NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG

PHẦN 3 – HÃY SỐ HÓA THẾ GIỚI NÀY!

The quiet Vietnamese

Nam Nguyen

(Trích trong tác phẩm "Đông Âu anh hùng truyện" nhiều tập sẽ xuất bản)

MẤY VỊ TIÊN PHONG

Giữa 1982, anh C được sang Pháp để thực hiện dự án của Viện cùng một vị ở sứ quán và ông thầy Alain sử dụng 500 ngàn Phờ-răng đi mua linh kiện (trong vòng 5 năm! Số tiền rất ít ỏi, vì ta đang bị cấm vận thiếu ngoại tệ lắm). Dù được tướng Giáp ủng hộ từ 1980, bây giờ dự án này mới được giải ngân, đúng lúc ông phải sang Uỷ ban Kế hoạch hóa gia đình, nhường chức Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học kỹ thuật về tay ông Trần Quỳnh. Nghĩ lại thời đó việc này quả là liều lĩnh, có nhiều yếu tố mà chỉ có tuổi trẻ mới dám làm, và làm hết sức tận tâm, trung thực! Anh C còn bị cán bộ sứ quán báo về nước là sang Pháp mà không chịu báo cáo, không chịu sinh hoạt cùng với anh chị em... đề nghị trong nước có biện pháp xử lý (em ông Hiệu đề nghị chứ ai đâu xa, sau này anh ấy mới hiểu ra).

Mục đích công khai của chuyến đi thì lại khác: tham dự một trường hè quốc tế do một số trường, viện của châu Âu tổ chức và được tài trợ từ quỹ nghiên cứu của NATO (nên anh C được sang cả Bỉ), đây là một dịp cho anh C gặp nhiều kỹ sư, TS trẻ, đa số có gốc rễ tin học và một số người đã nổi tiếng, ví dụ những tay làm ra phần mềm máy tính hỗ trợ việc thiết kế mạch tích hợp cỡ lớn. Trong trường hè năm đó chỉ có duy nhất một thanh niên Việt Nam tham gia, anh C đã rất may mắn bởi vì được các nhà khoa học của Pháp giới thiệu và bảo chứng hộ. Ai cũng được quyền trình bày chính kiến của mình về bất kể chủ đề gì. Đến lượt mình phát biểu anh C lên trình bày ý kiến của mình về vũ trụ. Anh cho rằng thế giới này không phải chỉ có 3 chiều không gian và 1 chiều thời gian, mà nó còn thêm một trục tọa độ nữa, đó là trục thông tin. Và khác với thời gian chỉ trôi theo một chiều, thì theo trục thông tin con người có thể di chuyển cả về 2 hướng. Di chuyển về phía thông tin trước đây (tức là biết thêm nhiều) ta có thể ảnh hưởng đến thông tin sau này... Phát biểu kỳ lạ của chàng trai 33 tuổi này đã gây một ấn tượng rất mạnh mẽ đến những chuyên gia công nghệ hàng đầu thời đó, sau bài phát biểu rất nhiều người đến làm quen kết bạn với anh. Những người bạn Pháp giới thiệu anh với các đoàn khác “đây là người đã làm ra chiếc máy tính đầu tiên ở châu Á”.

(Anh đi tiếp con đường khoa học công nghệ, và hình như cho đến nay các nhà triết học hay vật lý lý thuyết cũng chả phản bác hay chứng minh cái mệnh đề trên. Nhưng bản thân anh đã hàng nghìn lần đến thăm và nghiên cứu các đền chùa, miếu mạo ở miền Bắc, trước cả khi tham dự trường hè quốc tế này - tuy không phải cố tình nhưng chính là anh đã và đang thực hành “đi về hướng kia của thông tin”. Và anh thu thập tất cả thông tin quý báu đó lại, để dành cho chúng ta, cho đời sau. Tôi gọi anh là “người Việt trầm lặng” - bởi vì đại đa số chúng ta không biết anh đã và đang làm gì...)

Nói thêm công ty EDF và trường ĐHBK Paris Orsay có chung tiền mua được “Cray One” – máy tính chạy nhanh nhất thế giới lúc đó; tổng công trình sư của nó là Seymour Cray nhưng nghe đâu bộ óc thực sự lại là một người Mỹ gốc Hoa, siêu giỏi (thực ra làm được máy tính này khó gấp trăm lần so với việc 2 Steve: Jobs và Wozniak làm ra máy Apple…)! Pháp hồi ấy chưa sản xuất được mạch tích hợp cỡ lớn (Large Scale Integration) mà nếu làm thật thì cũng đắt hơn so với Mỹ. Các nhà khoa học được dùng mạng “Bitnet” để liên hệ với siêu máy tính này, nó có công suất đủ cho rất nhiều người đồng thời sử dụng! Tuy nhiên nó thua máy vi tính ngày nay, mà ví dụ dễ thấy nhất chính là các “máy đào bitcoin”...

