ĐIỂM SÁCH “LỊCH SỬ NƯỚC NAM VIỆT”:

KẺ NÀO ĐẦU TIÊN CHIẾM VIỆT NAM?

TS Nguyễn Hải Hoành

Nguyễn Hải Hoành

Phan Bội Châu viết trong sách Việt Nam quốc sử khảo: “Nước ta, mọi việc từ thời giặc Thục trở về trước không thể kê cứu rõ…”

Lĩnh Nam

Các tác giả sách “Nam Việt Quốc sử” [mà tôi đang đọc] cho rằng khi nhà Tần chiếm Lĩnh Nam (năm 214 BC) chúng cũng chiếm luôn miền bắc Việt Nam. Chương I sách này nói Lĩnh Nam bao gồm hầu hết hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, toàn bộ tỉnh Hải Nam hiện nay và Bắc bộ Việt Nam. Các khai quật khảo cổ trong vài chục năm qua cho thấy vùng này là một trong những nơi khởi nguồn nhân loại.

Lĩnh Nam 岭南 là vùng đất rộng mênh mông ở phía nam dãy Ngũ Lĩnh 五岭. Ngũ Lĩnh còn gọi Nam Lĩnh 南岭 gồm 5 dãy núi nhỏ: Việt Thành Lĩnh 越城岭, Đô Bàng Lĩnh 都庞岭, Manh Chử Lĩnh 萌渚岭, Kỵ Điền Lĩnh 骑田岭 và Đại Dữu Lĩnh 大庾岭. Trong Việt Thành Lĩnh có ngọn Miêu Nhi Sơn cao 2142 m. Ngũ Lĩnh cũng là đường phân thủy giữa hai con sông lớn là Dương Tử và Châu Giang.

Vùng Lĩnh Nam đất đai màu mỡ, nhiều sông ngòi, khí hậu ấm, ẩm, mùa đông không có băng tuyết, là nơi có môi trường sinh tồn ưu việt; vì thế từ sớm đã có người nguyên thủy ở đây. Tháng 5/1958 phát hiện thấy hóa thạch một người đàn ông trong hang núi ở Quảng Đông có lịch sử 129—135 nghìn năm (“người Mã Bá”), thuộc thời kỳ đồ đá cũ. Năm 1982 lại phát hiện thấy 5—600 di tích có các di vật thời kỳ đồ đá mới. Quảng Tây, Quảng Đông cũng trải qua một thời kỳ đồng thau (thanh đồng) kém phát triển.

“Nam Việt Quốc sử” đưa ra khái niệm “Việt tộc, Việt nhân” nhưng không có định nghĩa – bệnh rất phổ biến của các học giả TQ, chẳng hiểu là các « tộc » nào, « nhân » nào, có bao gồm người Việt Nam hay không. Sách cho rằng ở thời Thương—Chu, xã hội Trung nguyên đã tiến sang chế độ nô lệ phồn vinh, nhưng xã hội ở Lĩnh Nam còn rất lạc hậu. Tuy vậy, giữa hai vùng này đã có sự giao lưu. Thời Xuân Thu, một số người Việt tộc còn đến Trung nguyên thi thố tài năng, có người làm đến chức Tể tướng.

Cuối Xuân Thu, Việt tộc lập Việt Quốc và mấy lần tranh hùng với Ngô Quốc, khiến Trung nguyên lo ngại. Thời Chiến Quốc, hai nước Việt, Sở quan hệ mật thiết với nhau. Sở từng có chiến tranh với các dân tộc Bách Việt. Giữa thế kỷ IV BC, vua Việt là Vô Cương đánh Sở. Ai ngờ Việt đại bại, Vô Cương bị giết. Sau đó Việt tộc ở Lĩnh Nam chia làm các nhánh Đông Âu, Mân Việt.

Năm 221 BC, Tần Thủy Hoàng hoàn tất việc chiếm 6 nước xung quanh rồi tiếp tục sự nghiệp “thống nhất” TQ: chuẩn bị đánh “Bắc Hồ” (rợ Hung Nô) và “Nam Việt” (Việt tộc), cho rằng hai vùng này đang đe dọa Trung Nguyên.

