Trang nhà > Con người > Hồi tưởng > NGƯỜI KHÔNG BAO GIỜ NGHĨ TỚI CHUYỆN KỂ CÔNG GHI DANH
Những kỷ niệm về thầy cô
NGƯỜI KHÔNG BAO GIỜ NGHĨ TỚI CHUYỆN KỂ CÔNG GHI DANH
GS NGND Hoàng Như Mai
Thứ Sáu 25, Tháng Mười 2019, bởi
Cụ Nguyễn Hữu Tảo (1900-1966) thuộc vào hàng các giáo sư bậc thầy của tôi. Thời đi học, tôi không được học cụ vì cụ dạy ở Hải Phòng mà tôi thì học ở Hà Nội.
Tôi được ở gần bên cụ từ năm 1951, tại Khu học xá Trung ương, một khu trường của nước ta đặt nhờ ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) mấy năm, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cụ được Bộ Giáo dục (lúc ấy gọi là Bộ Quốc gia giáo dục) điều động sang dạy môn giáo dục học ở các trường sư phạm của Khu Học xá. Có hai giáo sư dạy giáo dục học, một vị nữa là bà Lê Thị Nhu, cũng là một nhà giáo mẫu mực.
Tôi được cử làm Hiệu trưởng trường Sư phạm Việt Bắc (vì khi ở trong nước trường này đặt ở Thái Nguyên, khi sang Khu Học xá trung ương thời gian đầu trường vẫn giữ tên ấy, sau mới mở rộng thêm và đổi tên là trường Sư phạm sơ cấp), và về sau tôi được cử làm Hiệu trưởng trường Sư phạm trung cấp Khoa học xã hội (gọi tắt là Trung cấp xã hội), cho nên tôi có nhiều quan hệ công tác với cụ Nguyễn Hữu Tảo. Vả lại cụ ở cùng với tôi trong một khu nhà dành cho các giáo viên có gia đình, vì thế hàng ngày tôi có dịp tiếp xúc với cụ.
Tôi hồi ấy mới ngoài 30 tuổi. Cụ Nguyễn Hữu Tảo hơn tôi khoảng hai chục tuổi. Tôi thường thưa với cụ bằng từ cụ, và nhiều hơn, bằng từ thân mật : Bác. Cụ cũng gọi tôi bằng từ Bác, đáng lẽ tôi chỉ nên được cụ gọi bằng Anh thôi, vì tôi còn trẻ ; cũng không phải tôi vì là hiệu trưởng mà cụ xưng hô trân trọng. Với những người còn kém tôi mấy tuổi như giáo sư Ngô Thúc Lanh, giáo sư Nguyễn Dược, giáo sư Lê Bá Thảo, giáo sư Đinh Gia Khánh, cụ cũng dùng từ Bác. Tôi muốn nói vậy là muốn nói cụ rất khiêm cung, tôn trọng mọi người.
Ngoài 50 tuổi, cụ khỏe mạnh, có thể nói còn bền bỉ hơn tôi vì cụ sinh hoạt rất điều độ, sáng nào cụ cũng dậy sớm tập thể dục. Có khi vì tối hôm trước có cuộc họp hơi khuya nên sáng tôi dậy muộn, còn đang mơ mơ nửa thức nửa ngủ, uể oải chưa muốn ra khỏi giường thì đã nghe thấy tiếng chân chạy huỳnh huỵch ngoài sân và tiếng hô : I, ơ, xan, xư (một, hai, ba, bốn ; tiếng Trung Quốc) ; tôi biết là cụ Tảo đang tập thể dục và thấy ngượng vội vàng chạy ra tập. Chính cụ Tảo là huấn luyện viên của chúng tôi, người cổ vũ chúng tôi siêng năng tập thể dục.
Cùng trạc tuổi cụ Nguyễn Hữu Tảo có cụ Trần Văn Khang thầy dạy tôi khi tôi học ở trường Bưởi. Cụ Khang về sinh hoạt có thể là đối cực với cụ Tảo. Cụ Khang chế nhạo sự điều độ. Cụ ngồi suốt ngày và đến khuya trước bàn làm việc. Cụ Khang to béo và không tập thể dục gì cả. Cụ ưa khôi hài, thường đùa trêu cụ Tảo, cụ đứng ngắm cụ Tảo tập thể dục và nói : « Cụ còn đẻ con nhiều ! ». Trước những câu trêu cợt rất nhiều của cụ Khang, cụ Tảo chỉ cười và tiếp tục tập rất nghiêm túc. Tính cụ Tảo như vậy, cụ mô phạm trong tất cả các công việc làm, làm gì cũng giữ đúng chương trình kế hoạch đã đặt, không bao giờ sai sót.
Cụ Tảo khuyên chúng tôi học chữ và tiếng Trung Quốc để thuận tiện giao thiệp với người Trung Quốc và đọc sách báo Trung Quốc. Cụ vui lòng làm thầy giáo dạy chúng tôi mỗi buổi chiều sau bữa cơm. Mới học thấy khó, nhất là viết chữ. Trong số chúng tôi cũng có người nản chí, nhưng cụ Tảo rất chuyên cần, cứ đúng giờ quy định là cụ đã có mặt, cho nên bọn chúng tôi không ai dám bê trễ cả.
Anh Ngô Thúc Lanh (GS.NGND) hồi ấy có con nhỏ, phải bế con đến học, vừa dỗ con vừa học. Cụ Tảo bảo : « Bác đưa tôi bế cháu cho ». Cụ vừa bế cháu, dỗ cháu, vừa dạy chúng tôi. Anh Ngô Thúc Lanh đã có câu nói chân tình mà tôi nhớ mãi cho đến nay : « Bác Tảo dạy bố, nuôi con, công ơn thật lớn ».