Một tấm gương dũng cảm dù sau cùng bị thất bại là người bạn Pháp của anh C làm việc ở phân viện INRIA tại thành phố. Rennes vùng Bretain, đến trường hè cùng thầy là GS Alain Colmerauer – tác giả của Prolog – lúc đó là 1 trong 2 ngôn ngữ lập trinh đáng kể dùng cho trí tuệ nhân tạo – thế nhưng Prolog “chết” mà Lisp thắng lợi! Điều kiện để cho một ngôn ngữ loại này phát triển là nó càng giống ngôn ngữ của người càng tốt! Dự án Prolog thiếu tiền, Lisp thì của Mỹ đã sẵn rồi, Nhật bèn sang rước 2 ông Pháp về để “rút ruột” – thông qua một dự án công khai mang tên rất quyến rũ “Máy tính thế hệ thứ 5”. Nhật kêu gọi được 43 “samurai” từ các viện nghiên cứu, đại công ty về, quyết tâm làm… rồi cuối cùng phải âm thầm giải tán. Tuy dự án “Máy tính thế hệ 5” thất bại về mặt thương mại nhưng nhiều sản phẩm trí tuệ nhân tạo sau này đã ít nhiều sử dụng các kết quả nghiên cứu và phát triển từ đấy sinh ra!

Giữa thập niên 1970 tại viện INRIA, kỹ sư Pháp Louis Pouzin (người 31 năm sau sẽ nhận giải thưởng của Nữ hoàng Elizabeth II) và đồng sự đã nghiên cứu thành công Cyclades (Bão tố) – mạng máy tính đầu tiên áp dụng các nguyên lý chuyển mạch gói của Internet, sinh ra từ ý tưởng của Bộ Quốc phòng Mỹ: trong trường hợp chiến tranh thì các trung tâm quân sự sẽ bị tấn công, phải dùng được các hạ tầng vật lý có sẵn và phủ khắp nơi (mạng điện thoại, truyền hình cáp, hệ thống điện lực…) để liên hệ với nhau.

Nói thêm, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã từng thuê viện INRIA phát triển ngôn ngữ lập trình thời gian thực ADA – tên của cô gái 18 tuổi được coi là lập trình viên đầu tiên trên thế giới vào năm 1833, bồ của ông Charles Babbage (41 tuổi, tác giả Difference Engine – máy tính cơ khí đầu tiên của Anh).

Trở lại việc thiết kế LSI. Ý tưởng thời đó là thiết kế nhanh và tốt các bộ vi xử lý 16 hoặc 32 bit (ví dụ để bắn máy bay hay chặn tên lửa thì cần phải tính toán rất nhanh!). Hãng Mỹ Motorola năm 1979 đã bán ra chip 16/32 bit rồi. Trong khi Intel, Zilog đang bám đuổi thì có vài nơi khác thiết kế được mà không sản xuất được! Công ty Mỹ “Sun Microsystems” khởi nghiệp chế tạo các “Workstation” cũng chọn dùng chip Motorola như Apple khi chế tạo Lisa, tiền thân của các máy Mac lừng lẫy sau này. Những dòng máy đó đều đòi hỏi đồ họa cao cấp và hệ điều hành đa nhiệm! Có khách hàng chủ yếu ở quân đội, “Sun” lập tức trở nên giàu. Sau đó mới xuất hiện các Workstation của công ty Silicon Graphics, Integraphs v.v.. Nhật, Pháp, Anh, Đức thì “trâu chậm phải uống nước đục”…

Đài Loan, Hàn Quốc đón đúng thị trường: làm máy nhái và bộ nhớ (tất nhiên chủ yếu cũng mua và ăn cắp công nghệ Mỹ thôi), rồi dần dà vượt cả Nhật vì nhân công rẻ. Hồng Kông đáng nhẽ cũng thế nhưng sắp về tay Trung Quốc nên chẳng đầu tư lâu dài để làm đồ cao cấp! Thế nên Việt Nam đi trước mà sau cũng không hợp tác với họ, tức là bỏ phí một cơ hội vàng! Giai đoạn 82-85 công tác lãnh đạo khoa học kỹ thuật chuyển sang tay ông Trần Quỳnh nắm, không có ai đủ sức ủng hộ để triển khai được các ý tưởng của anh Diệu và anh C. Phó thủ tướng Trần Quỳnh vốn là đồng hương và là người thân cận của ông Lê Duẩn, không mấy thiện cảm với tướng Giáp, nhiều công việc thời trước đã tiến hành thì hoặc bị đình lại, hoặc mặc nhiên coi đó là công lao lãnh đạo của mình (ví dụ việc đưa máy vi tính vào ứng dụng) – nói thật là anh C hậu sinh nhưng không phục!