Ngay từ thời Tam Đại (Hạ—Thương—Chu), ở TQ dần dần hình thành quan niệm lấy Trung Nguyên làm trung tâm, tìm kiếm sự thống nhất về chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Trung Nguyên với các vùng xung quanh.

Đây chính là tư tưởng “Đại Nhất Thống” của người Hoa Hạ thời xưa và của người TQ thời nay, chỉ muốn bành trướng, thâu tóm các vùng đất xung quanh để trở thành một đại quốc.

Tần Thủy Hoàng vốn đề cao tư tưởng Pháp gia, lại càng hăng hái muốn thâu tóm Lĩnh Nam – nhiệm vụ này trở thành hiện thực sau khi nhà Tần chiếm 6 nước Trung Nguyên, trở thành một đế quốc hùng mạnh, đủ lực lượng quân đội để vượt dãy Ngũ Lĩnh. Trong 3 năm 220—218 BC, Tần Thủy Hoàng đi kinh lý đế quốc của mình ba lần, ra lệnh phá rừng đắp đường chuẩn bị tiến đánh Lĩnh Nam.

“Sử ký” và “Hán thư” đều có ghi chép rõ ràng là năm 214 BC, nhà Tần hoàn tất cuộc chiến tranh xâm lược Lĩnh Nam, nhưng thời điểm bắt đầu cuộc chiến này là năm nào, thì cho tới nay giới sử gia TQ vẫn còn tranh cãi. Tác giả “Nam Việt Quốc sử” [trang 24] cho rằng quan điểm của sử gia Việt Nam Đào Duy Anh nói cuộc chiến này bắt đầu năm 218 BC là hợp lý hơn cả.

Xâm lược

Với suy nghĩ cho rằng “Bắc Hồ” (rợ Hung Nô) và “Nam Việt” (các tộc Bách Việt) là những thế lực đe dọa Trung Nguyên, Tần Thủy Hoàng đã chuẩn bị một lực lượng quân đội hùng mạnh sẵn sàng tấn công kẻ địch. Năm 218 BC, vua Tần sai chủ tướng Đồ Tuy [tu sui] và phó tướng Triệu Đà dẫn quân chia 5 lộ tiến đánh Lĩnh Nam. Sách “Hoài Nam Tử—Nhân gian huấn” viết số lượng quân Tần tham gia chiến dịch vào khoảng 50 vạn người. Gần đây một số sử gia nghi ngờ con số này, theo họ, thực tế nhà Tần chỉ huy động được 8—10 vạn quân mà thôi.

Các mũi tiến công nhằm vào người Việt ở Quảng Tây, Quảng Đông, Phiên Ngung, Giang Tây. Mấy lộ quân phía đông (đánh người Mân Việt ở Giang Tây, người Việt ở Quảng Đông và Phiên Ngung) đều tương đối thuận lợi.

Riêng lộ quân do Đồ Tuy cầm đầu đánh Quảng Tây do phạm sai lầm tàn sát dân nên người Việt chạy vào rừng tổ chức thường xuyên phục kích và chặn đường tiếp tế lương thực, khiến quân Tần mệt mỏi, thương vong hàng chục vạn. Đồ Tuy bị giết. Lộ quân do Triệu Đà cầm đầu phải ngừng tấn công, chỉ đóng giữ các địa điểm đã chiếm được. Cuộc chiến giằng co trong 3 năm.

Năm 217 BC, Tần Thủy Hoàng ra lệnh cho Sử Lộc thực thi biện pháp “Dĩ tốt tạc cừ” tức dùng sức lao động của quân lính đào kênh để nối các con sông với nhau nhằm chuyên chở lương thực ra mặt trận.


Hình 1: Kênh đào "Linh cừ" (vạch nối màu đỏ) nối 2 con sông Tương giang và Li giang lại với nhau.

Tổng cộng đã đào được 34 km kênh (gọi là “Linh cừ”) nối hai sông Tương và Li với nhau, thuyền lương từ lưu vực Trường Giang có thể đi tới Lĩnh Nam. “Linh cừ” là một sáng tạo KHKT quan trọng của người TQ, về sau được nhiều nơi áp dụng, có tác dụng lớn phát triển giao thông vận tải, nông nghiệp, kinh tế, xã hội.

