Trung Quốc năm 2019

Trung Hoa

A. Những dịp kỷ niệm quan trọng

Vì những lý do số học bí ẩn nào đó năm 2019 đã quy tụ những ngày kỷ niệm chẵn hầu như tất cả các sự kiện quan trọng trong lịch sử hiện đại Trung Quốc:

  • 100 năm phong trào sinh viên Ngũ Tứ;
  • 90 năm sự kiện lần đầu tiên Liên Xô - Trung Quốc xung đột quân sự tranh giành lãnh thổ;
  • 80 năm trận Trường Sa lần thứ nhất - trận chiến lớn nhất trong Chiến tranh Trung Nhật;
  • 70 năm thành lập CHND Trung Hoa;
  • 60 năm đàn áp cuộc nổi dậy ở Tây Tạng buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma phải sống lưu vong;
  • 50 năm xung đột biên giới Xô- Trung lần 2 đặt hai nước bên miệng vực một cuộc chiến lớn;
  • 40 năm chiến tranh biên giới xâm lược Việt Nam;
  • 30 năm ngày đàn áp sinh viên biểu tình Thiên An Môn;
  • 20 năm kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống lại phong trào Pháp Luân Công;
  • 10 năm bạo động tại Ürümqi Tân Cương.
  • 2019: Hong Kong !

Từ năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không ngừng yêu cầu trong bất luận trường hợp nào cũng không được để xảy ra các vấn đề có thể gây “rủi ro xã hội”. Ổn định xã hội là trên hết.

Hong Kong đang là thử thách với Trung Quốc. Chắc Trung Quốc sẽ mạnh tay, nhất là với tính cách và tham vọng của Tập Cận Bình. Thất bại tại Hong Kong thì quên đi Đài Loan và nguy cơ Trung Quốc vỡ làm nhiều mảnh là kịch bản không hề tưởng tượng.

B. Đất nước Trung Quốc lộ rõ tham vọng bá chủ toàn cầu

Sau giai đoạn phát triển kinh tế thần kỳ và trở thành công xưởng thế giới, Trung Quốc đang tìm cho mình động lực tăng trưởng mới, cũng là lúc nước Mỹ của ông Trump đang muốn đập bỏ các nguyên tắc quan hệ kinh tế quốc tế cũ và xây dựng hệ thống mới “sòng phẳng hơn”, và cũng là khi con gấu Nga của ông Putin lấy lại được phần nào ánh hào quang của cường quốc quân sự nhưng cũng đang ngập đầu với các bế tắc kinh tế kinh điển. Diễn biến bàn cờ thế giới vẫn quay quanh 3 cường quốc này với các vai trò khác nhau. Đã có lúc Liên Xô - Trung Quốc một phe chống Mỹ. Rồi Trung-Mỹ một phe tẩn Liên Xô. Đã có lúc ai đó có ý tưởng Nga-Mỹ chống Trung nhưng bất thành vì quá nhiều mâu thuẫn. Rồi bây giờ Nga-Trung hợp nhau chiến với Mỹ. Dẫu ai cũng hiểu liên minh Trung - Nga chỉ là tạm thời và với lịch sử quan hệ 2 nước Putin đủ cáo để hiểu điều ấy quá rõ. Nhưng tình hình kinh tế Nga bắt buộc ông ta phải tìm một lối thoát trong bối cảnh cấm vận kéo dài.

Các cuộc đi đêm trên bàn đàm phán ngoại giao dường như vẫn tiếp tục nhưng dậm chân tại chỗ dù các quân cờ di chuyển khá liên tục. Cuộc chiến tranh Lạnh mới bắt đầu bằng cuộc chiến Thương Mại.

C. Hiện Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề lớn nhất: Kinh tế

Sau những năm phát triển thần kỳ bằng sự hỗ trợ của Mỹ, chính sách tiền tệ khôn khéo, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008 bằng chương trình kích cầu khổng lồ, sự hỗ trợ phía sau của nhà nước, kinh tế và doanh nghiệp Trung Quốc đã vươn lên hàng đầu thế giới và GDP đã bằng 2/3 nước Mỹ. Tuy nhiên như đã nhiều lần nói, chính sách tiền tệ đòi hỏi khả năng hấp thụ của nền kinh tế, tự thân nó luôn 2 mặt và hiệu ứng phụ là khôn lường nếu dùng quá liều. Có vẻ điều ấy đang diễn ra ở đây: hiện động lực tăng trưởng của Trung Quốc có vẻ đã hết thời. Nền kinh tế như con nghiện đòi hỏi bơm tiền ngày càng nhiều (H.1) nhưng hiệu quả năng suất thì phập phù (H2). Đúng lúc ấy Donald Trump lên tổng thống Mỹ và phát động cuộc chiến thương mại. Chính sách tiền tệ trước đây hỗ trợ xuất khẩu, tăng dự trữ ngoại hối và tiềm lực kinh tế phục vụ cho OBOR, bẫy nợ v.v. nay bị đe doạ. Trung Quốc cần phải tìm cách thoát khỏi 2 cái bẫy: 1 cái bởi chính sách tiền tệ tạo ra, 1 cái do chiến tranh thương mại mang lại. Thoát bẫy này còn là để khẳng định vị thế của ông Tập. Do đó không loại trừ các nước cờ chính trị thâm nho, độc địa mà người Trung vốn giỏi.