May mắn cho anh C đợt đó được ở Pháp 6 tháng mặc dù trường hè chỉ rất ngắn. Anh đã đi thăm khá nhiều labo hàng đầu của Pháp, đến cả vùng công nghiệp hàng không vũ trụ và quân sự ở Toulouse. Anh được mắt thấy tay sờ nhiều thiết bị rất hiện đại; được giới thiệu về ảnh viễn thám. Ngày ấy vệ tinh Pháp kém Mỹ và Nga nhưng Pháp lại rất mạnh về camera chụp ảnh 3D (hình như bằng hiệu ứng Doppler – một ứng dụng rất hay của toán-lý).

Anh được gặp gỡ và học hỏi một số chuyên gia của phương tây, những kinh nghiệm đó giúp anh rất nhiều trong công việc... Ngoài kỹ sư Hoàng Thành Đào người Tày đã mất, trước kia anh C có biết một công trình sư Việt kiều tham gia làm máy bay siêu thanh Concord. Sau này anh lại biết Pháp rất mạnh về tàu biển, Nga phải thuê đóng tàu đổ bộ. Nghe kể Mỹ đỗ tàu chiến ở New York và thách các nước đồng minh vào chụp ảnh (phần dưới nước, tất nhiên có đánh dấu) sao cho Mỹ không phát hiện ra được! Pháp 2 lần cho tàu ngầm vào áp sát rồi chụp ảnh mà Mỹ không phát hiện ra, Mỹ phục lăn! Một công trình sư Pháp có mẹ Việt bố Pháp, 2 vợ chồng đã nhiều lần về VN đến chơi với anh C là bạn lâu năm chính là chuyên gia tàu ngầm hàng đầu của Pháp, đến nay vẫn vậy… Vâng, người Việt ở nước ngoài đã phát huy tài năng rất tốt!

KHÓ KHĂN Ở ĐỒI THÔNG

Còn nhớ đi Pháp và mấy nước hồi 1982 xong, về anh bắt đầu bị bên an ninh mời lên làm việc. Sau mỗi kỳ có chuyên gia Pháp sang làm việc thì đều phải lên gặp một anh bên đó, có gì được yêu cầu kể ra cho bằng hết. Được cái anh C cũng chẳng có gì khuất tất để mà giấu, nên hỏi đến đâu cứ thế mà kể trung thực. Sau 3 năm trời anh kia mới thú nhận là hiếm thấy một người như anh, hỏi gì khai tuốt mà trước sau đều khớp chuẩn hết. Anh ấy đã hiểu anh C là con người thế nào, và kể là có đứa con trai, vừa mới xong đại học ra trường, cũng vào loại khá, nhờ cho đi theo anh C để kèm cặp thêm...

Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển thành lập năm 1976. Sau khi anh Nguyễn Thúc Loan đi, anh Bạch Hưng Khang về làm viện phó, được anh Hiệu làm hậu thuẫn đã nắm chi bộ, tăng dần thân hữu, chuẩn bị thế chân anh Diệu. Anh Khang bắt đầu tăng tốc xoay hướng hợp tác quốc tế và cố nắm các nghiên cứu sinh. Cuối năm 1984, hết 2 nhiệm kỳ viện trưởng nhưng bỏ phiếu thăm dò anh Diệu vẫn có uy tín hơn. Bị “trên” quyết định ngược, vẫn chấm anh Khang lên viện trưởng nên anh Diệu phản ứng ra mặt, bất ngờ từ chức rồi đi Hung. Khi quay về chỉ còn giữ các chức vụ không có thực quyền nội bộ, tuy vậy việc "thỏa hiệp" vị trí Viện phó VKHVN vẫn mang lại nhiều thuận lợi khi gặp đối tác bên ngoài. Anh C và nhiều anh em rất buồn vì bị “thủ trưởng” bỏ rơi giữa chừng. Vài anh đã xin đi cơ quan khác.

Viện Công nghệ quốc gia trực thuộc Hội đồng bộ trưởng thành lập năm 1984 để khắc phục phần nào sự cấm vận về công nghệ. Anh Cự làm viện trưởng Nacentech, có quan hệ rất tốt với các thủ trưởng, nhất là ông Đỗ Mười – thế nên sau được vào TƯ, và sau này quan hệ của anh Cự với chị Cầm kém đi nhiều (vì anh Cự không ủng hộ việc đường dây 500 kV) nên ông Kiệt không ưa gì anh. Sau khi anh Diệu không còn ủng hộ hợp tác kỹ thuật thì anh C mới chính thức đồng ý làm tư vấn cho bên anh Cự, mặc dù chỉ ngoài giờ hành chính. Mãi đến năm 1991 anh C mới lên làm lãnh đạo một đơn vị ở Nacentech!

