PHÁT HIỆN THÊM MỘT HÀNH TINH CÓ THỂ CÓ SỰ SỐNG

space

Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã tìm ra một hệ Mặt Trời mới, gọi là GJ 357, gồm có 3 hành tinh và một hành tinh trong số đó có những điều kiện phù hợp cho con người chúng ta có thể đến sinh sống.


Hình trên cho thấy hành tinh GJ 357d (màu trắng) bay theo quỹ đạo trong vùng màu xanh được gọi là habitable zone (có thể sống được) của hệ GJ 357. Nếu GJ 357d có bề mặt đất đá và bầu khí quyển dày đặc (điều cần xác định bằng các nghiên cứu tiếp theo) thì nó có thể đủ ấm để cho phép sự hiện diện của nước lỏng. (Minh họa: Trung tâm bay không gian Goddard của NASA / Chris Smith)

Trưởng nhóm là nhà thiên văn học Rafael Luque một nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý thiên văn Quần đảo Canary (IAC) ở đảo Tenerife, Tây Ban Nha. Nhóm của Luque đã phân tích hàng núi dữ liệu thu thập từ Đài thiên văn Nam châu Âu và Đài thiên văn Las Campanas ở Chile, Đài thiên văn W.M.Keck ở Hawaii và Đài thiên văn Calar Alto ở Tây Ban Nha, v.v.. Một bài báo mô tả phát hiện trên đã được công bố vào thứ Tư ngày 31-7-2019 trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, có thể xem trực tuyến tại đây.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã ra thông báo sau khi vệ tinh Khảo sát Exoplanet của họ (TESS) quan sát thấy 3 hành tinh quay quanh GJ 357, một ngôi sao lùn loại M, chỉ bằng một phần ba về khối lượng, kích thước và lạnh hơn khoảng 40% so với Mặt Trời của chúng ta. Một trong số đó nằm trong vùng "có thể ở được" và nếu địa hình bề mặt là đất đá thì hành tinh này có thể có kích thước gấp đôi Trái Đất.

GJ 357 nằm cách chòm sao Hydra 31 năm ánh sáng. Vào tháng 2-2019, các máy ảnh của TESS đã nhận ra GJ357 mờ đi sau mỗi 3,9 ngày, cho thấy sự hiện diện của một "ngoại hành tinh" (Exoplanet: một hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời của chúng ta) đang quá độ: nó đi ngang qua GJ357 trong mỗi chu trình quỹ đạo và làm mờ đi ánh sáng của GJ357.

Hành tinh xa nhất tên là GJ 357d, có những đặc điểm mà các nhà nghiên cứu cho rằng con người có thể sinh sống được trên đó. Hai hành tinh còn lại dường như bị GJ 357 chiếu sáng gần quá nên nóng cháy.

Nếu GJ 357d không có bầu khí quyển đủ dày, nhiệt độ sẽ hạ xuống quá thấp khiến con người khó có thể ở được và nước đóng băng cũng không cho phép nảy sinh sự sống. Hành tinh này nặng ít nhất 6,1 lần khối lượng Trái Đất và có chu kỳ quay quanh GJ 357 là 55,7 ngày với cự ly bằng chừng 20% khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời của chúng ta.

Các dấu hiệu cho thấy sự sống có thể tồn tại trên một hành tinh gồm địa hình đất đá, có kích cỡ tương đương Trái Đất của chúng ta và bay ở một quỹ đạo cách Mặt Trời của nó tương đương khoảng cách giữa Trái Đất với Mặt Trời của chúng ta. Đó là điều kiện cho phép giữ một nhiệt độ thích hợp để nước tồn tại ở dạng lỏng - nhân tố quan trọng cho sự sống nảy nở và duy trì.

Nhà thiên văn học Luque nói hành tinh GJ 357d có khoảng cách tới Mặt Trời của nó tương đương khoảng cách từ Sao Hỏa tới Mặt Trời của chúng ta, cho phép dự đoán nhiệt độ tại đây là -53 độ F (-53 độ C), tức là quá lạnh.

Nhưng ông cho biết nếu hành tinh này có bầu khí quyển dày đặc (khác với sao Hỏa) thì nó có thể hạn chế sức nóng từ GJ 357 và nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Các nhà nghiên cứu cũng ước tính GJ 357d có kích cỡ tương đương hoặc gấp đôi Trái Đất của chúng ta.

Đồng tác giả của Luque là bà Diana Kossakowski, thuộc Viện Thiên văn học Max Planck tại TP Đức Heidelberg, nói GJ 357d nằm ở rìa ngoài khu vực có thể sống được của hệ, nơi nó nhận được cùng một lượng nhiệt năng từ GJ 357 như sao Hỏa nhận từ Mặt Trời.

Đây không phải lần đầu tiên giới thiên văn học phát hiện ra những hành tinh nơi sự sống có thể tồn tại. Trước đó vào năm 2016, phát hiện về hành tinh Proxima b bay cách hệ Mặt Trời của chúng ta khoảng 4 năm ánh sáng, cũng đã gây sự chú ý nóng bỏng. Các nhà thiên văn học phát hiện cả hai hành tinh Proxima b và GJ357d đều bằng phương pháp vận tốc hướng tâm (radial velocity). Tuy nhiên, ông Luque cho biết phương pháp này chưa đủ chính xác để khẳng định chắc chắn rằng hành tinh đó có thể là nơi con người sinh sống được hay không.

(Theo NASA)