Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Khoa học > Không gian > Phát hiện 2 hành tinh giống Trái Đất nhất và rất gần Hệ Mặt Trời

Phát hiện 2 hành tinh giống Trái Đất nhất và rất gần Hệ Mặt Trời

Thứ Năm 20, Tháng Sáu 2019, bởi Cong_Chi_Nguyen

Theo tác giả chính của công trình, Teegarden b và Teegarden c là hai hành tinh giống Trái Đất nhất đã tìm thấy từ trước đến nay. Tiềm năng nuôi dưỡng sự sống của chúng đang khiến các nhà khoa học phấn khích hơn bao giờ hết

Theo tin tức vũ trụ mới nhất, giới thiên văn học tin rằng họ vừa tìm thấy hai hành tinh mới giống Trái Đất nhất trong lịch sử, nâng tổng số những hành tinh và ngoại hành tinh (hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời) có điều kiện và môi trường có thể sống được lên con số 19.

Bay theo quỹ đạo của một ngôi sao thuộc chòm sao Bạch Dương, hai hành tinh này chỉ cách Hệ Mặt Trời chúng ta 12,5 năm ánh sáng [1].

"Hai hành tinh này rất giống với các hành tinh đất đá trong Hệ Mặt Trời của chúng ta. Một trong số đó có thể có sự tương đồng lớn nhất với Trái Đất mà loài người đã khám phá được từ trước đến nay." - Nhà vật lý thiên văn Mathias Zechmeister, tác giả chính của công trình nghiên cứu, cho biết.

"Chúng chỉ nặng hơn Trái Đất của chúng ta một chút và nằm trong khu vực được gọi là nơi có thể ở được (habitable zone), nơi nước có thể có ở dạng lỏng." - Nhà vật lý thuộc Đại học Göttingen (Đức) cung cấp thêm thông tin.

Đột phá trên hành trình tìm kiếm "hành tinh sự sống"

Năm 2003, ngôi sao đỏ lùn Teegarden thuộc chòm sao Bạch Dương được giới thiên văn phát hiện. Theo dữ liệu ban đầu, sao Teegarden khoảng 8 tỷ năm tuổi, nhẹ hơn khoảng 10 lần so với Mặt Trời của chúng ta, và là một trong những ngôi sao nhỏ nhất mà chúng ta biết.

Mặc dù chỉ cách Hệ Mặt Trời hơn 12 năm ánh sáng nhưng việc nghiên cứu ngôi sao Teegarden và hành tinh của nó là một thách thức. Theo các nhà khoa học, các hệ hành tinh khác xung quanh một ngôi sao tương tự thường được phát hiện bằng phương pháp quan sát sự chuyển động của hành tinh quanh ngôi sao mẹ.

Tuy nhiên, do sự liên kết cũng như độ mờ của Teegarden khiến giới khoa học không thể quan sát được hành tinh của Teegarden. Bởi vậy, các nhà thiên văn học đã phải sử dụng kính viễn vọng thế hệ tiếp theo của CARMENES (thiết kế chuyên biệt cho hệ Teegarden) để tìm ra các hành tinh xung quanh nó.

Nằm tại Đài thiên văn Calar Alto của Tây Ban Nha, CARMENES cho phép các nhà nghiên cứu tìm kiếm bất kỳ thay đổi nào trong vận tốc hướng tâm của ngôi sao nhỏ.

Sau 3 năm quan sát chặt chẽ, quan sát bất kỳ ’rung lắc’ nào được tạo ra bởi các vật thể quay quanh ngôi sao mẹ Teegarden. Cuối cùng, sau hơn 200 phép đo, các nhà thiên văn học cũng phát hiện sự tồn tại của hai hành tinh đặt tên lần lượt là Teegarden b và Teegarden c.

Theo tác giả chính của công trình, đây là hai hành tinh giống Trái Đất nhất từ trước đến nay.

Để đảm bảo kết quả của phát hiện mới, các nhà nghiên cứu đã bổ sung các quan sát của họ bằng dữ liệu trắc quang (đo ánh sáng) thu được từ Teegarden.

Teegarden b và Teegarden c: Ứng viên sáng giá cho phiên bản "Trái Đất 2.0"

"Các hành tinh Teegarden b và c là những hành tinh đầu tiên được phát hiện theo phương pháp vận tốc hướng tâm xung quanh một ngôi sao lùn mát mẻ như vậy."— nhóm nghiên cứu cho biết.

"Cả hai hành tinh đều có khối lượng tối thiểu gần bằng Trái Đất. Chúng được dự đoán là có bán kính giống Trái Đất, và có các thành phần cấu tạo gồm đá, một phần sắt hoặc nước."

Sau khi quan sát, các nhà nghiên cứu quốc tế cho biết: Teegarden b là hành tinh trong cùng; nó có 60% cơ hội có môi trường bề mặt ôn đới, có nhiệt độ khoảng từ 0° đến 50° C, thậm chí là 28°C. Teegarden c, mặt khác, ở vị trí xa ngôi sao mẹ Teegarden hơn và có nhiệt độ bề mặt giống như sao Hỏa, nhiệt độ khoảng -47°C.

Với khối lượng tương tự Trái Đất và khoảng cách tiếp xúc với bức xạ mặt trời (sao mẹ Teegarden), cả hai hành tinh này đứng đầu trong Danh mục ngoại hành tinh có thể sống được. Trên thực tế, Teegarden b đã thực sự đạt được Chỉ số Tương tự Trái đất (ESI) cao nhất từ ​​trước đến nay.

Mặc dù kết luận này chưa đồng nghĩa với việc một trong hai hành tinh thực sự có thể là nới con người ở được nhưng theo giới thiên văn đó là một phát hiện đầy hứa hẹn. Mathias Zechmeister nói với The Guardian rằng nếu những hành tinh này có bầu khí quyển, thì sự sống hoàn toàn có thể sinh sôi, nảy nở.

Lauren Weiss, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Hawaii (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu này, nói với National Geographic rằng vẫn còn một số chi tiết kỹ thuật cần được kiểm định, nhưng cô ấn tượng với phát hiện của các nhà thiên văn quốc tế.

Trong khi nhóm nghiên cứu dự đoán Teegarden b hoàn thành quỹ đạo của mình sau 4,9 ngày Trái Đất và còn Teegarden c là 11,4 ngày Trái Đất, thì Lauren Weiss lập luận rằng hành trình của hai hành tinh này có thể đi nhanh hơn thế, điều này chắc chắn sẽ làm giảm khả năng là nơi có thể ở được (habitable zone) của chúng.

Với phát hiện này, Teegarden là hệ sao gần thứ 24 so với Hệ Mặt Trời, các hành tinh mới phát hiện của nó là một trong những ứng viên tuyệt vời cho các nghiên cứu trong tương lai. Tiềm năng nuôi dưỡng sự sống của chúng đang khiến các nhà khoa học phấn khích hơn bao giờ hết.

Công trình nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Thiên văn học & Vật lý thiên văn.

(Theo Science Alert, National Geographic, The Guardian)


[11 năm ánh sáng tương đương 9,5 nghìn tỷ km.