Tình hình Đồi Thông 1985-1987 với việc đấu đá của các lãnh đạo Viện làm anh C chán nản, nhân đó anh Khang bảo sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Anh C không chịu đi, biết có sang đó cũng buôn bán làm kinh tế, được mấy năm về thì ấm thân nhưng chả giải quyết gì về mặt chuyên môn cả. Anh chịu làm nghiên cứu sinh trong nước dù khối lượng công việc gấp ba lần vì vẫn phải tiếp tục hợp tác với Pháp, Ban Cơ yếu Chính phủ và Nacentech. Vụ Hợp tác quốc tế có ông Liên vụ trưởng là người tốt – vẫn cho anh C đi Pháp với điều kiện không được làm tiến sỹ ở đó.

HƯỚNG ĐI MỚI

Năm 1982 anh C phụ trách mấy anh em trong Phòng kỹ thuật tính toán viết và xin xuất bản cuốn "Kỹ thuật vi xử lý" dành cho những người thực sự làm tin học. Thời đó xuất bản là một việc hết sức khó khăn, phải lập kế hoạch, đăng ký với nhà xuất bản, rồi họ phải thấy đủ số lượng bản in có lãi mới in và phát hành... Phải nói là Nhà xuất bản Thống Kê hồi đó cũng nhiệt tình giúp đỡ, cuốn sách ra đời năm 1983, 4000 bản không ngờ bán hết veo, sau phải tái bản nữa. Nhiều năm sau ra nước ngoài anh mới gặp những thuyền nhân của những năm khắc nghiệt ấy, có nhiều người ra đi mang theo quyển sách này, nó đã giúp cho họ khá nhiều ở trời tây vì đọc ngôn ngữ tiếng Việt rất dễ hiểu...

Đầu năm 1986, anh C cùng anh Mẫn đi Pháp thăm các trường, chuẩn bị cho hợp tác về đào tạo tin học. Lúc này máy PC đã khá phổ biến nên nhu cầu học sử dụng tăng dần. Anh C để ý tới những người Việt đang học hay thực tập, làm luận án ở Pháp và Bỉ - thực ra phía Pháp đề nghị anh đi tìm và đánh giá hộ để sắp tới còn kết hợp, anh tìm gặp được nhiều người khá giỏi, trong số đó có Vũ Đức Đam (nhưng gần cuối danh sách). Khi trở lại Hà Nội anh C có mang theo hai máy Mac nhỏ với con chuột, các chương trình đồ họa và font chữ PostScript, mặc dù chưa có màn hình màu phân giải cao. Một trong hai máy ấy sẽ theo anh sang Nacentech và bây giờ vẫn còn được bảo quản ở nhà anh.

Anh khá đồng cảm với Steve Jobs, khi chàng này bị đẩy khỏi Apple và ra lập NeXT, rồi sau đó là công ty Pixar làm riêng về đồ họa, mặc dù lúc đó có lẽ ở Việt Nam chả mấy người biết chàng này (sau này anh mới biết là người Mỹ, trong đó có cả Apple đã theo dõi bước anh đi từ bao giờ...). Anh C thấy có nhiều ý tưởng giữa anh và Jobs khá đồng điệu, trong đó có ý tưởng sử dụng ngôn ngữ PostScript của công ty đồ họa Adobe. Và anh C đã đưa ra một đề cương nghiên cứu PostScript với anh Khang và Hội đồng khoa học nhưng không ai hiểu rõ, bởi dân toán nghĩ đây là chuyện đơn giản, dân tin học thì biết ít về toán. “Mô tả toàn bộ hình ảnh thế giới quanh ta bằng các phương trình toán học” khó được ai tin!

Không ai nghĩ một anh trẻ không phải tiến sỹ, lại không làm toán lý thuyết có thể hiểu được ứng dụng vô cùng to lớn của phương pháp này! Ý tưởng và công cụ sơ khai thì Adobe hé lộ rồi, có hiểu mà làm hay không thì hóa ra không dễ, vô cùng đáng tiếc! Mà đấy là ta chỉ cần làm cho ta thôi đã biết bao nhiêu việc rồi, đủ cho nhiều chục nghìn người làm… Không ai duyệt!

Anh Diệu, anh Khang đều không đồng ý với ý tưởng nghiên cứu của anh C đề ra, nên anh muốn đưa việc này về làm với chỗ anh Cự. Ý tưởng đơn giản: số hóa toàn bộ tư liệu bằng các thiết bị tin học! Lúc đó có máy tính 32 bit rồi 64 bit rồi, chạy nhanh, bộ nhớ lớn đủ để làm việc này, có thể tiến tới giấc mơ lưu lại toàn bộ trí thức của nhân loại vào máy tính! Và anh C đặc biệt quan tâm đến ứng dụng trong ngành in ấn (trên thế giới lúc đó có doanh số lớn gấp 4 lần ngành tin học).

