6917 Thai Lac pagoda

Chùa Thái Lạc (Hưng Yên)

Pháp Vân Tự 法 雲 寺

Hưng Yên

Chùa Thái Lạc có từ thế kỷ XIV. Tên chữ: Pháp Vân Tự 法 雲 寺. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1964) sau nâng lên di tích đặc biệt. Vị trí: X257+4P Thái Lạc, Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên. Cách BĐX Bờ Hồ: 24km (hướng 4h). Trạm bus lân cận: số 5 Trưng Trắc (QL5, xe 202, 205)

Lược sử

Chùa Thái Lạc tên chữ là Pháp Vân Tự, một trong bốn ngôi chùa có thờ Tứ Pháp thuộc xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tại những chùa này hiện còn giữ được các pho tượng cho là tạc từ cây gỗ dâu như trong truyền thuyết Man Nương và chùa Dâu ở Luy Lâu, nơi Phật Giáo truyền từ Ấn Độ vào nước ta hồi thế kỷ thứ 2.

Thượng điện

Các chùa Tứ Pháp trải dài từ huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh qua huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên, sang huyện Thường Tín nay thuộc TP Hà Nội. Trong hệ thống này, Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện là 4 vị thần tượng trưng cho những thế lực thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp, có vai trò rất quan trọng đối với mùa màng của cư dân đồng bằng sông Hồng.

Xưa kia, nông dân trong vùng thường tổ chức tế lễ tại các chùa Tứ Pháp, đặc biệt mỗi khi gặp hạn hán. Người dân tin rằng, thông qua cầu đảo thì sẽ có mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ nghi này mang đậm nét văn hóa cổ sơ của nền văn minh lúa nước, góp phần làm nên bản sắc riêng biệt cho Phật giáo Việt Nam và trở thành một truyền thống độc đáo tồn tại ngay trong xã hội hiện đại.

Nhạc công chơi sáo và nhị

Kiến trúc

Chùa Thái Lạc được xây dựng từ thế kỷ 14 dưới thời Trần. Tam quan mở ra đường làng, nhìn về hướng đông-nam. Kiến trúc chùa theo kiểu "nội Công ngoại Quốc", gồm tiền đường năm gian hai dĩ và thượng điện ba gian cùng hai dãy hành lang mỗi bên chín gian, nhà tổ bảy gian ở phía sau.

Thượng điện có những mảng cốn và cột trốn được lắp trên các xà nách cùng một số ván nong được ghép ở giữa các xà dọc thượng và xà dọc hạ, có tác dụng trang trí và che kín các lớp kiến trúc. Các vì kèo có kích thước không lớn, được nối với nhau bằng những xà dọc và các đường hoành để tạo thành một bộ khung gỗ vững chắc dựa trên bốn hàng chân cột.

Phỗng đỡ toà sen

Trên thân một số cột trụ có hình phỗng đỡ bệ sen. Phía trên câu đầu còn gắn thêm bộ giá chiêng kiểu thấp, ở giữa không để trống mà ghép vào một mảng ván hình quầng lửa nhọn đầu. Chiếc ván bưng này về cấu trúc không có tác dụng chịu lực nên có lẽ chỉ được lắp thêm để tô điểm.

Di vật

Trong chùa còn giữ được tượng Pháp Vân, ba bệ thờ, ba tấm bia đá ghi việc trùng tu tôn tạo, có niên đại thế kỷ 16-17 và 16 bức phù điêu gỗ của nghệ thuật chạm khắc thời Trần. Năm 1964, chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, sau nâng lên di tích đặc biệt quan trọng.

Tiên dâng hoa

Đặc sắc nhất có lẽ là những ván nong chạm khắc hình tiên nữ. Chẳng hạn cặp tiên nữ thổi tiêu, kéo nhị đang cưỡi phượng; hoặc cặp tiên nữ thổi sáo, đánh đàn; hoặc tiên ngủ trong mây, tiên nữ đầu người mình chim dâng hoa; hoặc tam tấu nhạc cụ dân tộc...

Chùa Thái Lạc mang đặc trưng của những công trình kiến trúc gỗ cổ nhất như chùa Dâu, chùa Bối Khê. Sau nhiều lần trùng tu, đến nay ngoài một số cấu kiện hư hỏng đã thay đổi, chắp vá thì hầu hết thành phần, cấu kiện và các bức chạm cũng đang bị xuống cấp hoặc mục ruỗng, cần sửa chữa sớm. Rất lạ là tam quan và vườn tháp chùa chưa gặp nguy nhưng gần đây đã được xây lại.

Tiên đầu người mình chim

Di tích lân cận

Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCông