch nên chi phí giảm hẳn!). Và còn một hãng start-up nữa của Mỹ: MOS Technology - đã đi vào lịch sử do biết “ăn cắp” ý tưởng của 2 hãng kia và định hướng thị trường máy tính gia đình, tạo cảm hứng cho Steve Jobs … Năm 1975 hãng làm bộ vi xử lý MOS 6502, bán với giá rẻ hơn sáu lần (!). Bill Gates, Steve Jobs và rất nhiều tài năng trẻ nhưng nghèo đã khởi nghiệp trên những con chip này, chủ yếu để dùng cho trò chơi! Ở đây phải hiểu rõ khái niệm “tập chỉ thị” – hồi đó công nghệ làm chip còn có độ tích hợp hạn chế nên MOS Technology phải rất khéo để chọn một “tập chỉ thị” vừa đủ dùng mà bộ xử lý với 3510 transistor cũng thực hiện được.

Thế giới từng tranh cãi máy vi tính nào ra đời đầu tiên: Micral N (Pháp 1973, có hệ điều hành phù hợp doanh nghiệp), Apple I (Mỹ 1976, hệ điều hành phù hợp gia đình, do Jobs hiểu rõ ý tưởng của MOS Technology và thân với Gates…), Altair 8800 (Mỹ 1974, không có màn hình nên khó ứng dụng, cuối cùng thất bại! Nhóm anh C năm 1979 đã cải tiến tivi Nepturn thành màn hình – rất giỏi đấy!). Tư duy về tin học là cuộc đảo lộn trong triết học!

Nói thêm: Gary Kildall (1942-1994) gốc Thụy Điển, là tác giả hệ điều hành CP/M80 được bán rất chạy trong những năm 1974-1983, nhưng sau khi giàu lại ăn chơi và thất bại trong đàm phán khi IBM muốn mua CP/M cho máy IBM-PC, rồi công ty Digital Research của ông cũng “chết” trong cuộc đua đường dài.

Câu chuyện về các bước mò mẫm đầu tiên có lẽ không thể viết thật chính xác vì có nhiều nguồn khác nhau, chỉ chắc chắn vẫn còn lưu trữ các tạp chí Mỹ do người Hoa mua rồi chuyển về TQ, được sao chép và gửi cho VN trước chiến tranh biên giới 1979 và anh C đã được đọc tại thư viện KHKT trung ương!).

Anh C hồi đi Pháp thực tập đã suy nghĩ rất kỹ về tập chỉ thị rồi quyết chọn dòng chip Intel – đó là sự lựa chọn lịch sử, nếu lúc đó chọn dòng MOS Technology thì sau này hậu quả có thể là một sai lầm lớn cho anh và cho nền tin học Việt Nam!

FB Nam Nguyen
(còn tiếp)


Xem online : PHẦN 2 – VIỆT NAM ĐI TRƯỚC VỀ SAU