Các công ty Mỹ Adobe và Apple rồi đến Microsoft dần dà đều biết rõ desktop publishing (xuất bản tại bàn) và số hóa sẽ có thị trường khổng lồ mà lại dễ làm hơn (chế bản công nghiêp cần độ phân giải tới 9600 điểm/inch trong khi gia dụng chỉ cần 300 dpi). Về máy in và máy ảnh số thì các hãng của Nhật hiểu ra vấn đề sớm nhất (Canon, Fuji, Epson, Sony... sau này sống khỏe, còn Kodak của Mỹ thì chết hẳn!).

“Số hóa” bằng các thiết bị quang-điện tử thì anh C đã thấy tiềm năng từ khi sang Pháp rồi sang Ý... Lúc ấy ngành in hầu như toàn dùng công nghệ quang-hóa học truyền thống. DDR đổ rồi mà VN vẫn còn dựa vào công nghệ in đó nhưng chất lượng và năng suất không thể tăng nữa. Mấy năm đầu thập niên 1990, êkíp của anh C và một số êkíp đã giúp nhiều văn phòng cơ quan tại Việt Nam đi đầu trong số hóa (Việt Nam là nước đi nhanh theo hướng này), song khác họ ở chỗ làm ra hàng trăm bộ font PostScript chữ Việt theo mẫu nghệ thuật của khách hàng. Đặc biệt anh C đã cùng ê kíp đã thực hiện hệ thống cho tòa báo và nhà in làm việc qua mạng. Một ví dụ rõ nhất là dự án viễn ấn với toà báo Nhân Dân sẽ kể dưới đây. Trong vòng 10 năm ngành in VN thay đổi hoàn toàn!

Adobe được thành lập vào tháng 12 năm 1982 bởi hai nhà toán học John Warnock và Charles Geschke. Họ đã rời viện nghiên cứu Xerox PARC nhằm phát triển và bán được PostScript, một ngôn ngữ miêu tả trang. Tư tưởng Adobe: mô phỏng thế giới, bằng những phương trình bậc thấp đơn giản.

Thực ra cơ sở lý thuyết của PostScript dựa vào “đường cong Bézier” và “mặt phẳng Bézier” do kỹ sư Pháp Pierre Bézier nghĩ ra từ 1962 – ông này không phải nhà toán học mà là kỹ sư thiết kế thân vỏ xe ô tô của hãng Renault. Mãi đến 1977 ông mới lấy được bằng tiến sỹ toán...

Số hóa, đồ họa, đa phương tiện đều dễ thực hiện trên Workstation vì tốc độ tính toán nhanh hơn và độ tin cậy cao hơn máy tính gia dụng nhiều. Bài toán xác suất thống kê và dự đoán (prediction) cũng vậy. Ví dụ để dự đoán đường bay của máy bay và không cần phải bắn trúng, chỉ cần gần trúng đã đạt mục tiêu vì tên lửa sẽ nổ bung ra! Áp dụng mô phỏng, tính toán chứng khoán, trắc địa, thủy văn, bản đồ (ví dụ Google Maps) v.v. cũng vậy. Các công ty Silicongraphics và Intergraphs mạnh về trạm làm việc với phần mềm GIS (sau này nhóm anh Đặng Hùng Võ “đánh quả” thành công về VN). Workstation phù hợp với cả các ứng dụng “CAD” trong kiến trúc và thiết kế máy (như ArchiCad, AutoCad chẳng hạn). Anh C mang AutoCad trên Sun Workstation về VN đầu thập niên 1990. Khi đó các thầy kiến trúc còn chưa biết là gì (vì chưa biết dùng máy tính) nhưng anh C giúp cho 2 sinh viên biết ứng dụng sớm nhất và sau này họ rất thành đạt!

NACENTECH BUỔI ĐẦU

Năm 1984 anh Vũ Đình Cự lập nên "Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia" (sau đổi tên là Viện Ứng dụng Công nghệ, hay gọi tắt là Nacentech), hồi đầu trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Anh Cự là nhà vật lý chất rắn có uy tin, với hàm bộ trưởng tương đương anh Hiệu, anh Đạo nên đã giúp cho Viện có nhiều sự ủng hộ để đi theo hướng tiến phong ở VN là nghiên cứu với các mục tiêu ứng dụng hơn là làm lý thuyết suông.

