Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Lịch sử > Hiện đại > PHẦN 7 – VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI PHẲNG

NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG

PHẦN 7 – VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI PHẲNG

The quiet Vietnamese

Thứ Hai 17, Tháng Chín 2018, bởi Kim Thanh

(Trích trong tác phẩm nhiều tập "Đông Âu anh hùng truyện" của tác giả Nam Nguyen)

Cùng BT Hoàng Văn Phong và các GS khác nói chuyện với sinh viên

Như các bạn chắc đã đoán ra, anh C cũng là “nhân vật phụ” trong câu chuyện của mình. Nhân vật chính là thời đại thông tin, người đọc chính — hy vọng là lớp trẻ...

MAY MẮN

Tháng 5/2007 anh C tự dưng được nhận “Giải thưởng Nhà nước trao cho tập thể tác giả các thiết bị mật mã chuyên dụng giai đoạn 1990-2002” của Ban Cơ yếu Chính phủ. Chủ tịch nước ký (ông Nguyễn Minh Triết ký trước khi nghỉ – đợt đó khá thoáng, có cả giải văn học nghệ thuật cho Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Trần Dần...), ông bộ trưởng mới Hoàng Văn Phong trao. Trao giải buổi sáng thì buổi chiều FPT đón anh C về nói chuyện cho viện đào tạo lãnh đạo gì đó. Mấy hôm sau đạo diễn kiêm cây viết Đỗ Minh Tuấn cho ra một bài báo lớn trên tờ Tiền Phong về anh rất “ầm ĩ”, lúc đó họ hàng, bạn bè mới biết, vì đợt đó cả bộ Khoa học Công nghệ chỉ có một giải này thôi. Giải khá “to” – 60 triệu – anh em khao hết bạn bè đồng nghiệp, rất vui. Sau khi báo Tiền Phong ra bài, có vị PGS trong Ban chủ nhiệm KC 01 (chương trình nhà nước nghiên cứu triển khai Điện tử - Tin học - Viễn thông) gọi điện đến tòa báo, không tin về những điều Tuấn đã viết, tưởng ai thì ra vẫn người quen cũ Nguyễn Thúc Hải. Trần Hữu Việt lúc đó đang làm ở báo Tiền Phong nhưng trước kia đã ở cạnh Trung tâm ISC mới phải hỏi lại từng chi tiết, anh C cho biết cặn kẽ với từng tài liệu, hiện vật... thế là báo Tiền Phong yên tâm, lúc đó PGS kia mới tạm nguôi! Khi báo Tiền Phong khen Nguyễn Tử Quảng, thầy Nguyễn Thúc Hải có thắc mắc, anh C phải đứng ra làm chứng cho Quảng. Thật là thất vọng cho đại diện trí thức nước nhà (ông Hải không những là đồng nghiệp mà bố anh ấy là ông Nguyễn Thúc Hào, một trí thức lớn cùng lứa với bố anh C, các gia đình biết nhau hết)! Của đáng tội, cũng có vài lãnh đạo muốn đầu tư bằng tiền nhà nước để đẩy Quảng lên như một “lá cờ đầu” – trong một hội đồng anh C từng đã phê phán việc đó về mặt chuyên môn, tuy vậy khi người khác nói sai về công việc Quảng làm tốt thì anh C lại là người bảo vệ. Sau này về hưu, anh Hải mới thông cảm với anh C...

Nói là “bỗng nhiên được giải” bởi khi đó anh C đang ốm nặng, sau khi mổ người xanh rớt, đi lại run lẩy bẩy phải chống gậy, thường xuyên phải nằm ở nhà, có việc gì cần lắm toàn anh Hữu Đạo, anh Cát Hồ đến tận nơi đón đi đưa về - anh C hay đùa là “cơ yếu tưởng anh đằng nào cũng sắp chết, mới trao giải chứ không thì sợ muộn...”. Trước kia mỗi ngày anh làm việc 16-18 tiếng (viết hơn vạn bài báo, đa số không lấy tiền, dùng rất nhiều tên khác nhau). Từ 1997 anh bắt đầu đau tim, nặng từ 2002, 2 lần đột quỵ, 2004 phải đặt stent, mổ phanh tim thì vào Tết 2005. Từ lúc hay phải làm việc tại nhà anh lại càng không tham gia trực tiếp đến các công việc cụ thể của 112 cho nên sau này càng không bị vướng vào trách nhiệm tài chính nào ở đó khi “đổ bể”. Sợ nhất là lần mổ bên Sing, anh đi hội nghị thì thấy đau tim quá, sợ đoàn Việt Nam lo nên chả nói với ai, anh bắt taxi vào thẳng bệnh viện, đề nghị cho khám. Anh bảo đang có mỗi 700 USD tiền mặt thôi, làm thế nào thì làm, nhưng bệnh viện bên Sing rất đàng hoàng, bảo anh cứ yên tâm mổ đi, họ không sợ anh “ngoẻo” rồi không đòi được tiền đâu. Quả nhiên sáng mổ chiều tối tỉnh dậy, anh xin phép điện về khách sạn, khi đó đoàn Việt Nam mới biết thì anh đã qua cơn nguy kịch... Và rồi mọi chi phí bệnh viện lần ấy và sau này tổ chức nước ngoài mà anh hợp tác họ lo cho anh hết.