D. Trong bối cảnh ấy sự kiện Bãi Tư Chính nổ ra

Không phải là dân chính trị quốc tế chuyên nghiệp, nhưng như bất cứ người Việt nào tôi không thể không có những suy nghĩ, tìm hiểu để dự báo và lựa chọn hành động cho mình. Tôi chia sẻ mấy suy nghĩ:

  1. Biển Đông không phải là đích cuối Trung Quốc nhắm đến. Việt Nam không phải là mục tiêu duy nhất mà Trung Quốc muốn chiếm lĩnh hay duy trì ảnh hưởng. Mục tiêu của Trung Quốc là toàn cầu. Biển Đông và Việt Nam chỉ là cửa ngõ quan trọng để Trung Quốc thực hiện các bước đi qua trên con đường trường chinh họ muốn thực hiện.
  2. Chương trình “Một vành đai một con đường - OBOR” nằm trong kế hoạch gạ gẫm “Cùng nhau khai thác” để xây dựng con đường trên bộ phục vụ kế hoạch trên của Trung Quốc. Việt Nam nằm trong kế hoạch này nhưng không phải không thể thay thế.
  3. Trên biển vai trò và vị trí của Việt Nam lại khác: không qua được Việt Nam Trung Quốc khó lòng kiểm soát biển Đông. Trung Quốc sẽ bằng mọi giá chiếm lĩnh Biển Đông theo ý đồ đường 9 đoạn để làm chủ đường biển ra đại dương. Sự lựa chọn này gần như là duy nhất cho việc thiết lập “Chuỗi ngọc trai - String of Pearl - con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc sau khi Myanmar đột ngột cải tổ năm 2011-2012 và Trung Quốc mất cơ hội thiết lập con đường ngắn nhất ra Ấn Độ Dương. Myanmar là thất bại chính trị lớn của Trung Quốc. Biển Đông hiện là huyết mạch vận tải dầu lửa, là đường dẫn duy nhất Trung Quốc có thể kiểm soát để ra đại dương (ngược lên phía Bắc bị Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga án ngữ là khu vực khó nhằn hơn nhiều), là cửa ngõ vào tam giác Chu Hải - Hongkong - Macao nơi có cầu biển dài nhất thế giới đi qua. Tam giác này có vai trò chiến lược trong tham vọng của Trung Quốc xây dựng thành khu động lực phát triển kinh tế như vịnh Tokyo với Nhật Bản và San Francisco, New York với Mỹ. Biển Đông là con đường chiến lược, là vùng “lợi ích cốt lõi”, đảm bảo an toàn quốc gia, an ninh cũng như tăng trưởng kinh tế và vị thế quân sự của Trung Quốc.

E. Như vậy có thể dự đoán căng thẳng biển Đông sẽ ngày càng căng lên và Trung Quốc sẽ quyết chiếm giữ bằng mọi giá.

Trên biển Đông Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược cướp được chỗ nào là cướp, lấn như cỏ dại. Chiếm được là giữ chặt 50-100 năm và biến thành của mình thep kiểu “để lâu cứt trâu hoá bùn”. Do vậy các vụ khiêu khích giả mà thật - thật mà giả, cương rồi nhu, biến không tranh chấp thành tranh chấp nhỏ - biến tranh chấp nhỏ thành tranh chấp lớn, đàm rồi đánh - đánh rồi đàm, vừa đe vừa vuốt, vừa mua vừa bán, cướp không được xoay sang gạ gẫm cùng nhau khai thác và trong lúc cùng nhau khai thác cướp được gì là cướp... sẽ tăng dần cường độ. Đây là chiến lược rất khó chịu, dài hạn và rất khó chống đỡ khi tham vọng chiếm đóng là của một kẻ đông dân, lắm của và tiềm lực quân sự không nhỏ.

F. Trong bối cảnh ấy Việt Nam, hàng xóm chung biên giới với Trung Quốc và lợi ích gắn với Biển Đông chặt chẽ nhất, sẽ thế nào?