Lúc đầu Nacentech có 3 viện con, xác định 3 hướng phát triển: viện CN01 (anh Trần Đình Anh phụ trách, nghiên cứu lazer theo hướng công nghiệp, không có ứng dụng rộng rãi); viện CN02 (anh Chu Hảo phụ trách – nghiên cứu làm mạch vi điện tử, không ra thương phẩm được ngoài mấy ASIC quá đắt và không ai biết!); viện CN03 (do anh Đặng Xuân Cự phụ trách mua cáp của DDR và hợp tác với bên anh Đỗ Trung Tá làm đường truyền dẫn 9 km từ Bưu điện Bờ Hồ xuống phố Huỳnh Thúc Kháng chỗ trung tâm mới xây, còn thừa mấy chục km cáp loại multimode, sau chả dùng vào đâu được).

Năm 1983 anh C từng giúp anh Chu Hảo làm quen ông Chủ tịch CCSTVN Henri nhờ thu xếp cho anh Hảo sang Pháp làm tiến sỹ, mặc dù thực ra việc đó cũng chả cần thiết (anh Hảo PTS rồi). Năm 1985-1986 anh C đã làm tư vấn, cấp tài liệu và thiết bị ban đầu, xây dựng cho anh Chu Hảo một phòng tin học mà “già” nhất là Hà Thế Minh từ Hung về cũng chỉ 27 tuổi. Năm 1987 anh Hảo muốn làm máy tính dùng chip 8 bít của Hitachi theo tác động của Minh và vài Việt kiều Đức, nghĩ rằng vay được tiền do các chuyên gia ta đi châu Phi công tác dài hạn đóng góp vào quỹ do thứ trưởng Bộ GD là Phạm Minh Hạc nắm (500 nghìn USD - một số tiền “khổng lồ” thời bấy giờ!) rồi lại bán cho các trường cũng do anh Hạc nắm, thì mọi việc sẽ dễ hơn bán TV (năm 1986 anh Trần Đình Anh cho viện CN 1 nhập TV trắng đen hết thời về bán, ế đến bao năm sau không trả hết nợ vay ngân hàng). Anh C phản đối vì máy 8 bít đã lạc hậu, đang bị máy PC 16 bit chiếm mất thị trường, cũng nói nhiều lần với anh Chu Hảo vì đấy là chỗ bạn thân với ông anh ruột anh C. Anh Hảo được đào tạo về vật lý ở Liên Xô, không nắm bắt được thời cuộc và tin học, cứ cho tiến hành dự án máy tính “Bác Tô” (tên thân mật gọi cụ Phạm Văn Đồng), thuê hẳn một khu phụ của Bảo tàng Lịch sử VN làm xưởng. Thiết kế chủ yếu do anh Hải (học ở Đông Đức về) cùng Minh, Hùng, Âu, Quốc, Nga làm. Xong prototype, chưa ứng dụng được thì không may bị cháy sạch và anh C bị mất oan nhiều tài liệu, linh kiện! Còn may là quân sĩ tản mát ra lập các công ty tư nhân, sau này nói chung đều thành đạt.

TIẾP TỤC VỚI MÃ

Năm 1987 số phận lại cho anh và các đồng sự lần thứ hai làm việc với Ban Cơ yếu về các thiết bị mật mã chuyên dụng. Những năm này chiến trường K vẫn chưa im tiếng súng. Trước đó Liên Xô vẫn cho VN dùng “ké” kênh liên lạc qua vệ tinh của họ. Anh C góp ý với bên CY là như thế ta sẽ bị động và có khả năng bị “nghe lén”, dù Liên Xô có tốt với ta đến mấy và ta dù có mã hóa tín hiệu rồi nhưng họ là bậc thầy của các thầy trong việc giải mã, chắc chắn nếu muốn thì họ sẽ nghe được! “Vậy phải làm thế nào?” – chỉ trong mấy tháng các đồng nghiệp đã giải quyết xong bài toán khó này.

Hãy hình dung là ở bên K các tướng của ta sẽ có một chiếc điện thoại, và ở Hà Nội trong đại bản doanh cũng có một chiếc tương tự. Tín hiệu không đi theo đường vệ tinh nữa, mà đi bằng mấy phương pháp khác, kể cả theo dây truyền điện, và nó được mã hóa rất chặt chẽ, dù có thu được tín hiệu thì bên thứ ba cũng còn lâu mới giải mã được! Anh Phí Mạnh Lợi (học rất giỏi từ Brno, Tiệp về) đã thiết kế cái điện thoại này. Còn anh C chủ trì việc giải quyết máy mã hóa và giải mật được bởi từ trước anh đã đọc khá nhiều tài liệu của Mỹ, trong đó có Koblitz – một tay gốc Do Thái nhưng lại học tổng hợp Lomonosov cùng thời và rất quý ông Hoàng Tụy, sau này hắn ta được coi là một trong các chuyên gia thế giới về thuật toán mã hóa và giải mật. Máy của ta đã gài thuật toán theo kiểu mới mà các máy tính đối phương hồi đó coi như không giải được. Ngoài ra còn có các anh Phan Đình Diệu, Đỗ Long Vân, Ngô Đạt Tứ… thường tổ chức seminar cho anh em cơ yếu quân đội. Anh Diệu hiểu ngay đấy là trường hợp hy hữu, từ lý thuyết đi thẳng được vào thực tế! (Về lý thuyết thì anh Diệu rất giỏi. Hồi đó về làm mã và giải mã trên thế giới chắc cũng chỉ có vài chục chuyên gia làm theo phương pháp này!).