THÚ VUI

Anh có mấy thú vui để cân bằng bản thân trong lúc làm khoa học căng thẳng. Trước tiên, về văn học nghệ thuật, anh mua và sưu tầm rất nhiều sách quý. Anh tự mình dịch nhiều thơ, truyện của các tác giả kinh điển Nga, Tiệp... ra tiếng Việt, đầu tiên là để cho bản thân trước đã, đáng tiếc là mấy lần xây sửa nhà và đi công tác vợ anh cũng bán đồng nát đi bớt bao nhiêu carton giấy má của anh, thực chất đó là những bản dịch, những sáng tác chưa có dịp công bố và tư liệu sao chụp từ nước ngoài của anh!

Hồi 1955-1964, mẹ anh C hay cho anh đi cùng đến các chùa chiền (bà có tới 11 con mà trước kia còn hành hương cầu tự!). Sau khi mẹ mất, tự nhiên anh thấy có nhu cầu đi đền, đình, chùa – anh đã đi hàng trăm di tích lớn bé ở Hà Nội, quê ngoại Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hà Tây cũ... Và hơn người khác là đến đâu anh cũng hỏi han rất kỹ về lịch sử của di tích qua các triều đại. Và thời đó cũng nhiều người “gia đình có điều kiện” nhưng chả mấy ai dám dùng phim mầu để chụp di tích như anh C cả, thế nên bây giờ anh vẫn giữ những tấm hình phải nói là càng ngày càng quý hiếm về văn hóa tâm linh của miền Bắc! Anh có người anh ruột tên Hải Hoành rất giỏi Hán tự, lại thông thuộc lịch sử nhiều đình chùa ở nhiều tỉnh thành phía bắc, cho đến bây giờ anh Hoành vẫn đi và viết cho các địa phương về những di tích họ có, tiếc rằng sức khỏe chỉ cho phép anh C đi quanh Hà Nội thôi, nhưng anh đi rất nhiều...

Từ thời trẻ anh đã thấy mình có năng khiếu “nhìn bằng cảm giác” – tức là nhiều lúc không cần nhìn rõ vật thể, đối tượng nhưng anh nắm bắt được đúng cái “thần” của sự vật hay “thần thái” của đối tượng. Hồi trước bên head hunter đã kiểm tra anh bằng cách sau: dẫn anh vào nói chuyện trong một căn phòng có mấy người và nhiều đồ vật, chỉ một loáng thôi rồi dẫn ra, khi ra ngoài mới hỏi anh nhớ gì và miêu tả cụ thể từng món đồ, từng con người. Anh làm điều đó rất dễ dàng, cũng như bản năng vậy. Bên họ thích lắm và rất muốn tuyển anh cho ngành tình báo, bảo anh cứ vừa làm chuyên môn vừa làm cho bên đó được, nhưng anh từ chối. Cũng như việc dịch song song, anh không được học chuyên về ngôn ngữ, chủ yếu toàn tự học nhưng nắm bắt rất nhanh vấn đề người ta đang trình bầy, còn dịch thì cứ như tự nhiên bật ra thôi. “Quan trọng là phải có sẵn bề dày kiến thức đa dạng” – sau này anh C bị bệnh tim, mắt yếu nên đến sách cũng không đọc theo dòng chữ, chụp ảnh cũng chỉ ước đoán thôi, thế nhưng vẫn làm được như thường, cũng bởi có cái “cảm” này! Bây giờ đọc sách, xem trên màn hình, chụp ảnh, thậm chí nhiều lúc đi lại anh đều cần dùng đến khả năng này đấy.

Anh về hưu đúng ngày hết tuổi, như thủ trưởng Diệu ngày nào (và ông Đỗ Xuân Thọ cũng thế!). Nhưng công việc thì chả buông tha anh, trong đó có phần việc liên quan đến công nghệ nhạy cảm thì không chia sẻ được. Nhưng anh chỉ nhắn gửi với các bạn trẻ thế này: Việt Nam ta có nhiều người giỏi lắm, đừng để suy nghĩ mặc định trong đầu là người Israel, người Mỹ, Úc... giỏi hơn ta, kể cả trong lĩnh vực vũ khí khí tài! Có những tài năng xuất sắc thế hệ tiếp nối đấy!

