Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Ẩm thực > Đặc sản > Kẹo Sìu Châu Nguyên Hương

Kẹo Sìu Châu Nguyên Hương

Thứ Năm 11, Tháng Mười 2018, bởi Cong_Chi_Nguyen

“Kẹo Sìu Châu” là một thứ kẹo lạc hoặc kẹo vừng pha lạc do chính người Việt Nam sáng tạo ra từ các nguyên liệu đặc sản của nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng. Ở Nam Định hiện có nhiều cơ sở làm kẹo này, nhưng nổi tiếng nhất là cửa hàng của gia đình cụ Đỗ Đình Thọ tại 12 phố Hàng Sắt với thương hiệu “Nguyên Hương”, nhà số 16 cạnh đó là nơi đặt xưởng sản xuất.

Cụ Thọ kể rằng dưới thời Nguyễn tiền bối 7 đời là Đỗ Phúc Nhật vốn quê Hưng Yên sang Nam Định lập nghiệp rồi trở thành chủ cửa hàng kẹo lạc. Từ thập niên 1860, cửa hàng này đã vang danh khắp Thành Nam; ban đầu đặt tại nhà số 4 phố Hàng Sắt dưới, gần ngay bến Ngự trên sông Vị Hoàng. Khi chưa có tên hiệu riêng người ta thường gọi cửa hàng là “Hiệu kẹo trước cửa đền Triều Châu”.

Ngôi đền này khá đẹp và do hội Hoa kiều đồng hương vùng Triều Châu (hay Thiều Châu, thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) sang sinh cơ lập nghiệp ở đất Sơn Nam Hạ lập ra từ lâu đời. Vì vậy nhiều người tưởng nhầm cửa hiệu cũng của Hoa kiều Triều Châu và dần dần gọi thứ kẹo đó là “kẹo Triều Châu” rồi “kẹo Sìu Châu”. Đến bây giờ đa số đã quá quen với cái tên tắt dân dã “kẹo Sìu” và rất ít người còn để tâm tìm hiểu lai lịch của nó.

Tới năm 1880 nhờ làm ăn phát đạt cụ Đỗ Phúc Nhật cho xây dựng lại cửa hiệu thành nhà hai tầng và đặt tên là Nguyên Hương (hương vị nguyên chất từ đường, lạc, gạo nếp thơm chứ không vay mượn hương vị khác). Những người sành ăn thường nhận xét ưu điểm của kẹo Sìu Châu Nam Định là ở cái vị nguyên hương của nó.

Ở thứ kẹo này ta thấy những hạt “lạc bò” chọn kỹ, rang vừa chín tới, giòn thơm, bùi béo, rồi được nấu với “đường chõ” hoặc “đường phèn” (ngày nay dùng đường kính Vạn Điểm) quyện với mạch nha làm từ gạo nếp hương và mộng mạ. Muốn đẹp thì phải dùng “chảo đồng điếu” đun bằng lửa than củi để tạo nên một thứ kẹo lạc thanh có sắc nâu hồng và trong trong, nhìn rõ từng hột lạc. Mỗi thanh kẹo được bao bọc trong vỏ bột nếp cái hoa vàng có tác dụng ủ cho kẹo lên hương, khi ăn giòn tan, thơm lừng, ngọt đậm, để lại một dư vị độc đáo…. Kẹo lại tơi nhanh trong miệng, không dính răng, rất phù hợp với nhiều lứa tuổi.

Có người cầu kỳ đã thử kẹo khi thời tiết hanh khô bằng cách thả rơi xuống mặt bàn đá hoặc gỗ lim từ độ cao gần 1m, miếng kẹo vỡ tan ra thành những mảnh nhỏ màu hổ phách. Một đặc điểm nữa là nhà chế biến Nguyên Hương có bí quyết khử được chất hôi của dầu lạc và kẹo Sìu Châu có thể để được khá lâu mà không ỉu.

Xưa kẹo Sìu Châu được gói trong giấy bồi màu hoàng yến, buộc bằng lạt đỏ hình tháp cụt. Nay kẹo đã có mẫu hộp đẹp, lịch sự được bao bọc bằng giấy chống ẩm. Gần hai thế kỷ nay, tiếng lành đồn xa, kẹo Sìu Châu Nam Định được dân địa phương và du khách trong và ngoài nước ưa thích. Ai đến Nam Định nếu là người sành sỏi đều tìm mua một vài cân kẹo Sìu Châu Nguyên Hương ở phố Hàng Sắt để mang về làm quà. Thưởng thức món này mà có một chén trà Thái Nguyên đi kèm thì thú vị biết bao !

Nhà văn Nguyên Hồng trong cuốn “Một tuổi thơ văn” đã miêu tả sự trân trọng của gia đình ông mỗi lần Tết về thăm quê ngoại nhất thiết phải có một cân kẹo Sìu Châu để biếu ông bà ngoại. Nhà thơ Xuân Diệu mỗi lần bình thơ Tú Xương đều không quên nhắc tới cái hương vị đậm đà Việt Nam của kẹo Sìu Châu Nguyên Hương. Nhạc sỹ Văn Ký đã đưa kẹo Sìu Châu vào một ca khúc trong vở nhạc kịch “Đảo xa” để khẳng định sự quý mến của nhân dân địa phương Nam Định đối với một thứ đặc sản quê hương. Ông Tú Xương xưa, bằng giọng thơ trào lộng đã phải lấy kẹo Sìu Châu để so sánh với cái “mứt rận” của mình:
Kẹo chú Thiều Châu đâu sánh được,
Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa !

Cụ Nguyễn Khuyến khi về ở ẩn quê nhà, có lần nhận được một cân kẹo Sìu Châu Nguyên Hương Nam Định do học trò của cụ là Án sát Trần Tán Bình gửi biếu thầy. Khi ấy mắt nhà thơ đã bị loà, giở gói kẹo ra ăn, cụ vô cùng thích thú nhận ngay ra và đọc luôn:
Nguyên phùng tả hữu lai vô tận
Hương dẫn chi lan nhập tức văn.

Nhà thơ nhớ lại những ngày ở Nam Định thấy khách thập phương lui tới cửa hàng Nguyên Hương để mua kẹo suốt ngày, đông không ngớt. Và bây giờ thưởng thức miếng kẹo Sìu Châu, cái vị đặc sắc của nó ví như mùi thơm vương giả của hoa lan, cụ nhận ra ngay, đó đích thực là kẹo Nguyên Hương Nam Định.

Trong dân gian cũng lưu truyền câu ca dao:
Trèo lên trái núi Thiên Thai
Thấy hai con cọp đang nhai kẹo Sìu.

Không phải ngẫu nhiên mà một món đặc sản địa phương lại được đi vào thi ca dân tộc từ bình dân đến bác học như vậy!

Đó cũng là một trong những niềm tự hào của người dân Nam Định về mảnh đất ngàn năm văn hiến của mình.

(ĐT sưu tầm và tổng hợp)