Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Con người > Hồi tưởng > Năm mươi năm mắc dịch (2)

Kỷ niệm từ Hội nghị Paris

Năm mươi năm mắc dịch (2)

GS Nguyễn Ngọc Giao

Chủ Nhật 25, Tháng Tám 2019, bởi CTV

Đời “mắc dịch” của tôi, tuy vậy cũng có những phút vinh quang. Tương đối khá sớm, trong mấy phiên dịch viên (tiếng Pháp) của phái đoàn Xuân Thuỷ, tôi trở thành người phiên dịch “số 1” trong các buổi dạ tiệc ngoại giao.

Đó là những bữa ăn tối mà chủ nhà là một nhân vật Pháp (trong đó phải kể bà Geneviève Tabouis, nhà báo lão thành, cháu họ nhà ngoại giao Cambon ở Hội nghị Versailles 1919, nên đã có dịp tiếp Nguyễn Ái Quốc đến Versailles đưa “yêu cầu 8 điểm”), mời trưởng đoàn và vài thành viên phái đoàn VNDCCH, trao đổi “không chính thức” với những chính khách Pháp (như các bộ trưởng bộ ngoại giao Maurice Couve de Murville, Michel Debré...). Theo tập tục lễ tân Pháp, người phiên dịch ăn trước hay ăn sau, ngồi phía sau hai nhân vật chủ chốt, tập trung vào việc dịch cuộc đối thoại giữa hai người. Lễ tân Việt Nam, có lẽ muốn “dân chủ hoá”, quy định người phiên dịch ngồi giữa, vừa dịch vừa ăn (lúc không phải dịch). Khốn nỗi, theo phép lịch sự, khi thấy người đối thoại đang nhai, ngừng nói, thì nhà ngoại giao hay chính khách thường phát biểu, tránh để xảy ra những phút im lặng quá dài. Kết quả là các anh phiên dịch của phái đoàn, sau một bữa tiệc như vậy, trở về nhà, mệt phờ và đói meo. Đến phiên tôi, tuy cũng mệt (dịch bao giờ cũng căng, phải tập trung), nhưng không bao giờ đói cả.

Tôi trở thành chuyên gia dịch tiệc tối, không phải vì tài dịch, mà nhờ tài... ăn rất nhanh. Để an ủi các anh phiên dịch, tôi giải thích là tôi vận dụng một định lí toán học tiếng Pháp gọi là “théorème chinois”, hay là bài toán Hàn Tín. Xin lấy một thí dụ để minh hoạ : người phiên dịch ngồi giữa hai nhân vật A và B ; giả dụ A ăn đều đều, cứ 50 giây nhai một miếng, và B, chậm hơn, cứ 70 giây ăn một miếng. Lại giả dụ, ở thời điểm 0, cả hai cùng nhai ; như thế, A sẽ nhai 50 giây sau đó, rồi 100, 150, 200, 250, 300, 350... , còn B sẽ nhai ở thời điểm 70, 140, 210, 280, 350... Bài toán Hàn Tín điểm binh đặt ra là : tới lúc nào, A và B mới ăn cùng một lúc ? Lời giải khá đơn giản : 350, 700, 1050... Không đi vào chi tiết kĩ thuật, chỉ cần biết là nếu hai nhân vật đối ngẫu ăn với nhịp độ 50 giây và 70 giây, thì người phiên dịch chỉ có thể ăn với nhịp độ 350 giây/miếng, nghĩa là rất thiệt thòi, nếu không có tật (hay tài) ăn nhanh từ thuở bé.

Câu chuyện nhai không đúng lúc làm tôi nhớ tới một kỉ niệm tuổi thơ. Bà nội tôi mất lúc tôi lên mười. Theo tập quán thời đó (khoảng năm 1950); bên cạnh bàn thờ và áo quan, phải có dàn nhạc, có nhạc công thổi kèn. Bọn trẻ con chúng tôi chú mục xem nhạc công và quan sát khách đến viếng. Đến bữa, nhà bếp bưng mâm cơm lên phục vụ (đám tang nhất thiết phải có món thịt quay), nhạc công ngồi ăn tại chỗ. Một lần, ông thợ kèn đang nhai miếng thịt quay thì có khách tới. Ông vội nhả ngay miếng thịt xuống bát để kịp lấy kèn “tò te tí te” cho đúng nghi thức. Lũ trẻ con chúng tôi cười phá lên, tất nhiên bị một trận mắng nên thân.

