Công nghệ Giáo dục

Anh Đại ơi, anh cực đoan vừa thôi chứ! (Kỳ 2)

P/v của Phan Đăng

—Nhà báo Phan Đăng: Đến tận lúc này, chưa bao giờ chương trình "thực nghiệm" của Giáo sư trở thành "đại trà" cả. Cho nên tôi nghĩ cũng bình thường thôi, nếu người ta thắc mắc: thực nghiệm gì mà thực nghiệm đến cả mấy chục năm? Giáo sư nghĩ sao?

— GS Hồ Ngọc Đại: Có một cột mốc diễn ra vào năm 1985, khi chúng ta chứng kiến tới 650 000 học sinh lớp 1 lưu ban. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình hỏi tôi: Có cách gì cứu vãn không? Tôi bảo là tôi làm được, với công nghệ giáo dục ở trường thực nghiệm của mình. Thế là chị Bình cho mở 2 hội nghị với các giám đốc sở giáo dục ở miền Bắc và miền Nam, và sau đó chương trình thực nghiệm được áp dụng ở nhiều tỉnh trên cả nước. Đến năm 1990, tức là 5 năm sau thì ngành giáo dục đã tổ chức một hội đồng nghiệm thu đàng hoàng, gồm 13 người. Kết quả là 12 người cho phiếu tốt, 1 người cho phiếu khá. Hồi đó tôi tưởng là sẽ được triển khai chính thức thành chương trình đại trà đến nơi rồi, nhưng thực tế sau đó vẫn chỉ gọi là thực nghiệm, trường nào muốn theo thì theo.

Đến năm 2000 thì lại có một cột mốc mới, đó là ngành giáo dục có chủ trương cả nước chỉ dùng 1 bộ sách — 1 chương trình. Tất cả các trường thực nghiệm dẹp hết, chỉ còn duy nhất trường thực nghiệm ở Hà Nội. Tuy nhiên đến năm 2006, tình trạng học sinh lưu ban lại gia tăng. Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời tôi đến nói chuyện. Một lần nữa tôi bảo, nếu dạy theo công nghệ giáo dục như của trường thực nghiệm thì mọi thứ sẽ được cải thiện, và tôi đề nghị áp dụng cách dạy này ở 3 khu vực hẻo lánh nhất nước là Tây Bắc — Tây Nguyên — Tây Nam Bộ. Sau đó, đến thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nghe nói là các tỉnh miền núi học theo công nghệ giáo dục mà học sinh không bị tái mù chữ, ông đã tự bỏ tiền túi đi "vi hành" ở 5 trường ở Lào Cai. Và ông nhận ra 5 trường này tốt quá. Ông về gặp tôi và hỏi: vậy có thể mở rộng được không? Tôi bảo được, vì tôi có công nghệ mà. Có công nghệ thì mở rộng được ngay. Và thế là sách công nghệ giáo dục lại được mở rộng trở lại. Nhờ thế đến năm nay có tới 931.000 học sinh lớp 1 của 50 tỉnh thành toàn quốc học theo sách công nghệ giáo dục của tôi. Có những tỉnh thành 100% học sinh học sách của tôi.

— Hằng năm người ta in sách của giáo sư để dạy cho 931.000 học sinh, vậy thì xin hỏi thật: tiền tác quyền cho việc in sách mà giáo sư thu về là rất lớn, phải không ạ?

— Không! Về mặt bản quyền, tôi đã nói với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từ trước là tôi cho không, không cần tiền nong gì cả. Chỉ có điều là sách đó vẫn giữ tên tôi. Tôi cho không, nhưng vẫn giữ tên tôi trên sách.

— Đã đành về mặt nguyên tắc là như thế, nhưng tôi nói điều này mong giáo sư không giận: trên thực tế, nếu bảo giáo sư không nhận được một tí ti nào từ việc in sách mỗi năm thì tôi không tin. Mà nhiều người chắc cũng không tin.

— Tôi có nhận được tiền từ những việc dành cho sửa sách này nọ, nhưng đó không phải tiền bản quyền, vì tôi nói rồi, bản quyền tôi đã cho không rồi.