Cụ Tảo vốn giỏi chữ Hán nhưng tiếng phổ thông Trung Quốc thì cụ cũng mới học, nghĩa là cụ học trước và dạy chúng tôi sau ; cụ có vốn cũ lại siêng năng và vận dụng đúng phương pháp sư phạm « Học phải thực hành » nên chỉ trong một thời gian ngắn cụ đã thạo tiếng phổ thông (Trung Quốc). Cụ bắt tay vào dịch sách giáo dục học để dạy giáo sinh và sách lý luận văn học giúp những thầy dạy văn nghiên cứu sử dụng. Cuốn sách Giáo dục học của nhà giáo dục học nổi tiếng Liên Xô (cũ) là Kairốp, chính cụ là người dịch đầu tiên ; sau này in ra nhiều lần thành cuốn sách nền tảng về giáo dục đầu tiên dùng trong các trường Sư phạm. (Cụ dịch cuốn sách ấy qua bản dịch của Trung Quốc). Chúng tôi hồi ấy thường nói vui, gọi cụ Tảo là Kairốp. Đúng vậy, cụ Tảo xứng đáng là người đặt viên gạch đầu tiên cho nền giáo dục học mới của Việt Nam.
Cuốn lý luận văn học đầu tiên là cuốn sách của tác giả Liên Xô Abramovich do cụ Tảo dịch. Có những tên riêng của các nhà văn phương Tây mà sách dịch sang tiếng Trung Quốc chỉ phiên âm mà không ghi nguyên tên tác giả, cụ Tảo sợ dịch sai nên thận trọng bàn với chúng tôi. Cụ kiên trì đọc đi đọc lại nhiều lần cái tên phiên âm ra tiếng Trung Quốc cho chúng tôi nghe, và suy nghĩ xem là tác giả nào. Có cái tên phải suy nghĩ đoán định mấy ngày. Thí dụ có lần gặp cái tên phiên âm là Si-a-tô-pô-li-ăng. Hết ngày nọ sang ngày kia, cụ cứ đọc, chúng tôi cứ phán đoán. Mãi mới nghĩ ra, thì ra là Chateaubriand. Lại có lần gặp cái tên có người bảo là Hugo, nhưng có người phản bác : Victor Hugo làm gì có tác phẩm ấy (dịch ra tiếng Trung Quốc là Tử Hồn Linh). Tranh luận mãi sau mới vỡ lẽ ra là : Gogol. Suýt nữa thì Gogol lại thành Hugo và cứ thế mà in vào sách cho giáo sinh học thì là râu ông nọ cắm cầm bà kia.
Tôi kể lại vài mẩu chuyện như vậy để minh chứng cách làm việc rất cẩn thận của cụ Tảo.
Tôi cũng cần nói thêm, nhân danh một chứng nhân : mấy cuốn sách này chính cụ Tảo là dịch giả đầu tiên, nhưng cụ từ chối ghi tên là dịch giả, cho nên sách in lần đầu chỉ ghi là Khu Học xá Trung ương xuất bản.
Cụ Nguyễn Hữu Tảo là người đức độ như thế : Cụ chỉ làm mà không hề nghĩ đến chuyện kể công ghi danh. Luôn tiện tôi cũng kể thêm một chi tiết vụn vặt mà nhiều ý nghĩa : nhiều năm tôi làm việc với cụ Tảo, tôi chưa hề thấy cụ ký tên loằng ngoằng như chữ ký thông thường của mọi người ; bao giờ cụ cũng viết rõ ràng « tảo » (không viết chữ to, chữ hoa).
Hồi ấy ở Khu học xá, Ban Giám đốc rất coi trọng vai trò của thầy chủ nhiệm lớp : đó là người thầy, người cố vấn, người bạn tâm tình của học sinh. Cụ Tảo mặc dầu đã cao tuổi, cũng tự nguyện nhận làm chủ nhiệm một lớp học sinh nhỏ tuổi. Tối tối cụ ôm chăn gối xuống phòng ngủ của học sinh, cùng ngủ với cháu này cháu khác để trò chuyện khuyên bảo.
Ấy lại là một dịp để cụ Trần Văn Khang hài hước. Cụ Khang nói với cụ Tảo : « Cụ ngủ chung với học sinh là làm hại cho nó, đêm cụ ngáy to quá, bọn nó không ngủ được, sáng sau vào lớp học tôi, đứa nào cũng ngủ gật ! » Cũng như bất cứ bao giờ, cụ Tảo chỉ cười và vẫn tiếp tục đến ngủ cùng với học sinh.
Cụ Tảo lúc nào cũng ôn tồn hòa nhã với mọi người, cả với các học sinh dù lớn dù nhỏ. Bà Lê Thị Nhu mà học sinh rất quý, cũng rất mô phạm, nhưng cũng có lần bà quở trách một lớp giáo sinh lớn, nhiều người đã là thầy cô giáo nhiều năm, nay được đi học để bổ túc nâng cao trình độ : « Càng lớn càng hư ! ». Lời quở trách đúng là giọng mẹ nói với các con ; các anh chị giáo sinh ấy mấy chục năm sau vẫn nhớ và ôn lại với nhau cái lần bị cô Nhu mắng rất thân thương ấy.
Nhưng cụ Tảo thì không bao giờ có lời hơi nặng nề một chút với học sinh. Cụ chỉ có những lời khuyên, không có những lời trách mắng.
Tôi ngày càng đi sâu vào trong nghề, càng đi xa vào tuổi đời càng hiểu, càng quý cụ Tảo. □
GS Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai
Trích từ sách "Người thầy mẫu mực, Nxb Giáo dục, 1995"