Mỗi lần đi dịch tiệc, tôi lại liên hệ cái nghiệp “mắc dịch” với nghề thổi kèn đám ma. “Mặt trận ngoại giao” không chỉ diễn ra trên bàn hội nghị, trong phòng họp báo, phỏng vấn. Ngoại giao “nhân dân” là những cuộc gặp gỡ các phái đoàn nghị sĩ, trí thức, tu sĩ, sinh viên Mỹ, những cuộc mít tinh của các đoàn thể Pháp ủng hộ Việt Nam. Một kỉ niệm nho nhỏ tôi còn nhớ, liên quan tới phong thái của ông Xuân Thuỷ. Một buổi tối, tôi được cử đi dịch cho trưởng đoàn tại một cuộc mít tinh của Đảng cộng sản Pháp, với sự chủ toạ của ông Waldeck Rochet, tổng bí thư. Trên xe đi từ Choisy-le-Roi tới hội trường Mutualité ở khu La tinh Paris, ông Xuân Thuỷ đưa tôi đọc trước bản dịch tiếng Pháp đã đánh máy sẵn.

Bản dịch bắt đầù bằng mấy chữ “Respecté et bien-aimé camarade Waldeck-Rochet”, dịch nguyên si từ diễn từ tiếng Việt “Thưa đồng chí W. kính mến”. Chắc thấy tôi khựng lại, ông Xuân Thuỷ bèn hỏi : “Cậu thấy bản dịch thế nào, có được không ?”. Tôi nói thật là nên dùng lối xưng hô thưa gửi cũng như cách nói của người Pháp, nếu dịch nguyên si thì khác nào “bắt Tây ăn cơm Tây bằng đũa”. Thế là ông Xuân Thuỷ trao cho tôi bản tiếng Việt để tôi ứng khẩu dịch thoát, ít nhất những đoạn nào bản dịch chuẩn bị sẵn quá câu nệ, trở thành “chối tai”. Ông Xuân Thuỷ gốc nhà nho, không biết tiếng Pháp, sẽ không kiểm tra được độ trung thực của phiên dịch. Nhưng ông đã nhạy bén trong tình huống này và nhanh chóng quyết đoán.

“Ngoại giao nhân dân” cũng đưa đẩy tôi ra khỏi công tác phiên dịch. Tôi còn nhớ, đúng buổi sáng ngày thứ bảy 27-1-1973, tôi không có mặt ở hội trường Kléber để chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Paris, mà được ban ngoại vụ Hội người Việt Nam tại Pháp cử đi gặp một nhóm học sinh Mỹ sang học vài tuần ở Pháp. Cuộc gặp đã hẹn từ hai ba tuần trước, khi chưa định ngày ký kết, không thể thay đổi. Những người tôi gặp là những em học sinh khoảng lớp 10, đi cùng bà giáo sư. Các em không hiểu gì lắm về tình hình cuộc chiến tranh và cuộc hoà đàm, tiếng Anh của tôi cũng rất hạn chế, khi nào bí quá, phải dùng tiếng Pháp, nhờ bà giáo dịch hộ sang tiếng Mỹ. 45 năm qua, tôi cũng không nhớ chúng tôi đã trao đổi những gì, nhưng khắc sâu trong ký ức là sự xúc động của mọi người. Tôi mừng cho các em sẽ tốt nghiệp trung học, vào đại học mà không bị ám ảnh bởi viễn tượng phải đi lính sang Việt Nam. Mừng súng đạn sẽ ngừng nổ trên đất nước ta, nhưng lo hoà bình mong manh không biết sẽ ra sao. Nghĩ tới những người đã ngã xuống trong mấy chục năm qua để có ngày này, cường quốc số 1 trên thế giới phải ký kết thừa nhận “độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Việt Nam” (điều 1 Hiệp định), tôi không cầm được nước mắt, khiến nữ đồng nghiệp và vài em học sinh Mỹ cũng sụt sùi theo.