  1. Tranh chấp biên giới đất liền sẽ bớt căng thẳng thường xuyên và chuyển sang tranh chấp trên biển. Chiến tranh xâm lược Việt Nam chắc Trung Quốc không dám, không muốn vì dù họ có đông bao nhiêu cũng khó chiến thắng trong một cuộc chiến tranh nhân dân trên bộ, điều người Việt Nam làm rất giỏi. Hơn thế nữa phản ứng quốc tế và nguy cơ sa lầy là rõ.
  2. Tranh chấp sẽ chuyển ra biển Đông, nơi nếu chiến sự xảy ra Trung Quốc mạnh hơn về lực lượng. Hơn thế nữa tranh chấp dường như đang tồn tại, được chấp nhận là có tranh chấp và các đối thủ thì rời rạc và yếu thế hơn Trung Quốc. Về vấn đề Biển Đông cho đến lúc này mỗi Việt Nam và sau đó Philipines là găng với Trung Quốc nhất. Các nước khác có vẻ dè chừng, dù ai cũng hiểu Trung Quốc chiếm giữ Biển Đông là hiểm hoạ cho tất cả bao gồm một loạt các nước láng giềng như Indonesia, Malaysia, Brunei... xa hơn là các cường quốc bậc trung như Nhật Bản, Úc và xa hơn nữa là Mỹ và đồng minh. Cần khôn khéo, làm gì cũng được nhưng đừng để mình là điểm tựa, là tiền đồn, đầu sóng ngọn gió, đứng mũi chịu sào... khi vấn đề không chỉ của mỗi mình ta. Chỉ một cớ nhỏ từ chiến tranh lạnh có thể thành chiến tranh nóng trong một cuộc chiến uỷ nhiệm mà người Việt Nam sẽ chịu thiệt nhiều nhất. Chuẩn bị cho chiến tranh nhưng chiến thắng mà không mất một người lính mới là mục tiêu. Điều này thật là khó nhưng luôn mong như vậy.
  3. Quốc tế hoá, đa phương hoá đều nên làm nhưng kỳ vọng không nhiều vì cuối cùng quyền lợi quốc gia, phiếu bầu cử tri vẫn là trên hết. Sẽ không quốc gia nào hy sinh một mẩu da thịt, ghé vào một phần công sức hay bỏ ra một đồng chi viện nếu không có lợi ích. Kiện Toà án quốc tế cũng nên làm khi có thể nhưng kể cả thắng kiện sẽ không có lực lượng thi hành án nào thực thi khi 1 ghế Thường trực Hội đồng Bảo an vẫn còn của Trung Quốc.
  4. Liên minh với nước khác, quốc tế hoá vấn đề biển Đông, khẳng định quyền của các quốc gia khác trong khu vực cần nghĩ đến lâu dài. Đừng hợp thức hoá cho họ 1 vé tham gia giải quyết vấn đề biển Đông, có quyền lợi tại khu vực mà không có đảm bảo... để rồi họ bán khi được giá. Bên cạnh đó hãy nghĩ đến khi ta giành lại được biển Đông những tấm vé ấy, quyền lợi ấy còn tiếp tục duy trì thì thế hệ sau có thấy đúng hay không.
  5. Nói như vậy để thấy cuối cùng chúng ta phải tự mình giải quyết các vấn đề của mình. Lãnh thổ là vấn đề lịch sử có những điểm mờ hay cớ để tạo ra tranh chấp và bên thắng thường thuộc về kẻ mạnh về lực vững về thế. Thế của một quốc gia hôm nay là kinh tế, quân đội vũ khí là lực. Sự lớn lên của Trung Quốc và cuộc chiến thương mại là thách thức nhưng lớn hơn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng và giàu lên, tức là nước Việt giàu lên. Khi chúng ta giàu thì mới có được thế, mới tạo được lực và việc thiết lập các liên minh win-win mới thực chất.
  6. Cần có các biện pháp ngăn chặn nhập cư Trung Quốc dưới nhiều hình thức. Hãy nhìn lại tháng 2-4/2019: Philipines đã ngưng ý đồ đưa gần 300.000 công nhân Trung Quốc đang làm việc không giấy phép tại đây về nước khi bị Trung Quốc yêu cầu Philipines hành động một cách “chuyên nghiệp” vì lý do nhân đạo (lý do khác đưa ra là cũng có gần 300.000 người Philipines làm việc không giấy phép tại Trung Quốc. 300.000 trên 1,4 tỷ dân khác hẳn 300.000 trên gần 105 triệu chứ nhỉ...). Việc người Trung Quốc mua BĐS trái phép ở Việt Nam khá nhiều, chưa có thống kê và cũng có thể là vấn đề. Nếu số lượng lên hàng trăm ngàn, hàng triệu thì có dễ dàng xử lý họ không sẽ là một câu hỏi.

Lý Xuân Hải