BẢO QUẢN ĐỒ CỔ KIM LOẠI

Phần lớn những hiện vật kim loại trong các sưu tập ở bảo tàng được chia làm hai loại chính: hiện vật sử học và khảo cổ học. Hiện vật sử học tồn tại trên mặt đất liên quan đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống, còn hiện vật khảo cổ học là đã được chôn giấu trong một thời gian dài rồi mới được khai quật lên.

Những vấn đề liên quan đến những loại hình đặc biệt của hiện vật làm bằng kim loại như các cánh tay và áo giáp sắt, đồng hồ treo tường và đồng hồ đeo tay sẽ không nhắc đến ở đây, nhưng phải đề ra những nguyên tắc chung của việc bảo quản và chăm sóc hiện vật. Thái độ của các chuyên viên bảo quản đối với những hiện vật kim loại thuộc về sử học đã thay đổi theo khuynh hướng rộng mở hơn trong vài năm gần đây trong chính sách chung về việc vệ sinh tối thiểu và phục chế thích hợp.

I. TÌNH TRẠNG HƯ HẠI

Có hai hình thức hư hại xảy ra trong bảo tàng: hư hại về mặt hóa học và hư hại về vật lý. Cả hai đều có thể được giảm thiểu bằng cách dựa trên một số chỉ dẫn có giải thích dưới đây. Những thông tin này cũng bao gồm các nhận biết về hiện tượng ăn mòn trên kim loại.

1. Hư hại về hóa học:
Những hư hại về hóa học, chẳng hạn như sự ăn mòn, xảy ra do tình trạng của kim loại không ổn định. Phần lớn kim loại đều chiết xuất từ các loại quặng khoáng sản bằng cách nấu chảy, tạo thành một chất có năng lượng cao, chất này phản ứng với môi trường hình thành nên các loại oxide, carbonate và các hợp chất khác. Có những kim loại tương ứng với quặng nguyên chất. Việc ước lượng giá trị kim loại mà phản ứng xảy ra dựa trên từng loại kim loại riêng và lượng hơi ẩm, các chất hóa học và các khí trong khí quyển.

Các kim loại có thể được sắp xếp theo thứ tự tính chất của kim loại nhằm đưa ra một loạt kim loại điện hóa học, đầu tiên là platinum và vàng, bền vững nhất, rồi đến thiếc và aluminium, thuộc loại phản ứng nhanh nhất trong các kim loại thường. Sự sắp xếp này sẽ cho chúng ta một chỉ dẫn về phản ứng của kim loại ra sao khi tiếp xúc với các chất khác. Khi hai kim loại được đặt gần nhau với sự có mặt của hơi ẩm có thể gây ra một phản ứng tạo thành kiềm, đây chính là nguyên nhân của sự ăn mòn.

Khi hiểu biết và kinh nghiệm về chế tác kim loại tăng lên, rõ ràng những đặc tính của mỗi kim loại riêng biệt có thể được làm mạnh thêm hay được thay đổi bằng cách thêm vào một hay nhiều kim loại khác để hình thành một hợp kim. Những kim loại cơ bản có thể được trang trí với kim loại quý và trong một số trường hợp, có thể làm giảm tốc độ hư hại bằng cách thêm vào một lớp kim loại ổn định hơn ở bên ngoài, hay một chất giống như chất dẻo nhân tạo ở bên trong.

Ở một vài trưòng hợp, phương pháp sản xuất có thể dẫn đến một số rắc rối. Ví dụ, chất pha trộn trong hợp kim hay chất trợ dung hàn bị giây ra do tay nghề chất lượng kém có thể trở thành những trung tâm của sự ăn mòn. Những vết nứt trên lớp sơn mài, sơn thường hay lớp bề mặt sẽ hút hơi ẩm và khí vào bề mặt kim loại.