Năm 214 BC, Tần Thủy Hoàng ra lệnh Nhâm Hiêu [Ren xiao] và Triệu Đà phát động cuộc tấn công mới vào lực lượng người Tây Âu. Quân Tần thế như chẻ tre, nhanh chóng đánh bại sự phản kháng của người Việt, hạ sát thủ lĩnh Tây Âu Quân Dịch Dụ Tống [Yi yusong], chiếm được vùng Tây Âu (nay là Quảng Tây). Tác giả “Nam Việt Quốc sử” cho rằng sau đó Nhâm Hiêu—Triệu Đà dẫn quân đánh xuống phía nam, đánh bại người Lạc Việt, chiếm Bắc và Trung bộ Việt Nam, “thống nhất” vùng Lĩnh Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 4—5 năm.


Hình 2: 5 mũi tiến quân của nhà Tần và vị trí 3 quận: lá cờ dưới cùng bên trái là quận Tượng; lá cờ bên trái trên đó là quận Quế Lâm; lá cờ bên phải là quận Nam Hải.

Sách “Nam Việt Quốc sử” nhận định sở dĩ nhà Tần có thể kết thúc sự nghiệp “thống nhất” [thực chất là xâm lược] Lĩnh Nam ngay trong năm 214 BC là do hai nguyên nhân:

  1. Áp dụng biện pháp “Dĩ tốt tạc cừ”, đào kênh giải quyết được vấn đề tiếp tế;
  2. Áp dụng chiến thuật đánh chắc tiến chắc, đánh chiếm được nơi nào rồi lập tức di dân Trung Nguyên đến định cư ở nơi đó, biến vùng này thành lãnh thổ của TQ. Thời ấy, tầng lớp thương nhân có địa vị thấp kém nhất trong xã hội, triều đình chỉ muốn đuổi đi. Vì thế họ (cùng các tù nhân hoặc quan lại bị cách chức) được “ưu tiên” tống khứ đến ở những vùng đất quân Tần mới chiếm được.

Cũng năm đó, nhà Tần chia Lĩnh Nam làm ba quận: quận Quế Lâm, quận Nam Hải và quận Tượng.

Vương triều Tần tồn tại đến năm 207 BC, chỉ có 7—8 năm khai phá vùng Lĩnh Nam; tuy thời gian rất ngắn nhưng nhà Tần đã tổ chức khai phá và kinh doanh vùng này khá thành công — “Nam Việt Quốc sử” nhận định.

Cai trị

Cho dù chỉ cai trị vùng Lĩnh Nam trong một thời gian ngắn 214—207 BC nhưng Nhà Tần đã làm được khá nhiều việc. Đầu tiên đã chia Lĩnh Nam làm ba quận: quận Quế Lâm, quận Nam Hải và quận Tượng:

  • Quận Quế Lâm gồm các huyện Bố Sơn, Tứ Hội.
  • Quận Nam Hải chiếm phần lớn tỉnh Quảng Đông hiện nay, gồm các huyện: Phiên Ngu [Quảng Châu hiện nay], Long Xuyên, Bác La, Kiết Dương. Triệu Đà làm Long Xuyên Lệnh [quan huyện Long Xuyên].
  • Quận Tượng: giới sử học TQ còn tranh cãi về cương vực quận này, đa số cho rằng quận Tượng tương đương Bắc bộ và Trung bộ Việt Nam [?]. Quận Tượng gồm các huyện: – Huyện Lâm Trần, là trung tâm chính trị của quận, nhưng “Nam Việt Quốc sử” chưa cho biết vị trí của huyện này. – Huyện Tượng Lâm: tác giả có trích dẫn mấy câu trong sách “Thủy Kinh Chú” ví dụ: “quốc Việt Thường chi cương nam”, “Tượng Lâm cố thành tại Chiêm Thành tây bắc” nhưng rốt cuộc lại không có thuyết minh gì về cương vực của nước Việt Thường và Chiêm Thành. Vì thế nói quận Tượng là Bắc bộ và Trung bộ Việt Nam là chưa đủ thuyết phục, quá thiếu nguồn tư liệu.