Trước đó ba năm, năm 1970, tôi phải tham gia cuộc tranh luận trên đài truyền hình (chương trình “Hồ sơ màn ảnh” / Les dossiers de l’écran). “Đối thủ” chính không phải là ông giám đốc thông tấn xã Sài Gòn cũng có mặt, mà là Harold Kaplan, một nhà ngoại giao sành sỏi, tiếng Pháp thành thạo, tham tán sứ quán Mỹ, đã từng làm phát ngôn viên cho trưởng đoàn Mỹ, Averell Harriman. Đây là lần đầu tiên tôi đối diện với ông, nhưng trước đó mấy năm, 1966, nếu tôi nhớ không lầm, tôi đã có cuộc “đấu khẩu” gián tiếp tại Trường đại học tự do Bruxelles (ULB), tại Bỉ. Tình hình chiến tranh sôi sục, sinh viên ULB tổ chức những cuộc thảo luận về Việt Nam, lần lượt mời giáo sư Houtart, ông Kaplan và một đại diện Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp (lúc đó, phong trào sinh viên Việt Nam đang hình thành). Thế là tôi sang Bỉ, với hộ chiếu Việt Nam Cộng Hoà (gia hạn mùa hè năm 1964, Sài Gòn hừng hực đấu tranh chống Hiến chương Vũng Tàu của tướng Khánh, hộ chiếu VNCH của tôi còn hiệu lực đến mùa hè 1967), và tại giảng đường ULB tối hôm ấy, có dịp bác bỏ từng luận điểm mà ông Kaplan đưa ra tối hôm trước.

Lần này, mặt đối mặt, dưới con mắt của mấy triệu khán giả Pháp ở bên kia màn hình TV, chúng tôi trực tiếp đối đáp. Vẫn những luận chứng quen thuộc, nhưng phải nói ngắn gọn và tạo được ấn tượng. Tôi còn nhớ, một lúc vai trò của chính quyền VNCH được nêu ra, ông Kaplan phản đối chữ “fantoche” (đã nói ở trên !) mà tôi dùng. Tôi hỏi kháy ông : chữ “puppet” trong tiếng Mỹ, ông dịch ra tiếng Pháp như thế nào ? Chính ông Arthur Schlesinger, cố vấn của tổng thống Kennedy, đã dùng chữ “puppet” để gọi chính quyền VNCH, nếu không dùng “fantoche” thì dùng chữ gì ? Ông Kaplan đủ lanh lợi để chuyển ngay sang đề tài khác. Sau buổi tranh luận, ban tổ chức mời chúng tôi ăn tối, tôi lại được xếp ngồi trước mặt ông Kaplan và bà vợ, cũng là người thông thạo tiếng Pháp và sắc sảo có lẽ hơn cả ông chồng. Bàn ăn rốt cuộc cũng trở thành bàn tranh luận. Tới một lúc, tôi khá bực mình, nên từ tốn nói với họ : “Ông bà Kaplan ‘kính mến’, nói thật nhé, tôi nghĩ rằng tôi có bạn người Mỹ nhiều hơn cả ông bà”. Bây giờ nghĩ lại, hơi liều. Nhưng không sai. Họ lặng người, không nói gì.

Đối với tôi, sự im lặng ấy, một cách nào đó, thể hiện sự trung thực của họ. Phải nói là năm 1970, làn sóng phản chiến đã tràn vào các tầng lớp xã hội Mỹ, vào gia đình của các quan chức Nhà Trắng và trong chính quyền.

Vắng mặt ngày 27-1-1973, nhưng hơn một tháng sau, tôi có dịp trở lại Hội trường Kléber, lần này để “dịch cabin” cho Hội nghị quốc tế về Việt Nam. Như mọi người còn nhớ, cuộc đàm phán (hai bên, rồi bốn bên) trong suốt 5 năm là cuộc đối đầu Việt-Mỹ, không có một nước thứ ba tham dự (khác hẳn Hội nghị Genève năm 1954). Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (với chữ ký của bốn ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Bình, William Rogers, Trần Văn Lắm), tổng thư ký Liên hiệp quốc Kurt Waldheim triệu tập một hội nghị quốc tế gồm, ngoài bốn bên kể trên, đại diện ngũ cường, và 4 nước tham gia Uỷ ban Giám sát quốc tế, để “chứng kiến và ghi nhận” Hiệp định Paris. Cùng các phái đoàn là đội ngũ phiên dịch chuyên nghiệp của LHQ, dịch giữa các ngôn ngữ chính thức của LHQ (Anh, Pháp, Nga, Trung). Do đó, bên cạnh 4 cabin phiên dịch của LHQ, có một cabin phiên dịch viên người Việt, có nhiệm vụ dịch từ tiếng Việt ra tiếng Pháp (để chuyên viên LHQ dịch ra các tiếng Anh, Nga, Trung) và dịch ra tiếng Việt các phát biểu tiếng nước ngoài.