Trong bảo tàng, sự hủy hoại về hóa học có thể tăng nhanh do tác động với hơi ẩm và ô nhiễm trong không khí hay do môi trường bảo quản trung gian và môi trường trưng bày. Trong lúc việc loại bỏ mọi thành phần hóa học có hại trong không khí rất khó khăn và tốn kém thì bên cạnh đó, đơn giản hơn, ta chỉ việc đảm bảo các chất dùng trong thiết kế trưng bày và bảo quản là an toàn đối với hiện vật kim loại và không mang lại bụi hay hơi ẩm. Sự ăn mòn cũng có thể xảy ra nếu chọn phương pháp bảo quản sai hoặc nếu không vệ sinh kỹ hiện vật. Dầu mỡ hay acid từ da tay người có thể gây ra những vết xước acid trên bề mặt đã được đánh bóng của hiện vật kim loại nếu chúng ta chạm vào hiện vật mà không mang găng tay. Những dấu tay để lại trên bề mặt chỉ có thể loại bỏ bằng cách đánh bóng lại cho sạch.

2. Việc bảo quản và làm vệ sinh:
Đúng ra, mọi công việc vệ sinh hiện vật bảo tàng đều phải do người phụ trách tiến hành. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm sạch bụi bẩn bằng cách chải cẩn thận, hay rửa bằng nước hoặc chất tẩy không có ion, tiếp đó là súc lại cho sạch rồi lau khô. Trong một số trường hợp, những người không phải chuyên viên bảo quản có thể tiến hành làm vệ sinh đối với những hiện vật dày và nặng sau khi đã giám định để kiểm tra khả năng thích nghi của chúng. Việc loại bỏ sự ăn mòn thường là sử dụng chất hóa học và chỉ do chuyên viên bảo quản đã qua huấn luyện tiến hành.

3. Những hư hại về vật lý:
Những hư hại về vật lý thường do kỹ thuật xử lý hiện vật kém hay do điều kiện bảo quản tồi gây ra. Mặc dù hiện vật kim loại rõ ràng là không dễ vỡ như đồ thủy tinh hay đồ gốm, nhưng một số hợp kim cũng có thể bị hủy hoại nặng nề khi bị rơi vỡ xuống nền nhà. Ngay cả khi trong trường hợp này, hiện vật không bị vỡ nhưng cũng sẽ trở nên méo mó hay có những bộ phận sẽ bị rơi ra khỏi thân hiện vật.

Để xử lý về mặt vật lý nên giảm tối thiểu hoặc thậm chí không nên động tay vào những bộ phận dễ bị rơi rụng, nếu không những chỗ nối sẽ bị yếu đi. Hiện vật luôn luôn phải được cầm vào qua một lớp lót tay và phải dùng cả hai tay để nâng toàn bộ hiện vật. Không bao giờ được nâng hiện vật lên ở chỗ tay cầm hay ở cổ vì đây thường là những chỗ nối rất yếu ở những hiện vật cổ xưa.

Một trong những nguyên nhân lớn khác gây hư hại về mặt vật lý là việc đánh bóng và làm vệ sinh một cách thái quá. Bất kỳ một phương pháp làm vệ sinh nào cũng sẽ lấy đi một số kim loại trên bề mặt khi phải loại bỏ chỗ bị ăn mòn, dẫn đến làm mờ những chi tiết trang trí ở trên đó. Trong trường hợp là chiếc đĩa Sheffield mạ bạc, hay mạ điện, lớp kim loại bên trong sẽ bị lộ ra.

II. PHỤC CHẾ

Người ta dùng thuật ngữ “phục chế” cho những hiện vật kim loại, có nghĩa là sửa chữa và phục hồi lại hình dạng của hiện vật để trả lại cho chúng hình dạng càng gần với hình dạng nguyên bản càng tốt. Điều này có thể bao gồm việc nung nóng hiện vật, hoặc là ở chỗ hàn hay chỗ tán lại, cũng có thể là giúp thêm cho quá trình phục hồi lại hình dạng của hiện vật. Nó cũng có nghĩa là đánh bóng lại bề mặt bằng hợp chất hóa học để có màu sắc nguyên bản hay có thể thay thế những chỗ đã bị sứt bằng một miếng vá mới hơn làm bằng loại hợp kim tương tự với kim loại nguyên bản.

