Trang nhà > Con người > Hồi tưởng > TỔ CHỨC CUỘC CHƠI
TRÍCH "BÁT PHỐ":
TỔ CHỨC CUỘC CHƠI
Thứ Năm 26, Tháng Chín 2019, bởi
“Có thể mua được cuộc chơi
Không ai mua được cách chơi của người”
Cách tổ chức cưới xin, lễ nghi, hội họp bạn bè của Bát Phố và Nguyễn Huy Thiệp khác hẳn nhau. Những buổi lễ nghi, cưới xin, ra mắt sách, Thiệp làm rất đúng quy trình. Trong buổi lễ ăn hỏi con Thiệp, Thiệp rất chỉn chu giới thiệu mình là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, sau đó mới vào đề. Bát Phố nghĩ Thiệp nhiêu khê quá, đám cưới cần gì phải giới thiệu mình là nhà văn – tác giả “Tướng về Hưu”. Cũng như nhiều người nổi tiếng đi hát karaoke đã tự giới thiệu mình là nhà văn có hạng. Các tiếp viên karaoke chỉ cần nhanh và nhiều tiền bo:
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người hôm trước cho nhiều tiền bo”
Đám cưới cậu con trai thứ hai của Thiệp, sân khấu đặt tượng bán thân của Bác Hồ, trên căng khẩu hiệu “Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm”. Một số nhiếp ảnh gia đã ghi lại được hình ảnh này, coi là tư liệu quý.
Đám cưới có đầy đủ kẻ sĩ Bắc Hà, những nhân vật tai to mặt lớn. Lễ cưới diễn ra rất trang trọng, hoành tráng, cũng giống như buổi ra mắt tập thơ của nhà thơ, kiêm nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, đại biểu quốc hội Vũ Quần Phương giới thiệu khách dự:
- Thượng tướng quân đội nhân dân Việt Nam.
- Gia đình họ hàng Ngô Bảo Châu.
Bát Phố thiết nghĩ, những nhân vật này chẳng liên quan gì đến việc ra mắt tập thơ cả. Nếu cứ cái đà giới thiệu này, có lẽ Vũ Quần Phương phải giới thiệu đến đêm chưa chắc đã xong. May có người nhắc khéo, Phương mới dừng lại, chứ không Phương giới thiệu đến cả cái cột cái kèo trong phòng họp cũng nên.
Có lẽ vì quý Bát Phố nên Vũ Quần Phương yêu cầu Bát Phố đọc thơ, nhưng rồi nhà chính trị Phương nghĩ lại, sợ những câu thơ bụi bặm đường phố ảnh hưởng đến nghi trượng của vị đại biểu quốc hội nên Phương lại thôi.
Còn cách tổ chức cuộc chơi của Bát Phố theo kiểu đường phố, hội làng, ai vào thì vào, ai ra thì ra, tuỳ nghi di tản. Tất cả mọi người đều bình đẳng như một đám đông đường phố. Ai ra sao thì tự toả sáng. Trong cuộc vui mọi người đều bình đẳng, giới thiệu chức vụ quá cao của người này làm người khác mất vui:
“Tôn vinh một người quá cao
Là ta hạ nhục biết bao nhiêu người”
Chính tư duy kiểu Bát Phố nên trong buổi ra mắt sách “Bát Phố” đã bị thiếu tướng Phạm Chuyên – giám đốc sở công an Hà Nội phê phán gay gắt:
- Nếu cứ tiếp tục tổ chức theo kiểu này thì Phạm Chuyên sẽ không đến nữa, mặc dầu Phạm Chuyên rất quý tập tản văn “Bát Phố”.
Những cuộc chơi sau, Bát Phố không mời, Phạm Chuyên cũng không đến. Không có gì hợp mãi mà không tan:
“Không tưới cho hoa nilon
Không tâm sự với người không hợp mình”
Sau khi đọc sách “Bát Phố”, Phú Quang nổi hứng tổ chức đêm nhạc với chủ đề: “Nhạc Phú Quang – Hồn bát phố” tại số 30, ngõ 167 Trương Định, Hà Nội. Đêm nhạc diễn ra một cách tự nhiên như các buổi diễn nhạc đường phố ở châu Âu. Thiệp cho rằng, Bát Phố phải bỏ ra tiền tỉ mới thuê được Phú Quang tổ chức đêm diễn hoành tráng, đủ cả các ngôi sao như vậy. Có người bảo với vợ Bát Phố: “Sách bán được bao nhiêu tiền mà chơi ngông thế”. Làm đĩ không đủ tiền son phấn, nhưng thực ra Phú Quang tổ chức vì đồng cảm với Bát Phố thôi.
Phú Quang ngoài tài nhạc còn ăn nói rất hóm. Một lần toạ thực tại salon Bảo Khánh, số 3 Đỗ Hành, một số anh em biên tập báo Công An Nhân Dân hỏi về nhạc Hữu Ước, Phú Quang nói:
- Nhạc Hữu Ước hơn nhạc Vũ Mão.
Trong buổi họp với ngành y Việt Nam, Phú Quang phát biểu:
- Ngành y Việt Nam quá kém cỏi về chuyên môn lẫn y đức.
Cả phòng họp nhớn nhác, Phú Quang tiếp: “Nhưng ngành nhạc của chúng tôi so với ngành y còn kém xa”.
Đêm nhạc Phú Quang diễn ra tự nhiên như nhiên, đầy ngẫu hứng, làm say đắm cả người trình diễn lẫn người nghe.
Kiểu chơi dân gian này hoàn toàn phù hợp với giáo sư, tiến sĩ Hồ Ngọc Đại. Hồ Ngọc Đại ra điều kiện với Bát Phố: “Khi đến dự không được giới thiệu!”. Đúng như tinh thần Bát Phố, mọi người gặp nhau trong cuộc chơi như tao ngộ trên đường phố, chẳng cần ai giới thiệu ai. Điều này không giống với cách chơi có đẳng cấp của Thiệp nên Thiệp chỉ đến dự cho có mặt rồi về ngay.
(TRÍCH BÁT PHỐ)