Cabin chúng tôi gồm ba người : người phiên dịch của phái đoàn VNCH là anh Jean Trần Văn Đôn (em của tướng André Trần Văn Đôn), của phái đoàn CPCMLT là anh Nguyễn Hữu Động, và tôi. Cho đến nay, mỗi người chúng tôi chỉ “dịch đuổi” (interprétation consécutive), nghĩa là ai nói xong một hai câu thì ngừng, chúng tôi dịch, sau đó nói tiếp, dịch tiếp. Bây giờ phải “dịch đồng thời” (interprétation simultanée), nghĩa là người nói cứ nói, người dịch cứ dịch, tai nghe câu sau, miệng dịch câu trước. Anh Động, dân Yersin, mà chúng tôi quen gọi đùa là “Tây con”, hay đúng hơn “Petit Suisse” (Động học ở Thuỵ sĩ trước khi sang Pháp), giỏi tiếng Pháp, nên dịch cabin theo chiều Việt-Pháp rất nhanh lẹ và chính xác. Tôi là dân trường Chu Văn An, nên chiều Pháp-Việt thuận hơn, do đó, khi bà Bình phát biểu, Động dịch ra tiếng Pháp, ông Trinh phát biểu, tôi dịch ra tiếng Pháp, còn khi các đại biểu nước ngoài phát biểu, chúng tôi căn cứ vào lời tiếng Pháp, thay phiên nhau dịch ra tiếng Việt, cho đỡ mệt, nhưng tôi có thể bao sân nhiều hơn. Tương tự, anh Jean dịch lời phát biểu (chuẩn bị sẵn) của ông Trần Văn Lắm. Anh là người phiên dịch cho ông Nguyễn Triệu Đan, người phát ngôn VNCH (lẽ ra tôi phải gọi là anh Đan, vì anh khoảng tuổi anh tôi, và bác Chấn, thân phụ anh, là bạn... mạt chược với cha tôi), song trong các cuộc họp báo, ông Đan nói tiếng Pháp, nên anh Jean nhàn hạ, ghi chép là chính.

Sự cố xảy ra là, trong cuộc thảo luận, ông Trần Văn Lắm lại không nói tiếng Việt, mà phát biểu bằng tiếng Pháp. Như vậy theo nguyên tắc đã thỏa thuận từ đầu, anh Jean có nhiệm vụ dịch ra tiếng Việt. Anh lúng túng, quay sang anh Động, rồi quay sang tôi, hai bàn tay chắp lại như vái. Thế là tôi phải “phá giới” (đúng hơn, phải nói là vượt tuyến, vì cũng đã có lần, tôi ’vượt tuyến’, dịch cho ông Dương Đình Thảo, người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, khi anh Huỳnh Hữu Nghiệp bị cảm), trở thành phiên dịch cho ông Lắm. Lúc đó ông là ngoại trưởng VNCH. Âu cũng là “duyên nợ”. 15 năm trước, ông làm chủ tịch Quốc hội, và tôi đã có “vinh dự” bắt tay ông khi nhận “giải thưởng Ngô Tổng Thống” từ tay ông. Buồn cười là buổi chiều, họp xong, về tới trụ sở đoàn, ông Nguyễn Minh Vỹ, còn hỏi đùa : “Tại sao cậu không dịch là ‘chính quyền Sài Gòn’ mà lại dịch ‘chính phủ Việt Nam Cộng hoà’ ?”. Chắc ông muốn nhắc khéo chuyện tôi dịch ẩu về tướng Dương Văn Minh.