Việc phục chế hiện vật bảo tàng chỉ nên để chuyên viên bảo quản đã có kinh nghiệm trong công việc này trực tiếp tiến hành. Hơn nữa, chỉ nên tiến hành phục chế sau khi đã có thảo luận và sự đồng ý giữa người quản lý và chuyên viên bảo quản để những người có phận sự hiểu rõ ý nghĩa về mặt đạo đức. Phải giữ lại những bản ghi chép chính xác về hiện vật trước và sau khi xử lý.

* Những thuộc tính riêng của các hiện vật kim loại thường thấy trong các bảo tàng:
Phần này sẽ đưa ra danh sách các kim loại thường có trong các sưu tập bảo tàng cùng với những thông tin về các hợp kim của chúng và các kim loại này sẽ bị ăn mòn ra sao trong môi trường bảo tàng. Những sưu tập chuyên ngành công nghiệp hay khoa học có thể bao gồm những kim loại khác, nhưng những sưu tập không nhắc đến ở đây. Trừ vàng, đồng và các hợp kim của chúng, kim loại khi ở trong tình trạng nguyên chất, được đánh bóng có thể xem như chúng có màu trắng hay màu bạc. Có thể phân biệt giữa các kim loại qua giám định bằng mắt thường một cách kỹ lưỡng vì mỗi kim loại có một cách định hình và âm thanh với màu sắc riêng. Khả năng nhận biết được điều này có được từ những kinh nghiệm nghiên cứu trên một loạt hiện vật. Tuy vậy, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của giai đoạn này rằng chỉ có cách xác định chính xác cấu tạo của một hiện vật là thông qua phân tích hóa học.

1. Vàng:
Trừ phi bảo tàng có hiện vật làm bằng platinum, vàng là kim loại bền nhất và quý nhất trong các sưu tập. Vàng có màu vàng, mềm và dễ gia công, thường kết hợp với đồng hay bạc thành hợp kim để tăng độ cứng. Nó có thể được dát thành những tấm mỏng và dùng để trang trí các kim loại và các chất liệu khác. Lần lượt, những kim loại kiềm có thể được mạ vàng hay mạ điện, thành chất gắn hóa học giữa chúng và vàng. Ở trạng thái nguyên chất, vàng không bị ăn mòn, nhưng sẽ bị ảnh hưởng bởi những chất ăn mòn của kim loại kết hợp khác.

2. Bạc:
Bạc là kim loại có màu trắng và bóng, có thể được đánh bóng tới mức phản quang cao. Giống như vàng, bạc là kim loại mềm, dễ gia công và thường có hợp kim với đồng để có độ cứng hơn tạo thành loại bạc Sterling (92,5%bạc) hay bạc Anh (95,8% bạc). Ở Anh, điều này có thể xác định bằng dấu xác nhận tiêu chuẩn đóng trên một sản phẩm bằng bạc đã hoàn chỉnh. Bạc kết hợp với kim loại kiềm để làm đĩa Sheffield (một tấm kim loại xen kẽ bạc – đồng – bạc do sức nóng và áp lực tạo thành), và từ những năm 1840 trở đi, đồ mạ điện đã phổ biến hơn. Đồ mạ có thể được xác định bằng dấu hiệu ghi trên nhãn đồ vật.