Năm 2015 anh phát hiện ra mình bị chứng mất trí nhớ từng phần (khi làm cuốn sách kỷ yếu về “Con em sư phạm”) có lẽ là do hậu quả của mấy đợt mổ tim. Lạ là anh không nhớ rất nhiều chuyện, nhưng có ai hỏi đến, gợi ra là anh lại nhớ lại được, như mở ra một trang sách cũ! Để khôi phục dần dần trí nhớ anh không ngồi “tự kỷ” ở nhà với sách và máy tính nữa, mà chịu khó đi giao lưu với bạn bè, nhất là lứa trẻ hơn anh một hai giáp. Và quả thật trí nhớ dần dần quay lại với anh, và rất lạ là đã không nhớ thì thôi, chứ chuyện gì đã nhớ tới rồi thì anh nhớ từng chân tơ kẽ tóc, như nó đang diễn ra trước mắt vậy... Như có gì thôi thúc, anh lại chịu khó xách máy ảnh đi thăm thú các di tích, cứ cái gì liên quan đến chùa chiền, đình miếu quanh Hà Nội thì anh nhớ chả quên được, và chính vì thế anh vào từng địa điểm đều rất nhanh. Chỉ chụp những phần chính hay chỗ nào người ta mới sửa đổi, trao đổi vài câu với các ông từ, bà sãi... rồi anh lại đi. Một ngày anh có thể đi và chụp ảnh, lấy tư liệu cho 5-6 đình chùa như vậy, còn buổi tối lại ghi tư liệu, sắp xếp tổng hợp tiếp.

Kho tàng ảnh của anh hiện nay đã lên đến vài vạn ảnh (!) – trong đó có nhiều ảnh màu chụp từ những năm 70-80 rất quý giá, cùng với các câu chuyện lịch sử đi theo chúng... Hai trang web mà cá nhân anh bất kể tuổi đã cao vẫn đang quản lý và viết bài, đó là “Hanoi 360 độ” và trang web mang tên cái làng quê yêu thương của anh nay đã thành phố thị: “Đông Tác” có đông người xem và chúng thực sự rất hữu hiệu cho người sử dụng. Thật cảm phục một ông già 70 tuổi, cho đến hôm nay một ngày anh vẫn có thể viết hai, ba bài báo điện tử chất lượng cao về lịch sử, chính trị - anh viết rất nhanh vì mọi thứ đã có sẵn trong đầu rồi, mặc dù bác sỹ cấm anh ngồi lâu sẽ bị huyết áp! Hai cườm tay của anh vẫn đen sì vì tụ máu do chống tay lên thành bàn khi gõ máy tính, không khác gì thời thanh niên sôi nổi...

Anh tham gia với mấy anh em “đội già” vào chương trình viết “Bách khoa toàn thư tin học” – rất nhiều khái niệm anh đã đưa ra định nghĩa chuẩn từ thời viết sách tin học năm 82-83. Thế rồi mới đây thôi, người “học trò với hai quyển sách tiếng Pháp” năm nào của anh C ở FPT nay đã là cựu tổng giám đốc Nguyễn Thành Nam của chính cái tập đoàn năm đấy, mời anh C tham gia vào một dự án nữa, không phải để làm kinh tế nữa rồi nhưng rất có ý nghĩa cho hậu thế - dự án “Bảo tàng ngành tin học Việt Nam”. Anh C nhất trí sẽ ủng hộ hết mình, vì chắc chắn một điều không ai có lưu giữ được một kho máy móc, tài liệu, phim ảnh... đồ sộ như anh về ngành tin học nước nhà. Cũng khó có ai hiểu nó từ trong ra như anh suốt chặng đường gần nửa thế kỷ. Và câu chuyện này mà chúng tôi ghi lại từ anh cũng là một phần của bảo tàng tương lai này, bởi chính anh C cũng là một phần đáng tự hào của lịch sử tin học nước nhà. Anh cứ khởi đầu làm trước đi, rồi sẽ có nhiều người nữa theo bước anh...

