Chương trình "Cất cánh" trên VTV tối 24-2-2019

Bài nói của Nguyễn Chí Công

STEM

Tôi vừa được gửi ảnh và đọc các phản hồi tốt đẹp của khán giả chương trình "Cất cánh" phát trực tiếp trên kênh truyền hình VTV6 tối 24-2-2019. Xin chân thành cảm ơn các bạn và ghi lại ở đây bài nói của mình cho những ai chưa có điều kiện xem.

Tôi sinh năm 1949, năm nay tròn 70 tuổi, mắc nhiều bệnh nặng nhưng hàng ngày vẫn đi thực tế, đọc sách, lướt facebook, dùng email, viết web...

Những năm 90 của thế kỷ 20, tôi là Trưởng tiểu ban Mạng của Chương trình quốc gia về Công nghệ thông tin.

NGUYỄN CHÍ CÔNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH "CẤT CÁNH" CỦA VTV6

Trước đó trong giai đoạn 1976-1983 tôi đã cùng đồng nghiệp làm những chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt nam, cũng là của châu Á, và đem chúng ứng dụng thành công vào trong đời sống...

Từ hồi đó, các nhà khoa học đã nghĩ ra cách làm việc cùng nhau qua mạng, không phân biệt biên giới và không xâm phạm đời tư của nhau. Các nhà lập trình đã dấy lên phong trào Phần mềm Nguồn mở Miễn phí và Tự do (FLOSS). Theo đó ai cũng có thể đóng góp phần mình cho nhân loại và nhận lại các đóng góp lớn gấp bội của cộng đồng.

Ngày nay, những điều đó đã trở thành hiển nhiên, ngay tại đây, trong khán phòng này, ở đất nước này, trên cánh đồng, ngoài đường phố, chứ không ở đâu xa. Tất cả những điều đó có được là nhờ sự bùng nổ của Internet.

Xin hỏi, trong khán phòng này, những ai đang sử dụng smartphone, những ai đã quen lên Internet hàng ngày?

Có thể chúng ta nhìn thấy rất nhiều hình ảnh của một thế hệ thường "cúi đầu" cắm mặt vào smartphone, tay vuốt vuốt, chạm chạm, quá ít để ý đến hiện thực xung quanh.

Tôi cũng buồn khi nhìn thấy điều đó, nhưng đó là một hiện tượng xã hội, và chúng ta cần phải làm gì để thay đổi nó?

Không thể phủ nhận Internet là một phát minh vĩ đại của nhân loại. Và tôi nhìn thấy những cơ hội cho tất cả chúng ta nhờ Internet. Cứ lên mạng là tôi nhìn thấy cơ hội.

Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị mới thay vì chỉ cúi đầu và vuốt vuốt. Cần đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng mạng thay vì chỉ nhăm nhe ăn sẵn.

Chúng ta đang được sử dụng Internet với mức cước thuộc loại rẻ nhất thế giới, các thiết bị khai thác đã có sẵn và rất mạnh. Năm 1997 Việt Nam nối vào Internet sau các nước phát triển, tuy nhiên không đến nỗi muộn. Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy tốc độ phát triển Internet nước ta vào top đầu khu vực và cả thế giới.

Internet càng ngày càng cải tiến công nghệ, tăng thêm nhiều tài nguyên và tiềm năng hơn trước. Luôn có các cơ hội để chúng ta cất cánh và sân bay trước tiên là môi trường Internet, dù rằng không gian bao la có nhiều nguy hiểm.

Mạng có nghĩa là hạ tầng chung, ai cũng có thể tham gia được. Tôi, các bạn ở trong khán phòng này, hay một bà bán rau ngoài chợ, một bác chạy xe ôm đều có thể đóng góp cho các kho thông tin chung trên mạng.

Từ khi nghỉ hưu, tôi thường xách máy ảnh lên đường tìm các di tích lịch sử, đình chùa Hà Nội và Bắc Bộ để ghi lại những giá trị thực tế, cập nhật, rồi tìm tư liệu khác, dịch thuật, biên soạn và chia sẻ miễn phí trên trang mạng 360.hncity.org

Ông cha ta có một lịch sử hào hùng và nền văn hoá lâu đời đáng tự hào mà những câu chuyện liên quan có thể tìm thấy ở phần lớn các di tích. Chừng nào còn giữ được những thứ đó thì đất nước này không thể bị khuất phục.