Bạc rất nhạy cảm với sulphur trong không khí. Một lượng nhỏ nhất cũng sẽ phản ứng với kim loại tạo thành sunphur bạc hay bị ố bẩn, lúc đầu là một lớp óng ánh màu nâu vàng mỏng phủ lên bề mặt và nếu bám lại, nó sẽ dần dần biến thành màu đen và che lấp mọi chi tiết trang trí. Đó không phải là quá trình hư hại về hóa học đối với hiện vật mà chỉ là sự biến dạng về mặt thẩm mỹ. Đối với những hiện vật làm bằng bạc và mạ bạc, cần đặc biệt chú ý đến phương pháp đánh bóng và cách làm vệ sinh đúng mức.

Để tránh sự hình thành lớp hoen ố, mọi chất dùng trong bảo quản và trưng bày phải được kiểm tra trước khi sử dụng. Cũng có thể phủ một lớp bảo vệ bề mặt hiện vật bằng sơn mạ tổng hợp màu sáng. Tuy nhiên, nếu lớp sơn mạ vẫn bị hư hại thì chỗ hoen ố sẽ bắt đầu ở những chỗ này.

3. Đồng đỏ:
Ở trạng thái nguyên chất, đồng là kim loại có màu hồng đỏ và dễ gia công. Nó kết hợp với vàng và bạc để tạo thành các hợp kim bền hơn, nếu pha trộn hợp kim này với các kim loại khác sẽ làm thay đổi những đặc tính của nó. Đồng có đặc tính chống được sự ăn mòn, nhưng giống như bạc, nó phản ứng với khí sulphide trong không khí để hình thành một lớp ố mỏng. Nó cũng phản ứng với khí acid acetic từ các loại sơn và gỗ, tạo ra lớp gỉ đồng (loại muối hay este từ acid acetic trên đồng). Giống như mọi hợp chất đồng, chất có màu vàng sáp ngả sang màu xanh này rất độc, vì thế cần phải rất cẩn thận khi xử lý hiện vật trong trạng thái này.

4. Đồng thau:
Kẽm, phần lớn được kết hợp thêm với đồng để tạo thành một loạt hợp kim đồng thau. Những hợp kim màu vàng này có thể được mạ bên ngoài để làm đồng thiếp dùng cho mục đích trang trí. Không theo quy ước, người ta có thể sơn mạ bên ngoài bằng nhựa cánh kiến để giả làm đồ mạ vàng và để tránh bị ăn mòn.

5. Đồng thanh:
Đồng thanh là một hợp kim của đồng và thiếc cùng một lượng nhỏ kim loại khác. Những vật làm bằng đồng thường được đúc và được xử lý hóa học trên bề mặt để có lớp gỉ đồng nhân tạo màu xanh hay nâu hoặc một lớp đồng bị ăn mòn để trang trí. Nếu những chất hóa học dùng để tạo lớp gỉ đồng nhân tạo không được loại bỏ hoàn toàn, chúng có thể phản ứng tiếp với hơi ẩm trong không khí tạo thành một lớp đồng thực sự bị ăn mòn.

6. Bạc nickel:
Màu sắc của loại hợp kim giữa đồng, nickel và thiếc này có thể thay đổi từ màu trắng bạc sang màu vàng. Người ta thường dùng hợp kim này để thay thế cho bạc và xem như chất cơ bản dùng trong quá trình mạ bạc.

7. Chì:
Một vật có thể nhận biết là làm bằng chì do trọng lượng của nó. Chì nguyên chất làm một kim loại có màu xám, mềm và dễ dát mỏng, có thể chuyển sang màu xám bùn khi bị phơi bày trong không khí và đánh dấu giấy tờ bằng một đường màu xám. Nó thường kết hợp với thiếc để tạo thành kim loại hoặc hợp kim thiếc, cứng hơn. Chì dễ dàng phản ứng với dioxid carbon có trong khí acid hữu cơ để tạo thành carbonat chì cơ bản xuất hiện dưới dạng bột màu trắng bám trên bề mặt kim loại. Nếu được phát hiện, cần đưa hiện vật ra khỏi khu vực có khí acid, có thể có trong gỗ chưa khô, để tránh xảy ra hiện tượng kim loại bị ăn mòn. Cần lưu ý rằng chì và các hợp chất của nó rất độc nên phải hết sức thận trọng khi xử lý hiện vật. Hiện tượng ăn mòn chì chỉ có thể giao cho chuyên viên bảo quản tiến hành xử lý.

