NGHE NHẠC CỔ ĐIỂN

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

Nguyễn Như Dũng

Nguyễn Như Dũng

Tôi bắt đầu nghe nhạc cổ điển từ năm 1976 khi còn theo học Evening Kiev Music School No.1 n/a K.G.Stetsenko. Bà giáo tôi là Vanda Vladislavna Vilhelmi rất khuyến khích tôi nghe nhạc cổ điển nhưng lại cấm tôi nghe nhạc nhẹ (Pop, Rock, Country, Jazz...) cho đến một hôm bà ấy nghe thấy ban nhạc ABBA biểu diễn trên đài truyền hình thì mới thay đổi quan điểm. Bà cho rằng tôi nên nghe nhạc một cách chọn lọc, không nghe tạp để không bị hỏng tai...

Vị chi là tôi đã có 43 năm nghe nhạc chăm chú. Có một dạo kéo dài nhiều năm, tôi nghe nhạc bolero khi mới vào định cư ở SG với mục đích nhập cuộc với vùng đất mới, xem người SG sống như thế nào, suy nghĩ những gì. Còn lại là tôi hầu như chỉ nghe nhạc cổ điển. Trong khoảng thời gian nghe nhạc cổ điển, tôi cũng có những lúc vì công việc mà nghe các dòng nhạc khác nhưng đó không phải là đam mê của tôi (tiếc là thế mặc dù có những tác phẩm và ban nhạc rất tuyệt vời).

Hồi đầu, khi còn ở Kiev, tôi nghe LP (đĩa nhựa) với những đĩa mua được bằng tiền đi làm, học bổng và bạn bè thưởng tặng (bằng cách dẫn ra hàng đĩa nói: "Mày chọn cho mày đi, tụi tao trả tiền hộ"). Hồi đó, tôi chưa có khái niệm nghe nhạc một cách hệ thống, gặp bài nào hay nghe bài đó, gặp tác giả nào thích thì nghe tác giả đó rồi mua rộng dần ra theo cùng một tác giả hoặc cùng một nghệ sĩ yêu thích.

Mãi sau này, tức là cách nay 14 năm, khi tôi quyết định đầu tư chiều sâu cho việc nghe nhạc và chuẩn bị sân đỗ cho mình khi hạ cánh (mua đồ audio, mua băng đĩa - tôi mua đủ nhiều), tôi mới bắt đầu thực hành nghe có hệ thống với tiêu chí nghe bằng hết tác giả, tác phẩm nổi bật nhất của dòng âm nhạc cổ điển (bao gồm cả các nghệ sĩ giỏi nhất).

Vậy, câu hỏi đặt ra là, theo bạn, trong nhạc cổ điển có các tác giả và tác phẩm đáng kể nào? Đó là một câu hỏi có nhiều cách trả lời tuỳ theo người trả lời. Và tôi cũng có một cách trả lời riêng của mình, có thể không hoàn chỉnh nhưng chắc chắn mang lại lợi ích cho các bạn nhạc muốn ít mất công, ít hao tổn nhất mà lại nghe được nhiều nhất.

Vào thời Baroque (khoảng 1600 - 1750), nước Đức (nền âm nhạc Đức dẫn đầu thế giới nhạc cổ điển) có 2 tượng đài là Handel - vĩ đại khi còn sống và Bach - vĩ đại sau khi mất. Handel có các thánh ca, có nhạc pháo hoa, nhạc nước, có đủ loại hình âm nhạc thịnh hành thời Baroque. Trong đó Messa và Dixit Dominus là 2 tác phẩm kỳ vĩ nhất. Các bạn có thể vào Youtube ngay bây giờ để thưởng thức 2 tác phẩm bậc nhất của tác giả bậc nhất này.

Về phần của Bach thì câu chuyện dài hơn. Sinh thời, Bach sáng tác rất nhiều tác phẩm, về khối lượng tác phẩm và chất lượng của chúng, Bach không thua Handel nhưng Bach vẫn không được công nhận là tác giả bậc nhất mà chỉ được công nhận là một nghệ sĩ biểu diễn đàn phím và đàn gió (Organ nhà thờ) kỳ tài. Đó là Bach biểu diễn nhạc Bach mà chỉ được công nhận về nghệ thuật biểu diễn, không được nhắc đến về nghệ thuật sáng tác. Có một nhà xuất bản nọ khi nghe Bach đề nghị xuất bản các tác phẩm của mình đã không giấu nổi kinh ngạc vì theo họ, những tác phẩm đó không có người nào đủ trình độ diễn tấu (thì bán cho ai...???).