Những người vô danh nhờ có mạng internet mà dù không cần biết giới tính, xuất thân, gia đình, học vấn..., chỉ cần có cùng 1 mục đích và tuân theo 1 luật chơi công khai thì có thể sẽ ra kết quả chung. Tôi cống hiến, anh chị cống hiến, và chúng ta đều có thể hưởng lợi.

Tôi là một người "vô danh" có thể chọn nick riêng trên mạng. Tôi đóng góp thêm vào nguồn tư liệu về lịch sử dân tộc, đó là những giá trị có thể các bạn chưa cần đến nhưng nhiều người khác và con cháu các bạn lại cần.

Lại xin hỏi khán giả quan niệm thế nào về cách làm việc tập thể ? (ngày nay thường dùng từ Teamwork)

Teamwork trong thời đại Internet có nghĩa rộng hơn rất nhiều so với làm việc tập thể trong một cơ quan, công ty, địa phương, đất nước. Nếu chúng ta ý thức được vai trò của cá nhân mình trong teamwork trên mạng thì sẽ tạo ra sức mạnh, giá trị mới.

Trường đại học trực tuyến Funix của anh Thành Nam cũng là một ví dụ. Người giỏi hơn, có kinh nghiệm hơn giúp những người còn lại, mà việc học hoặc dạy lại chỉ rất ít phụ thuộc vào thời điểm và khoảng cách.

Tiếp theo sự chuẩn bị cất cánh bằng học hỏi và thực hành, ta có thể khảo sát và lựa chọn thời cơ phù hợp, tạo ra giá trị. Nhưng để tồn tại trên mạng ảo, chúng ta cần chân thật với chính mình và những người khác.

Tôi không thể tạo ra giá trị bền vững nếu thông tin tôi đưa lên không chính xác, và các bạn cũng vậy.

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, kỷ nguyên thông tin, chúng ta đứng trước nhiều cơ hội nhưng cần phải tôn trọng những lợi ích chung và phải biết liên kết với nhau.

Tôi tin Việt Nam ta có nhiều người giỏi lắm, đừng để suy nghĩ mặc định trong đầu là người khác luôn luôn và mọi mặt đều giỏi hơn ta, kể cả trong các lĩnh vực khó. Họ nhìn ra cơ hội, chẳng lẽ các bạn lại không. Bóng đá VN năm qua là một tấm gương sống phải ko?

Đừng bao giờ nản chí vì lời phán xét vội vàng của người khác, dù là những tên tuổi lớn trước đây. Luôn có những tài năng xuất sắc hơn ở thế hệ tiếp nối. Không nên chỉ theo lối mòn mà hãy cố tìm ra con đường mới phù hợp với mình và thị trường.

Mỗi bạn hãy làm một việc tốt để đẩy lùi những điều xấu xa.

VTV cho tôi 10 phút nên phải dừng thôi. Những thông tín sau đây có đầy trên Internet, cho nên tôi sẽ chỉ lướt qua, mong các bạn tìm hiểu tiếp và trao đổi.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam hiện có nền kinh tế Internet phát triển nhất tính trên giá trị hàng hóa mua bán trong năm 2018, tương đương 4% GDP quốc gia, theo một nghiên cứu mà hai công ty Google và Temasek công bố. Và rất nhiều người trong số các bạn đang đóng góp cho điều đó.

  • Các doanh nghiệp và cá nhân đang kiếm tiền từ thương mại điện tử.
  • Người lái xe máy, ô tô có thể sống bằng các dịch vụ chở hàng và chở người theo cách gọi xe điện tử...
  • Người nông dân có các hệ thống tưới tiêu, theo dõi nuôi trồng thông minh... và bán nông sản qua mạng.
  • Các nhà khởi nghiệp đứng trước nhiều cơ hội. Got it của người Việt, anh Trần Việt Hùng nổi bật ở thung lũng Silicon, những người trẻ kiếm tiền từ việc sản xuất các nội dung số trên AppleStore, YouTube, Google...
  • v.v.