— Vẫn cứ chung chung ạ. Nếu có thể, xin giáo sư tiết lộ khoản tiền thực tế mà giáo sư vẫn nhận được hằng năm là khoảng bao nhiêu không?

— Khoảng vài chục triệu đồng/năm. Chẳng to tát gì đâu.

— Rất xin lỗi giáo sư khi buộc phải hỏi những câu tế nhị như vừa rồi. Vì chúng ta đều biết việc in ấn/phát hành sách giáo khoa có thể đem đến những lợi nhuận khổng lồ.

— Năm ngoái, người ta "đánh" tôi có lẽ cũng vì thế đấy. Có thể người ta nghĩ tôi chiếm thị phần lớn quá. Anh cứ tưởng tượng có khoảng hơn 1,2 triệu học sinh toàn quốc, thế mà 931.000 học sinh học sách của tôi, thế thì phần còn lại, học sách của họ được bao nhiêu?

— Vâng! Hồi đó trên mạng xã hội có cả một làn sóng khủng khiếp chỉ trích cách dạy tiếng Việt của giáo sư. Tôi cũng thắc mắc là chuyện dạy học này diễn ra từ vài chục năm rồi, nhưng tại sao bỗng nhiên bây giờ, trong bối cảnh chúng ta chuẩn bị thẩm định các bộ sách để chốt 1 bộ sách duy nhất thì nó lại được ai đó tung lên mạng. Người dân thì không hiểu cách dạy này vì thấy lạ quá, mà cứ thấy lạ là nhiều người lao vào phê phán theo kiểu bầy đàn thôi.

— Hồi đó có người bảo tôi là mọi người nói thế mà ông Đại vẫn bình tĩnh thì quá lạ. Tôi bảo là chẳng có gì là lạ cả. Chuyện bình thường. Và tôi giữ một cái lý thế này: những người từng học sách của tôi họ sẽ tự biết nó tốt hay không tốt. Đấy là điều quan trọng nhất. Còn với những người chỉ trích tôi, tôi nghĩ người ta cũng có tư cách để người ta nói chứ. Vì họ cũng như tôi thôi, tôi được nói, thì họ cũng được nói. Tôi nói thế này thì họ cũng được nói thế khác chứ.

— Mới đây nhất thì bộ sách công nghệ giáo dục của giáo sư đã bị 15/15 thành viên của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đánh giá là "không đạt". Điều ấy có nghĩa khi 1 bộ sách giáo khoa thống nhất và duy nhất được triển khai vào năm tới thì sách của giáo sư sẽ bị loại bỏ khỏi nền giáo dục này. Tâm trạng của giáo sư thế nào?

— Tôi không bất ngờ gì cả. Vì tôi đoán trước là họ sẽ đánh trượt nó. Nhưng trả lời anh, tôi nói thật, cả 15/15 thành viên của hội đồng thẩm định, không ai đủ tử cách khoa học để thẩm định sách của tôi. 931.000 học sinh toàn quốc học sách của tôi, tiếng nói thực tế của họ có trọng lượng hơn hay 15 thành viên hội đồng trọng lượng hơn?

Sau câu hỏi này thì cuộc đối thoại của chúng tôi kết thúc. Giáo sư Hồ Ngọc Đại tặng tôi quyển sách mới của ông với tên gọi: "Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục". Quyển sách nhỏ, khổ 11x18, dày gần 200 trang, trình bày rất rõ những quan điểm giáo dục của ông. Tôi về đọc ngấu nghiến trong một buổi chiều. Và đây là vài câu ở trang 191 tôi muốn chép lại để mọi người cùng suy nghĩ: "Môn Tiếng Việt cổ truyền thường chịu một hậu quả truyền kiếp: Cuộc cải cách giáo dục 1985 có 650 000 học sinh lớp Một lưu ban. Ngày nay học sinh lớp 12 còn viết sai câu, tốt nghiệp đại học viết đơn xin việc sai ngữ pháp. Để chữa thẹn, thầy phao tin đồn: Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam!".

PHAN ĐĂNG (thực hiện)
Nguồn: ANTGCT