Trước khi chấm dứt chương hồi tưởng này, tôi muốn nói đôi điều về hai chữ “nguỵ quyền”. Bởi vì, chiến tranh chấm dứt đã 43 năm, Hiệp định Paris ký kết đã 45 năm, Tết Mậu Thân lùi xa 50 năm, nhưng hai chữ “nguỵ quyền” vẫn còn gây nhức nhối cho nhiều người. Việc chính quyền ở miền nam (từ ’Quốc gia Việt Nam’ đến ’Đệ nhị Cộng hoà’) là sản phẩm của chế độ thực dân Pháp, rồi chính quyền Mỹ (từ Eisenhower đến Ford), lệ thuộc vào Mỹ, điều đó không ai chối cãi, dù ý kiến có thể khác nhau về thái độ và thâm tâm của ông Diệm ông Nhu với Hoa Kỳ.

Gần đây, ông Bùi Diễm, cựu đại sứ VNCH tại Mỹ, tháng 3-1965 là đổng lý văn phòng của nội các Phan Huy Quát, đã kể lại trên truyền hình Mỹ, là sáng ngày 8-3-1965, khi trung đoàn Marines đầu tiên đã đổ bộ ở “China Beach” (Đà Nẵng), ông Quát mới được biết, và chỉ thị cho ông Diễm soạn thông cáo “Theo lời yêu cầu của VNCH, Hoa Kỳ đã...”. Mối quan hệ ấy, ai đọc Pentagon Papers, biên bản cuộc nói chuyện giữa tướng Maxwell Taylor với các tướng Thiệu, Kỳ... còn thấy thảm hại hơn nhiều. Một chính khách lão luyện của Mỹ, người ủng hộ ông Diệm từ trước năm 1954, là thượng nghị sĩ Mike Mansfield, còn nói huỵch toẹt hơn : “xưa nay chó vẫy đuôi, chứ không đời nào có chuyện đuôi vẫy chó”. Thực chất các chế độ VNCH, và tính chất “chiến tranh giành độc lập, thống nhất” của cuộc chiến 1946-1975 là những sự thật lịch sử khách quan, phủ nhận nó không phải thuộc về lí trí, mà nằm trong lãnh vực tâm lý, tâm thần. Khách quan không kém, là cuộc chiến tranh ấy còn có một chiều kích khác : chiều kích nội chiến (ở đây không bàn tới một chiều kích thứ ba, là “chiến tranh uỷ nhiệm” trong bối cảnh Chiến tranh lạnh 1947-1991). Tính chất nội chiến không chỉ là một nghiệm sinh cá nhân, tâm lý, một thảm kịch của mỗi gia đình Việt Nam (Hai mươi năm nội chiến từng ngày..., như Trịnh Công Sơn đã đau đớn hát lên), mà là một thực tế khách quan. Người viết bài này đã có dịp khẳng định : tính chất nội chiến của cuộc chiến tranh phát sinh từ chính sách Mao-ít của ĐCSVN từ năm 1950, đặc biệt từ cuộc Cải cách ruộng đất 1953-1956, loại trừ các thành phần trung phú nông, tư sản, tiểu tư sản, trí thức... ra khỏi hàng ngũ “nhân dân” (xem bài Từ Hiệp định Paris đến ‘Bên Thắng Cuộc’, 2-2013).

Ngày nào, những người thiện chí ở mọi bên chỉ thừa nhận một trong hai chiều kích của cuộc chiến, thì mọi cuộc đối thoại đều vô nghĩa, ý muốn “khép lại quá khứ” chỉ là ảo vọng. Nhưng độc lập với nhận định lịch sử, và nghiêm trọng hơn, là chính sách kỳ thị của chính quyền Việt Nam từ năm 1975, đánh đồng nhân dân miền Nam với chính quyền, cá nhân mỗi người với chế độ cũ. Vô hình trung, các chính sách ấy đẩy không ít người dân miền Nam tự đồng hoá với chế độ VNCH – điều mà họ không hề làm trước năm 1975 ; tình trạng độc tài, tham nhũng, bất lực càng nặng nề thì càng phết lên chế độ VNCH một lớp sơn hào nhoáng, hấp dẫn đối với cả không ít người dân miền Bắc.

Hiếm có một bi kịch thảm thương như vậy. Bi kịch của một dân tộc quên hết lịch sử của chính mình.

Nguyễn Ngọc Giao
Diễn Đàn 21-3-2018


Xem online : Năm mươi năm mắc dịch (1)