Trang nhà > Lịch sử > Khảo cổ học > Con sông Đuống và lực Coriolis
Con sông Đuống và lực Coriolis
Nguyễn Lê Anh
Thứ Tư 12, Tháng Sáu 2019, bởi
Xin giới thiệu một nghiên cứu mới của TS Nguyễn Lê Anh có nhiều quan điểm tương đồng với BBT Đông Tác. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng số liệu địa chất lấy từ nguồn khác chưa thuyết phục khi khảo cổ học cho biết đ̣ã tìm thấy dấu vết mang niên đại từ 22 đến 35 thế kỷ trước của những nền văn hoá cổ ở miền đất phía tây sông Nhuệ.
Chúng ta nghiên cứu về vị trí con sông Đuống bởi muốn biết các cuộc chiến của Hai Bà Trưng diễn ra ở đâu. Có thật là vào đầu Công Nguyên thì vùng đất Mê Linh, được cho là nơi Hai Bà sinh ra, đã có hay chưa?
Hiệu ứng Coriolis được đặt theo tên của nhà toán học người Pháp. Ông đã mô tả nó năm 1835 như sau "Đối với một hệ tự quay, ví dụ như Trái đất chẳng hạn, thì một vật chuyển động dọc theo đường bán kính theo chiều rời xa trục quay sẽ chịu tác động của một lực theo phương vuông góc với bán kính và theo chiều ngược với chiều quay của hệ, còn nếu vật chuyển động về phía trục quay thì lực sẽ tác động vào vật theo chiều quay của hệ qui chiếu."
Như thế khi chúng ta nhấn nút bồn cầu thì nước sẽ chuyển động xoáy tròn, ở phía Nam bán cầu xoáy ngược lại so với ở phía Bắc. Bất luận một xoáy nước nào ở phía Bắc bán cầu cũng đều xoáy theo cùng một chiều, và ở phía Nam bán cầu thì xoáy ngược lại.
Đối với nước con sông ở phía Bắc bán cầu thì lực Coriolis có xu thế đẩy nó chảy từ Tây sang Đông. Chính là nhờ vào lực này mà con sông Đuống được hình thành.
Con sông Đuống chảy trong phạm vi đồng bằng do phù sa sông Hồng bồi đắp một cái vịnh sâu chừng 100m mà thành. Phù sa sông Hồng bị dòng sông Đà và lực Coriolis đẩy về phía Bắc Ninh, Bắc Giang, rồi chảy men theo chân dãy núi thuộc vòng cung Đông Triều mà ra biển ở Hà Cối Quảng Ninh. Ra tới đây thì nó bị dòng hải lưu đẩy ngược trở lại và tạo thành các xoáy. Tâm của các xoáy nước là nơi phù sa lắng đọng và dần dần nhô lên như những gò đất kéo dài thành cồn lớn. Chúng ta tạm gọi cồn lớn nhất là cồn Ba Đình với đỉnh của nó ở vào khu vực Cổ Loa và Hoàng thành Thăng Long bây giờ.
Vào khoảng 6000 năm về trước mực nước biển gần như không thay đổi, bờ biển còn lan đến tận vùng đông-nam Phú Thọ. Khi ấy ngoài gò Ba Đình thì gần như toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ còn nằm dưới mặt nước biển khoảng 30m. Sông Đà chảy rất mạnh và hợp lưu với sông Thao, sông Lô thành sông Hồng đẩy toàn bộ phù sa về phía Đông vùng Việt Trì (nghĩa đen là "ao Việt"??), khiến cho các vùng đất dưới chân núi Ba Vì, Tam Đảo và men theo vòng cung Đông Triều của Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương xuất hiện rất sớm. Theo thời gian dòng nước sông Hồng đưa phù sa tới và làm cho các vùng đất này cao dần lên và nhô ra khỏi mặt nước biển. Vào khoảng 4000 năm về trước thì gò Ba Đình lớn dần đến mức khiến dòng nước sông Hồng bị chặn lại và lượng phù sa đưa lên phía Bắc ít đi. Phần lớn phù sa theo sông Đáy bồi đắp từ phía Đông của Sơn Tây xuống Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Luồng nước chảy từ Tây sang Đông của con sông Hồng 4000 năm ngày xưa thì bị yếu và hẹp dần, để lại di tích là con sông Đuống. Con sông Đuống chảy từ Tây sang Đông và đã tịnh tiến dần từ Bắc xuống Nam tới vị trí như chúng ta thấy hiện nay.
Xưa kia khi chưa có hệ thống đê, nước sông Hồng tự chảy lan ra khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, và mực nước vào mùa lụt chỉ dâng lên cao hơn mức nước bình thường khoảng 1m. Mỗi năm lượng phù sa này bồi đắp cho đồng bằng Bắc Bộ cao thêm khoảng 1mm, tức cứ 1000 năm là khoảng 1m. Kể từ khi có đê sông Hồng thì sự dịch chuyển Bắc Nam của con sông Đuống không còn nữa.
Nhìn vào bản đồ được vẽ vào năm 1910 với bản đồ Google hiện nay chúng ta có thể nhận thấy được sự dịch chuyển Bắc Nam của con sông Đuống. Hiển nhiên sự dịch chuyển là "nhảy cóc" khi đi vòng qua cồn Cổ Loa. Nhìn vào bản đồ chúng ta có thể nhận thấy cao độ của vùng đất phía Bắc và phía Nam con sông Đuống là gần như nhau, khoảng 8m so với mực nước biển. Như thế con sông này không phải do vết nứt địa chất nào tạo ra, mà đơn giản là do áp lực dòng nước sông Hồng chảy trên vùng đất phù sa mà thành. Vị trí của con sông này ở vào đầu Công Nguyên có thể là ở lùi trên phía Bắc, và có thể rất khác với hiện nay.
Tác giả: TS Nguyễn Lê Anh
Biên tập: TS Nguyễn Chí Công