Mấy tháng trời đáng nhớ ấy anh C và vài anh em cứ hàng ngày ra vào ngôi biệt thự ở đường Hoàng Diệu, đối diện nơi có hai gia đình của hai vị khai quốc công thần từng sống, chả ai biết đấy lại là nơi có cơ quan cơ yếu (có lẽ hai gia đình cũng không biết đâu, trừ hai vị lão thành này!). Đó cũng là thắng lợi của bên cơ yếu vì sau khi có prototype M87 (chế tạo năm 87) thì quân CY nhân bản và làm tiếp. Đáng tiếc là có một vị lãnh đạo ngành sau này muốn ghi công tên mình vào sử sách nên lùi thời gian làm việc này lại 10 năm với lý do “bảo mật” – lúc công bố (và được giải thưởng) thì người tổng phụ trách công việc giai đoạn này là tướng Nguyễn Duy Phê (cũng là “dây đồng hương Quảng Ngãi – Ba Tơ” như ông Trần Quý Hai khi trước) đã nghỉ hưu lâu rồi và chả ai nhắc tới ông nữa, thật là không nên không phải! Có lẽ với tính cách ấy nên vị đó (sau này lên tới cấp bậc trung tướng) đã gặp trục trặc lớn trong quá trình hình thành Viettel ... Âu trong cuộc đời này cũng không ai học được chữ ngờ, hãy biết sống thành tâm và hết mình vì công việc – đó là nguyên tắc sống của anh C.

Thời gian làm việc với cơ yếu anh C bị hạn chế giao lưu nên luôn cố gắng thật tập trung để kết thúc sớm, được tiếp tục đi nước ngoài, ... Nhưng được đà thắng lợi sau vụ này anh C muốn có sự thay đổi tương tự trong ngành ngoại giao. Ngành này cũng có cơ yếu riêng, mỗi sứ quán phải có cán bộ cơ yếu chuyên chỉ chuyển và nhận thông tin với bên nhà, nhiệm vụ quan trọng nhưng lại rất ít công việc, có những cơ quan ngoại giao ta ở nước ngoài không có người phụ trách công việc này mỗi lần cần liên lạc đại sứ hay tham tán phải bay đi sang nơi khác mới có thể liên lạc với Bộ ở nhà... rất cách rách!

Anh C thấy về nguyên tắc có thể áp dụng những công nghệ như đã làm được, sao cho sử dụng không khó và chính vị đại sứ có thể tự làm được. “Nếu được thế thì đơn giản đi bao nhiêu và tiết kiệm cho ngành rất nhiều”! Anh em đùn đẩy cho anh C lên “thuyết phục” ông bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lúc đó, có lẽ bởi anh được coi là người có “năng khiếu thuyết phục” đặc biệt. Không ngờ ông Thạch đồng ý thật! Rủi làm sao sau một số sự kiện bất hạnh mà đến bây giờ vẫn còn hay được bàn tán đến, ông Thạch mất ghế bộ trưởng ít lâu sau đó, và cho đến bây giờ tình hình CY trong ngành ngoại giao vẫn chả cải thiện được chút nào...

Bên công an cũng biết năng lực của anh C, đơn giản là vì anh phải báo cáo với họ thường kỳ. Và rồi họ giao nhiệm vụ khó cho nhóm của anh: giúp giải điện mật! Bởi lẽ bên thám mã có những trạm thu sóng cực nhạy ở phía Nam và phía Tây Hà Nội, hiện đang thu được rất nhiều tín hiệu cần quan tâm, đáng tiếc là chúng đều bị mã hóa kiểu mới! Hồi đó thứ trưởng Trần Đông phụ trách thường trực. Vẫn với đầu óc sáng tạo của tuổi trẻ (lúc đó cả nhóm anh đều mới U40) bài toán lại được giải quyết, anh C đưa ra thuật toán giải. Rất lâu sau này anh em bên kia mới hé cho biết dựa vào nhóm anh và các đồng sự mà họ phá án đầu tiên là liên lạc giữa các nhóm biệt kích, rồi sau nữa là những vụ vượt biên tại Kiên Giang, Cà Mau...

Nhiều năm sau nữa ở thủ đô anh mới gặp lại con người mà có lẽ nhờ vào công tác thầm lặng của bao nhiêu đồng sự trong đó có anh về mặt giải mã mà đã lập được công lao ở phía Nam, rồi thăng tiến vượt bậc – con người đó bằng tuổi anh, sau này ra Hà Nội để phụ trách an ninh, rồi dần dần lên đến đỉnh cao của quyền lực. Và ngay lập tức dường như không còn nhận biết ai nữa, lần cuối cùng anh đưa tay bắt và con người ấy giả vờ không trông thấy người quen là đúng một ngày sau khi ông Sáu Nhỏ bàn giao vị trí... Thế rồi sau này đến cái đề án 112 mà anh C cũng có tham gia sẽ khá khổ sở vì tính khí của vị lãnh đạo này! Âu cũng là cái duyên, cái nợ...

BÁO CÁO LAURENT SCHWARTZ

Sau Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 12 năm hợp tác Việt-Pháp (1977-1989), ông Laurent Schwartz (người Do Thái, giải thưởng Fields) bạn của ông Henri Chủ tịch CCSTVN và cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng có sang VN và đi thăm khắp các trường, viện lớn nhất của ta. Sau đó ông đã viết báo cáo gửi 2 chính phủ, trong đó đưa ra nhận xét: ở Việt Nam tỷ lệ giáo sư, tiến sỹ so với kỹ sư, sinh viên kỹ thuật thuộc loại cao nhất thế giới! Một sự lệch lạc mà đến giờ tức là sau 30 năm chúng ta vẫn chưa khắc phục được chút nào... mặc dù các lãnh đạo của VN suy nghĩ về ngành tin học rất sớm. Công đầu có lẽ thuộc về ông Tạ Quang Bửu, ông biết có môn “toán rời rạc” – đáng tiếc môn này có vẻ bị bên toán lý thuyết “coi thường”. Ông cho thành lập Tổ toán-tin từ giữa thập niên 1960. Sau đó thì ông Trần Đại Nghĩa và bên quốc phòng cho mua máy tính và anh em tin học đã có đóng góp tích cực vào những thời điểm khó khăn tháng 12-1972 … Thầy trò hồi đầu chỉ tập trung trong khoa Toán và Điện tử của rất ít trường đại học liên quan, từ cuối 1975 mới mở rộng hơn và trở thành nền tảng cho các khoa CNTT thành lập sau 1995, khi mà các trung tâm dạy sử dụng máy tính cá nhân mọc nhan nhản.

Nhớ lại năm 1981, anh C vào tận khoa Toán trường Tổng hợp kêu gọi đẩy mạnh dạy tin học như một ngành mới nhưng vẫn bị coi nhẹ, khác với ĐH Bách khoa HN. Không phải ai cũng thấy sức mạnh của tin học...

Nhưng theo anh C thì ngược lại, “Cái sai của ngành tin học VN là sau này không dạy đủ về thuật giải và các môn toán liên quan đến CNTT, chỉ chú trọng lập trình”, nên nếu có muốn làm “nhái” phương Tây cũng rất khó. Cách giải quyết tưởng như đúng: cần biết gì sẽ học cái đó, nhưng thực ra nếu thiếu căn bản thì sẽ rất khó tự học, thậm chí chả biết được mình đang cần cái gì để mà học, nếu không có nền tảng toán lý vững chắc.

Sau Hội thảo khoa học nói trên, chính phủ Pháp đã tăng số tiền viện trợ cho các chương trình hợp tác khoa học với Việt Nam, tổng cộng 50 triệu Franc. May quá là CCSTVN được dành cho riêng một khoản tiền hàng năm để tiếp tục hoạt động trên 8 lĩnh vực và chính ông Alain đã đóng góp phần không nhỏ của mình cho hợp tác tin học với Việt Nam nên anh C vẫn có thể triển khai một số ứng dụng mới. Nhưng sau năm 2000, chính phủ Pháp thay đổi cách hợp tác và ông Chủ tịch, rồi ông Tổng thư ký lại bị tuổi già bệnh tật cướp đi, nên bây giờ CCSTVN hầu như không hoạt động nữa, chỉ còn làm nốt mấy nghiên cứu xã hội học và ủng hộ ta trong cuộc đấu tranh pháp lý cho các nạn nhân của “chất độc màu da cam”. Nhưng trong lịch sử khoa học nước ta CCSTVN đã có một đóng góp lớn lao, phải nói là đến nay chưa được ta đánh giá lại cho xứng đáng...

FB Nam Nguyen
(còn tiếp)