VĂN HÓA LƯƠNG CHỬ VÀ TIỀN SỬ TRUNG QUỐC
Trung HoaGiới sử học Trung quốc có câu: Muốn biết lịch sử TQ 500 năm hãy đến Bắc Kinh xem Cố Cung. Muốn biết LSTQ 1000 năm hãy đến Khai Phong xem Thanh Minh Thượng Hà Viên. Muốn biết LSTQ 2000 năm hãy đến Tây An xem Lăng Tần Hán đế. Muốn biết LSTQ 5000 năm hãy đến Hàng Châu xem Lương Chử.
Trên địa phận nước TQ ngày nay, vào thời tiền sử (khoảng trước năm 1300 TCN) từng tồn tại một số nền văn minh kéo dài 1000-3000 năm. Sở dĩ người ta biết đến chúng là do khai quật được những di vật của các thời đại đó. Vì không có sử sách ghi chép nên việc tìm hiểu các nền văn minh đó rất khó khăn, phải kéo dài.
- Những nền văn hoá đương thời với Lương Chử
Trước hết ta hãy tìm hiểu về Văn minh Lương Chử; di tích này được khai quật đã lâu và có nhiều di vật, năm 2019 lại được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Di tích cổ Lương Chử ở thị trấn Lương Chử, phía bắc thành phố Hàng Châu 18 km, thuộc lưu vực sông Tiền Đường và lưu vực Thái Hồ (hạ lưu Trường giang) là đại diện của một nền văn hóa cách nay 5300-4300 năm. Vào cuối thời đại Đồ đá Mới đã có các tộc người tập trung định cư ở vùng này.
Tại đây từ tháng 12/1936 đến 3/1937, nhà khảo cổ không chuyên nghiệp Thi Hân Cánh (Shi Xingeng, 1911-1939) đã tiến hành ba lần khai quật, kết quả phát hiện được nhiều di vật đồ đá và đồ gốm cổ. Di vật tập trung nhiều ở phía đông và đông-bắc sông Tiền Đường. Đặc điểm chính của di tích này là có những đồ ngọc mộ táng, như ngọc bích, mũ ngọc, vòng ngọc... [nhưng từ năm 1973 mới tìm ra ngọc trong các mộ quý tộc]. Đồ gốm khai quật được cũng khá tinh sảo. Năm 1938 bản báo cáo sơ bộ về việc khai quật do ông Thi Hân Cánh viết được xuất bản ở Thượng Hải.
- Mặt người bằng ngọc, Lương Chử
Từ 1959, di tích này được giới sử học TQ chính thức gọi là di tích của Văn hóa Lương Chử (Liangzhu Culture). Sau thời kỳ văn hóa Lương Chử có ba thời kỳ văn hóa Hạ, Thương, Chu liên tiếp nối nhau. [Tiền thân của chữ Hán được cho là xuất hiện lần đầu tiên cách nay khoảng 3300 năm, tức vào thời nhà Thương].
Từ 1959 trở đi, việc khai quật di tích Lương Chử được tiến hành với quy mô lớn, kéo dài. Năm 1973, lần đầu tìm được các đồ ngọc mộ táng tại Lương Chử, qua đó nhận thức về văn hóa Lương Chử có bước tiến đột phá.
Cuối 1982 đào được nhiều di vật đồ đá, ngọc, gốm sứ, trong đó có loại đồ trang sức bằng ngọc hình con rồng sớm nhất trong lịch sử TQ. Các năm 1986-87 lại đào được nhiều đồ tùy táng, 90% là đồ ngọc. Cũng phát hiện được một số mảnh vụn đồ sợi, hàng lụa. Khai quật 11 ngôi mộ cổ lấy được hơn 3200 di vật, có hơn 500 đồ ngọc tùy táng. Năm 1994 lại phát hiện nền móng một kiến trúc cực lớn, rộng tới 300 nghìn m2, được cho là một bệ đất đắp, chỗ đắp dày nhất tới 10,2 m.
- Mặt nạ Lương Chử
Các đồ đá khai quật được có: liềm đá, mũi tên 镞, mâu, đao chế tạo tinh sảo chứng tỏ nghề thủ công đã có trình độ cao. Di vật lưỡi cày đá cho thấy con người thời ấy đã tiến sang giai đoạn trồng lúa. Đặc biệt đồ ngọc có số lượng nhiều, chủng loại phong phú, chạm khắc tinh sảo. Nhiều đồ ngọc và đồ gốm có những ký hiệu gần với chữ viết thời Thương-Chu, là tiêu chí quan trọng cho thấy văn hóa Lương Chử đã tiến sang thời đại văn minh.
Sau 70 năm khai quật di tích Lương Chử, ngày 29/11/2007 giới khảo cổ TQ công bố đã phát hiện một thành cổ rộng hơn 2,90 triệu m2 tại vùng trung tâm của di tích này, gọi là “Trung Hoa đệ nhất thành". Đây là thành cổ lớn nhất vào thời viễn cổ, là thủ đô của thời Lương Chử. Thành dài x rộng khoảng 1500x1800m, hình chữ nhật góc cong. Đoạn tường thành còn sót lại cao 4 m, rộng 40-60 m, làm bằng đất nện.