8. Thiếc:
Người ta ít khi dùng thiếc để làm đồ vật nhưng thường kết hợp với chì thành hợp kim thiếc, hoặc với antimoan thành loại hợp kim Britania Metal (hợp kim gồm thiếc, antimoan và đồng). Người ta cũng thường dùng thiếc để làm lớp phủ bên ngoài, bảo vệ những tấm thiếc hoặc những lá sắt.

Thỉnh thoảng, người ta thấy hiện tượng ăn mòn kiểu “mụn cóc” xuất hiện ở hợp kim thiếc, đây là kiểu ăn mòn điển hình trên hợp kim thiếc. Khi loại bỏ những “mụn cóc” này, hoặc là bằng phương pháp hóa học, hoặc là bằng phương pháp cơ học, cũng sẽ để lại những đám rỗ hay lỗ sẹo trên kim loại.

9. Sắt:
Sắt kết hợp với carbon để tạo thành một trong ba loại hợp kim khác nhau: gang (4% carbon), sắt tôi (0,5%) và thép (0,1-1,3%) với độ cứng và khả năng khai thác khác nhau tùy theo từng loại. Sắt và thép dễ bị ăn mòn khi có hơi nước, hình thành một lớp gỉ màu đỏ – cam – nâu trên bề mặt kim loại. Nếu hiện vật không được bảo quản chống ăn mòn, bề mặt hiện vật sẽ có hiện tượng rỗ hoặc bị phân rã. Trước đây, bề mặt của kim loại được mạ thiếc, được sơn phủ hay mạ kẽm để tránh bị gỉ sét dẫn đến hư hỏng. Thép “xanh” (do nung ở một nhiệt độ nhất định) hay thép “nâu” là nói về tính chất hóa học, cả hai đều là những phương pháp dùng để trang trí và bảo vệ. Tuy nhiên, với mọi lớp bao phủ bề mặt này vẫn có hiện tượng ăn mòn xảy ra, vì thế với bất kỳ hiện vật nào có chứa sắt hay thép đều phải được đặt trong môi trường khô ráo.

10. Kẽm:
Kẽm thường được kết hợp với quá trình mạ kẽm, đó là sự tạo thành lớp bảo vệ bên ngoài sắt, hay là một thành phần trong hợp kim đồng/kẽm, đồng thau. Kẽm cũng có thể được coi là kim loại cơ bản trong quá trình làm bidri, một sản phẩm làm từ kim loại có tính chất trang trí ở Ấn độ có khảm bạc. Khi bị phơi bày ở ngoài không khí, lớp bề mặt của oxid kẽm trông giống như oxid chì, nhưng khi phân tích thì biết chắc chắn có kẽm bên trong.

Tóm lại, cần có ý kiến cố vấn của những chuyên viên bảo quản có kinh nghiệm và đã qua huấn luyện trước khi cố gắng làm sạch hoặc phục chế bất kỳ hiện vật nào được làm từ kim loại. Chuyên viên bảo quản có thể đánh giá tình trạng của hiện vật và đưa ra giải pháp xử lý thích hợp. Hơn nữa, quá trình bảo quản là vấn đề mới đây đã được tổ chức Kiểm soát các chất có hại cho sức khỏe (Control of Substances Hazardous to Health – COSHH) quy định bất cứ một quá trình xử lý nào cũng phải được đánh giá và thường xuyên tiến hành trong phạm vi cho phép.

Nguồn: Anh Vân dịch từ Manual of Curatorship – A Guide to museum practice, John M.A. Thompson (editor), Butterworth – Heinemann, Oxford, 1992, pp. 353-363