Trang nhà > Nghệ thuật > Kiến trúc > Chùa Yên Bình (Kim Sơn)
Yen Binh pagoda
Chùa Yên Bình (Kim Sơn)
Thái Bình Tự
Thứ Bảy 27, Tháng Mười 2018, bởi
©NCCông 2014, Yen Binh (Kim Sơn) pagoda
Chỉ dẫn
Chùa Yên Bình thành lập năm 1884. Tên chữ: Thái Bình Tự. Vị trí: 33P8+MX, xã Yên Lộc, H. Kim Sơn, Ninh Bình. Cách BĐX Bờ Hồ: 120km (hướng 5h). Du khách theo đường cao tốc CT01 Hà Nội - Ninh Bình tới quốc lộ QL10 rẽ trái đi quá thị trấn Phát Diệm chừng 2 km thì tới nơi. Trụ trì: đại đức Thích Minh Thiện. Điện thoại: (030) 386 2945.
Bản đồ trực tuyến
Địa lý
Xã Yên Lộc hiện thuộc huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) và được thành lập theo quyết định số 199/QD-NV ngày 22-7-1964 trên cơ sở xã Trưng Nhị cũ. Về mặt hành chính, xã gồm 3 thôn: Tuy Lộc, Yên Hòa và Yên Bình, có tổng diện tích 710 ha, dân số 7.829 người, mật độ dân cư 1103 người/km². Phía đông xã Yên Lộc giáp xã Tân Thành, phía nam giáp xã Định Hóa, phía tây giáp xã Lai Thành, phía bắc giáp huyện Yên Mô.
Giao thông ngày nay giữa Yên Lộc và xung quanh đã trở nên thuận tiện. Xã này nằm trên quốc lộ QL10, lại có quốc lộ QL12B (tỉnh lộ 481 cũ) nối QL10 tại cầu Tuy Lộc qua Yên Lộc – Định Hóa – Văn Hải – Cồn Thoi – Bình Minh – Kim Đông tới đê Bình Minh 2. Theo đường bộ, Yên Lộc cách thành phố Tam Điệp 23km, cách Tp. Ninh Bình 30km, cách Tp. Nam Định 50km và cách Tp. Thanh Hoá 52km. Chảy qua xã là hai con kênh nhỏ giao nhau, 3 đầu nối với sông Vạc và sông Đáy; đi đường thuỷ ngắn nhất ra cửa biển chỉ chừng 20km.
- Cổng chùa Yên Bình. Ảnh NCCong ©2018
Lược sử
Xã Yên Lộc ra đời cùng huyện Kim Sơn vào năm 1829 dưới triều vua Minh Mệnh, nhờ việc Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khuyến khích nhân dân đến khai hoang đất bồi ven biển. Có sự quy hoạch từ đầu nên hệ thống giao thông giữa các xóm khá là vuông vắn. Số đồng bào theo đạo Thiên chúa La Mã chiếm tỷ lệ cao như trong toàn bộ giáo phận Phát Diệm. Thôn Yên Bình nằm ven hai bờ con kênh chảy song song với đường quốc lộ QL10. Đối diện nhà thờ qua con kênh là cụm di tích đình và chùa của làng này.
Chùa Yên Bình tên chữ Thái Bình Tự, được lập năm 1884 (có tài liệu ghi 1888), tổ đầu tiên là hoà thượng Thích Thanh Điều. Tổ thứ hai là hoà thượng Thích Thông Chính. Tổ thứ ba là hoà thượng Thích Thanh Nghiêm, hiệu Đạo Cần, Tổ thứ tư là hoà thượng Thích Thanh Tường, hiệu Viên Dung. Tổ thứ năm là hoà thượng Thích Minh Thức. Đương kim viện chủ là hoà thượng Thích Thanh Đàm.
- Tổ đường chùa Yên Bình. Ảnh NCCong ©2018
Kiến trúc
Chùa Yên Bình nhìn về hướng tây-nam qua sân rộng. Bên trái sân là vườn tháp với 9 ngôi mộ Tổ nằm sát dòng kênh ven quốc lộ QL10. Trước chùa có lầu Quan Âm như một phương đình 2 tầng 8 mái 16 cột, xây nhô ra hồ sen hình chữ nhật. Bên trái Tam bảo là Phủ Mẫu, có mặt bằng hình chuôi vồ với tiền tế 3 gian và hậu cung sâu 1 gian. Tam bảo, Phủ, nhà Tổ... được tôn tạo và mở rộng vào đầu thế kỷ XXI, điểm chung là các toà nhà đều có hàng hiên và cổ diềm.
Chùa và đình Yên Bình. Panorama ©NCCong 2018
Chùa chính to cao hơn nhưng cũng xây hình chuôi vồ, thềm cao 6 bậc dẫn lên hàng hiên với các cột vây gần kín 4 mặt. Tiền đường rộng 5 gian 2 dĩ, có 2 bia đá cổ gắn vào tường hồi bên phải. Các gian ngoài đặt tượng Đức Ông và Thánh Hiền, không có tượng Hộ Pháp. Thượng điện sâu 3 gian, gian đầu để trống, 2 gian sau bố trí các tượng Phật giáo Bắc tông trên các bệ xây giật cấp từ thấp lên cao dần.
- Vườn tháp chùa Yên Bình. Ảnh NCCong ©2018
Ngõ vào chùa và đình làng Yên Bình đi ven hồ. Cổng chùa trong ở bên phải Tam bảo và xây 2 tầng 8 mái giả. Nhà Tổ (nơi đặt tượng Hòa thượng Thích Minh Thức, sư trụ trì chùa này gần 70 năm và từng làm Hội trưởng Hội Phật giáo Ninh Bình) gồm 4 gian nhìn sang lưng Tam bảo; hai bên là nhà khách và nhà Tăng, làm thành một dãy dài 12 gian vuông góc với dãy nhà 8 gian nối liền hàng hiên chùa chính và Phủ Mẫu.
Di tích lân cận
- Chùa Đồng Đắc (Kim Sơn)
- Chùa Nhất Trụ (Hoa Lư)
- Chùa Phúc Nhạc (Yên Khánh)
- Chùa Tân Thành (Kim Sơn)
- Đình Yên Bình (Kim Sơn)
- Nhà thờ Phát Diệm (Kim Sơn)
- Nhà thờ Yên Bình (Kim Sơn).
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCông