Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Tạo hình > RUBENS GÂY CHOÁNG Ở SAN FRANCISCO

RUBENS GÂY CHOÁNG Ở SAN FRANCISCO

Thứ Bảy 31, Tháng Tám 2019, bởi CTV

Nếu có đi chơi bảo tàng nghệ thuật bây giờ thì con cháu dân cao bồi miền Tây Hoa Kỳ thường chọn khi có triển lãm các sản phẩm của Xí nghiệp Andy Warhol (Warhol gọi xưởng vẽ của mình là Factory – mà ở ta cũng có xưởng vẽ gọi là Factory, nhỉ!); chứ triển lãm tranh pháo cổ điển Âu Châu thì chỉ khi nào buộc phải tham quan theo chương trình thì mới đành phải đến.

Vậy mà triển lãm Early Rubens – Sơ kỳ Rubens, mở cửa từ hôm mùng 6 tháng 4 cho đến ngày 8 tháng 9 năm nay (2019) tại bảo tàng Legion of Honor (tiếng ta nên gọi là gì?) ở San Francisco, California, lại đang khiến dư luận choáng váng. Những bức tranh từ thế kỷ 17 ấy quả thực là một bữa đại tiệc của tình dục và bạo lực, sống động và có tính thời sự đến mức kinh ngạc.

Nghệ thuật Cổ điển và Phục hưng nhan nhản ở Âu Châu thế nào thì chúng cũng hiếm hoi như vậy ở bờ Tây Hoa Kỳ. Thành thử Early Rubens đang là một triển lãm rất đặc biệt. Ở đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu ba bức tranh đang treo ở đó.

Trước hết là bức “Daniel trong động sư tử” (vẽ vào khoảng 1614-16) – bức được dùng làm bích trương quảng bá cuộc triển lãm, treo khắp các phố ở San Francisco và in kèm theo mọi tin bài trên truyền thông đại chúng. Bức này thì ai cũng phải mê. Những con mãnh sư được Rubens quan sát và vẽ ra với phong cách sống động đặc trưng của ông. Con nào cũng hừng hực máu nóng da thịt, mỗi con mỗi tính cách và đặc điểm khác nhau.

Bức thứ hai là “Cuộc thảm sát người vô tội” - The Massacre of the Innocents” - vẽ vào khoảng 1611-1612. Như một cảnh khủng khiếp trong phim, bức tranh mô tả những đứa trẻ đẫm máu đã chết và đang chết, trong lúc những người mẹ đang bị tấn công tàn bạo. Không muốn nhìn, nhưng hình ảnh nhân tính quằn quại ấy sống động đến mức ta không thể rời mắt, cứ bị cuốn vào đó. Những chi tiết hút hồn mà Rubens dùng để diễn đạt sự tàn bạo ngoài sức tưởng tượng ấy – những làn da xanh tím, một vũng máu, vẻ gào thét đến rách màng nhĩ... khiến ta cảm thấy ông không chỉ chứng kiến cảnh tàn bạo ấy một cách trung thực, mà là đang đắm chìm khôn cưỡng vào đó. Trong số các họa sỹ Baroque chuyên vẽ những quang cảnh kịch tính cao độ thời ấy, Rubens là người ngắm nghía sự tàn khốc với con mắt không khoan nhượng nhất.

Bức thứ ba: “Cha con nhà Lot” - “Lot and His Daughters”- vẽ vào khoảng 1613-14, diễn lại cảnh bậc gia trưởng chính trực nhất trong Kinh Thánh đang được con gái mình chuốc rượu để ăn nằm với chính mình, đặng duy trì huyết thống của gia tộc. Chuyện này là ở sách Sáng Thế Ký trong Kinh Cựu Ước. Lot là người rất chính trực, nên được Chúa Trời sai Thiên thần xuống dẫn đường trốn khỏi thành Sodom để thoát khỏi xã hội đang rất suy đồi ở đó. Chúa dặn đi dặn lại đã đi thì không được quay đầu lại nhìn, mà bà vợ Lot lại thế, nên lập tức biến thành một cột muối. Vì nhà toàn con gái, nên Lot rơi vào cảnh tuyệt tự. Mấy cô con gái mới quyết tâm phải có mang với cha để duy trì huyết thống, và đã làm được việc ấy, cống hiến cho văn học nghệ thuật dòng Do Thái-Thiên Chúa Giáo một chủ đề hấp dẫn. Phải nói rằng trong hội họa thì không có ai vẽ chủ đề ấy “người” như Rubens. Ông cho Lot ngây ngất hơi men nhìn chằm chặp đầy thèm muốn cô con gái đang trần truồng rót rượu cho mình, trong lúc cô em, vẫn đầy đủ váy áo, thì rõ ràng là đang khơi mời quyến rũ Lot làm chuyện ấy. Có xem tranh vẽ cùng về chủ đề này của Orazio (một đệ tử của Caravaggio), và cả của con gái ông là Artemisia Gentileschi, thì mới thấy họ chỉ dám khơi gợi tình dục, chứ không dám dẫn dắt tình dục thẳng thừng như Rubens. Với Rubens, da thịt là da thịt, nó phải phập phồng nồng cháy đầy sinh lực.

Cái đáng nói nhất là tài nghệ mãnh liệt của Rubens đã khiến tranh ông vẽ trở thành rất thời sự trong hiện trạng xã hội đang phải đương đầu với vấn nạn bạo lực, khủng bố, quyền lực, tính dục và cưỡng bức. Cho nên dù có không quan tâm gì đến các bậc thầy cổ điển, người ta vẫn cứ thấy hút hồn trước những bức tranh này, vẫn thấy chúng thật đẹp, thật thuyết phục, và bắt ta phải chiêm nghiệm, phải suy ngẫm, cho dù có bất an đi nữa. Nghệ thuật đích thực vẫn luôn như vậy.

Peter Paul Rubens (1577-1640) – là họa sỹ có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong truyền thống hội họa Baroque.

HS Trịnh Lữ