Phát hiện tường thành này đánh dấu một giai đoạn quan trọng – xác lập nền văn minh Lương Chử (VMLC) ra đời ít nhất cách nay 5300 đến 4300 năm, trước cả đời Hạ.
- Trụ ngọc Lương Chử
Cục Văn vật quốc gia TQ tuyên bố: quần thể di tích Lương Chử là thánh địa chứng minh lịch sử văn minh Trung Hoa 5000 năm. Ngày 6/7/2019 thành cổ Lương Chử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Trước đó tại Hàng Châu đã thành lập Viện Bảo tàng Lương Chử rộng 40.000 m2, mở cửa từ 29/9/2008. Viện được xây dựng trên cơ sở Nhà Bảo tàng Lương Chử cũ (rộng 9000 m2, mở cửa từ 5/1994), trưng bày nhiều di vật của nền văn hóa Lương Chử.
Cho tới nay đã phát hiện 135 di tích làm nên một quần thể di tích mà giới sử học gọi là “Di chỉ Lương Chử”, có quy mô lớn nhất trong các di tích thời tiền sử, diện tích tới 34 km2 . Di tích VMLC là chứng cớ hiện vật của một nền văn minh viễn cổ, được cho là khởi nguồn, là buổi bình minh của văn minh Trung Hoa. Phát hiện VMLC khiến người TQ phải viết lại lịch sử của họ.
VMLC là một nền văn minh tiền sử, bởi lẽ thời đó TQ chưa có chữ viết (chữ Giáp Cốt mới xuất hiện cách nay 3300 năm) cho nên không có ghi chép gì.
- Chậu gốm Lương Chử
Sau thời kỳ văn hóa Lương Chử không lâu, hai bộ tộc người Việt [xin chớ nhầm với người Việt Nam hiện đại] và người Ngô bước lên vũ đài lịch sử của vùng đất thuộc cương vực văn hóa Lương Chử. Có ý kiến cho rằng 20-100 nghìn năm trước, Việt tộc chủ yếu sống ở đồng bằng Ninh Thiệu, tỉnh Chiết Giang. 15 nghìn năm trước do môi trường thiên nhiên xấu đi họ phải di cư đi nơi khác, trong đó có một nhánh vượt sông Tiền Đường định cư ở Lương Chử và trở thành tổ tiên của người Lương Chử.
Vì không có sử sách ghi lại nên VMLC vẫn là một bí ẩn chưa giải được, nhất là sự biến mất của nó. Có ý kiến cho rằng cuối thời văn hóa Lương Chử, khí hậu toàn cầu nóng lên, nước biển dâng cao thêm 2 m, đồng bằng Thái hồ bị ngập gần hết, toàn bộ lưu vực tam giác Trường giang ngập nước. Người Lương Chử buộc phải di cư đi các nơi khác.
Cũng có ý kiến cho rằng văn hóa Lương Chử biến mất là kết quả của các cuộc chiến tranh giữa các Phương quốc bộ lạc vùng này. Văn hóa Lương Chử ra đời sau văn hóa Trung Nguyên, tương đương giai đoạn cuối của thời đại Ngưỡng Thiều của Trung Nguyên. Trước văn hóa Lương Chử 3000 năm, Trung Nguyên từng có văn hóa Bùi Lý Cương.
- Đĩa đá Lương Chử
Văn hóa Lương Chử chỉ tồn tại có 1000 năm, không được kế thừa tốt, và có phạm vi ảnh hưởng không lớn, chỉ tác động trong phạm vi hai tỉnh Giang Tô, Chiết Giang. Nhưng trình độ chế tác đồ ngọc của văn hóa Lương Chử cao hơn văn hóa Trung Nguyên. Về sau tại bồn địa Hàng Châu xuất hiện văn hóa Mã Kiều có quy mô nhỏ hơn văn hóa Lương Chử.
Văn hóa Lương Chử ở miền nam và văn hóa Trung Nguyên ở miền bắc làm nên bộ mặt văn hóa tiền sử phong phú ở đại lục Trung Hoa, chứng tỏ nơi đây từng có nền văn minh 5000 năm.
Một nghiên cứu phân tích năm 2007 về DNA được phục hồi từ hài cốt của con người trong các địa điểm khảo cổ tiền sử dọc theo sông Dương Tử cho thấy tần xuất cao của nhóm ty thể Haplogroup O1 (Y-DNA) trong văn hóa Lương Chử, liên kết chúng với các dân tộc Nam Đảo Austronesian và Tai-Kadai. Văn hóa Lương Chử tồn tại ở khu vực ven biển quanh cửa sông Dương Tử. Nhóm ty thể O1 vắng mặt ở các địa điểm khảo cổ khác trong nội địa. Các tác giả của nghiên cứu cho rằng đây có thể là bằng chứng của hai tuyến di cư của con người đến miền Đông Á, gồm vùng định cư ven biển khác với vùng định cư trong nội địa, và có một dòng di truyền nho nhỏ giữa chúng.
Nguyễn Hải Hoành