Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Giáo dục > Viết > Nguồn gốc của từ ‘lầu xanh’

Nguồn gốc của từ ‘lầu xanh’

Thứ Năm 21, Tháng Ba 2019, bởi Cong_Chi_Nguyen

‘Lầu xanh’ vốn là từ dùng để chỉ dinh thự cao lớn của vương tôn quý tộc, quan lại quyền uy, hoặc phi tần, thiếu nữ cao sang thời cổ ở Trung quốc. Nghĩa gốc hoàn toàn không xấu trước khi bị dùng để chỉ nhà chứa

Điển tích bắt nguồn từ thời cổ ở Trung quốc. Tương truyền vua Võ Đế từng ra lệnh xây những tòa nhà cao lớn nguy nga lộng lẫy, lại cho sơn các cửa sổ đều màu xanh để phân biệt với các phủ lầu của quan lại và bình dân. Đó cũng là nơi nhà vua tới ngự cùng với các cung tần mỹ nữ.

Về sau con cháu những vương công, quan lớn… đã đua nhau sơn cửa màu xanh để phô trương vẻ uy nghi quyền quý. Bởi vậy đương thời chỗ ở của họ thường được dân gọi là chốn “thanh lâu”. Dần dà nhiều kẻ bình dân khi trở nên giàu có cũng thích ra phố lớn xây lầu xanh cho sang trọng. Những gia đình có tiểu thư đến tuổi gả chồng thì lại càng mong con mình được nhiều công tử chú ý để nếu không leo lên cung điện thì cũng vào nơi môn đăng hộ đối.

Tào Thực – một thi nhân nổi tiếng thời Tam Quốc (220-264) có câu:
“Thanh lâu lâm đại lộ,
Cao môn kết trùng quan”.

(Mỹ nữ thiên)

Tạm dịch:
“Lầu xanh bên đường lớn,
Cửa cao mấy lần then”.

Bọn Tú Bà cũng không bỏ lỡ thời cơ tuyển gái đẹp và xây lầu sơn xanh để quyến rũ khách. Làng chơi đông đến mức chủ chứa trở nên rất giàu. Thời Chiến Quốc, Bão Thúc Nha đã giúp công tử Tiểu Bạch lên ngôi vua xưng là Tề Hoàn Công. Quản Trọng thân với Bão Thúc Nha, được bạn tiến cử làm tướng quốc. Để nước nhanh lớn mạnh, Quản Trọng có nhiều kế sách, trong đó có việc chính thức hoá thanh lâu.

Vậy là tại Trung quốc, từ "thanh lâu" sớm bị biến đổi ý nghĩa. Mãi sau thì hai từ "thanh lâu" hay “lầu xanh” mới trở nên phổ biến ở làng quê Việt Nam, có lẽ nhờ những câu thơ của Nguyễn Du (1766–1820) trong Truyện Kiều:
"Bạc tình nổi tiếng lầu xanh
Một tay chôn biết mấy cành phù dung"...

"Lầu xanh quen thói xưa nay
Nghề này thì lấy ông này tiên sư"...

“Hết nạn nọ đến nạn kia,
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

Nhưng trước đó 4 thế kỷ, trong bài Tích Cảnh Thi thứ 12, Nguyễn Trãi (1380-1442) đã viết:
"Lầu xanh từ thấy khách thi nhân
Vì cảnh lòng người tiếc cảnh xuân"...


Nguyễn Chí Công