Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Âm nhạc > TỰ RÈN RŨA KỸ NĂNG NGHE NHẠC CỔ ĐIỂN

TỰ RÈN RŨA KỸ NĂNG NGHE NHẠC CỔ ĐIỂN

Nguyễn Như Dũng

Thứ Năm 23, Tháng Năm 2019, bởi Cong_Chi_Nguyen

Nhạc cổ điển là một hệ thống âm nhạc hoàn thiện (cổ điển ở đây không phải là cũ kỹ mà là sự hoàn thiện) sinh ra từ châu Âu có niên đại hàng nghìn năm bắt đầu từ các nền văn minh như Cổ La Mã, Cổ Hy Lạp.

Qua đêm dài hầu như không có sự phát triển nào đáng kể thời Trung cổ đến thời Phục hưng (với những đại diện như Prez, Palestrina), nhạc cổ điển bắt đầu có sự hồi sinh và bứt phá. Tuy nhiên, bước phát triển đáng kể nhất của âm nhạc cổ điển cho đến tận ngày nay chính là thời kỳ Baroque (giai đọan từ 1600 - 1750). Âm nhạc thời kỳ này được gọi là Âm nhạc Baroque với các đại diện nổi bật nhất là Bach (1685 - 1750) và Handel (1685 - 1759).

Sau thời kỳ Âm nhạc Baroque, âm nhạc cổ điển phương Tây bước vào thời kỳ Âm nhạc Cổ điển (Chủ nghĩa cổ điển - Classicism) với các đại diện nổi bật nhất là Haydn (1732 - 1809), Mozart (1756 - 1791) và Beethoven (1770 - 1827). Sau thời kỳ Âm nhạc Cổ điển là thời kỳ Lãng mạn (Romantism) đề cao mộng tưởng, tình cảm và tự do. Trường phái Lãng mạn cũng như Chủ nghĩa Cổ điển, được bắt đầu từ Vienna với đại diện nổi bật Schubert và hàng lọat tên tuổi khác như Schumann, Brahms (Đức), Chopin (Ba Lan), Tchaikovsky (Nga)...

Sau thời kỳ Lãng mạn, âm nhạc cổ điển thế giới chứng kiến sự ra đời của trường phái Ấn tượng tuy không rầm rộ nhưng như một điểm xuyết không thể thiếu chứng tỏ âm nhạc cũng như hội họa, kiến trúc là những lọai hình nghệ thuật gần gũi, tương tác và thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển qua mỗi thời kỳ. Cũng sau thời kỳ Lãng mạn, âm nhạc cổ điển chứng kiến sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của dòng nhạc Hiện đại - một dòng nhạc còn được gọi là Tân cổ điển, ghi nhận sự trở lại của Chủ nghĩa cổ điển ở hình thái ngôn ngữ âm nhạc mới, phù hợp với thời đại và địa phương mà nó được sinh ra. Lúc này, nhạc cổ điển không còn gói gọn trong lòng Lục địa già mà nó đã phát triển ra khắp thế giới.

Mỗi thời kỳ âm nhạc cổ điển đều có những nét riêng. Ví dụ, thời Baroque, các tác phẩm âm nhạc đều có cấu trúc mang đậm dấu ấn kiến trúc Baroque, có hình thức đa phần là phức điệu kế thừa từ thời kỳ Phục hưng trước đó. Thời kỳ Cổ điển chứng kiến hình thức âm nhạc lớn, đỉnh cao là Giao hưởng ra đời và sự phát triển mạnh mẽ của Trường phái opera Ý kéo dài đến tận đầu thời kỳ hiện đại. Thời kỳ cổ điển, âm nhạc nói chung thoát dần khỏi sự kiểm soát của phức điệu nhưng không chứng tỏ là các đại diện thời kỳ này không nắm vững những nguyên lý sáng tác phức điệu (cả Mozart và Beethoven đều rất giỏi phức điệu, không thua gì Bach trong sáng tác phức điệu mặc dù họ ít viết hình thức này).

Nếu thời kỳ cổ điển, chủ nghĩa anh hùng, cái ta (thay vì cái tôi) ngự trị thì sang thời kỳ Lãng mạn, cái tôi mới là chính yếu. Thời kỳ Lãng mạn chứng kiến sự ra đời và vươn lên hàng đầu của trường phái Ballet Nga và Liên Xô. Ballet (Nhạc múa) bắt nguồn từ Ý, được hàn lâm hoá tại Pháp và khi nó sang Nga (với Tchaikovsky, Stravinsky, Prokofiev) và Liên Xô (Khatraturian, Shostakovich...) thì nó trở thành món ăn tinh thần thượng hạng. Người dân các nước, trong đó có cả Nga và Liên Xô cũ đều sẵn sàng mua vé đón xem Ballet Nga từ trước ngày mở màn cả năm trời.

Điều tôi muốn nói ở bài này là khi nghe nhạc cổ điển, các bạn sẽ có rất nhiều việc để làm và một trong những việc quan trọng nhất để thúc đẩy cảm xúc chín chắn, chính xác cho người nghe là kiểm soát các thông tin liên quan đến tác phẩm. Nó do ai viết? thời kỳ nào? hình thức gì? do ai chơi? người nước nào và thân thế? do nhãn băng đĩa nào phát hành... Vì, trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt để vươn tới đỉnh của âm nhạc cổ điển, nếu bạn không khác biệt, không hoàn hảo thì bạn sẽ không thể tồn tại. Cho nên, đến giờ này, tôi vẫn có thói quen nghe nhiều lần một tác phẩm.

Đầu tiên là nghe vài ô nhịp để có khái niệm chung. Sau đó là tra cứu xem nghệ sĩ và nhà xuất bản là ai; xem tác giả là ai, viết bản này vào thời gian nào, xem lướt các thông tin về tác phẩm... Nếu bạn đã biết trước thông tin nào thì bạn có thể bỏ qua bước xác định thông tin đó. Sau đó, nếu còn thời gian thì nghe lại tác phẩm. Hết giờ thì nghe lại vào buổi nghe tiếp theo. Cứ làm riết như thế, các bạn sẽ nhanh chóng thuộc lòng cả một kho nhạc và sẽ rất tự tin khi trao đổi hay chia sẻ với các bạn nhạc.

NGUYỄN NHƯ DŨNG