BONUS

Khi tôi nài nỉ anh để viết lại câu chuyện này thì anh đưa ra mấy yêu cầu: không đưa tên anh ra, và anh đòi hỏi các chi tiết chính xác, không cần “khoe” – nhưng anh muốn truyền tải lại cho thế hệ trẻ Việt Nam những bài học, những ước mơ mà anh đã có. Tôi muốn ghi lại những lời dặn dò ấy để cho các bạn trẻ, nhất là các bạn trong ngành toán-tin hay kỹ thuật lưu tâm:

  1. Người Việt Nam rất giỏi đấy, không thua kém ai đâu, miễn là có lòng tin và mục đích trong sáng. Còn cơ hội thì sẽ đến với mình, hết lần này tới lần khác!
  2. Đừng chạy theo bằng cấp hay thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư – cái đó lạc hậu quá rồi! Nên học và làm cái gì càng thực tế càng tốt! Thông tin trên mạng thường “free” nên quá nửa là hời hợt hoặc không chính xác, muốn biết điều gì thật sâu vẫn chỉ có cách đọc sách và mua thông tin! Và nhất là thử nghiệm, “trăm nghe không bằng một thấy”...!
  3. Những lúc cơ hội đến, phải quyết tâm, lắm khi phải “liều”, xác định sẽ phải làm bằng được những việc ta chưa làm bao giờ! Và kể cả những việc chưa ai làm bao giờ cũng có lúc liều phải làm! Rất nhiều nhà tin học lừng danh thế giới đã hành động như vậy, và trong câu chuyện của anh C cũng đã nhiều phen như vậy!
  4. Không ai tự mình mà làm được cái gì cả - anh C cũng vậy, phải ở trong một team có năng lực, có những đối tác giỏi và mạnh thì mới làm được những việc lớn! Phải có cả bạn bè quốc tế hỗ trợ, mà muốn vậy đầu tiên mình phải là người có hiểu biết đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, chính trị... thì người ta mới muốn kết bạn với mình. Những người chỉ chăm chăm học và nghiên cứu “ngành hẹp” thì sẽ khó thành công trong thực tiễn!
  5. Phải tin tưởng giao tài liệu, giao việc cho lớp trẻ tự giải quyết. Chỉ hướng dẫn cụ thể khi chúng tắc hoặc nản. Lớp sau tất hơn lớp trước. Ngay cả trong nghệ thuật và khoa học cơ bản, từ khoảng 30-40 tuổi là có thể vượt cha anh. Ví dụ điển hình: Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn...
  6. Khi có những vấn đề lớn và phức tạp cần giải quyết cần hết sức tập trung, toàn lực để làm! Có những lúc anh C phải mất ăn mất ngủ hàng tháng, thậm chí có cảm giác như mình mà không giải quyết được vấn đề thì có thể kiệt lực mà chết... lúc đó lời giải mới đến với mình!
  7. Vấn đề Tâm Linh cũng rất quan trọng, người làm khoa học kỹ thuật càng cần có cách để cân bằng trong công việc và cuộc sống. Không phải vô tình mà anh “như có người đỡ”, mọi công việc của anh đều trót lọt, anh là người gặp may!
  8. Cả cuộc đời anh C làm việc với các cơ quan ban ngành nhà nước, lại không luồn lách gì nên không phải là người làm kinh tế giỏi. Hy vọng các thế hệ trẻ định hướng ngay từ đầu là làm việc kinh tế thị trường, và sẽ thành công hơn nhiều về mặt tài chính.
  9. Một lần nữa: không phải tin học làm phát triển đất nước, mà là công nghiệp công nghệ thông tin & truyền thông (ICT industry)! Trong xã hội thông tin, công nghệ chỉ là công cụ, nếu biết chọn đúng thì mua về là chắc thắng và nhanh thu hồi vốn hơn là tự làm ra. Chủ thể là THÔNG TIN chứ không phải công nghệ!

GHI CHÚ

Tôi được biết anh C (đúng hơn là anh ấy biết tôi) từ khi còn bé như thằng cháu anh trong ảnh, còn anh ấy vừa đi Tiệp về. 50 năm sau nhờ việc cả hai anh em lên tiếng phản đối Formosa mà tôi mới gặp lại anh, lúc đó đã nghỉ hưu lâu rồi. Sau đó anh em có duyên hầu như tuần nào cũng gặp, tuy vậy vì tôi là người ngoài ngành nên chả bao giờ nói chuyện tới “tin học”, cho đến khi tôi đã viết mấy bài về những con người “Học toán-giỏi toán” thì mới có vẻ thuyết phục được anh cũng sẽ là một nhân vật trong serie này. “Khen một người tức là chê bai toàn thể nhân loại còn lại” – đó là cái khó nhất khi viết về “Người Việt trầm lặng”. Cái khó nữa đó là quá nhiều nhân vật, quá nhiều tính cách, tình huống, chi tiết... rất dễ bị nhầm và sai. Như các bạn cũng đã đoán ra, anh C cũng là “nhân vật phụ” trong câu chuyện của mình – nhân vật chính là thời đại thông tin, người đọc chính hy vọng là lớp trẻ...

FB Nam Nguyen


Xem online : PHẦN 1 – CÔNG NGHỆ MỚI THAY ĐỔI ĐƯỢC THẾ GIỚI