Hệ thống phân loại tác phẩm theo BWV của Bach ghi nhận các tác phẩm từ BWV 1 đến BWV 1081. Ngoài ra, Bach còn một hai trăm tác phẩm không được đánh số BWV khác. Tôi đã nghe hết số tác phẩm này, nhiều trong số đó được chơi bởi các nghệ sĩ khác nhau và do các nhãn đĩa khác nhau phát hành. Tôi xin cam đoan rằng Bach không có tác phẩm nào dở, tất cả đều hay, chỉ tuỳ quy mô thời lượng, số người và nhạc cụ tham gia trình diễn mà phân biệt thôi.

Về thanh nhạc, những tác phẩm thanh nhạc của Bach chủ yếu là các hợp xướng có tiết mục solo, hát nói hay tốp ca được sáng tác trong thời gian Bach còn trẻ và phục vụ nhà thờ, cá biệt có dòng Cantata (hát thơ) đã được sáng tác mỗi tuần một bài như nhà báo giữ chuyên mục cho một tuần tạp chí thời nay vậy. Trong số các tác phẩm thanh nhạc, đáng kể nhất là tập St Matthew Passion, St Johannes Passion, Messa h-moll BWV 232... Ngoài các tác phẩm thanh nhạc dành cho nhà thờ, Bach có viết các tác phẩm thanh nhạc thế tục.

Về khí nhạc, hơn một nửa số tác phẩm của Bach dành cho nhạc cụ, trong đó số tác phẩm dành cho đàn gió (Organ) chủ yếu phục vụ nhà thờ. Còn lại là các tác phẩm dành cho nhạc cụ là dành cho thế tục. Hầu hết nhạc cụ có mặt trên đời ở thời Baroque đều được Bach dành cho những tác phẩm để đời. Đáng kể nhất là Bộ 2 tập The Well Tempered Clavier các Prelude và Fuga (48 Prelude và Fuga); Bộ 6 English Suite; Bộ 6 French Suite; Bộ 6 Partita... cho đàn phím độc tấu. Bộ 3 sonata và 3 partita cho violin độc tấu, bộ 6 suite cho cello độc tấu, Bộ các suite cho đàn lute độc tấu, bộ các sonata cho violin và đàn phím; bộ các sonata cho flute và đàn phím; bộ các violin concerto; bộ các concerto cho đàn phím (1, 2, 3, 4 đàn) và dàn nhạc; bộ các suite cho dàn nhạc...

Với đàn phím, loại nhạc cụ mà Bach chơi giỏi như "Phù thuỷ cưỡi chổi", Bach đã dành cho tác phẩm để đời là The Goldberg Variations (BWV 988), một tác phẩm gồm Chủ đề (Aria), 30 biến tấu và Lặp lại chủ đề. Bach còn có tác phẩm để đời khác nữa là Musical Offering (BWV 1079) mà câu chuyện về việc sinh ra nó đã cho thấy Bach không chỉ giỏi như ông đã thể hiện mà còn giỏi hơn thế rất nhiều (nhất là về tài ứng tác).

Bach còn có những tác phẩm "tổng kết" như The Art of Fugue (BWV 1080) cho đàn Organ mà người nghe muốn nghe từ đâu trong bản nhạc cũng được và họ muốn dừng lại ở đâu cũng được. Vào thời đại của CD và nhạc số, người nghe có thể lập trình cho tác phẩm này chạy đi chạy lại suốt ngày không chỉ ở chế độ repeat mà còn cả ở chế độ chơi ngẫu hứng theo các track. Bản thân Bach rất giỏi về phức điệu (đặc biệt là loại hình Fugue) nên The Art of Fugue xứng đáng là một con dấu nhận dạng của Bach.

Tôi viết những bài về nghe nhạc cổ điển này theo trí nhớ và rất mong các bạn đóng góp để hoàn thiện từng topic một. Các bạn thấy đấy, phía trước còn rất nhiều bài viết tiềm năng theo chỉ một tựa đề Tác giả và Tác phẩm. Chúng ta còn nhiều thời kỳ phải nói đến nữa trong việc nghe nhạc cổ điển. Đó là lý do tôi không thể cẩn trọng tra cứu từng ly từng tý. Tôi còn có nguyện vọng đưa đề tài này đến với Nhạc cụ và Nghệ sĩ và rất nhiều cung cách nghe nhạc cổ điển theo hệ thống khác. Mong các bạn ủng hộ.

Nguyễn Như Dũng