Tại Quận Nam Hải không đặt chức Quận Thú mà đặt chức Quận Úy độc quyền phụ trách cả chính quyền và quân đội, nhằm tăng cường sự phòng bị về quân sự; lý do: cảnh giác với dân Việt ở vùng này, trước đây họ từng hăng hái chống lại sự xâm lăng của quân Tần.

Tần Thủy Hoàng đã cho làm 4 tuyến đường đi Lĩnh Nam, gọi là “Thông Việt Tân đạo”, trong đó có tuyến đi từ Hồ Nam qua Quế Lâm đến Quận Tượng [tức Việt Nam?] [tr. 46].

Nhà Tần còn xây dựng một số đồn biên phòng ở các địa điểm hiểm yếu hoặc quan trọng về giao thông [gọi là Quan phòng] thuộc Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, nhằm tăng cường sự cai trị Lĩnh Nam.

Nhà Tần còn đẩy mạnh thực thi chính sách di dân tới các vùng mới chiếm được. Tổng cộng đã có 4 đợt di dân lớn tới Lĩnh Nam:

  1. Đợt 1 vào năm 214 BC, đưa dân di cư đến các quận Quế Lâm, Nam Hải, quận Tượng [Việt Nam?], thực hành chế độ di dân đi cùng quân đội, chiếm được nơi nào là cho dân đến ở để chiếm đất. Trong đó dân buôn bán [thương cổ] được chú ý đưa đi di cư để khai thác vùng mới chiếm.
  2. Đợt 2 vào năm 213 BC chủ yếu đưa các quan lại bị cách chức (do phạm tội) đi xây dựng các đồn biên phòng ở Lĩnh Nam.
  3. Đợt di dân thứ ba vào năm 212 BC.
  4. Đợt di dân thứ tư là theo yêu cầu trong bản tấu của Triệu Đà : xin triều đình đưa đến Lĩnh Nam 3 vạn đàn bà góa chồng « để vá quần áo cho binh lính ». Rốt cuộc triều đình đưa được 15 nghìn bà góa đến vùng này. Chủ trương di dân nói trên đã đẩy mạnh sự « hòa nhập » người Hán với người Bách Việt.

Tác giả sách “Nam Việt Quốc sử” nhận định việc nhà Tần « bình định » Lĩnh Nam làm cho vùng này quy thuộc chính quyền trung ương ở Trung Nguyên đã có những tác dụng tiến bộ lịch sử quan trọng :

  • Thúc đẩy phát triển kinh tế — xã hội Lĩnh Nam : vùng này vốn có trình độ sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp lạc hậu nay được tiếp nhận những người Hán di cư có kỹ năng sản xuất cao hơn và mang theo công cụ sản xuất tiên tiến hơn, nhờ thế trình độ sản xuất được nâng cao. Ngoài ra lại có thêm nhiều người buôn bán từ Trung Nguyên di cư tới đây làm cho sản phẩm được lưu thông tốt hơn. Những quan lại phạm tội bị đày tới Lĩnh Nam cũng là người có tri thức và do đó có đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội vùng đất mới với họ.
  • Thúc đẩy sự hòa nhập các tộc dân Hán—Việt với nhau : hầu hết binh lính đồn trú tại Lĩnh Nam đều chưa vợ, tại đây họ lập gia đình với phụ nữ người Việt ở địa phương hoặc với số đàn bà góa triều đình gửi tới đây. Đa số nam giới (phần nhiều là tội phạm) di cư từ Trung Nguyên đến Lĩnh Nam cũng lấy vợ người bản xứ.
  • Việc làm hệ thống đường xá « Thông Việt tân đạo » đã giúp chính quyền trung ương ở Trung Nguyên có điều kiện giao lưu với các nước ở bên ngoài biên giới.

Tác giả “Nam Việt Quốc sử” cho rằng cuộc chiến tranh bình định Lĩnh Nam do Tần Thủy Hoàng gây ra tuy đem lại nhiều tai họa và đau thương cho dân chúng vùng này nhưng xét theo quan điểm duy vật lịch sử thì đây là một cuộc chiến tranh tiến bộ, có lợi cho sự phát triển nhân loại, cho sự phá bỏ các chế độ phản động của chính quyền địa phương.

Nguyễn Hải Hoành
(Còn nữa)